Từ khi thành lập đến nay, trong quá trình vận hành tổ chức hoạt động công đoàn Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam đã tiếp nối, phát huy các giá trị của các thế hệ đi trước tạo dựng, đồng thời tiếp biến với những giá trị mới, đồng hành cùng ngành Giáo dục, đảm bảo các chức năng của tổ chức Công đoàn Việt Nam đáp ứng với yêu cầu trong các giai đoạn lịch sử của đất nước.
Ngày 22/7/1951 tại Chiến khu Việt Bắc, sau rất nhiều nỗ lực của Ban vận động, CĐGD Việt Nam được thành lập với một Ban Chấp hành Lâm thời gồm 15 đồng chí. “Chánh thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam” là tên gọi của chức vụ cao nhất tại thời điểm này đã do đồng chí Nguyễn Cát Tường đảm nhiệm. Con số “9.857” Nhà giáo – người lao động (NGNLĐ) tham gia tổ chức công đoàn giáo dục đầu tiên này đã được ghi vào sử sách của CĐGD Việt Nam. Những dấu mốc lịch sử, những con số mang nhiều giá trị đó đã đặt nền móng và xây đắp nên một chặng đường dài cho một tổ chức luôn: Đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đội ngũ NGNLĐ trong ngành giáo dục. Một tổ chức luôn đồng hành với những khó khăn, thử thách, cũng như cùng tạo nên những thành công của nền giáo dục nước nhà. Các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn đã nối tiếp nhau cống hiến, đắp xây, tạo dựng để con đường ấy ngày một rộng mở hơn, bền chắc hơn. Và cứ đến dịp này hàng năm, ngày 22/7 như một dấu mốc quan trọng, điểm nhấn cho một chặng đường, để tất cả cùng nhìn lại, củng cố thêm hành trang cho hành trình tiếp theo với những thách thức và cơ hội mới.
Với 15 kỳ đại hội, các chủ trương, nghị quyết, các chương trình hành động của CĐGD Việt Nam đã luôn gắn với quá trình phát triển lịch sử của đất nước; đồng hành với những thay đổi, vận động của Ngành Giáo dục và gắn bó mật thiết, đáp ứng với nhu cầu, yêu cầu của đội ngũ NGNLĐ - thành tố quan trọng quyết định sự tồn tại, phát triển của mỗi trường học và lớn hơn là quyết định sự thành công của ngành Giáo dục. Khi đất nước trải qua các cuộc chiến tranh hay khi trời đất gieo thiên tai dịch bệnh thì đời sống, việc làm của thầy cô giáo cũng không đứng ngoài những khó khăn chung. Ở những thời điểm đó, từ công đoàn ngành Trung ươngđến công đoàn trong các cơ sở giáo dục, các trường học đã phát huy cao độ tinh thần sáng tạo, ý thức vì cộng đồng để gây dựng và triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua. Các cuộc vận động và các phong trào thi đua ấy đã thúc đẩy NGNLĐ vượt qua chính mình để cống hiến; truyền cảm hứng để tạo sự đồng thuận, đoàn kết; phát hiện và nhân lên những điều tốt đẹp để nhà giáo, nhà trường luôn là những hình ảnh đẹp, được xã hội trân trọng, tôn vinh; tạo ra những môi trường học đường văn minh, văn hóa xứng đáng là nơi để xây dựng nguồn lực và tạo dựng tương lai cho đất nước.
Ai đã đến với trường học đều không thể không biết đến những khẩu hiệu nghiêm cẩn, đồng thời cũng lànhững phương châm sống/ làm việc của nhà giáo và nhà trường: Từ những khẩu hiệu: “3 xây, 3 chống, 3 cải tiến” năm xưa đến những khẩu hiệu “Dạy tốt - học tốt”; “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương – trách nhiệm”; “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”; “Trường học thân thiện - học sinh tích cực” hiện hữu trong các trường học qua nhiều thế hệ... Đến nay, những tinh thần ấy, cốt cách ấy vẫn còn nguyên giá trị và được tiệm cận với xu thế mới. Đó là: “Đổi mới sáng tạo trong dạy và học”, đó là các “Trường học hạnh phúc”… Tất cả đều là sự chủ động đề xuất, vào cuộc, triển khai của CĐGD Việt Nam tạo nên dấu ấn rất riêng cho môi trường học đường qua nhiều thế hệ.
CĐGD Việt Nam cũng đã và đang đồng hành, chăm lo cho những nhà giáo công tác ở những địa bàn khó khăn. Nơi miền biên ải xa xôi, nơi đảo xa ngàn trùng, những công trình nước sạch, những căn nhà tập thể gắn biển: “Nhà công vụ giáo viên” - sản phẩm của “Cuộc vận động hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn” do CĐGD Việt Nam khởi xướng và triển khai trong một thời gian dài, được sự ủng hộ nhiệt tình và trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo và cộng đồng,chắc chắn đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong cuộc đời dạy học của rất nhiều thế hệ giáo viên. Ở những nơi khó khăn, gian nan nhất cũng là nơi ấm áp, nghĩa tình nhất khi mà phong trào: “Phòng giúp phòng -trường giúp trường - nhà giáo giúp đỡ nhà giáo” được khởi nguồn từ CĐGD tỉnh Lào cai, sau đã lan tỏa ra cả nước.
Có thể nói, ở bất kỳ thời điểm nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, CĐGD Việt Nam cũng đều làm tốt vai trò là tổ chức đại diện cho đội ngũ NGNLĐ trong Ngành Giáo dục. Công đoàn trong các trường học, các cơ sở giáo dục là địa chỉ tin cậy để NGNLĐ bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đóng góp ý kiến xây dựng … Công đoàn trong các cơ sở giáo dục, các trường học cũng là nơi đoàn kết, tập hợp sức mạnh của đội ngũ trí thức - NLĐ, phát huy tính dân chủ, đóng góp cho sự ổn định và phát triển của đơn vị. Tổ chức công đoàn từ cơ sở cũng thực hiện nghiêm túc và hiệu quả chức năng phản biện xã hội, tập hợp những đề xuất của người lao động để các quy định về chế độ, chính sách đối với NGNLĐ trong ngành đảm bảo tính thực tiễn, tác động tích cực tới đời sống việc làm, thúc đẩy mối quan hệ lao động hài hòa ổn định, động viên NGNLĐ sáng tạo, tận tâm cống hiến.
Quá trình vận động và phát triển của xã hội đòi hỏi các thành tố trong nó cũng không thể tĩnh tại. Tổ chức công đoàn nói chung và tổ chức công đoàn trong ngành giáo dục nói riêng cũng luôn đổi mới trong chỉ đạo và tổ chức hoạt động để thực hiện các chức năng sao cho phù hợp với nhu cầu của người lao động, ứng đáp với yêu cầu của xã hội. Với CĐGD Việt Nam, “Đi tìm các câu trả lời mới cho vấn đề không mới” là phương châm hành động thường trực từ mỗi công đoàn cơ sở, mỗi tổ công đoàn. Ở mỗi thời kỳ, CĐGD Việt Nam đã xác định mục tiêu rõ ràng: đến với NGNLĐ, vì quyền lợi của NGNLĐ, vì sự ổn định và phát triển của mỗi trường học, mỗi đơn vị, của Ngành Giáo dục… trên cơ sở đó đã nghiên cứu, đề xuất và triển khai các giải pháp cụ thể, có định hướng và đảm bảo tính khả thi. Từ các chủ trương “Nhà giáo hỗ trợ nhau soạn bài” trong thời kỳ mới thành lập, đến các chủ trương: “Nhà giáo giúp nhau tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống” trong thời kỳ khó khăn chung của đất nước. Đến các chủ trương: “Xã hội hóa giáo dục”; “Dân chủ hóa trường học” lấy “5 công khai” làm giải pháp chính đã đặt nền móng cho việc xây dựng quy chế dân chủ trong các trường học cũng nhưcác cơ quan đơn vị ngoài trường học sau này. Sự khởi xướng của CĐGD Việt Nam đã làm thay đổi rất lớn các mối qua hệ trong nhà trường, thay đổi cách tư duy về đầu tư và thúc đẩy sự vào cuộc của các tổ chức xã hội hỗ trợ cho nhà trường và cho Ngành Giáo dục - tháo gỡ rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trong một thời gian dài. Đến thời điểm hiện tại, ứng đáp với yêu cầu của nhà giáo trong bối cảnh mới, các chủ trương mà CĐGD Việt Nam đang triển khai như: “Hỗ trợ nhà giáo nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”, “Nhà giáo với chuyển đổi số trong giáo dục”, “Thầy cô thay đổi, Hiệu trưởng thay đổi vì một Trường học hạnh phúc” hay như việc xây dựng “Các nhóm nhà giáo cùng nhau phát triển” cũng thực sự cần thiết với mỗi thầy cô, mỗi nhà trường… tất cả đã thể hiện sự nhạy bén, kịp thời và mang màu sắc riêng cho hoạt động của tổ chức công đoàn trong ngành giáo dục.
Nếu ví lịch sử là một chặng đường thì chặng đường đó đã in bóng của rất nhiều thế hệ nối tiếp. Thành tích và vinh dự của CĐGD Việt Nam hôm nay có sự đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ công đoàn, các nhà giáo,nhà khoa học từ các trường học, các cơ sở giáo dục. Đó không chỉ là các cán bộ công đoàn tâm huyết, mẫn cán, sáng tạo mà còn là các trí thức lớn, đóng góp nhiều thành tựu cho sự nghiệp giáo dục, cho đất nước. Tiêu biểu như Giáo sư Ngụy Như Kon Tum - Phó Chánh thư ký CĐGD VN từ năm 1957 đến năm; Chánh Thư ký CĐGD VN từ năm 1970 đến năm 1975. Giáo sư Văn Như Cương - Ủy viên Ban Chấp hành CĐGD VN từ năm 1988 đén năm 1993 và rất nhiều các nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý khác đã tham gia hoạt động công đoàn trong ngành giáo dục.
Trải qua 71 năm xây dựng và phát triển, CĐGD VN đã vinh dự được tặng thưởng 01 Huân chương Độc lập hạng nhất; 02 Huân chương Độc lập hạng nhì, 01 Huân chương Độc lập hạng 3; 01 Huân chương Lao động hạng nhất cùng nhiều Bằng khen của nhà nước, Chính phủ, của Tổng LĐLĐ Việt Nam và của Bộ GD&ĐT. Và năm 2021 vừa qua CĐGD Việt Nam vinh dự được đón nhận Huân Chương Độc lập Hạng 3 lần thứ 2, phần thưởng cao quí của nhà nước trao tặng. Đây là ghi nhận xứng đáng cho những thành tựu của CĐGD Việt Nam trong suốt 70 năm qua, một sự khẳng định vị trí, vai trò, sứ mệnh của tổ chức công đoàn trong ngành Giáo dục. Đồng thời cũng là việc đặt niềm tin và giao trọng trách cho tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ cho đội ngũ trí thức ngành giáo dục trong thời gian tới.
Với tiềm lực sẵn có, với tiềm năng dồi dào, với truyền thống dày dặn, đây là cơ hội cho sự phát triển lớn mạnh hơn nữa của CĐGD Việt Nam. Trước những thách thức đang đặt ra cho tổ chức công đoàn nói chung và CĐGD Việt Nam nói riêng, đội ngũ cán bộ, đoàn viên của CĐGD Việt Nam xác định phải đổi mới, sáng tạo hơn nữa trong công tác chỉ đạo và điều hành, trong công tác tổ chức các hoạt động công đoàn.
Cơ hội việc làm, thu nhập, đời sống văn hóa tinh thần của NGNLĐ ngày càng đối mặt với nhiều biến động khó lường. Tổ chức công đoàn trong ngành Giáo dục vẫn luôn là, sẽ tiếp tục và phải xứng đáng là niềm tin, chỗ dựa tin cậy, nơi NGNLĐ gửi gắm, chia sẻ để nhận được sự hỗ trợ, nhận được sự chăm lo khi họ cóvướng mắc, khó khăn trong cuộc sống cũng như trong lao động nghề nghiệp.
Nhắc lại con số 9.857 NGNLĐ ở thời điểm CĐGDViệt Nam mới thành lập và nhấn mạnh con số hơn 1,7 triệu NGNLĐ ở thời điểm hiện tại để thấy được sự phát triển về số lượng của tổ chức trong 71 năm qua. Cùng ôn lại truyền thống, những thành tưu của quá trình xây dựng và phát triển không chỉ để tận hưởng những hào quang, thành tích mà còn để thấy rõ ràng hơn trách nhiệm nặng nề, khẳng định thêm ý chí quyết tâm để đón nhận những cơ hội và thách thức đang ở phía trước.
Một trang sử mới sẽ được tiếp tục với những quyết tâm để có được những thành tựu mới.
BCH CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM