logo Chuyên đề Tuyên truyền giáo dục

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN TẠI LỄ KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/2022
(10:42, 19/11/2022)

BÀI PHÁT BIỂU CỦA BỘ TRƯỞNG NGUYỄN KIM SƠN TẠI LỄ KỶ NIỆM 40 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20/11/2022

Kính thưa đồng chí Phạm Minh Chính, UV BCT, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCNVN;

Kính thưa đồng chí  Vũ Đức Đam, Uy viên BCH TWĐ, phó Thủ tướng Chính phủ

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành TW và địa phương, các quý vị đại biểu và các vị khách quý;

Kính thưa các cô giáo, thầy giáo, các cán bộ QLGD

Trước tiên, thay mặt cho ngành giáo dục, và toàn thể các nhà giáo tôi xin nhiệt liệt chào mừng đồng chí Phạm Minh Chính, ủy viên bộ chính trị Thủ tướng Chính phủ, cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước,Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành trung ương, các đồng chí lãnh đạo địa phương, các vị khách quý cùng toàn thể các nhà giáo  đã tới tham dự Lễ Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam hôm nay.

Kính thưa các vị khách quý, thưa các nhà giáo

Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn đạo nghĩa, trọng tri thức, hiếu học và giàu chí tiến thủ. Theo đó, người thầy có vị trí tôn quý. Trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. 40 năm trở lại đây, khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính thức được xác định thì tinh thần ấy càng được phát huy. Nó hun đúc thành một nét đặc sắc trong văn hóa giáo dục và đời sống của người Việt Nam.  

Xưa nay, mọi người đều thống nhất khẳng định rằng, nhà giáo là một nghề cao quý.Vậy, vì những lẽ gì mà nghề giáo lại được xem là một nghề cao quý? Trong những thứ quý giá, con người là thứ quý nhất, là hoa của trời đất, là tinh anh của vạn vật, vì vậy, nghề chăm lo phát triển con người là công việc khó và cao quý. Trong việc dạy học, dạy đạo lý, dạy làm người, rèn đạo đức nhân cách là việc quan trọng nhất. Dạy học là hoạt động tải đạo. Người đời vì trọng đạo mà tôn sư. Muốn dạy học trò nên người, nhà giáo cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, ứng xử, thái độ phải đủ làm gương mẫu cho học trò. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy mà người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực. Muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người, nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, nghề giàu tính nhân văn. Muốn dạy người, nhà giáo phải thấu hiểu con người, cảm thông chia sẻ sâu sắc với học trò, phải có lòng vị tha và bao dung hết mực cho học trò. Đó là nghề cho đi mà không màng nhận lại, như độ nhân qua những chuyến đò sang sông, vì thế mà nghề nhà giáo là nghề đẹp đẽ. Muốn dạy được học trò nhà giáo phải tích lũy kiến thức, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng. Muốn dạy một phải biết nhiều, phải đủ kiến thức và tầm nhìn để làm bậc thầy dẫn dắt chỉ lối cho học trò. Họ là bộ phận quan trọng của tầng lớp trí thức. Những giá trị của sự chuẩn mực, tính nhân văn, tình yêu thương, tri thức và sự sáng tạo, tạo nên sự  cao quý của nghề giáo.

  Nền giáo dục cách mạng của nước ta chính thức bắt đầu vào năm 1945 – thời điểm nước VNDCCH được thành lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh – người vốn được biết đến không chỉ là một vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà còn là một nhà giáo vĩ đại, một bậc thầy của nền giáo dục cách mạng Việt Nam. Với sự quan tâm sâu sắc tới giáo dục và nhận thức rõ vai trò quyết định của giáo dục đối với sự phát triển và vận mệnh của dân tộc, Người đã khẳng định: “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Không có giáo dục, không có cán bộ thì không nói gì đến kinh tế văn hóa.”  

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sau mấy chục năm xây dựng và phát triển, hiện nay, lược lượng nhà giáo có sự lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có hơn 1, 6 triệu nhà giáo đang làm việc trong cả hai khối công lập và ngoài công lập, từ mần non tới đại học, phổ thông và dạy nghề. Có hơn 900 nghìn nhà giáo nghỉ hưu vẫn có nhiều đóng góp ở các góc độ khác nhau cho giáo dục. Có gần 115.000 giáo sinh đang học tập trong các trường đại học và cao đẳng sư phạm trong cả nước, là nguồn bổ sung quan trọng cho đội ngũ nhà giáo trong tương lai. Hiện nay, đội ngũ nhà giáo có hơn 24 nghìn người có học vị tiến sỹ, hơn 43 nghìn PGS, và  550 GS. Cả nước có 82 nhà giáo được phong tặng danh hiệu nhà giáo nhân dân và gần 1700 nhà giáo được phong danh hiệu nhà giáo ưu tú.

Đội ngũ nhà giáo hiện đang đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh học tập tại tất cả các chương trình, bậc học và các loại hình giáo dục. Với tư cách là bộ phận lớn của tầng lớp trí thức, cán bộ khoa học, các nhà giáo công tác trong các trường đại học hiện đang có đóng góp quan trọng trong nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo. Trên 70% số phát minh sáng chế, giải pháp hữu ích, công bố khoa học quốc tế được thực hiện bởi các nhà giáo - nhà khoa học.

Đội ngũ  đông đảo các nhà giáo đang tích cực tham gia vào các tổ chức chính trị xã hội, từ Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp, mặt trận tổ quốc Việt Nam, các hội và liên hiệp hội, các tổ chức xã hội, họ là lực lượng có chuyên môn, hiểu biết và có trách nhiệm trong các hoạt động của đất nước.

 Đất nước sau hơn 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng, cơ đồ đất nước to lớn vững bền chưa từng có. Để đạt được những thành tựu đó, ngành giáo dục  và các nhà giáo có đóng góp quan trọng trong.

 Sau hơn 10 năm thực hiện mục tiêu quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, mức phổ cập đã đạt 99,9%; cấp tiểu học 63/63 tỉnh thành đều đạt chất lượng phổ cập mức độ 2, trong đó 26 địa phương đạt mức độ 3. 63/63 tỉnh thành đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS cấp độ 1, một số địa phương đạt mức độ 2 và 3. Hơn 60% trường mầm non và trường phổ thông đạt chuẩn Quốc gia. Uy tín và chất lượng giáo dục nước ta không ngừng được cải thiện và được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Theo Bảng xếp hạng các quốc gia có nền giáo dục tốt nhất năm 2021, giáo dục Việt Nam đứng thứ 59 trên thế giới ( USNEWS). Việt Nam hiện được xếp vào tốp 10 hệ thống giáo dục đổi mới mạnh mẽ hàng đầu của thế giới, theo báo cáo “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương” năm 2018 của Ngân hàng Thế giới. Trong các Chương trình đánh giá học sinh quốc tế, lứa tuổi 15 (PISA), học sinh nước ta đều đạt kết quả ấn tượng, vượt qua mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Học sinh Việt Nam tham dự các  kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế đều đoạt giải cao với nhiều huy chương, đặc biệt, đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic Toán học và khoa học quốc tế đều nằm ở tốp đầu. Hiện nay, Việt Nam đã có nhiều trường đại học nằm trong Top 500 các trường đại học tốt nhất châu Á và trong nhóm 1000 thế giới, theo các bảng xếp hạng có uy tín trên thế giới.Thành tựu về giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.   

 Lực lượng nhà giáo hiện nay đông đảo về số lượng, và nhìn về tổng thể, toàn bộ lực lượng nhà giáo luôn giữ gìn và phát huy phẩm chất của nhà giáo, đó là tinh thần sáng tạo không ngừng, tiên phong trong việc phát triển tri thức, đổi mới sáng tạo, vững vàng về tư tưởng, mẫu mực về đạo đức, nhân cách, đi đầu trong việc thực hiện trách nhiệm xã hội, hết lòng vì học sinh thân yêu. Giai đoạn dịch bệnh Covid-19 suốt hơn 2 năm qua đặt ngành giáo dục trước thách thức lớn, nhưng chính trong khó khăn thử thách đó, lực lương nhà giáo lại một lần nữa thể hiện tinh thần sáng tạo, trách nhiệm, bền bỉ hy sinh tận hiến cho sự nghiệp trồng người, đã phần nào hạn chế được tác động tiêu cực của dịch bệnh, duy trì hoạt động của giáo dục.

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quý vị khách quý, thưa các nhà giáo.

 Đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới với mục tiêu cao và khát vọng lớn. Đất nước đứng trước cơ hội rộng mở để trở thành một nước phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu. Giáo dục và đào tạo vinh dự được Đảng và Nhà nước coi là quốc sách hàng đầu, là động lực và nền tảng để phát triển đất nước. GDĐT với vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài vinh dự được xác định là một trong ba đột phá chiến lược để mở đường và tạo điều kiện cho phát triển. Để thực hiện sứ mệnh và trọng trách vinh quang đó ngành giáo dục và đào tạo đang ra sức đổi mới căn bản và toàn diện, nói cách khác là đang thực hiện một cuộc cải cách lớn. Công cuộc cải cách này nhằm thay đổi từ nền giáo dục nặng về trang bị kiến thức sang phát triển năng lực, phát triển nhân cách, đạo đức, kỹ năng sống và kỹ năng nghề nghiệp, tăng tính thực nghiệp, thiết dụng và thực tế... nhằm tạo dựng một thế hệ người Việt Nam mới vừa giữ được bản sắc dân tộc, nhưng hội nhập quóc tế, làm những công dân toàn cầu tốt, đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao của sự phát triển đất nước. Đây là vinh dự lớn nhưng cũng là thách thức chưa từng có đối với ngành giáo dục và với lược lượng các nhà giáo. Muốn đổi mới được giáo dục, cần đổi mới từ tư duy, cơ chế chính sách, quản trị hệ thống đổi mới cơ sở hạ tầng... Giờ đây, nhà giáo không chỉ cần có đầy đủ các phẩm chất, kiến thức và kỹ năng nghề như từng có và đã có, nhà giáo thời đại công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế còn cần tiên phong trong chuyển đổi số, giáo dục số, xã hội số, phải làm chủ được công nghệ và khoa học giáo dục hiện đại, phương tiện dạy học hiện đại, thành thạo các phương pháp của khoa học kiểm tra đánh giá hiện đại.Thế giới biến đổi từng giây từng phút, lượng tri thức nhân loại bùng nổ, mô hình bậc thầy uyên bác biết tất, biết mười dạy một không còn phù hợp, thay vào đó là nhà giáo nắm kiến thức cơ bản, giỏi phương pháp để định hướng và dẫn dắt học trò tự tìm kiếm và phát triển tri thức, tự trang bị và tích lũy kiến thức không giới hạn...Không những thế, trách nhiệm giải trình, tương tác đa chiều với học trò, phụ huynh và xã hội cũng đặt ra cho nhà giáo những kỹ năng về phương diện ứng xử văn hóa và xã hội cao hơn phức tạp hơn bất kỳ giai đoạn nào trướ đây. Trong đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ mới, việc tự đổi mới của nhà giáo ý nghĩa quyết định sự thành công của đổi mới giáo dục.  Việc đổi mới giáo dục phổ thông theo chương trình 2018 là cuộc chuyển đổi sâu sắc, toàn diện, tốc độ nhanh chưa từng có, đòi hỏi cao, kỳ vọng lớn, phạm vi ảnh hưởng sâu rộng và thực hiện bởi những phương thức phi truyền thống. Việc đổi mới giáo dục đại học, đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuẩn mực quốc tế... Những đổi mới ở tất cả các cấp và ở chiều sâu như vậy đặt nhà giáo trước những cơ hội rất lớn mới để phát triển, buộc phải phát triển, nhưng cũng là thách thức vô cùng lớn làm thay đổi những truyền thống, những thói quen và rất nhiều điều từng có của lực lượng nhà giáo...

Sự nghiệp đổi mới trong giáo dục đang triển khai này nhất định thành công và  chỉ được phép thành công, vì sự thành bại của giáo dục không chỉ là việc riêng của ngành, mà thành bại của giáo dục can hệ với sự thành bại của quốc gia. Nhận thức được một cách sâu sắc điều đó, toàn ngành giáo dục, hơn một triệu nhà giáo trên cả nước đang hăng hái, dấn thân đảm trách sứ mệnh đổi mới. Chỗ này chỗ khác, ngôi trường này trường khác, thầy cô này thầy cô khác cũng có chỗ có lúc khiến xã hội chưa hài lòng, phụ huynh bức xúc, danh dự nhà giáo có lúc bị tổn thương và sứt mẻ. Tuy nhiên phải khẳng định rằng đó chỉ là bộ phận, là số nhỏ, phần lớn và tổng thể nhà giáo vẫn đang tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà giáo, lấy giá trị bền vững tốt đẹp của nghề làm  cái bất biến thiêng liêng để ứng phó với muôn vàn biến động và thử thách. Phần rất lớn vẫn chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn, vẫn gắn bó với nghề, đem con chữ tới với học sinh vùng biên giới hải đảo, chấp nhận muôn vàn thiệt thòi.Tuyệt đại bộ phận nhà giáo vẫn miệt mài học tập, đổi mới sáng tạo, tự vươn lên để đủ sức dạy bảo, dẫn dắt chỉ đường cho những lớp học trò thời đại mới rất thông minh giỏi giang nhưng nhiều khác biệt.

Giáo dục có tầm quan trọng đặc biệt tới sự tồn tại và phát triển của các quốc gia. Trong nền giáo dục, nhà giáo là thành tố quan trọng nhất trong các thành tố. Tháng 9 vừa qua, tại hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng liên hiệp quốc về tái thiết giáo dục toàn cầu sau dịch bệnh, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterret khẳng định : “ Nhà giáo là mạch sống của hệ thống giáo dục” ( Teachers are the lifeblood of education systems). Bộ GD&Đt coi lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Lực lượng nhà giáo là tài sản và vốn quý báu nhất của ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả. Bộ giáo dục coi phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành. Phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy. Với nhận thức đó, trong chiến lược phát triển của ngành từ nay tới 2030, phát triển đội ngũ nhà giáo là phần nội dung quan trọng trong chiến lược. Bộ đã và đang rà soát các chế độ chính sách, các quý định có liên quan tới nhà giáo, nhằm phát huy sức sáng tạo, làm cho nhà giáo gắn bó với nghề hơn, tạo thêm điều kiện để nhà giáo phát triển, thỏa sức sáng tạo,  ngày càng nhận được sự tôn trọng của xã hội và phụ huynh, có nhiều chính sách hỗ trợ nhà giáo, biến áp lực thành động lực đổi mới và phát triển. Luật nhà giáo đang được định hình và thiết kế là bước để hiện thực hóa chủ trương phát triển đội ngũ nhà giáo của Bộ giáo dục và đào tạo. Bộ giáo dục cũng đang phối hợp với các bộ ngành địa phương từng bước cải thiện điều kiện làm việc cho nhà giáo, xây dựng môi trường văn hóa học đường, môi trường sư phạm lành mạnh dân chủ để nhà giáo thực sự thấy hạnh phúc trong môi trường làm việc. Đi cùng vói sự đòi hỏi đổi mới, đòi hỏi chất lượng là sự hỗ trợ tối đa về chuyên môn nghiệp vụ, sự ghi nhận và động viên kịp thời...

Trong buổi lễ trọng thể này, thay mặt cho hàng triệu nhà giáo và hàng chục triệu người học, tôi xin gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới Bộ chính trị ban bí thư, tới Quốc hội và Chính phủ, cá nhân đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng chí phó Thủ tướng Vũ Đức Đam những  lời cảm ơn chân thành và sâu sắc về những sự quan tâm cả chỉ đạo định hướng,  ở tầm vĩ mô và cả những việc thiết thực cụ thể đã và đang được quyết định. Sự quan tâm tới việc tăng chỉ tiêu biên chế cho giáo viên, những chính sách đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp và điều kiện làm việc, đặt biệt là chủ trương tăng lương cơ sở và điều chỉnh phụ cấp ưu đãi cho nhà giáo sẽ được thực thi từ 1/7 năm 2023 tới sẽ là sự động viên kịp thời và thiết thực đối với đội ngũ nhà giáo. Cảm ơn lãnh đạo các bộ ban ngành của các cơ quan đảng, quốc hội và chính phủ đã quan tâm và hỗ trợ toàn diện cho giáo dục đào tạo và cho các nhà giáo. Không có bất kỳ ngôn từ nào có thể nói lên hết được sự cảm ơn sâu sắc và to lớn này.

Kính thưa các cô giáo thầy giáo yêu quý

Không có sự vinh quang nào tự nhiên tới. Không có vinh quang nào đạt được một cách dễ dàng. Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức, là áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển. Vượt qua được khó khăn, hoàn thành được sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo lần này theo tinh thần NQ29 của Đảng, ngành giáo dục và nhà giáo chúng ta sẽ càng trưởng thành và sự vinh quang càng lớn lao hơn. Mong toàn thể nhà giáo chúng ta, cùng chung tay chung sức chung lòng, vượt qua mọi khó khăn trở ngại....Sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà giáo chúng ta. Chúng ta tin tưởng một cách mãnh liệt rằng,  với đặc trưng riêng có của nghề nghiệp, với những phẩm chất và năng lực đương có của nhà giáo, với sự quan tâm sâu sắc kịp thời của lãnh đạo Đảng nhà nước, sự cao quý và tôn nghiêm của nhà giáo chắc chắn không bao giờ mất đi.  

Thay mặt cho lãnh đạo Bộ giáo dục và đào tạo, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc tới toàn thể lực lượng nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục, trong suốt thời gian qua luôn gắn bó, ủng hộ, các chính sách, các định hướng, yêu cầu và chỉ đạo từ Bộ giáo dục. Cảm ơn các thầy cô đã biến mọi chủ trương thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.

Nhân dịp lễ kỷ niệm long trọng này tôi xin được bày tỏ lời cảm ơn của toàn thể nhà giáo tới toàn xã hội, tới tất cả quý vị phụ huynh, cảm ơn hàng chục triệu học sinh. Tôi muốn dành sự cảm ơn đặc biệt tới người học, vì lẽ  không trò đố thầy làm nên.

Năm nay kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam, một không khí kỷ niệm sôi nổi, vui tươi bổ ích đã diễn ra trên khắp cả nước những ngày vừa qua. Các đồng chí lãnh đạo Đảng nhà nước đã thể hiện nhiều sự quan tâm ưu ái với ngành giáo dục, thể hiện qua những việc thăm hỏi, quan tâm ân cần, gặp gỡ chia sẻ, khích lệ. Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các địa phương đã  tạo điều kiện tổ chức nhiều sự kiện để ghi nhận và tôn vinh nhà giáo, động viên đội ngũ nhà giáo và cựu giáo chức. Thay mặt cho các nhà giáo, tôi xin bày tỏ sự cảm ơn tới lãnh đạo các địa phương, cơ quan đơn vị trong cả nước.

Một lần nữa, thay mặt toàn ngành giáo dục, tôi xin gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe, chúc hạnh phúc và bình an tới toàn thể các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị khách quý, các thầy cô giáo. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam, tôi xin gửi tới toàn thể các nhà giáo trên cả nước lời chúc mừng, sự bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối, sự phó thác vào đội ngũ nhà giáo. Chắc chắn sự kiện kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo hôm nay, sẽ là dấu mốc lớn đánh dấu chặng đường phát triển của đội ngũ nhà giáo và công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà.

Xin trân trọng cảm ơn! ./.

  


Các tin khác
Tuyên truyền kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2022) (26/07/2022)
KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM (22/7/1951 – 22/7/2022) (20/07/2022)
Vững bước trên con đường Bác đã chọn (19/05/2022)
LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY GIẢI PHÓNG MIỀN NAM, THỐNG NHẤT ĐẤT NƯỚC 30/4 LỊCH SỬ, Ý NGHĨA NGÀY QUỐC TẾ LAO ĐỘNG 1/5 (28/04/2022)
Nữ CBNGNLĐ ngành giáo dục hưởng ứng Tuần lễ áo dài năm 2022 (06/03/2022)
THƯ CHÚC MỪNG NĂM MỚI CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐÌNH KHANG, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM (07/02/2022)
(GD&TĐ) Ý Đảng - lòng dân và khát vọng dân tộc hùng cường (31/01/2022)
(GD&TĐ)Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi chia sẻ tâm huyết đến các thầy cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/2021)
Cẩm nang phòng, chống Covid -19 (05/10/2021)
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi thư nhân dịp khai giảng năm học mới (04/09/2021)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18830236
Online: 63
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn