Từ một đất nước 95% dân số mù chữ năm 1945, ngày nay, cứ mỗi sớm mai, gần 1/3 dân số Việt Nam đến trường giảng dạy và học tập - đó hạnh phúc, niềm tự hào lớn lao của dân tộc.
Những nhà giáo - chiến sĩ làm nên kỳ tích
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, sự quan tâm, chăm lo của nhân dân, sự cố gắng to lớn của các thế hệ lãnh đạo đầu tiên và toàn thể giáo viên, nhân viên trong ngành Giáo dục trong 9 năm kháng chiến (1945 - 1954) đã đạt được những thành tựu hết sức to lớn.
Giáo dục từ phổ thông đến đại học không những được duy trì mà còn có sự phát triển, thay đổi về chất. Tất cả các trường đều được dạy - học bằng tiếng Việt.
Công tác xóa mù chữ với phong trào bình dân học vụ là một kỳ tích của Giáo dục nước nhà. Một lớp cán bộ giáo dục và trí thức kháng chiến được hình thành đã trở thành niềm tự hào của dân tộc.
Bản đề án cải cách giáo dục lần thứ nhất với mục tiêu tổng quát là xây dựng một nền giáo dục mới dân chủ, nhân dân, theo phương châm “dân tộc, khoa học, đại chúng” đã đặt nền móng vững chắc cho nền giáo dục mới.
Miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền. Giáo dục vừa phải phục vụ cho công cuộc xây dựng ở miền Bắc vừa phải phục vụ nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Giai đoạn này, Giáo dục cũng đạt được những thành tựu to lớn. Đó là việc chỉ đạo thành công chủ trương chuyển hướng giáo dục thời chiến với quy mô rộng lớn trên toàn miền Bắc.
Mỗi ngày, hàng triệu học sinh, sinh viên, các thầy giáo, cô giáo vẫn đội mũ rơm, khắc phục muôn vàn khó khăn đến trường học tập, giảng dạy - khi ấy trường, lớp chỉ là những căn hầm chống bom, đạn, những lán trại, nhà dân.
Hàng vạn nhà giáo, sinh viên đã lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 31 đoàn với gần 3.000 nhà giáo đã được Bộ điều động vào chiến trường miền Nam ác liệt để cùng với các nhà giáo ở miền Nam xây dựng nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng.
Miền Bắc đã “nhường cơm, xẻ áo” đón nhận hơn 32 ngàn con em miền Nam để nuôi, dạy trong 28 trường học sinh miền Nam trên đất Bắc như những người ruột thịt.
Chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GD&ĐT
Sau 30 năm chiến tranh, đất nước trọn niềm vui, non sông liền một giải. Ngày 11/01/1979, Bộ Chính trị khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TW về cải cách giáo dục trong điều kiện đất nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cuộc cải cách giáo dục lần này với nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội; thống nhất giáo dục trong cả nước, đánh dấu một bước phát triển mới của Giáo dục.
Trong giai đoạn đổi mới, nhất là từ sau triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, Giáo dục đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Hệ thống giáo dục quốc dân tương đối hoàn chỉnh và thống nhất; mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp học và trình độ đào tạo rộng khắp cả nước với 23,5 triệu người đi học.
Đến tháng 12/2014, có 63/63 tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với người dân tộc thiểu số, lao động nông thôn, các đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn, bình đẳng giới được bảo đảm.
Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các nhà trường và giáo viên ở các cơ sở giáo dục phổ thông được chủ động xây dựng kế hoạch dạy học theo hướng tinh giản nội dung dạy học, xây dựng các chủ đề dạy học tích hợp, liên môn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tích cực phù hợp với đối tượng và điều kiện dạy học nhằm phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, tăng cường hoạt động giáo dục giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh...
Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được chú trọng phát triển cả về số lượng, đặc biệt lưu ý đến chất lượng để đáp ứng yêu cầu mới. Cơ sở vật chất - kỹ thuật của hệ thống GD&ĐT được tăng thêm và từng bước hiện đại hóa. Xã hội hóa giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, sự quan tâm chăm lo của toàn xã hội, sự cố gắng không ngừng của các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và của người học, Giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.