logo Chuyên đề Gương Nhà giáo và Người lao động

“Gánh” chữ vô... Giá
(23:11, 22/06/2019)

GD&TĐ - Hai tiếng “vô Giá”, được người dân bản địa gọi tắt như vậy, để nói về địa danh bản Giá, xã Thanh Xuân, huyện vùng cao biên giới Quan Hóa (Thanh Hóa). Bản Giá nằm sâu hun hút, nấp sau những ngọn đồi cao chót vót. Mỗi lần người dân hay các thầy, cô giáo muốn vào bản phải trải qua cung đường đầy…  đau khổ bởi bùn đất đôi khi ngập nửa bánh xe.

Bản Giá xa xôi!

Ghé thăm thầy, trò Trường Tiểu học Thanh Xuân, chúng tôi được thầy giáo Đỗ Xuân Viên – Hiệu trưởng nhà trường kể về những khó khăn, vất vả của điểm trường lẻ ở bản Giá.

Buổi chiều hôm trước, vùng trời Thanh Xuân bỗng dưng đổ mưa sầm sập, thầy giáo Viên có ý ngần ngại vì lo cho mọi người vất vả khi vào bản Giá, nhưng rồi cũng không ngăn được sự quyết tâm của chúng tôi. “Nếu anh em quyết tâm vô Giá, thì phải bỏ bớt hành lý ở ngoài này, sắm mỗi người một khúc gậy và đi dép. Cứ hai người một xe máy, để hỗ trợ nhau trên đường. Mọi người vào tới nơi, không nên ở lại muộn, cố gắng trở ra trước khi có cơn mưa buổi chiều đổ xuống”, thầy Viên dặn dò.

Cung đường từ Quốc lộ 15A vào điểm trường, chỉ chừng hơn 8km. Thế nhưng, chúng tôi phải di chuyển bằng xe máy gần 2 giờ đồng hồ mới tiếp cận được. Trong suốt quãng đường, hầu như những chiếc xe máy không thể cài số 3 để chạy (dù là khoảng trăm mét). Nói đúng hơn, người ngồi sau xe cơ bản là đi bộ.

Bản Giá – có thể nói là địa danh heo hút, khó khăn nhất so với 5 bản còn lại ở xã Thanh Xuân. Ở đây, có một điểm lẻ của Trường Tiểu học và Trường Mầm non Thanh Xuân. Khác với khu lẻ tiểu học đã có phòng học kiên cố và khu nhà công vụ cho giáo viên ở, thì điểm lẻ của Trường Mầm non Thanh Xuân, cô và trò vẫn phải học ở phòng tranh tre tạm bợ.

Trong khu lẻ này, có 3 cô giáo mầm non và 4 thầy giáo tiểu học. Các thầy phải nhường một phòng cho cô giáo mầm non làm nơi ở. Bữa cơm hàng ngày, các thầy và cô giáo “góp gạo thổi cơm chung”. Khi màn đêm buông xuống, ở lại khu nhà công vụ này có các thầy và một cô giáo mầm non, vì hai cô còn lại là người ở bản.

Thầy giáo Bùi Đình Sơn nắn nót từng nét chữ cho học trò. Ảnh: T.G

Cô giáo Hà Thị Trang, quê ở xã Điền Trung (Bá Thước, Thanh Hóa), một mình vào đây nhận nhiệm vụ cùng hai cô giáo ở bản Giá, để “gieo vần” cho 50 đứa trẻ. Để có thời gian dành cho học trò thân yêu của mình và hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao phó, cô giáo Hà Thị Trang phải gửi hai đứa con nhỏ ở quê cho ông bà chăm sóc. Đứa lớn 9 tuổi còn đứa nhỏ mới lên 3. Chồng cô Trang cũng ở quê, nhưng do điều kiện gia đình khó khăn, nên anh ra Hà Nội kiếm việc làm, thi thoảng mới về quê thăm vợ con và gia đình.

“Điều kiện khó khăn, đường đi lối lại vô cùng gian nan nên em phải gửi con ở nhà cho ông bà chăm sóc. Khổ nhất là mỗi lần từ ngoài trung tâm xã vô Giá, gặp trời mưa, chân yếu, tay mềm nên không thể tự đi xe máy một mình được, đành phải nhờ các thầy giáo đưa vào. Cũng có lần em phải đi bộ vào, vì không nhờ được ai cả”- cô Trang tâm sự.

Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Giá Hà Văn Toán, tâm sự: "Người dân bản Giá chúng tôi đã bao đời này ao ước có một con đường cho đúng nghĩa là đường giao thông. Thế nhưng, ước mơ vẫn chỉ là niềm mơ ước mà thôi. Nếu tính chiều dài quãng đường từ đầu cầu Thủy điện Hồi Xuân (xã Thanh Xuân) vào đến trung tâm bản Giá, chỉ ngót nghét chục cây số, nhưng bà con ở trong cảm thấy nó dài vô tận.  

Thương nhất là các cháu nhỏ đang độ tuổi học mầm non. Các cháu thiệt thòi lắm. Lớp học kiên cố chưa có, các cháu phải học ở trong phòng tranh tre tạm bợ. Mà cái phòng học tranh tre ấy, đều do bà con trong bản gom góp vật liệu và công sức để dựng lên. Cứ vài ba năm, mái tranh, vách nứa, kèo cột bị hư hỏng, bà con lại phải tập trung sửa sang cho các cháu có chỗ ngồi học. Cô giáo từ ngoài trường chính được phân công vào đây dạy chữ cho con em trong bản, cũng chưa có một nơi ở gọi là riêng tư, mà phải nhờ phòng ở của các thầy giáo khu tiểu học. 

Trông chờ vào ngày mai

Cô giáo và học sinh mầm non bản Giá. Ảnh: T.G

Đáng thương nhất là các cô giáo mầm non vào đây dạy học. Mỗi lần đem con chữ vào cho bọn trẻ là những lần ngã xe, chí ít là lấm lem bùn đất, nặng hơn là bị thương ở tay, chân.... 

Thầy giáo Bùi Ngọc Sơn – phụ trách khu tiểu học ở bản Giá chỉ cười khi nghe chúng tôi hỏi chuyện cắm bản. Nhìn ánh mắt, nụ cười của thầy Sơn, chúng tôi cảm nhận, dường như thầy và những đồng nghiệp của mình đã quen cảnh “sống chung với lũ”. Quê ở xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương, thầy Sơn công tác ở Thanh Xuân đã 15 năm và cắm bản 7 năm, nên quen vất vả, gian nan rồi. Vợ, con thầy Sơn sống ở quê, mỗi tháng, thầy tranh thủ về thăm nhà một, hai hôm rồi lại phải lên trường để vô Giá với học trò của mình.

“Thú thật với anh, tôi đi trên cung đường này đã 7 năm. Vất vả như thế nào, thì anh cũng thấy cả. Mặc dù mỗi lần vào điểm trường là một lần “đánh vật” với cung đường. Nhưng chúng tôi không thể bỏ công việc của mình, càng không thể bỏ mặc các em học sinh được. Thôi thì vất vả thế nào cũng phải cố gắng vượt qua, để đưa chữ vào cho học trò của mình anh ạ”, thầy Sơn bộc bạch.

Khu mầm non bản Giá còn tranh tre, nứa lá. Ảnh: T.G

Thầy giáo Đỗ Xuân Viên – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh Xuân, phàn nàn: “Bản thân tôi là hiệu trưởng, đã nhiều lần đề nghị lên cấp trên về con đường này, để giúp bà con và giáo viên đi lại thuận tiện. Một thực tế, nếu cứ tính theo cách đầu tư xây dựng con đường vào bản Giá như hiện nay, thì không biết bao nhiêu năm nữa mới hoàn thành. Bởi, chúng tôi thấy, có lẽ là huyện không có vốn, nên mỗi năm cũng chỉ đầu tư làm được một đoạn mà thôi”.

 Các thầy, cô giáo vào đây cắm bản, có thể phải ở lại cả tháng trời vì mưa, đường trơn, lầy lội không thể ra được. Chúng tôi cũng chỉ biết động viên các thầy, cô giáo cố gắng vượt qua những khó khăn hàng ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Ông Ngô Phi Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quan Hóa

Ông Phạm Bá Diệm - Bí thư Huyện ủy Quan Hóa, cho hay: “Tuyến đường vào bản Giá, xã Thanh Xuân đang là trở ngại nhất cho sự phát triển kinh tế địa phương. Gần 900 nhân khẩu (183 hộ dân) ở đây luôn bị động trong việc giao thương với bên ngoài. Huyện cũng đã đề nghị cấp trên hỗ trợ, đầu tư xây dựng con đường, tuy nhiên tỉnh cũng chưa có vốn, nên huyện cũng chỉ đầu tư từng giai đoạn một theo vốn Chương trình 30a; Nông thôn mới và tranh thủ nguồn hỗ trợ khắc phục lũ lụt thôi. Năm nay, huyện có chương trình đầu tư xây dựng được vài km và sẽ làm từ phía trong bản ra ngoài. Ban quản lý dự án huyện đang hoàn thiện thủ tục để thi công”.

Nghe Bí thư Diệm thông tin, chúng tôi cảm thấy mừng. Bởi, dẫu sao huyện cũng đã quyết tâm dành vốn để làm con đường “vô Giá”, cho người dân nơi đây thoát cảnh cơ cực, giáo viên không còn phải chịu cảnh “gánh” chữ vào bản như từ trước tới nay.

Nguồn: Thế Lượng - Báo Giáo dục & Thời đại
 

  


Các tin khác
(Vnn)Cô giáo mang bầu đi lại liên tục quạt mát cho học trò dưới sân trường (28/05/2019)
Một tấm gương nhà giáo dũng cảm cứu trò! (07/05/2019)
Cô giáo 16 năm truyền cảm hứng môn Văn cho học trò (04/05/2019)
Thầy cô góp tiền nấu cơm trưa để học sinh đừng nghỉ học (02/05/2019)
Nguyễn Huy Tu – Người cán bộ, công đoàn viên gương mẫu (11/04/2019)
Cô bảo mẫu trên đỉnh Co Kham (07/04/2019)
(GD&TĐ)Thầy giáo với nhiều chuyên đề sáng tạo (07/04/2019)
Nhà giáo góp chữ về vùng Đồng Tháp Mười (23/03/2019)
Tấm gương tâm huyết, sáng tạo học theo lời Bác (07/03/2019)
Người chèo đò với khát vọng vươn lên của ngành Giáo dục tỉnh Đồng Tháp – Quê hương đất sen hồng (21/02/2019)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18762423
Online: 1065
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn