Bão là hiện tượng thời tiết cực đoan ẩn chứa sức tàn phá dữ dội, ai cũng mong không gặp bão, tránh gặp bão để bình yên vô sự. Tuy nhiên, dù không muốn, có nhiều người vẫn phải đối mặt với bão tố cuộc đời và cho ta biết về nghị lực sống, bản lĩnh và khát vọng mãnh liệt của người đó. Tôi muốn nói đến những cô giáo từng gặp phải gian nan thách thức trong cuộc sống, nhưng không những vững vàng đi qua giông tố cuộc đời mà họ còn là bài học nghị lực sống và niềm tin sưởi ấm tình người.
Cô giáo Bùi Thị Hồng Nga, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hội Hợp B, được gọi là người trực tiếp nằm trong “tâm bão”. Bởi cuộc sống của cô đang yên ổn, thanh bình, thì qua kiểm tra bệnh viện đã xác nhận trong cơ thể cô có tế bào lạ, dấu hiệu của ung thư. Hung tin này vốn đã nhanh chóng quật ngã biết bao người cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng cô hiểu rằng, tinh thần của người bệnh là một liệu pháp tốt để tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Điều quan trọng hơn, cô nghĩ sống là phải như ngọn đuốc, hãy tỏa sáng và sưởi ấm hết mình khi nào còn có thể, để cuộc đời thật nhiều ý nghĩa. Vì vậy, khi biết mình mắc ung thư, cô chủ động đến các bệnh viện thăm khám làm theo chỉ dẫn của bác sĩ, cô uống thuốc và đi trị xạ định kỳ, luôn giữ thái độ sống vui vẻ, lạc quan.
Cô Nga (ngồi ghế) đang trao đổi với các đồng nghiệp trẻ
Hàng ngày cô vẫn đến trường vừa làm công tác quản lí vừa trực tiếp đứng lớp giảng dạy cho học sinh. Cùng với tập thể giáo viên nhà trường, cô xây dựng cảnh quan nhà trường đạt chuẩn Xanh - Sạch - Đẹp. Chất lượng đại trà của nhà trường được duy trì tốt trong tốp đầu các trường tiểu học của thành phố; năm học 2019-2020, nhà trường có 01 giáo viên đạt giải Nhất thi An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ cấp quốc gia, nhiều giáo viên đạt lao động tiên tiến xuất sắc và danh hiệu chiến sĩ thi đua các cấp.
Nhìn cô Hiệu trưởng vui vẻ, thân thiện với nụ cười hạnh phúc không ai nghĩ là cô lại đang mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo. Sự vững vàng an nhiên của cô Nga giống như lời răn dạy của cha ông xưa “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” đã tiếp thêm ý thức cống hiến cho cuộc đời của những nhà giáo. Cô hiệu trưởng Bùi Hồng Nga là tấm gương về nghị lực sống, bình dị mà thân thương của tất cả học sinh, phụ huynh học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường.
Cô giáo Đào Thị Hằng, giáo viên trường THPT Nguyễn Viết Xuân từng có một gia đình hạnh phúc, một người chồng làm kinh doanh phát đạt và hai con,một trai, một gái ngoan ngoãn, chăm chỉ học. Thế mà số phận đã “nổi bão” hòng quật ngã, đẩy cô vào hoàn cảnh nghiệt ngã. Người chồng đang khỏe mạnh đột nhiên phát bệnh não, công việc kinh doanh bỏ dở, kinh tế suy giảm, cả giả đình phiền muộn khi chứng kiến những cơn đau vật vã của người chồng, người cha trong gia đình.
Thương chồng cô Hằng xin với lãnh đạo nhà trường thôi giữ chức Tổ trưởng chuyên môn để giảm bớt công việc quản lí tổ, dành thời gian chăm lo cho chồng. Không quản ngại bất cứ điều gì, hễ được tư vấn nơi nào điều trị tốt, từ bệnh viện Đa khoa tỉnh đến các bệnh viện lớn ở Hà Nội, bệnh viện nhà nước hay bệnh viện tư nhân liên kết với nước ngoài, cô Hằng đều đã lặn lội đưa chồng đi thăm khám, điều trị. Cô chỉ cầu mong người chồng hết tật bệnh, trở lại khỏe mạnh như xưa và gia đình hạnh phúc.
Dù chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Sau 10 năm bệnh tật nằm liệt gường, tháng 5 năm 2020, người chồng của cô đã bỏ lại 3 mẹ con, ra đi. Xúc động và khâm phục hơn, trong suốt những năm tháng người chồng ốm đau, cô Hằng trở thành trụ cột chính của gia đình. Vừa hoàn thành tốt công việc trường lớp cô vừa tiếp tục công việc kinh doanh dang dở của chồng để duy trì kinh tế gia đình, chăm chồng, nuôi con. Ở trường, cô Hằng luôn hoàn thành xuất sắc các công việc được giao, được đồng nghiệp và học sinh trân trọng, quý mến. Các lớp học sinh do cô giảng dạy đạt kết quả thi tốt nghiệp THPT trong top đầu của tỉnh, bản thân cô được Công Đoàn ngành tặng danh hiệu “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà”, được Giám đốc Sở GDĐT, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh tặng giấy khen, Bằng khen.
Thương bố bị bệnh và mẹ tần tảo gánh vác mọi việc, các con cô Hằng miệt mài, nỗ lực học tập. Con gái lớn của cô đã tốt nghiệp khoa Kinh tế Đối ngoại của trường Đại học Ngoại thương, hiện đang làm cho công ty của Nhật tại Việt Nam; con trai thứ cũng đang học khoa Kinh tế Đầu tư của trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Sự khôn lớn, trưởng thành của hai con là nguồn động viên to lớn giúp cô Hằng vững vàng trong cuộc sống.
Khi được hỏi về sực mạnh nào đã giúp cô vượt lên được cảnh ngộ bản thân, cô nói: “Tôi nghĩ ai ở hoàn cảnh như tôi cũng sẽ làm như tôi: Không để hoàn cảnh riêng chi phối công việc chung, không đầu hàng số phận”. Là người “gánh bão” - gánh chịu mất mát, bất hạnh nhưng cô Hằng đã cho thấy ý chí, nghị lực của phụ nữ Việt Nam. Là một nhà giáo dục thành công mà hết sức khiêm nhường, tấm gương của cô đã đem lại niềm tin và nghị lực sống cho biết bao người không may gặp phải bất hạnh trong cuộc đời này.
Cô giáo Đào Thị Hằng, trường THPT Nguyễn Viết Xuân
Ở bậc học mầm non, một cô giáo trẻ ghi dấu ấn với nghị lực phi thường và nhân cách sống cao đẹp, đó chính là cô Lâm Thị Ánh Hồng, Tổ trưởng chuyên môn trường Mầm non Phú Xuân A, huyện Bình Xuyên. 6 năm qua, cô được biết đến là một giáo viên trẻ, giỏi công nghệ thông tin, luôn đạt giải Nhất, Nhì các hội thi, kỳ thi giáo viên giỏi cấp huyện, đóng góp đáng kể vào thành tích thi đua của nhà trường; một Đảng viên, Bí thư đoàn trường, một đoàn viên thanh niên xuất sắc, năng nổ của xã, huyện. Gần đây nhất, dịp kỷ niệm sinh nhật Bác Hồ, 19/5/2020, cô giáo người dân tộc Sán Dìu ấy đã được Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc vinh danh là 1 trong 5 công dân trẻ tiêu biểu của tỉnh năm 2019, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen.
Thành công có được không chỉ nhờ chuyên môn giỏi, mà còn rất thuyết phục bởi những việc làm thiện nguyện âm thầm, lặng lẽ vì cộng đồng của cô Ánh Hồng suốt 5 năm qua. Sinh năm 1988, cô giáo Ánh Hồng đã sáng lập và chủ nhiệm 2 câu lạc bộ thiện nguyện mang tên Phú Xuân và Từ Tâm. Với cái "duyên kết nối" của mình, hàng trăm "mạnh thường quân" trong và ngoài các câu lạc bộ của cô Hồng đã đem đến bà con các tỉnh miền núi khó khăn nhiều chuyến đi tài trợ với tổng giá trị hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt năm 2019-2020, cô đã kêu gọi tài trợ, xây dựng được 2 phòng học tại Bản Chằng – xã Yên Cư, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn và trao quà cho bà con, học sinh nơi đây tổng trị giá gần 150 triệu đồng.
Cô Hồng cũng cùng đồng nghiệp, người thân, bạn bè và phụ huynh, học sinh chung sức quyên góp, hỗ trợ bằng tiền mặt và vật phẩm trị giá trên 150 triệu đồng cho 12 em học sinh mồ côi học giỏi, 11 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các huyện Sông Lô, Vĩnh Tường, Bình Xuyên, Lập Thạch, Tam Dương.
Cô Lâm Thị Ánh Hồng bên các cháu trong chương trình phát động ủng hộ đồng bào miền Trung của nhà trường
Người ta thường có suy nghĩ đơn thuần, người giàu có về của cải vật chất mới đi làm từ thiện, nhưng ít ai biết rằng, cô Hồng có tuổi thơ và gia cảnh rất éo le, thiếu thốn tình yêu thương chăm sóc của người thân và vẫn còn rất nhiều khó khăn trước mắt. Để trưởng thành như ngày hôm nay, cô đã luôn luôn trau dồi nhận thức, tự phản tỉnh và dặn mình phải cố gắng vượt qua những biến cố của cuộc sống.
Khi lên 6 tuổi, bố mẹ ly hôn, cô ở với ông ngoại, mẹ đi buôn bán xa nhà, 1 tuần mới về 1 lần. Không có tuổi thơ hồn nhiên, bình an, cô bé Ánh Hồng cá tính đã sớm tự lập, biết đi chợ, nấu cơm, làm đủ việc nhà từ năm 8 tuổi. Lớn hơn, khi biết suy nghĩ, Ánh Hồng nhận ra: "chỉ có con đường học hành mới có thể làm thay đổi cuộc sống, đế mọi người không coi thường hoàn cảnh nhà mình". Ánh Hồng đã nỗ lực học tập, phấn đấu để trở thành cô giáo mầm non.
19 tuổi lấy chồng theo sự sắp đặt của gia đình, chung sống được 6 năm thì hôn nhân tan vỡ. Biến cố thứ hai xảy ra năm 2013. Cô rời khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng cùng với đứa con 3 tuổi. Với thu nhập 3 triệu đồng/tháng khi đó, cùng với những tàn dư mệt mỏi phải giải quyết sau cuộc hôn nhân, cô đã mất 2 năm chìm vào khủng hoảng, mất hết niềm tin vào bản thân, vào cuộc sống. Khoảng thời gian đen tối và buông bỏ ấy, cũng chính là lúc cô đấu tranh tư tưởng tìm ra ánh sáng và động lực
vươn lên “Cuộc sống của em thăng trầm lắm. Nhiều bể khổ, cửa ải tưởng chừng không thể vượt được qua, nhưng trong những lúc khó khăn nhất, em tự nhủ lòng, mọi thứ mình đã trải qua được, thì mình phải tiếp tục vượt qua, phải tiếp tục cố gắng" - Ánh Hồng tâm sự. Năm 2014, cô bắt đầu tham gia các cuộc thi, hội thi của trường, của huyện. 6 năm miệt mài phấn đấu chuyên môn, cô đã cùng tập thể gặt hái liên tiếp danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc. 5 năm làm từ thiện ngoài giờ lên lớp, cô đã thấu cảm, giúp đỡ được rất nhiều cảnh đời khó khăn, cơ cực trong và ngoài tỉnh, được lãnh đạo địa phương, nhà trường, đồng nghiệp ghi nhận, yêu quý.
Ánh Hồng (thứ 3 từ trái sang) tại thời điểm được Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc vinh danh tháng 5/2020
Cô Nguyễn Thị Bé - Nguyên Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Xuân A, người có 6 năm gắn bó với Ánh Hồng chia sẻ: "Từ một cô giáo rất bình thường, gia đình rất hoàn cảnh, kinh tế còn khó khăn nhưng cô Hồng đã cố gắng phấn đấu vượt lên, đi lên từ chính đôi chân của mình, chịu thương chịu khó, nhiệt tình năng nổ trong mọi hoạt động, sống rất chân thực, thẳng thắn, không hoa mỹ, quan hệ đồng nghiệp rất hòa nhã, sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Một con người như vậy rất xứng đáng để được biểu dương, khâm phục”.
Nhân dịp xuân mới, xin gửi lời chúc sức khỏe, bình an, hạnh phúc đến tất cả các thầy cô giáo và 3 nhân vật của bài viết nói riêng. Những người phụ nữ trong nghề giáo kể trên, dù ở vai trò, vị trí, trọng trách nào, họ vẫn là những người đứng mũi chịu sào trong công việc của cơ quan, gia đình và xã hội. Chúng ta hãy đồng cảm, chia sẻ với họ trước những bão giông, thử thách của cuộc sống, cổ vũ, tiếp thêm động lực tinh thần để họ thêm tin, thêm yêu hơn vào con người, vào cuộc đời và sứ mệnh cao cả, nhân văn của nghề làm thầy.
Tác giả: Nguyễn Nga, CĐGD tỉnh Vĩnh Phúc