Tình yêu và hành trình “gieo chữ” của thầy Tiến
(02:17, 16/10/2016)

Ở huyện Trạm Tấu, Yên Bái, bất cứ ai cũng biết về thầy Hiệu trưởng Nguyễn Duy Tiến, người đã gắn bó 30 năm với giáo dục dân tộc vùng cao nơi đây. Trải qua rất nhiều lần luân chuyển công tác đến những trường trường thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, hiện thầy Tiến đang là Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & Trung học cơ sở (PTDTBT TH&THCS) Phình Hồ, Huyện Trạm Tấu, Tỉnh Yên Bái.

 


Thầy giáo Nguyễn Duy Tiến trong một tiết học

Từ hành trình gian nan…

Là con cả trong một gia đình có 4 anh em, ngay sau khi tốt nghiệp THPT, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, thầy Tiến không thi đại học mà nộp hồ sơ thi vào trường Trung học Sư phạm (12+2) Nghĩa Lộ khóa 1984-1986. Hai năm theo học tại trường, anh thanh niên trẻ Nguyễn Duy Tiến luôn năng nổ tham gia các hoạt động phong trào, đoàn thể, cố gắng rèn luyện và trau dồi kiến thức để sau này phục vụ cho sự nghiệp trồng người.

Ngày ra trường, cũng như mọi giáo viên khác luôn khao khát được dạy ở những trường trung tâm nhưng ngay khi ngành phát động phong trào giáo viên trẻ về các xã khó khăn dạy chữ, thầy Tiến đã làm đơn xung phong lên công tác tại huyện vùng cao Trạm Tấu và được phòng giáo dục phân công về Trường Tiểu học Pá Hu - một trong những xã vùng cao khó khăn nhất của huyện Trạm màTấu.

Cười hiền, thầy Tiến chia sẻ: Mới đó mà đã 30 năm gắn bó với huyện vùng cao này, tôi đã được luân chuyển làm giáo viên và cán bộ quản lý tại 5 trường vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu.

Nhớ về những bỡ ngỡ ban đầu trong sự nghiệp “trồng người”, thầy Tiến cho biết: Lên vùng cao dạy học phải xa gia đình, không có người thân, lại là giáo viên mới ra trường nên lúc đầu tôi cũng mất thời gian để thích nghi với công việc cũng như cuộc sống.

Ngày mới lên nhận công tác tại trường vùng cao Trạm Tấu, thầy Tiến không khỏi ngỡ ngàng khi thấy cuộc sống vất vả, thiếu thốn của bà con nơi đây. Đường sá đi lại khó khăn, những ngày trời mưa đường lầy và trơn như đổ mỡ. “Để đến được trường học, chúng tôi vừa đi bộ, vừa phát đường, có hôm phải mất 4 đến 5 tiếng đồng hồ mới đến được trường nhưng hồi ấy “hăng” lắm, cứ đi phăm phăm, không biết mệt” - thầy cười xòa.

Nhưng chưa hết, những thiếu thốn vật chất chưa là gì so với khó khăn trong công tác vận động học sinh đến lớp. Do chưa hiểu tập tục của người dân, chưa biết tiếng dân tộc để thuyết phục phụ huynh cho con em đến lớp, nhiều lúc bản thân thực sự cảm thấy nản lòng - Thầy Tiến chia sẻ.

Chính sự động viên của đồng nghiệp đi trước, của Ban giám hiệu nhà trường đã tiếp thêm động lực cho thầy quyết tâm  đưa con chữ đến với những trẻ em đã phải chịu rất nhiều thiệt thòi nơi đây. Không cam tâm, thầy đã tới từng nhà học sinh để vận động, tuyên truyền, phân tích cho bố mẹ hiểu tầm quan trọng của việc học tập. Thuyết phục một lần không được, thầy đến lần hai, lần ba rồi rất nhiều lần không thể nhớ hết, dần dần bà con cũng yêu quý và ủng hộ những việc thầy đã và đang làm.

Thầy Tiến bộc bạch: “Tôi rất hạnh phúc khi ngày ngày được thấy các em đến lớp, được vui chơi và học tập. Vượt lên trên hết là tình thương với học trò và lòng yêu nghề nên không chỉ riêng tôi, mà rất nhiều thầy cô khác đã để đằng sau những khó khăn vất vả để ngày đêm lăn lộn với trường, với lớp. Bởi vậy, ngoài vai trò là một người thầy, ở đây chúng tôi còn gánh vác cả vai trò người cha, người mẹ của học sinh”.

… đến thành quả ngọt ngào

Bằng những kinh nghiệm thực tế trong việc bám trường, bám lớp, chiêu sinh, vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số và tỷ lệ chuyên cần đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch nhà trường giao, hàng năm thầy Tiến đều đăng ký nghiên cứu các sáng kiến khoa học.

Những sáng kiến kinh nghiệm của thầy đã được áp dụng có hiệu quả trong việc chỉ đạo các hoạt động dạy và học cũng như công tác quản lý đời sống học sinh tại trường phổ thông dân tộc bán trú.

Năm học 2013-2014, nhận thức được vai trò quan trọng của loại hình trường trường phổ thông dân tộc bán trú trong việc phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc, miền núi, cũng như những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học, thầy Tiến đã đưa ra sáng kiến kinh nghiệm "Hiệu trưởng với công tác xã hội hóa giáo dục tại trường phổ thông dân tộc bán trú".

Sau một năm nghiên cứu và thử nghiệm tại trường PTDTBT TH&THCS Trạm Tấu, sáng kiến đã đạt được những kết quả bước đầu khả quan. Nhà trường đã duy trì được số lớp và số học sinh ổn định, không còn hiện tượng học sinh bỏ học, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần tăng hơn so với cùng kỳ năm học trước đạt từ 85 - 95%.

Trên cơ sở số phòng ở hiện có, nhà trường đã xin cấp bổ sung 25 giường tầng cho học sinh nội trú, tiến hành tu sửa và xắp xếp bố trí được 8 phòng ở cho 262 học sinh ngủ tại trường; bổ sung dụng cụ nấu ăn và xoong nồi, bát ăn cho học sinh trị giá 50 triệu đồng.

Bằng nguồn vốn xã hội hóa, nhà trường đã sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất trường học với giá trị lên đến gần 400 triệu đồng nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt tốt hơn cho giáo viên và học sinh nhà trường.

Nhà trường tổ chức nấu ăn ngày 3 bữa cho học sinh. Đối với những học sinh không đủ tiêu chuẩn hưởng chế độ bán trú nhà trường đã tham mưu với UBND và hội khuyến học xã hỗ trợ gạo để ăn trưa tại trường. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức cho học sinh trồng rau tại vườn trường và mượn thêm 400 m2 đất của người dân để tăng gia lấy rau xanh phục vụ cho bữa ăn, đã tự túc được khoảng 40 % rau xanh hàng ngày. Tổ chức chăn nuôi được 159 con gà và  5 con lợn cuối năm mổ cho học sinh ăn tết.

Năm học 2014-2015, thầy Tiến tiếp tục đóng góp sáng kiến kinh nghiệm “Một số kinh nghiệm trong công tác quản lý học sinh bán trú ở trường PTDTBT & THCS Trạm Tấu” và đã đạt được những bước chuyển biến đáng kể trong công tác dạy và học.

Chất lượng học tập của học sinh đã được nâng lên, nề nếp nhà trường được củng cố. Qua thống kê học kỳ I kết quả xếp loại 2 mặt giáo dục tăng so với năm học trước:  Bậc tiểu học xếp HS tốt và HS xuất sắc đạt 40%, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm học trước, Bậc THCS số lượng học sinh giỏi và tiên tiến đạt 24,3%, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm học trước. 100% học sinh xếp loại hạnh kiểm từ khá trở lên tăng 3% so với cùng kỳ năm học trước, Có 13 HS THCS đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp cụm.

Trong học kỳ I, số giáo viên đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường là 20 đồng chí, tăng 5 đồng chí so với năm học trước; 100%  giáo viên thực hiện ứng dụng CNTT và sử dụng có hiệu quả thiết bị, đồ dùng dạy học.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh tại trường và tạo cảnh quan môi trường, nhà trường đã lắp đặt khoảng 200 m lan can bảo vệ tại những chỗ nguy hiểm; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất trường học với tổng giá trị gần 200 triệu đồng.

Nhìn lại những việc đã và đang làm, thầy Tiến tâm niệm: 30 năm công tác tại các trường vùng cao, mặc dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng chưa khi nào tôi cảm thấy hối tiếc vì đã chọn nghề làm thầy. Hàng ngày, thấy các học sinh đi học đầy đủ và không ngừng tiến bộ, mọi khó khăn vất vả đều tan biến. Đó chính là động lực thôi thúc tôi và đồng nghiệp tiếp tục hành trình không kém phần gian nan, vất vả nhưng cũng rất ”ngọt ngào” này.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

  


Các tin khác
Cô giáo vùng cao và sáng kiến được nhân rộng cả nước (16/10/2016)
Ngời sáng trí tuệ học đường (16/10/2016)
Dự án tích hợp liên môn từ nghệ thuật Tuồng khiến học sinh thích thú (16/10/2016)
Chị Tăng Thị Ngọc Mai – Tấm gương vượt khó (13/10/2016)
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Duyên tấm gương sáng trong giảng dạy (09/09/2016)
Gương cô giáo Nguyễn Thị Vần “Giỏi việc trường – đảm việc nhà” (20/07/2016)
Thầy Vũ Văn Tuấn – Tâm huyết với nghề, làm theo lời Bác, điển hình trong công tác quản lý (20/07/2016)
Cô giáo Bùi Thị Bình - bông hoa giữa đời thường luôn khoe sắc!!! (20/06/2016)
Thầy giáo Bùi Thái Học - Say sưa với chuyên môn, hết lòng vì đội tuyển (20/06/2016)
NGƯỜI ÂM THẦM TIẾP THÊM TRI THỨC (07/01/2016)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18760893
Online: 18
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn