logo Tư vấn pháp luật Trao đổi kinh nghiệm

Công đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng - Đôi điều nhớ lại
(14:40, 24/07/2021)

Công đoàn là gì? Có lẽ đối với đa phần người lao động, khái niệm công đoàn chỉ gói gọn trong ý nghĩa là một tổ chức chuyên chăm lo việc hiếu hỉ, vui chơi; cao hơn chút nữa thì đó là nơi người lao động có thể kêu ca, khiếu nại khi quyền lợi của mình bị xâm phạm. Đặc biệt đối với những môi trường có tính mô phạm như trường học; khi quyền lợi của giáo viên, nhân viên được chăm lo khá chu đáo, khi quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên có tính bình đẳng thì quả thật đôi khi vai trò của công đoàn khá mờ nhạt.

Thế nhưng chắc hẳn rằng để đạt đến độ “mờ nhạt” đó hẳn tổ chức công đoàn nói chung, Công đoàn ngành Giáo dục nói riêng hay cụ thể hơn là Công đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại Học Đà Nẵng đã trải qua cả một quá trình dài!

Theo quy định tại Điều 10, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế – xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

Tổ chức Công đoàn trong quan hệ lao động được quy định trong Hiến pháp năm 2013, Luật Công Đoàn năm 2012 và Bộ luật Lao động năm 2019. Theo đó, Công đoàn có những vai trò cơ bản sau :

Thứ nhất, Công đoàn cơ sở thực hiện vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, người lao động.

Thứ hai, Công đoàn tham gia, thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện thỏa ước lao động tập thể, thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, quy chế dân chủ ở doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.

Thứ ba, Công đoàn tham gia, hỗ trợ giải quyết tranh chấp lao động. Khi xảy ra tranh chấp lao động về lợi ích, Công đoàn là tổ chức phối hợp, lãnh đạo người lao động tiến hành đình công.

Thứ tư, Công đoàn tham gia đối thoại, hợp tác với người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ tại doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức Công đoàn có vai trò điều hòa và ổn định quan hệ lao động xã hội, đây là vai trò không một tổ chức nào khác có thể thay thế. Bởi vì, Công đoàn là đại diện một bên của quan hệ lao động, thiếu Công đoàn không thể tạo thành quan hệ lao động hoàn chỉnh.

Vâng, định nghĩa về công đoàn, vai trò chức năng nhiệm vụ của công đoàn được qui định theo luật pháp rõ ràng và cụ thể như thế nhưng trong thực tế mỗi một đơn vị tùy theo những đặc thù riêng của mình mà có những hoạt động khác nhau. Trong bài viết này tôi không mong muốn mổ xẻ, phân tích những điểm mạnh điểm yếu trong hoạt động công đoàn của đơn vị mình, cũng không phản ánh hết những hoạt động mà công đoàn trường đã thực hiện và hiệu quả của nó; tôi chỉ muốn nêu những cảm nhận của mình về hoạt động công đoàn nói chung, Công đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng nói riêng để thấy được phần nào ý nghĩa của Công đoàn trong đời sống thường nhật của người lao động, cho dù họ làm nghề gì hay ở trong điều kiện nào.

32 năm công tác tại trường thì có đến 30 năm làm công tác công đoàn, có nghĩa là chỉ sau khi đi học và tập giảng xong là trở thành “cán bộ công đoàn”, tất nhiên đầu tiên chỉ là ở cấp công đoàn bộ phận! Bởi lẽ trong suy nghĩ của rất nhiều người công tác công đoàn không có gì quan trọng, ai cũng làm được; đặc biệt là những người trẻ và tương đối rảnh rỗi. Công việc ư? Chỉ có đi họp và truyền đạt lại những nội dung công đoàn cấp trên triển khai. Trong suy nghĩ của tôi lúc đó quả thật chỉ có thế! Rồi Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng trở thành một trường độc lập, ngày càng lớn mạnh hơn, tổ chức Công đoàn được kiện toàn và có nhiều đổi mới; Công đoàn thực sự là một cánh tay đắc lực hỗ trợ cho chính quyền thực hiện tốt mọi nhiệm vụ; thực sự là một thành phần không thể thiếu trong “bộ tứ quyền lực”: Đảng – Chính quyền - Công Đoàn - Đoàn Thanh Niên.

Công tác công đoàn dần đi vào chiều sâu: những cuộc hội thảo về phương pháp giảng dạy, vai trò của người phụ nữ trong thời đại mới; những buổi tập huấn về sử dụng các phần mềm giảng dạy hay chỉ đơn giản là làm thế nào để tạo một bộ slide bắt mắt, thú vị, hấp dẫn sinh viên,v.v,…đã được tổ chức và có tác dụng nhất định. Có một hoạt động của Công đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng mà tôi nhớ nhất là tổ chức dự giờ giảng của giảng viên trẻ. Tôi cũng đã may mắn dự giờ của một số bạn trẻ và không chỉ có thể góp ý cho các em ý đôi chút về tác phong, hình thức, cách trình bày,… với tư cách là một người đi trước, mà còn học tập ở các em rất nhiều điều bổ ích. Một sự tương tác qua lại giữa các thế hệ giảng viên với một sự cầu thị tích cực thì rõ ràng là có hiệu quả nhất định!

Bên cạnh những hoạt động có tính chất học thuật đó, công đoàn trường không ngừng chăm lo đời sống tinh thần và cả vật chất cho cán bộ, nhân viên, giảng viên và cả con em của họ. Hai năm covid này đã làm lỡ bao nhiêu ngày vui: tết Trung thu bập bùng trống ếch và màn múa lân cực kỳ ấn tượng hẳn các bé còn nhớ chứ? Ngày tết Thiếu nhi 1/6 hàng năm với phần thưởng, xem phim ở rạp Lotte, đi chơi ở Sky- line hay chuỗi hoạt động: tắm hồ bơi, ăn tiệc buffet, giao lưu văn nghệ ở Galina Danang Mud Bath & Spa và không chỉ các bé mà cả bố mẹ cũng rất thích. Rồi các hoạt động thể thao, các trận túc cầu, bóng chuyền nam và nữ, cờ tướng,… Mặc dầu do đặc thù công việc để sắp xếp một trận đấu có nhiều người không phải dễ nhưng chính vì thế mà tính đồng đội, tinh thần mình vì mọi người đã được hun đúc. Rồi những cuộc thi đi bộ, thi chạy xe đạp chậm, kéo co,…những lần biểu diễn văn nghệ, thi thời trang mừng kỷ niệm ngày 20/10 hay 8/3 hết sức sáng tạo, vui nhộn mà không kém phần chuyên nghiệp. Cuối kỳ và cuối năm là những thời điểm bận rộn nhất; ngoài công tác chuyên môn là nhiệm vụ chính trị cao nhất mà mỗi giảng viên, nhân viên phải hoàn thành và hoàn thành tốt, thì các cấp công đoàn từ công đoàn bộ phận trở lên phải sơ kết, tổng kết hoạt động công đoàn của đơn vị mình, đề xuất khen thưởng, đề nghị hỗ trợ (nếu có). Tôi cũng rất nhớ những lần công đoàn tổ chức đi từ thiện về vùng cao, vùng xa, những lần quyên góp áo quần sách vở cho trẻ em nghèo miền núi, những lần đi thăm bà con nghèo nhân ngày sắp tết Nguyên Đán,…. Những hoạt động tuy nhỏ như thế nhưng khơi dậy trong lòng mỗi thành viên tấm lòng tương thân tương ái, tấm lòng sẻ chia đùm bọc lẫn nhau.

Thế đó, hoạt động công đoàn trong môi trường giáo dục, đặc biệt là Công đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng không có gì là phức tạp. Nhưng như tôi đã nói ở trên, khi vai trò của Công đoàn có vẻ như “mờ nhạt” đồng nghĩa với việc họ đã xây dựng được một nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm việc quy củ, đã tạo dựng được một mối quan hệ tốt đẹp với hoạt động chuyên môn; đã luôn luôn là một cánh tay đắc lực, hỗ trợ, bổ sung, phối hợp với Nhà trường để chăm lo và bảo vệ mọi quyền lợi cho người lao động.

Tháng 7 về, những ngày hè đã bắt đầu; nhưng năm nay cũng vì covid đã không có những chuyến tham quan, dã ngoại, đã không còn những đoàn viên công đoàn xuất sắc được cử đi học tập tham khảo kinh nghiệm ở nước ngoài như mọi năm nhưng mọi người cùng đồng lòng cố gắng, nỗ lực để phòng chống covid, chuẩn bị tâm thế cho một năm học mới, sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh. Đó chính là những đoàn viên công đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng./.

Trịnh Thị Trinh

Nguyên UVBTV Công Đoàn Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng

 

 

  


Các tin khác
Chi bộ Công đoàn Giáo dục tỉnh Phú Thọ: Tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác (21/05/2021)
Công đoàn ngành giáo dục Phú Thọ 70 năm xây dựng và phát triển (1951 – 2021) (07/05/2021)
Công đoàn trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên với phong trào thi đua “lao động giỏi - lao động sáng tạo” (24/04/2021)
CÔNG ĐOÀN PHỐI HỢP VỚI CHUYÊN MÔN TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA “GIỎI VIỆC TRƯỜNG - ĐẢM VIỆC NHÀ” GIAI ĐOẠN 2016-2020 (16/10/2020)
(hoahoctro.vn)Tọa đàm ''Hiệu trưởng thay đổi'': Khi các Hiệu trưởng trải lòng về trường học hạnh phúc (27/11/2019)
Ngành Giáo dục Phú Thọ Giải pháp nâng cao chất lượng thực hiện dân chủ trong trường học (05/11/2019)
VĂN HÓA ỨNG XỬ NHÀ GIÁO - ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ (15/03/2019)
Những khó khăn, thách thức đối với đội ngũ Giáo viên trung học phổ thông hiện nay khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới và giải pháp khắc phục (15/03/2019)
(GD&TĐ)Nhân lên những tấm gương “Giỏi việc trường - Đảm việc việc nhà" (08/03/2019)
(GDVN)Nhất định không bao giờ có thầy cô nào chửi học sinh “mặt người óc lợn” (08/05/2018)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18383599
Online: 7
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn