logo Chuyên đề Chuyên đề nổi bật

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 65 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM, ĐÁP ỨNG TÌNH HÌNH, NHIỆM VỤ MỚI
(09:59, 20/07/2016)

 

PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 65 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM 
ĐÁP ỨNG TÌNH HÌNH, NHIỆM VỤ MỚI
                                                                                     
TS Vũ Minh Đức - Ủy viên ĐCT Tổng LĐLĐVN,
Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT
Chủ tịch CĐGD Việt Nam

 

Cách đây vừa tròn 65 năm, ngày 22 tháng 7 năm 1951, tại chiến khu Việt Bắc, CĐGD (CĐGD) Việt Nam chính thức được thành lập theo chủ trương của Tổng Liên đoàn và Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục. Ra đời trong điều kiện vô cùng khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, CĐGD Việt Nam đã cùng với Ngành Giáo dục chú trọng nâng cao tinh thần yêu nước, động viên cán bộ, giáo viên vượt qua khó khăn, thực hiện việc chuyển hướng giáo dục từ một nền giáo dục thuộc địa sang một nền giáo dục mới: “Dân tộc- Khoa học- Đại chúng” theo chủ trương của Đảng và Chính phủ. Công đoàn đã vận động anh em giáo viên tự tăng gia cải thiện đời sống, giúp nhau soạn bài, trao đổi kinh nghiệm, sao chép tài liệu bằng phương pháp thủ công… đồng thời với việc phát triển tổ chức công đoàn trong toàn hệ thống của Ngành.

Sau hòa bình lập lại, trong điều kiện xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, CĐGD Việt Nam có bước phát triển rộng khắp, thành lập tổ chức công đoàn cơ sở theo đơn vị huyện (CĐGD cấp huyện). CĐGD Việt Nam cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn này là giáo dục chính trị tư tưởng, vận động quần chúng tham gia xây dựng và thi đua thực hiện kế hoạch của Ngành; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên và củng cố tổ chức công đoàn, lấy xây dựng tổ công đoàn là then chốt. CĐGD Việt Nam đã có những hoạt động thiết thực như động viên giáo viên miền xuôi lên công tác tại vùng cao, hăng hái tham gia phong trào diệt dốt, xây dựng tinh thần “Hướng về miền Nam ruột thịt”, nâng cao ý thức của giáo viên về nhà trường XHCN, về vị trí, vai trò của người thầy giáo trong chế độ mới.

Giai đoạn từ 1960 đến 1975, cùng với việc thực hiện Luật Công đoàn do Quốc hội ban hành, CĐGD Việt Nam xác định nhiệm vụ: “Đoàn kết lao động trong toàn Ngành, bồi dưỡng quan điểm tư tưởng mới, bồi dưỡng nghiệp vụ, văn hóa, kỹ thuật, cải thiện đời sống vật chất cho đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhằm phát triển phong trào thi đua giảng dạy tốt, công tác tốt, thực hiện giáo dục phục vụ công- nông, giáo dục phục vụ sản xuất, xây dựng một nền giáo dục XHCN”. Hoạt động công đoàn tập trung cho việc tổ chức các phong trào thi đua tiên tiến, xây dựng các tổ lao động XHCN, thực hiện chế độ dân chủ quản lý trường học và tham gia quản lý nhà trường để thực hiện quyền làm chủ của nhà giáo trong việc xây dựng và phát triển Ngành; tổ chức tốt đời sống tập thể và bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên. Công đoàn Ngành đã tổ chức các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp với nội dung “Tất cả vì học sinh thân yêu”, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua “Hai tốt” của Trường Bắc Lý, Cẩm Bình, trường Thanh niên XHCN Hòa Bình, đồng thời phối hợp với Bộ GD&ĐT quy định về việc tổ chức hội nghị cán bộ viên chức ở cơ quan, trường học; kiến nghị với Nhà nước bổ sung chính sách cho giáo viên, thực hiện chế độ bảo hiểm đối với giáo viên dân lập và từng bước chuyển họ vào biên chế.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc (1965), thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, các trường học phải sơ tán để đảm bảo an toàn cho thầy và trò, CĐGD Việt Nam chủ trương chuyển hướng hoạt động và xây dựng củng cố tổ chức ngay trên địa bàn sơ tán, lấy công đoàn cơ sở trường học làm địa bàn hoạt động chủ yếu; động viên cán bộ, giáo viên nêu cao tinh thần quyết tâm chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, giữ vững nề nếp dạy và học, nề nếp quản lý Nhà trường; thực hiện tốt quy chế chuyên môn, cải tiến nội dung và phương pháp giảng dạy, gắn nhà trường với đời sống sản xuất và chiến đấu. Công đoàn đã phối hợp với chuyên môn chăm lo đời sống, thực hiện chế độ nâng lương hàng năm công khai, công bằng, chế độ ưu đãi đối với giáo viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi, xây dựng nhà trẻ cho con nữ giáo viên; kiến nghị với địa phương đảm bảo chế độ lương, cung cấp lương thực, thực phẩm kịp thời, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần cho giáo viên, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. CĐGD Việt Nam đã phát động cuộc vận động: “Mỗi đoàn viên công đoàn là một chiến sỹ kiên cường, mỗi trường học là một pháo đài chống Mỹ, cứu nước” để giữ vững chất lượng giảng dạy; đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đã có hàng ngàn giáo viên tạm biệt mái trường, lên đường vào Nam trực tiếp chiến đấu, góp phần vào thắng lợi chung của cả dân tộc.

Chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Cả nước ta bước sang một giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn cả nước tiến lên CNXH. Việc xây dựng một nền giáo dục thống nhất trong cả nước là một nhiệm vụ rất nặng nề và khó khăn. CĐGD Việt Nam đã cùng với Bộ GD&ĐT huy động sức mạnh của toàn Ngành, ổn định tư tưởng đội ngũ giáo viên, củng cố bộ máy quản lý giáo dục các cấp, xây dựng và bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho giáo viên, động viên giáo viên từ miền Bắc vào chi viện cho giáo dục các tỉnh phía Nam.

Cùng với việc thành lập Công đoàn Đại học- Trung học chuyên nghiệp Việt Nam (tháng 1/1975), CĐGD Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý và phục vụ tốt, phát huy vai trò của công đoàn trong tham gia quản lý, xây dựng nhà trường, tổ chức và từng bước cải thiện đời sống, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà giáo người lao động và xây dựng nếp sống văn minh trong Nhà trường, cùng với toàn Ngành thực hiện chủ trương: “Kết hợp giảng dạy, học tập với lao động sản xuất, thực nghiệm, nghiên cứu khoa học kỹ thuật”. Công đoàn Ngành tăng cường giáo dục chính trị- tư tưởng, phát huy truyền thống cách mạng của Nhà giáo Việt Nam, tạo điều kiện để giáo viên cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ. Hoạt động công đoàn được đổi mới theo hướng đi sâu vào ngành nghề, đi sát quần chúng, đặc biệt chú trọng củng cố công đoàn trường học.

Trong những năm trước đổi mới, trong điều kiện kinh tế- xã hội có nhiều khó khăn, CĐGD Việt Nam đã phối hợp thực hiện cuộc vận động “xã hội hóa giáo dục”, thành lập Hội đồng giáo dục và tổ chức Đại hội giáo dục các cấp, động viên, tổ chức, phối hợp, sử dụng hợp lý các lực lượng xã hội tại địa phương để phát triển giáo dục theo chủ trương cải cách của Đảng và Chính phủ. Cuộc vận động đã góp phần khắc phục tình trạng giảm sút về quy mô và chất lượng giáo dục. Bên cạnh đó, Công đoàn Ngành tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Hai tốt”, xây dựng “Trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò”.

Sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, với khí thế đổi mới chung của cả nước, CĐGD Việt Nam phối hợp với Bộ GD&ĐT triển khai sâu rộng cuộc vận động “dân chủ hóa trường học”, tăng cường hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, đổi mới việc tổ chức Đại hội công nhân viên chức trong các trường học theo một quy trình tương đối hoàn chỉnh; tạo không khí Đại hội công khai, đối thoại, cởi mở, thẳng thắn. Cuộc vận động “dân chủ hóa trường học” đã là cơ sở quan trọng để Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 30/CT-TW (1998) về xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, Chính phủ ban hành Nghị định số 71/1998/NĐ-CP về Ban hành quy chế dân chủ cơ sở trong hoạt động cơ quan và Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định 04/QĐ- BGD-ĐT (2011) về thực hiện thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong trường học và đơn vị giáo dục.

Song song với cuộc vận động “Dân chủ hóa trường học”, CĐGD Việt Nam triển khai cuộc vận động “Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm”, với 3 nội dung lớn: Thực hiện tốt nề nếp, kỷ cương trong các hoạt động giáo dục; Nêu cao lòng nhân ái trong nhà trường; Nêu cao tinh thần trách nhiệm, phấn đấu đạt kết quả ngày càng cao trong các hoạt động giáo dục. Cuộc vận động này mang tính ngành nghề sâu sắc, phù hợp với tâm tư, tình cảm của đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nên đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp và có sức sống đến ngày hôm nay. Bên cạnh đó, CĐGD Việt Nam đã tổ chức khảo sát, xây dựng luận cứ khoa học để đề xuất với Bộ và các cơ quan hữu quan về chế độ lương mới đối với công chức, viên chức ngành giáo dục, chính sách cho nhà giáo ở các trường chuyên biệt, chính sách thâm niên cho ngành giáo dục, phụ cấp đứng lớp cho giáo viên…; vận động các địa phương hỗ trợ thêm cho nhà giáo, người lao động.

Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế tri thức thế giới, coi “giáo dục đào tạo và khoa học- công nghệ là quốc sách hàng đầu", là động lực phát triển đất nước, CĐGD Việt Nam tiếp tục triển khai sâu rộng trong toàn Ngành các cuộc vận động, các phong trào thi đua gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”và Chỉ thị 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL giáo dục”. CĐGD các cấp đã có những biện pháp cụ thể, sáng tạo, thực hiện một cách có hiệu quả thực chất cuộc vận động “Dân chủ- Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm” và các cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, … tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức của đội ngũ Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đồng thời phối hợp chặt chẽ với chuyên môn thực hiện tốt cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong các hoạt động của trường học, xây dựng và hoàn thiện các quy chế nội bộ làm cơ sở để bảo vệ và thực hiện một cách công khai, dân chủ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong Ngành. CĐGD các cấp đã khơi dậy những phẩm chất cao quý vốn có của nhà giáo, tinh thần nhân ái trong hoạt động giáo dục thông qua việc thực hiện cuộc vận động “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa”, quỹ “Vòng tay đồng nghiệp”, tổ chức các hoạt động tôn vinh nhà giáo, nghề giáo; thực hiện bình đẳng giới, phong trào thi đua nữ nhà giáo “Giỏi việc trường- Đảm việc nhà”; tham gia quá trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho giáo viên trẻ; đặc biệt là vận động đội ngũ nhà giáo đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm của quá trình đào tạo, tiếp cận các phương pháp giảng dạy tiên tiến trên thế giới.; đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế, tích cực và chủ động tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế nhằm nâng cao vị thế của giáo dục Việt Nam và Công đoàn Việt Nam trên trường quốc tế.

Qua 65 năm xây dựng và trưởng thành, bằng sự cố gắng, nỗ lực cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ, đoàn viên và người lao động; CĐGD Việt Nam đã xây dựng nên những giá trị cốt lõi. Đó là:

1. Luôn quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, là sợi dây gắn kết của đoàn viên đối với tổ chức công đoàn. Đi đôi với việc xây dựng môi trường sư phạm, mối quan hệ hài hòa, ổn định trong các cơ quan, trường học, góp phần tích cực vào việc phát triển bền vững hệ thống giáo dục.

2. Gắn bó mật thiết hoạt động của Công đoàn với nhiệm vụ chính trị của Ngành; lấy chương trình công tác của Ngành là nội dung hoạt động mang tính nghề nghiệp của CĐGD. Xác định đối tượng vận động, giáo dục, thuyết phục của Công đoàn là các thày giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên trong Ngành- những người có vai trò cực kỳ quan trọng trọng sự nghiệp giáo dục - từ đó có những giải pháp phù hợp để giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức vận động nhà giáo người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

3. Tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn mang tính ngành nghề sâu sắc và có hiệu quả; góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; thông qua đó tạo nguồn lực quan trọng để Ngành Giáo dục đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã thể hiện tính quần chúng rộng rãi của tổ chức công đoàn, bám rễ sâu trong đời sống các nhà trường và có tác dụng to lớn trong ngành và xã hội.

4. Nhạy bén, linh hoạt trong tổ chức các hoạt động công đoàn, phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của từng giai đoạn cách mạng. Một mặt phối hợp với chuyên môn đồng cấp để triển khai các hoạt động chung của Ngành, một mặt chủ động tổ chức các hoạt động đặc trưng của công đoànvới những hình thức phong phú, sinh động; giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong công tác, vừa đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ với các cấp, các Ngành vừa đảm bảo tính độc lập tương đối của tổ chức công đoàn.

5. Đội ngũ cán bộ CĐGD các cấp dấn thân, cống hiến, chấp nhận sự khó khăn, thiệt thòi về phía mình vì quyền lợi nhà giáo, người lao động trong Ngành. Đại đa số cán bộ CĐGD nhạy bén về chính trị, có trình độ, có phương pháp tổ chức và công tác tốt, tạo nên sức mạnh của toàn hệ thống, giúp cho CĐGD Việt Nam hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Trong thời gian tới, đất nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng.  Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII nêu rõ chủ trương chuyển từ “hội nhập kinh tế quốc tế” sang “chủ động hội nhập quốc tế”, mở rộng phạm vi, lĩnh vực và mức độ hội nhập quốc tế, trong đó hội nhập về văn hóa, lao động, giáo dục - đào tạo, khoa học công nghệ ngày càng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Hoạt động của Công đoàn Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức rất to lớn khi nước ta chính thức thực thi các Hiệp định thương mại thế hệ mới, trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái bình dương (TPP).

Toàn ngành Giáo dục và Đào tạo đang nỗ lực hết sức mình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng, trong đó kế thừa quan điểm chỉ đạo của nhiệm kỳ trước, đưa ra đường lối đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, xác định đây là một kế sách, quốc sách hàng đầu, tiêu điểm của sự phát triển, mang tính đột phá, khai mở con đường phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong thế kỷ XXI, khẳng định triết lý nhân sinh mới của nền giáo dục nước nhà “dạy người, dạy chữ, dạy nghề”. Trong bối cảnh đó, CĐGD Việt Nam với vị thế là tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong Ngành, phát huy truyền thống 65 năm đồng hành vì sự nghiệp giáo dục, cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động; tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm:

Một là, tập trung thực hiện một cách thực chất chức năng chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ NGNLĐ; Tổ chức khảo sát tâm tư, nguyện vọng và yêu cầu của đội ngũ nhà giáo và người lao động trong Ngành đối với tổ chức CĐGD và phải trả lời cho được câu hỏi: CĐGD Việt Nam làm gì, làm như thế nào để đáp ứng nguyện vọng của đoàn viên và người lao động trong Ngành.

Hai là, thực hiện tốt chức năng đồng hành với chuyên môn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành.  Phối hợp với chuyên môn thực hiện Quy chế dân chủ trong trường học, cơ sở giáo dục, thực hiện tốt chức năng giám sát phản biện của công đoàn trong các đơn vị, cơ sở trường học, kịp thời nhận diện những phát sinh, bất hợp lý và cùng với chuyên môn tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời. Giải quyết ngay những vướng mắc và có biện pháp đấu tranh với các hiện tượng lợi dụng dân chủ để làm mất ổn định nhà trường.

Ba là, làm tốt công tác tuyên truyền để đoàn viên, lao động trong Ngành nhận thức đầy đủ về quan điểm, chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, từ đó tạo sự đồng thuận, tự giác và tích cực đổi mới trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, góp phần hạn chế các biểu hiện tiêu cực phát sinh trong nhà trường.

Triển khai các hoạt động quan tâm, tạo điều kiện để nhà giáo người lao động trong ngành học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng công tác, đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và kế hoạch hành động của Ngành.

Bốn là, phát triển và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhà giáo người lao động trên cơ sở phát huy nội lực, tiềm năng sẵn có của đội ngũ nhà giáo, người lao động; tranh thủ sự hỗ trợ hỗ trợ của địa phương, trường học, cơ sở giáo dục. Xây dựng phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao phát triển rộng khắp, có chiều sâu, động viên khuyến khích người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và đảm bảo định hướng thẩm mỹ lành mạnh;

Năm là, đẩy mạnh việc tổ chức các phong trào thi đua, các cuộc vận động trong trường học theo hướng thiết thực, gắn với nhiệm vụ chính trị của Ngành và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, của nhà trường. Tập trung chỉ đạo cuộc vận động “Dân chủ- Kỷ cương- Tình thương- Trách nhiệm” với những nội hàm phù hợp với tình hình mới, động viên NGNLĐ trong ngành năng động, sáng tạo, đổi mới, kỷ cương, nề nếp.

Sáu là, đổi mới hoạt động Công đoàn, hướng về cơ sở, tập trung cho việc thực hiện chức năng chủ yếu của tổ chức Công đoàn và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhà giáo người lao động. Nghiên cứu mô hình tổ chức hợp lý, hiệu quả theo hướng đảm bảo tính ngành nghề trong một chỉnh thể thống nhất để báo cáo với Ban cán sự Đảng và Tổng Liên đoàn.

Bảy là, nâng cao năng lực cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế sâu rộng, trước hết là kiến thức pháp luật và kỹ năng tổ chức các hoạt động tập thể; từng bước thực hiện định hướng: Cán bộ Công đoàn cấp trên là những chuyên gia giỏi để hỗ trợ Công đoàn cấp dưới.

  




  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18393216
Online: 866
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn