logo Chuyên đề Tuyên truyền giáo dục

Bài học sâu sắc từ cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng
(10:48, 27/08/2018)

Nhân dịp Kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, để hiểu hơn giá trị thắng lợi của sự nghiệp cách mạng đã đạt được, tiếp nối truyền thống ông cha bằng những thắng lợi của cách mạng hôm nay, Công đoàn Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã triển khai đến toàn thể đoàn viên công đoàn, người lao động trong Viện học tập tu dưỡng, rèn luyện theo tấm gương Bác Tôn kính yêu - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo mẫu mực suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; tăng cường giáo dục lý tưởng cộng sản, truyền thống yêu nước và cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; trau dồi kiến thức cho bản thân, đóng góp sức trẻ để xây dựng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nói riêng, nước Việt Nam nói chung chung ngày càng phát triển. 

Công đoàn Viện KHGD Việt Nam

Chủ tịch Tôn Đức Thắng sinh ra, lớn lên trong một gia đình nông dân khá giả ở Cù lao Ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, tổng Định Thành, tỉnh Long Xuyên, nay là thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị đều là những người nông dân hiền lành, cần cù, chịu khó, chất phác.

Thời thơ ấu, Tôn Đức Thắng theo học chữ nho, chữ quốc ngữ và chữ Pháp. Bài học làm người, về nhân sinh quan, về tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của Người được truyền từ người thầy đầu tiên, nhà nho yêu nước Nguyễn Thượng Khách, trong nhóm “Đông Kinh nghĩa thục”. Sau tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên, Người đã rời quê hương lên Sài Gòn với ý định học việc và thực hiện hoài bão cuộc đời. Người đã không lựa chọn hướng “làm thầy” mà chọn con đường “làm thợ”.

Vốn thông minh, đầy khát vọng, có tính độc lập cao, tư duy nhạy bén, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người, Người đã nhanh chóng hòa mình vào cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Nhận ra sức mạnh và những bất công mà giai cấp công nhân phải chịu đựng, càng giúp Người càng thêm quyết tâm thực hiện lý tưởng, khát vọng làm những việc hữu ích cho đất nước, cho dân tộc và giai cấp công nhân.

1. Những cống hiến to lớn của Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Tôn Đức Thắng - Người chiến sĩ cộng sản tiên phong

Trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng có nhiều hoạt động mang ý nghĩa mở đầu. Ở nhiều công việc, Người luôn là người đầu tiên hoặc một trong những người đầu tiên. Điều đó không phải là ngẫu nhiên mà chính là do phẩm chất cách mạng, năng lực cách mạng, trí tuệ và đạo đức cách mạng trong sáng của Người.

Tôn Đức Thắng, người Việt Nam đầu tiên tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, cuộc cách mạng vô sản thắng lợi đầu tiên trên thế giới.

Sau khi Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, 14 nước đế quốc đưa quân đến, câu kết với bọn phản động trong nước Nga, âm mưu tiêu diệt chính quyền Xôviết non trẻ. Nhân dân Xôviết, dưới sự lãnh đạo của Đảng Bônsêvích do V.I.Lênin đứng đầu đã kiên cường chiến đấu chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ thành quả cách mạng. Đồng thời, trên thế giới, phong trào ủng hộ và đấu tranh bảo vệ Cách mạng Tháng Mười đã bùng lên ở nhiều nước. Lúc đó, Tôn Đức Thắng là lính thợ trên chiến hạm France trong hạm đội Hải quân Pháp tiến vào Biển Đen, chuẩn đi tiến công đảng Xêvaxtôpôn. Vốn là công nhân một nước thuộc địa của Pháp, đã từng đấu tranh chống áp bức, bóc lột, Người không muốn chống lại những người anh em vô sản Nga, không muốn tiến công vào nước Nga Xô viết, thành quả của Cách mạng Tháng Mười. Người đã dũng cảm tham gia cuộc phản chiến của thuỷ thủ trên tàu. Người được cử kéo lá cờ đỏ lên đỉnh cột cờ của chiến hạm, thể hiện sự phản đối chính sách của các nước đế quốc can thiệp vào nước Nga, đồng thời bày tỏ tình đoàn kết với những người anh em Xô viết, ủng hộ nước Nga Xô viết - Nhà nước Xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới. Sau này Người đã kể lại suy nghĩ của mình khi kéo lá cờ đỏ lên một cờ chiến hạm: "Chúng tôi chào các bạn bằng lá cờ đỏ được giương lên ở Biển Đen. Tôi mơ ước cùng với lá cờ đỏ này tuần dương hạm sẽ cập bến Nga, tôi sẽ lên bờ và được dịp tham gia cuộc cách mạng và học tập các bạn Nga, để trở về Tổ quốc giúp đỡ dân tộc tôi vứt bỏ ách nô lệ...” (Trích bài của Tôn Đức Thắng viết cho báo Người thuỷ thủ Xô Viết, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 40 Cách mạng Tháng Mười Nga). Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho rằng Tôn Đức Thắng “Kéo cờ phản chiến và ủng hộ Cách mạng Tháng Mười Nga chống lại sự can thiệp của thực dân Pháp và các nước đế quốc khác. Đó là một hành động mà lúc bấy giờ được xem là hiếm có, hơn thế nữa, là một hành động xuất chúng”. Việc kéo cờ đỏ trên chiến hạm France đã khởi đầu cho cuộc phản chiến của toàn hạm đội Pháp lên Biển Đen. Cuộc phản chiến thắng lợi, Chính phủ Pháp buộc phải rút toàn bộ hạm đội về nước.

Tôn Đức Thắng, người sáng lập tổ chức Công hội đầu tiên - tiền thân của tổ chức Công đoàn ngày nay.

Năm 1920, trở về Sài Gòn, bằng tình cảm yêu mến, sự giác ngộ về Cách mạng Tháng Mười Nga và Nhà nước Xô Viết cùng với những kinh nghiệm trong tổ chức đấu tranh của giai cấp công nhân ở các nước tư bản, đặc biệt là nghiệp đoàn ở Pháp, Người đã cùng với những người bạn chiến đấu, thành lập và lãnh đạo Công hội bí mật Sài Gòn. Đây là tổ chức công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Công hội bí mật được thành lập, đánh đấu sự chuyển biến mới của giai cấp công nhân Việt Nam từ thời kỳ chưa có tổ chức sang thời kỳ có tổ chức.

Công hội do Người làm Hội trưởng đã lãnh đạo nhiều cuộc đấu tranh. Tiêu biểu nhất là cuộc bãi công của công nhân Ba Son (tháng 8-1925), cuộc đấu tranh có tiếng vang trong nước và quốc tế, thể hiện rõ tinh thần quốc tế vô sản của công nhân Việt Nam. Tại Đại hội lần thứ VI (1928) Quốc tế Cộng sản, đại biểu Đông Dương đã đề cao cuộc bãi công này: "Công nhân Ba Son không chịu sửa chữa tàu Michelet, mà bọn đế quốc Pháp dùng để tàn sát nhân dân Trung Quốc". Sau cuộc đấu tranh này, các cơ sở của Công hội lan rộng tới một số thị trấn ở Nam Bộ, Công hội Sài Gòn là mảnh đất tốt tiếp nhận tư tưởng Mác - Lênin do đồng chí Nguyễn Ái Quốc truyền bá.

Đó là hai hoạt động mang ý nghĩa mở đầu đặc biệt quan trọng đối với người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, Người còn là một trong số chi uỷ viên đầu tiên của Chi bộ cộng sản nhà tù Côn Đảo, Trưởng ban đầu tiên của Ban Thi đua ái quốc Trung ương, Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Việt - Xô, người Việt Nam đầu tiên được trao tặng Giải thưởng Hoà bình quốc tế và Huân chương Lênin, người Việt Nam đầu tiên được tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, Chủ tịch đầu tiên của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Tôn Đức Thắng đã đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng và ở bất kỳ cương vị công tác nào Người cũng rất xứng đáng với sự tín nhiệm của Đảng và nhân dân. Sự trùng lặp tính mở đầu ở nhiều công việc, nhiều sự kiện trong cuộc đời Người có rất nhiều ý nghĩa, mà ý nghĩa lớn nhất đó là sự thể hiện trong thực tế tính tiên phong cách mạng của người công nhân - cộng sản Tôn Đức Thắng. Tính tiên phong, một trong những phẩm chất quý báu của giai cấp công nhân Việt Nam đang được hàng triệu đảng viên cộng sản phát huy trong công cuộc đổi mới hiện nay.

Tôn Đức Thắng - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, sáng ngời đạo đức cách mạng

            Tháng 7/1929, Tôn Đức Thắng bị thực dân Pháp bắt giam tại Khám Lớn (Sài Gòn) và một năm sau bị đày ra Côn Đảo. Gần mười bảy năm bị giam ở ngục tù đế quốc, đặc biệt là những năm tù đày ở Côn Đảo (1930-1945), Người luôn chiến đấu với tinh thần của người cộng sản kiên cường, bất khuất trước mọi âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, thương yêu đồng chí và những người cùng cảnh ngộ.

Chịu biết bao cực hình dã man: bị nhốt vào hầm xay lúa, trong hầm tối, bị xiềng xích, cùm kẹp, bị bỏ đói, bỏ khát, nhưng tinh thần cách mạng kiên cường của Người trước sau vẫn không lay chuyển. Người đã “tổ chức anh em tù chính trị thành hạt nhân, đoàn kết toàn thể tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm…”, trong đó có nhiều tù nhân được giác ngộ, một số tù lưu manh cũng được cảm hóa. Những câu chuyện về nghệ thuật tổ chức và tài cảm hóa của “người cặp rằng Hầm xay lúa” mà các bạn tù của Người kể lại còn lưu truyền đến ngày nay và mai sau đã minh chứng cho sự kiên cường và óc sáng tạo của người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng.

Người đã đề xướng việc thành lập Hội cứu tế tù nhân - hội tù Côn Đảo đầu tiên; góp phần quan trọng vào việc thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở nhà tù Côn Đảo, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của tù nhân Côn Đảo, thời kỳ đấu tranh có tổ chức, có phương pháp, với mục tiêu cụ thể trước mắt và lâu dài. Đặc biệt khi Chi bộ thực hiện chủ trương biến “nhà tù thành trường học cộng sản”, Người tích cực hưởng ứng, gương mẫu học tập và tham gia vào truyền bá những kiến thức về lý luận cơ bản và nội dung huấn luyện cho các tù nhân. Nhờ sự bí mật, khôn khéo, Người đã giúp Chi bộ vừa chuyển được thư từ, tài liệu ở Côn Đảo về Sài Gòn, vừa nhận được nhiều sách lý luận gồm những tác phẩm kinh điển Mác, Ăngghen, Lênin... dùng làm tài liệu học tập trong tù.

Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (1939), dưới sự lãnh đạo của Chi bộ, Hội tù nhân do Người chỉ huy đã có nhiều hình thức và tổ chức hoạt động phong phú phù hợp với hoàn cảnh mới. Ngày 15/8/1945, Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện; chớp thời cơ, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Theo tinh thần đó, Đảng ủy Côn Đảo chủ trương đoàn kết các lực lượng tù chính trị trên đảo giành chính quyền bằng phương pháp hòa bình. Tôn Đức Thắng được cử vào đoàn đại biểu đến gặp Quản đốc Lê Văn Trà, buộc Trà phải đồng ý một số vấn đề như: tổ chức chính quyền liên hiệp trên đảo, sửa chữa vô tuyến điện, sửa chữa radio để nghe tin tức, sửa chữa canô để đưa đại biểu về đất liền xin ý kiến của Chính phủ...

Hình ảnh người chiến sĩ cộng sản Tôn Đức Thắng kiên cường, sáng ngời bản lĩnh và niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc để vượt qua sự khốc liệt của ngục tù đế quốc đã làm các đồng chí đảng viên tù Côn Đảo ngưỡng mộ và kẻ thù khiếp sợ.

Tôn Đức Thắng - Người tiêu biểu cho chính sách đại đoàn kết dân tộc

Cuộc đời hoạt động trên 60 mươi năm của Chủ tịch Tôn Đức Thắng gắn liền với tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ những ngày đầu khi chưa có Đảng, Người đã tham gia tổ chức và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân, và cho đến sau này, ở nhiều cương vị, trọng trách, nhưng vai trò và vị trí của Người luôn là tập hợp, vận động quần chúng với phạm vi và mức độ ngày càng cao hơn.

Từ những cuộc đấu tranh đầu tiên trên con đường cách mạng của mình những năm 1909 - 1912, như tham gia vận động anh em học sinh lính thuỷ bãi khóa, vận động anh chị em công nhân Sở Kiến trúc cầu đường và nhà ở Sài Gòn chống bọn chủ, cai, đánh đập vô lý và đòi tăng lương, lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh trường Cơ khí Á châu (trường Bá Nghệ Sài Gòn) bãi khoá, Người đã hiểu rõ rằng đoàn kết làm nên sức mạnh, “Sức mạnh của cách mạng, của Đảng là ở chỗ có tổ chức, có đoàn kết nhất trí”. Những cuộc đấu tranh sau này trên Biển Đen (4-1919); của công nhân Ba Son (8-1925), những cuộc đấu tranh mà Người trực tiếp tham gia hoặc lãnh đạo đạt thắng lợi đều khẳng định chân lý đó.

Trong ngục tù đế quốc, bằng đức độ và uy tín của mình, Tôn Đức Thắng đã đoàn kết được anh em tù nhân, lãnh đạo anh em đấu tranh giành thắng lợi ngay cả trong những điều kiện ngặt nghèo nhất. Cái tên “anh Hai Thắng”; “Già Thắng” trở nên rất đỗi thân thuộc và quý mến với tất cả tù nhân ở Côn Đảo khi đó, kể cả tù thường phạm.

Trong vai trò Trưởng ban vận động thi đua ái quốc Trung ương, Người đã chỉ đạo các ngành, các ban, các địa phương động viên, hướng dẫn toàn dân, toàn quân sôi nổi thực hiện phong trào thi đua toàn quốc với bao tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu vừa kháng chiến vừa kiến quốc, góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi hoàn toàn.

Với cương vị lãnh đạo Mặt trận (Mặt trận Liên Việt và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh, trau dồi đạo đức cách mạng để cho “dân yêu, dân tín, dân trọng” nhằm bảo đảm vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. Người căn dặn: “Làm tốt công tác Mặt trận là một đảm bảo chắc chắn cho việc phổ cập chính sách của Đảng trong quần chúng, nâng cao trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho quần chúng, tạo nên một khí thế cách mạng mạnh mẽ, một phong trào thi đua yêu nước rộng rãi nhằm đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội với nhịp điệu nhanh, mạnh và vững chắc”.

Bằng phẩm chất và năng lực của mình, Người đã thực hiện một cách xuất sắc tư tưởng chiến lược đại đoàn kết dân ta của Hồ Chí Minh:

“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết

Thành công, thành công, đại thành công".

Đại đoàn kết dân tộc đã tạo nên sức mạnh to lớn đưa cách mạng nước ta vượt qua muôn trùng khó khăn, thử thách, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, đại đoàn kết toàn dân tộc là nguồn sức mạnh và động lực to lớn để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chủ tịch Tôn Đức Thắng chính là người tiêu biểu của khối đại đoàn kết toàn dân.

Tôn Đức Thắng - Một nhân cách sáng ngời: Nhân ái, thủy chung, khoan dung, nhân hậu; suốt đời cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, khiêm tốn, giản dị.

Khi còn ở tuổi thanh niên, với tấm lòng yêu nước thương dân, căm thù bọn đế quốc xâm lược, Người đã sớm bộc lộ lòng yêu thương những con người bất hạnh, cùng khổ, bênh vực người yếu, chống mọi sự bất công, kể cả việc ra tay trị những kẻ lớn tuổi, ỷ thế ăn hiếp người khác. Người dám bênh cả những bạn học bị đốc học người Pháp phạt vô cớ. Tình thương người bao la, được mở rộng và nâng lên cùng nhận thức trong quá trình hoạt động thực tiễn.

Vào đội ngũ những người lao động, đức tính, phong cách công nhân, giản dị, chân thành, trong sáng, thể hiện trong cuộc sống, trong các mối quan hệ, trong mọi hoạt động, giao tiếp và ứng xử của Người.

Trong ngục tù đế quốc, hình ảnh “người cặp rằng Hầm xay lúa” Người là tấm gương sáng ngời về đức hy sinh, thương yêu những đồng chí anh em cùng cảnh ngộ. Phải sống chung với bọn côn đồ, làm những công việc nặng nhọc nhất, nhưng bằng tư cách đạo đức cách mạng và bằng trái tim nhân ái bao la, Người đã kiên trì giáo dục, giác ngộ, đoàn kết toàn thể tù nhân, không phân biệt tù chính trị hay thường phạm, dần dần đã cảm hóa số tù lưu manh. Không khí thương yêu, giúp đỡ nhau đã thay thế bạo lực, thù hằn. Đồng chí Lê Duẩn nhận xét: “Trong tù đày vô cùng khắc nghiệt, vậy mà đồng chí Tôn Đức Thắng luôn luôn lạc quan, giữ lòng tin tưởng, sống với anh em chân tình, ấm áp”.

Hồ Chí Minh nói: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình, có nghĩa”. Tôn Đức Thắng đã lĩnh hội chủ nghĩa Mác-Lênin theo tinh thần nhân văn cao cả đó: thương những người ruột thịt trong gia đình, bà con hàng xóm, thương những người thợ cùng làm, cùng cảnh ngộ, thương đồng bào bị bóc lột, đàn áp; sống chí tình, chí nghĩa với đồng chí bạn bè. Từ tình thương đồng bào, Người vươn đến thương yêu đồng loại và đạt đến chủ nghĩa nhân văn cộng sản cao quý: giải phóng con người.

Ở những cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Tôn Đức Thắng hết lòng hết sức tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; vẫn giữ vững những đức tính vốn có của mình, làm nhiều nói ít, ghét sự sang trọng xa hoa. Người yêu lao động trí óc và lao động chân tay, lao động trở thành nhu cầu. Những việc tự làm được, Người không bao giờ muốn phiền hà người khác, ngay cả khi ở vào vị trí quyền lực nhà nước cao nhất. Trong lao động, Người tổ chức, sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, luôn tuân thủ kỷ luật lao động và chế độ công tác.

Trong cuộc sống, Chủ tịch Tôn Đức Thắng thực sự là một tấm gương tiết kiệm mẫu mực: tiết kiệm trong tiêu dùng hằng ngày, sinh hoạt gia đình, trong công tác; tiết kiệm tài sản của nhân dân làm ra, được nhân dân cung cấp, giao cho quản lý; tiết kiệm của cải đất nước, đồng thời cũng tiết kiệm cho bạn bè quốc tế. Người sống liêm khiết, trong sạch, ngay thẳng, chân thành, không tham quyền, cố vị, luôn đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên hết.

Chủ tịch Tôn Đức Thắng cũng sống thật khiêm tốn, bình dị. Ăn những món ăn giản dị như các món ăn của quê nhà; mặc như những người bình thường. Có lần, một cán bộ chuẩn bị vượt Trường Sơn về Nam công tác, trước khi rời Hà Nội, chị đến thăm sức khỏe và chào Người, thấy Người mặc chiếc áo ấm cũ rút ngắn có nối thêm một khúc, chị cảm động hỏi: “Bác ơi, làm Chủ tịch nước sao Bác mặc áo nối thế này?”. Người vui vẻ trả lời: “Chủ tịch nước mặc áo nối thì dân mới có đủ cơm ăn”. Và thật xúc động biết bao khi vị Chủ tịch nước - vừa lãnh đạo nhân dân đánh thắng kẻ thù mạnh nhất thế giới về thăm quê lại mặc một chiếc quần có mảnh vá. Sự khiêm tốn, giản dị của Người đã hàm chứa được cái đẹp, cái trọn vẹn trong đạo đức đời thường.

Tóm lại, càng tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, chúng ta càng thêm kính trọng và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Người. Cuộc đời người chiến sĩ cách mạng Tôn Đức Thắng là một tấm gương về lòng nhiệt thành yêu nước; trung thành với Đảng, tận tụy phục vụ nhân dân; bất khuất trước kẻ thù; đức khiêm tốn, giản dị trong lối sống; hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào… Cùng với thời gian, “di sản quý nhất mà đồng chí Tôn Đức Thắng để lại cho nhân dân là chất người Tôn Đức Thắng, sản phẩm tổng hợp của chất hào hiệp Nam Bộ, chất kiên cường và tài năng sáng tạo Việt Nam, chất tiên phong của giai cấp công nhân, chất cách mạng của người yêu nước, người cộng sản, chất nhân đạo của con người. Tinh tuý của chất ấy là lòng thương nước, yêu dân, niềm ưu ái với đồng bào, đồng chí; niềm tin sắt đá vào thắng lợi của cách mạng mặc dù mọi khó khăn, gian khổ, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ nhân dân, đức chí công vô tư quên mình, sự khiêm tốn, giản dị hồn nhiên, trong sáng”.

2. Học tập tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng trong giai đoạn hiện nay

Đối với mỗi cán bộ, đảng viên, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng là nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên, qua đó để giáo dục, rèn luyện mình, xứng đáng là đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Cán bộ, đoàn viên công đoàn, người lao động trong Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, nơi trực tiếp góp phần vào sự nghiệp trồng người, học tập tấm gương mẫu mực, khiêm nhường, giản dị của Người, chúng tôi ra sức trau dồi chuyên môn, tận tụy với công việc để góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng phát triển Ngành giáo dục.

Cần phát huy chủ nghĩa yêu nước gắn chặt với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, đoàn kết, hữu nghị giữa các dân tộc trong điều kiện toàn cầu hóa, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế

Học tập Chủ tịch Tôn Đức Thắng, cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ của Viện Khoa học giáo dục Việt Nam xác định được mục tiêu lý tưởng cho cuộc đời và sự nghiệp của mình, lựa chọn một cuộc sống có ý nghĩa. Nâng cao tinh thần yêu nước, phấn đấu hết lòng, hết sức vì nước, vì dân, có trách nhiệm trong công việc, luôn đi đầu, làm trước, sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ khó khăn nhất, trong những tình huống khó khăn nhất, không an phận, không vì lợi ích của bản thân.

Ngày nay, trong điều kiện toàn cầu hóa, việc mở rộng tình đoàn kết quốc tế, hợp tác cùng có lợi, chủ động, tích cực hội nhập là một nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển đất nước. Đoàn kết quốc tế trong sáng là thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy với các quốc gia trên thế giới, phấn đấu vì độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển.

Đoàn kết quốc tế theo tư tưởng Chủ tịch Tôn Đức Thắng là phát huy tinh thần độc lập tự chủ, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các nước khác, mở rộng hợp tác cùng có lợi, phấn đấu vì hòa bình, phát triển, chống chiến tranh, đói nghèo, bất công, cường quyền, áp đặt trong quan hệ quốc tế. Khép lại những vấn đề của quá khứ, lịch sử, xoá bỏ mặc cảm, hận thù, nhìn về tương lai, xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Học tập và làm theo tư tưởng và tấm gương đạo đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng cần nâng cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, kiên quyết đấu tranh chống tâm lý tự ty, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; phê phán các biểu hiện vong bản, vọng ngoại, ảo tưởng trước chủ nghĩa tư bản.

Sự nghiệp đổi mới đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với sự hình thành và phát triển những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của con người Việt Nam, đồng thời tạo ra những thuận lợi và những thử thách mới đối với mỗi chúng ta trong lĩnh vực đạo đức. Hơn lúc nào hết, hiện nay toàn Đảng, toàn dân ta phải quan tâm đầy đủ đến vấn đề đạo đức, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức đúng đắn, tiến bộ; đẩy mạnh giáo dục, rèn luyện và tăng cường quản lý đạo đức trong Đảng và trong nhân dân. Kế thừa truyền thống đạo đức tốt đẹp của ông cha, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một trong những biện pháp quan trọng để khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm lành mạnh nền đạo đức xã hội, góp phần giữ vững sự ổn định chính trị, xã hội, tạo động lực cho sự phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững. Vấn đề cơ bản nhất khi thực hiện cuộc vận động là mỗi người chúng ta phải nhận thức đầy đủ vị trí của vấn đề đạo đức, thường xuyên tự giác, nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng theo gương Chủ tịch Tôn Đức Thắng vĩ đại.

Nêu cao tinh thần đoàn kết

Xây dựng đoàn kết nội bộ, phát huy cao độ trí tuệ tập thể, kết hợp vai trò cá nhân phụ trách, thực hiện công khai và dân chủ quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, viên chức, người lao động; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và nêu gương. Đoàn kết nội bộ không phải là chỉ thống nhất hành động, thống nhất tư tưởng trong việc thực hiện chủ trương chính sách của Đảng mà còn phải gây tình thân ái mật thiết giữa mọi người, giúp đỡ, yêu thương, quý trọng nhau.

Xây dựng đoàn kết nội bộ không một chiều, tâng bốc nhau mà có đấu tranh thẳng thắn, có lý, có tình, xây dựng, giúp đỡ nhau phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm cùng tiến bộ.

Xây dựng và củng cố đại đoàn kết toàn dân tộc bằng hành động thiết thực trên cơ sở xác định và thực hiện các chủ trương, chính sách, giải quyết thỏa đáng lợi ích của cán bộ, công đoàn viên, người lao động, giải quyết kịp thời những yêu cầu hợp lý của cán bộ, công đoàn viên, người lao động. Đồng thời lắng nghe ý kiến, trao đổi bàn bạc dân chủ với cán bộ, công đoàn viên, người lao động .

Giữ vững phẩm chất, đạo đức và lối sống giản dị, khiêm tốn nêu cao phẩm giá con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là một tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức và lối sống giản dị, khiêm tốn. Học tập và làm theo tấm gương của Người trong giai đoạn hiện nay là:

 Tích cực lao động, học tập, công tác với tinh thần lao động sáng tạo, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao; biết quý trọng công sức lao động và tài sản của tập thể, của nhân dân; không xa hoa, lãng phí, không phô trương, hình thức; biết sử dụng lao động, vật tư, tiền vốn của Nhà nước, của tập thể, của chính mình một cách có hiệu quả.

Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng. Đối với cán bộ lãnh đạo, đảng viên  Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam tuyệt đối không có tư tưởng chạy theo danh vọng, địa vị, giành giật lợi ích cho mình, lạm dụng quyền hạn, chức vụ để chiếm đoạt của công, thu vén cho gia đình, cá nhân. Luôn thẳng thắn, trung thực, bảo vệ chân lý, bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, bảo vệ người tốt; chân thành, khiêm tốn; không chạy theo chủ nghĩa thành tích, không bao che, giấu giếm khuyết điểm... ; không xa hoa lãng phí; thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, tiêu cực. Khiêm tốn, giản dị, không nghĩ cho riêng mình.

Kiên quyết chống bệnh lười biếng, lối sống hưởng thụ, vị kỷ, nói không đi đôi với làm, nói nhiều, làm ít, miệng nói lời cao đạo nhưng tư tưởng, tình cảm và việc làm thì mang nặng đầu óc cá nhân, tư lợi, việc gì có lợi cho mình thì "hăng hái", tranh thủ kiếm lợi, việc gì không "kiếm chác" được cho riêng mình thì thờ ơ, lãnh đạm. Không làm dối, làm ẩu, bòn rút của công, ăn bớt vật tư, tiền của của Nhà nước và của nhân dân. Luôn có thái độ rõ rệt lên án và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, loại trừ mọi biểu hiện vô liêm, bất chính ra khỏi đời sống xã hội./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Tôn Đức Thắng (20/8/1888 – 20/8/2018), Tạp chí của Ban Tuyên giáo Trung ương, http://tuyengiao.vn/ban-can-biet/de-cuong-tuyen-truyen-ky-niem-130-nam-ngay-sinh-chu-tich-ton-duc-thang-113569
  2. Chủ tịch Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cách mạng tiên phong, http://www.dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/books-191520154550856/index-39232015944264633.html
  3. Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, Tuyên giáo An Giang.
  4. Tôn Đức Thắng - Một chiến sĩ cộng sản gương mẫu, một cuộc đời trọn vẹn thủy chung, http://www.dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-dang/sach-chinh-tri/books-191520154550856/index-49232015944264634.html

 

 

 

  


Các tin khác
Hưởng ứng Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) lần thứ III- Năm 2018 (22/08/2018)
Ý nghĩa ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và lịch sử ngày Quốc tế Lao động 1/5 (27/04/2018)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát huy truyền thống 66 năm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động (20/07/2017)
Những lời căn dặn quý báu của Bác đối với đội ngũ thầy cô giáo (19/05/2017)
Kết quả Hội thi “Cô giáo tài năng duyên dáng toàn quốc” năm 2017 (04/04/2017)
87 năm Công đoàn Việt Nam: Vì quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động (06/09/2016)
Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết năm học 2015-2016, triển khai nhiệm vụ năm học 2016-2017 (01/09/2016)
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 65 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM, ĐÁP ỨNG TÌNH HÌNH, NHIỆM VỤ MỚI (20/07/2016)
Đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động đáp ứng yêu cầu mới (05/07/2016)
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ CÁC CUỘC VẬN ĐỘNG TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, NHÀ GIÁO VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠO ĐỘNG LỰC THỰC HIỆN THẮNG LỢI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO (05/07/2016)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18760389
Online: 403
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn