Tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường, có quy mô rộng lớn trên phạm vi thế giới. Động đất, sóng thần, bão lũ, lụt, hạn hán,… đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, kinh tế và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân loại. Trong vòng vài thập niên gần đây, mỗi năm trung bình có khoảng 200 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp do thiên tai gây ra.
Theo Liên hợp quốc, thiệt hại do thiên tai gây ra trên toàn thế giới tăng gấp 3 lần trong 40 năm qua, từ mức 525,7 tỷ USD (của GDP toàn cầu) lên 1.580 tỷ USD hiện nay. Trong vòng 30 năm qua, các nước giàu thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), thiệt hại do lũ lụt tăng 160%, thiệt hại do bão tăng 262%.
Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương là nơi chịu nhiều tác động nhất về thiên tai. Người dân khu vực này chịu hậu quả thiên tai cao gấp 4 lần so với người dân ở Châu Phi, cao gấp 25 lần so với người dân ở Châu Âu, hoặc Bắc Mỹ.
Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, có bờ biển dài 3.260 km, thuộc một trong những trung tâm có nhiều cơn bão trong một năm của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn nhất về thiên tai và luôn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ thiên tai do bão, lũ lụt, lũ quét, lũ ống, ngập úng, hạn hán, tố, lốc, sạt lở đất, động đất, sóng thần, nước biển dâng ngập mặn, rét đậm, rét hại gây ra. Thực tế cho thấy, trong 20 năm (1990-2009), bình quân mỗi năm, Việt Nam thiệt hại kinh tế ước tính 1,3% GDP (tương đương 3,6 tỷ USD) và có 457 người thiệt mạng do thiên tai gây ra.
Từ 2008 đến 2010, Việt Nam hứng chịu trên 20 cơn bão (năm 2009 có 11 cơn bão), nhiều đợt lũ lớn (năm 2010 có 4 đợt), lốc xoáy, sạt lở đất, rét đậm, rét hại,… đã gây nên nhiều thiệt hại về người và tài sản: Có 1.331 người chết và mất tích, hơn 530 ngàn ha lúa và hoa màu bị mất trắng, hơn 1 triệu gia súc, gia cầm bị chết, hơn 54 ngàn ha nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, 10.700 ngôi nhà bị phá huỷ, nhiều công trình công cộng bị hư hỏng. Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 50.700 tỷ đồng. Năm 2011, Việt Nam tiếp tục hứng chịu những diễn biến bất thường của bão lụt, rét đậm, rét hại. Thiệt hại do cơn bão số 2, tháng 6/2011 đã có 17 người chết, 6 người mất tích, 64 người bị thương; 81 nhà bị sập đổ, cuốn trôi, 2.595 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái. Diện tích lúa bị ngập úng, đổ dập là 23.463 ha.
Thiên tai cũng gây nhiều thiệt hại về tính mạng, tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động dạy và học của giáo viên, học sinh và nhà trường. Năm 2009, ba cơn bão số 9, số 10 và số 11 đổ bộ vào miền Trung và Tây Nguyên đã làm cho 44 cán bộ, giáo viên, học sinh chết và mất tích, 24 người bị thương; 5.445 trường học bị ngập, sập và tốc mái; nhiều sách vở, đồ dùng học tập của học sinh, giáo viên bị hư hại, hoặc bị lũ cuốn mất. Năm 2010, ba đợt mưa lũ liên tiếp trong tháng 10 và tháng 11, từ Nghệ An đến Ninh Thuận đã làm cho 22 cán bộ, giáo viên, học sinh chết và mất tích, 20 người bị thương; 12.260 trường học bị ngập nước từ 0,5 m đến 2,5 m, gây thiệt hại rất lớn cho ngành Giáo dục.
Trận lũ năm 2010 có ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình bị nặng nhất. Ngành giáo dục ở ba tỉnh này thiệt hại ước tính 705 tỷ đồng với trên 10.000 phòng học, phòng chức năng, thư viện bị sập đổ, cuốn trôi hoặc bị ngập sâu; trên 1.300 căn hộ của giáo viên bị ngập, hỏng nặng, 44.000 m tường rào trường học bị đổ, 12.700 bộ bàn ghế và 383.000 bộ sách giáo khoa bị cuốn trôi. Nhiều thiết bị dạy học, máy vi tính, công trình nước, vệ sinh trường học bị hư hỏng nặng. Nhiều công trình xây dựng trường học, nhà công vụ giáo viên được xây dựng theo chương trình kiên cố hoá của Chính Phủ chưa hoàn thành cũng bị hư hại. Do các trường tại vùng lũ bị hư hỏng nặng, nhiều giáo viên, học sinh không còn sách, vở, đồ dùng học tập, nên phục hồi việc học tập gặp nhiều khó khăn. Trận lũ lụt do cơn bão số 2 gây ra (tháng 6/2011) đã làm cho miền Tây Nghệ An tan hoang, nhiều trường học, bàn ghế học sinh, trang thiết bị dạy và học bị ngập sâu trong nước và bị vùi trong bùn.
Trong những năm qua, trước những diễn biến phức tạp của thiên tai, thực hiện sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng và chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động ở các trường học trên các vùng miền của đất nước đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục và giảm nhẹ hậu quả thiên tai. Nhiều trường học, đơn vị giáo dục đã chủ động xây dựng phương án thực hiện công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai cho nhà trường, đơn vị và cho gia đình. Do đó, khi thiên tai xảy ra đã giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản, trang thiết bị dạy và học của nhà trường, đơn vị.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong những năm gần đây khả năng chủ động đáp ứng nhu cầu công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành giáo dục chưa thực sự hiệu quả như mong muốn. Nội dung, chương trình giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai chưa được triển khai vào nhà trường một cách đồng bộ. Khi thiên tai xảy ra còn bị động trong khâu tổ chức cứu trợ và hỗ trợ. Việc thống kê, thông tin báo cáo, đánh giá thiệt hại và đề xuất hướng xử lý còn chậm. Đội ngũ cán bộ, giáo viên chưa được đào tạo, bồi dưỡng một cách hệ thống, bài bản và thường xuyên về kiến thức phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Bước vào những tháng đầu năm 2012, thời tiết tiếp tục có những diễn biến bất thường. Ngày 15/01, trong lúc miền Bắc đã và đang chịu rét đậm, rét hại (vùng núi phía Bắc có nơi nhiệt độ giảm chỉ còn 3 độ C), thì tại Lào Cai đã có mưa diện rộng, lượng mưa phổ biến từ 15 – 25 mm, một số nơi trên 30 mm, thậm chí huyện SaPa có nơi lượng mưa tới 82,9 mm. Mưa đều khắp đã gây ra một đợt lũ trên toàn bộ hệ thống sông suối ở Lào Cai (là hiện tượng rất hiếm có). Trong tháng 02/2012, áp thấp nhiệt đới đã xuất hiện và hoạt động trên biển Đông – là hiện tượng 20 năm nay mới có. Đặc biệt, cuối tháng 3 vừa qua, cơn bão số 1 hình thành ở biển Đông và đã đổ bộ vào các tỉnh từ Nam trung bộ trở vào. Bão xuất hiện trước tháng 4, là hiện tượng sau 40 năm mới có. Khi đi vào đất liền, bão số 1 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, nhưng do mưa to và kèm theo gió dật mạnh đã làm 10 người chết và bị thương; hàng chục nghìn căn nhà sập đổ, hư hại và tốc mái; 36 tàu, thuyền bị chìm; gần bảy ngàn ha lúa và nhiều cây xanh ngã đổ, v.v.
Theo dự đoán của các chuyên gia khí tượng - thuỷ văn, trong thời gian tới, thiên tai bất thường, bão bất thường, cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan khác như tố lốc, lũ quét, vòi rồng, v.v, sẽ xảy ra nhiều hơn với hướng đi, cường độ khó dự đoán và có nguy cơ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng, khó lường. Do vậy, thực hiện tốt công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong ngành giáo dục là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết vừa trước mắt và lâu dài. Để góp phần hoàn thành nhiệm vụ nói trên, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động và tổ chức công đoàn giáo dục các cấp với những giải pháp sau:
Thứ nhất, thực hiện tuyên truyền sâu rộng trong đội ngũ nhà giáo và người lao động về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Công đoàn giáo dục các cấp thông qua các hoạt động của mình tiếp tục tuyên truyền làm cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành nhận thức được thực tế diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường của thời tiết và thiên tai trên thế giới và ở nước ta; nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở nhà trường, đơn vị. Trong đó, cần tập trung làm tốt công tác này đối với những trường học, đơn vị giáo dục ở ven biển, hải đảo, miền núi, ven sông – nơi có nguy cơ cao có thể xảy ra thiên tai. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh với mọi tư tưởng chủ quan, xem thường công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong một bộ phận cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh và sinh viên.
Thứ hai, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ công đoàn giáo dục các cấp về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Các lớp bồi dưỡng cán bộ công đoàn giáo dục các cấp cần có nội dung thích hợp về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Lồng ghép và tích hợp kiến thức phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao và các hoạt động khác của công đoàn để bồi dưỡng kiến thức phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động.
Thứ ba, xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai ở các trường học và đơn vị giáo dục. Dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, công đoàn phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong nhà trường, đơn vị để thành lập Ban chỉ đạo hoặc là tổ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai để triển khai “Kế hoạch hành động trong ngành Giáo dục về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai”. Đặc biệt là xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, đơn vị với chính quyền và nhân dân địa phương nơi trường trú chân về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Thứ tư, kiểm tra, khảo sát, đánh giá về công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đối với các đơn vị, trường học. Công tác kiểm tra, khảo sát định kỳ hàng năm hoặc kiểm tra đột xuất đối với trường học, đơn vị giáo dục cần có nội dung phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, nhắc các đơn vị lấy phòng chống làm chính. Khi thiên tai xảy ra, thì cán bộ công đoàn nhanh chóng kiểm tra, khảo sát đánh giá thực trạng thiệt hại để có giải pháp khắc phục hậu quả nhanh, ổn định; đồng thời thông tin kịp thời cho các cấp có thẩm quyền biết, giải quyết.
Thứ năm, xây dựng phương án và huy động các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai. Công đoàn phối hợp với nhà trường xây dựng phương án phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động. Quán triệt và nâng cao hiệu quả công tác chuẩn bị đối phó thiên tai theo phương châm “Bốn tại chỗ”: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ để xây dựng phương án phòng chống và giảm nhẹ thiên tai của nhà trường, đơn vị. Trong đó, lấy việc bảo vệ tính mạng học sinh, sinh viên, nhà giáo và người lao động là nhiệm vụ hàng đầu.
Thực hiện tốt các giải pháp trên, đội ngũ, cán bộ, nhà giáo và người lao động trong ngành sẽ góp phần thực thực hiện tốt mục tiêu chung của ngành giáo dục về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2011 – 2020.
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội – 2011.
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg, ngày 16 tháng 11 năm 2007 về “Phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020”.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT, ngày 08 tháng 9 năm 2011 về việc ban hành “Kế hoạch hành động thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai của ngành giáo dục giai đoạn 2011 – 2020”.
TS. Phạm Văn Thanh
Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam