logo Tin hoạt động Tin hoạt động khác

(LĐ)Khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: Khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn
(15:51, 24/09/2018)

(LĐ)Khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: Khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn

12h, đại hội kết thúc phiên họp buổi sáng ngày làm việc thứ nhất của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

11h30, đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng LĐLĐVN tóm tắt phiên họp buổi sáng ngày làm việc thứ nhất của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu cho rằng với tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, ý thức trách nhiệm cao và đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, phiên họp buổi sáng ngày làm việc thứ nhất của Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra.

Đại hội đã bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký đại hội và ban thẩm tra tư cách đại biểu; báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI; Báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, chiều nay (24.9) diễn ra chương trình Thủ tướng Chính phủ với đại biểu đại hội thảo luận chủ đề “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”.

Trưởng Ban quan hệ Lao động đề nghị các đại biểu đóng góp có chất lượng vào nội dung chủ đề.

10h45: Tiếp nối phần thảo luận, Đại diện đoàn Tây Ninh tham gia góp ý về sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam với 6 ý kiến.

Thứ nhất, về bố cục của Dự thảo Điều lệ, LĐLĐ tỉnh Tây Ninh thống nhất với bố cục Dự thảo Điều lệ (bổ sung, sửa đổi) gồm có 11 chương và 35 điều; bổ sung điều chỉnh, sắp xếp lại vị trí của một số điều, khoản, tách chương, tách điều, chuyển nội dung từ các điều cho phù hợp với Luật Công đoàn năm 2012 và đáp ứng với tình hình thực tế hoạt động công đoàn hiện nay.

LĐLĐ tỉnh Tây Ninh thống nhất tách chương V (hiện quy định chung LĐLĐ cấp tỉnh, Công đoàn ngành trung ương và Tổng LĐLĐVN) thành 2 chương gồm:

Chương V: Quy định về LĐLĐ tỉnh, thành phố, trực thuộc trung ương, Công đoàn ngành trung ương.

Chương VI: Quy định về Tổng LĐLĐVN.

Thứ hai, phần lời nói đầu, LĐLĐ tỉnh Tây Ninh thống nhất cao với phần lời nói đầu, đổi cụm từ “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” trong lời nói đầu của Điều lệ, thành cụm từ “Công đoàn Việt Nam” phù hợp với tên gọi chung được nêu trong Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn năm 2012, đồng thời thể hiện tên gọi quen thuộc của tổ chức công đoàn trong đại đa số nhân dân.

Thứ ba, về đối tượng đoàn viên, cán bộ công đoàn, LĐLĐ tỉnh Tây Ninh thống nhất với quy định về đối tượng kết nạp đoàn viên, quyền hạn và nhiệm vụ của đoàn viên, nhiệm vụ cán bộ công đoàn đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu và phù hợp với thực tế. Việc quy định đoàn viên đã ra khỏi tổ chức công đoàn, nếu có nguyện vọng gia nhập lại tổ chức công đoàn thì phải có đơn tự nguyện, do công đoàn cấp trên xem xét kết nạp lại. Đây là quy định mang tính mở giúp đoàn viên vì nhiều lý do khác nhau không thể tham gia sinh hoạt công đoàn có thể được kết nạp lại để tiếp tục sinh hoạt...

Thứ 4, về nguyên tắc và hệ thống, tổ chức, bộ máy công đoàn, LĐLĐ Tây Ninh thống nhất với các quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động, hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan công đoàn các cấp, đại hội, hội nghị công đoàn các cấp, ban chấp hành công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ, Ban Thường vụ công đoàn. Theo LĐLĐ tỉnh Tây Ninh, Dự thảo đã làm rõ những điểm cốt lõi về nguyên tắc, trách nhiệm của bộ máy, của ban chấp hành công đoàn các cấp trong thực hiện nhiệm vụ.

Thứ 6, về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hành của công đoàn cơ sở, LĐLĐ tỉnh Tây Ninh thống nhất với quy định điều kiện thành lập, giải thể, hình thức tổ chức, trình tự thành lập công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn; thống nhất việc gộp nhiệm vụ, quyền hạn các loại hình công đoàn cơ sở, gộp điều kiện thành lập, giải thể và đối tượng tập hợp của công đoàn trực tiếp cơ sở, gộp nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo hướng tinh gọn, giảm tải số lượng Điều quy định những nội dung liên quan mật thiết với nhau, tạo sự dễ hiểu, dễ thực hiện.

Quang cảnh đại hội.
Quang cảnh đại hội.

Về công tác kiểm tra công đoàn, giám sát công đoàn và uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp, LĐLĐ tỉnh Tây Ninh thống nhất với các quy định bổ sung nhiệm vụ quyền hạn của uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp. Tuy nhiên, LĐLĐ tỉnh Tây Ninh đề nghị sửa đổi quy định hình thức bầu phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra công đoàn các cấp do hội nghị ban chấp hành công đoàn cùng cấp bầu để tương thích với quy định về bầu cử ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành.

Tiếp nối phần thảo luận, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng góp ý một số nội dung trong Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Cụ thể, về chữ viết tắt “CĐVN”, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đề nghị nghiên cứu thêm và cần viết đầy đủ từ “Công đoàn Việt Nam” để cho rõ nghĩa, tránh hiểu nhầm.

Về quyền hạn đoàn viên, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nay chúng ta đã có thiết chế công đoàn và các chương trình phúc lợi cho đoàn viên. Đối với những đoàn viên đã về hưu, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đề xuất vẫn được tiếp tục sử dụng các phúc lợi trong thiết chế công đoàn.

Về cán bộ công đoàn, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị nghiên cứu hoặc bổ sung thêm về khái niệm “cán bộ công đoàn”. Khoản 2, Điều 4 có nêu, cán bộ công đoàn gồm có cán bộ công đoàn chuyên trách và cán bộ công đoàn không chuyên trách, đề nghị phân tích rõ cán bộ công đoàn chuyên trách là cán bộ công đoàn được hưởng lương, còn cán bộ công đoàn không chuyên trách là cán bộ không được hưởng lương.

Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cũng nhất trí và góp ý nhiều nội dung khác trong Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

10h30: Các đại biểu thảo luận về Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn và dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Mở đầu phiên thảo luận, đồng chí Vương Duy Khánh - Ủy viên Ban thường vụ Công đoàn Công Thương Việt Nam, Chủ tịch CĐ Tổng Cty Thép Việt Nam - đã thay mặt đoàn đại biểu Công đoàn Công thương Việt Nam phát biểu tham gia góp ý với Đại hội một số nội dung về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Theo ông Khánh, Đoàn đại biểu Công đoàn Công thương Việt Nam cơ bản thống nhất với Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Bên cạnh đó, Công đoàn Công thương Việt Nam có thêm một số ý kiến tham gia vào Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam, cụ thể như sau:

Đề nghị bổ sung thêm từ “cơ sở” sau từ “nghiệp đoàn” trong dự thảo Điều lệ để thống nhất cách gọi là “nghiệp đoàn cơ sở”; bổ sung từ “công đoàn” sau từ “đoàn viên” để thống nhất cách gọi là “đoàn viên công đoàn” (ví dụ ở Khoản 1 Điều 13) vì có chỗ có, chỗ không.

Tại Khoản 1 của Dự thảo Điều lệ quy định: “Ban Chấp hành công đoàn có từ 9 ủy viên trở lên thì bầu ban thường vụ”, Công đoàn Công Thương Việt Nam cho rằng, quy định trong dự thảo chỉ phù hợp với các công đoàn có ban thường vụ, còn các CĐCS nhỏ có số lượng ủy viên ban chấp hành ít, không bầu ban thường vụ, là không phù hợp.

Mặt khác, khi khuyết chủ tịch, phó chủ tịch ở những đơn vị này thì bầu bổ sung trong số ủy viên ban chấp hành chứ không thể bầu bổ sung trong số ủy viên ban thường vụ như dự thảo Điều lệ quy định.

Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động TLĐ.
Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động TLĐ phát biểu tại đại hội.

Công đoàn Công thương Việt Nam cũng góp ý về Điều 13 Điều kiện thành lập và hình thức tổ chức của Công đoàn cơ sở; Đề nghị quy định và làm rõ hơn về điều kiện thành lập, quy mô… của tổ công đoàn, công đoàn bộ phận, công đoàn cơ sở thành viên, để triển khai thực hiện được thuận lợi và thống nhất hơn.

Về nhân sự tham gia Ban Chấp hành, theo hướng dẫn của Tổng Liên đoàn: Điều kiện, tiêu chuẩn tham gia ban chấp hành công đoàn cơ sở ngoài nhà nước thực hiện theo Hướng dẫn số 132/HD-TLĐ ngày 7.2.2017; điều kiện, tiêu chuẩn tham gia ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được thực hiện theo Hướng dẫn số 134/HD-TLĐ ngày 7.2.2017.

Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ các tổng công ty, các tập đoàn sẽ dần thoái vốn của nhà nước trở thành doanh nghiệp ngoài nhà nước. Để phù hợp với tình hình mới, Công đoàn Công thương Việt Nam đề nghị bổ sung quy định về điều kiện, tiêu chuẩn tham gia ban chấp hành, các chức danh trong ban chấp hành đối với mô hình công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khu vực ngoài nhà nước.

Tiếp nối phần thảo luận, đại diện Liên đoàn Lao động TP.Hà Nội cũng có một số ý kiến đóng góp vào Dự thảo điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Về đối tượng kết nạp đoàn viên công đoàn (Điều 1 Dự thảo), LĐLĐ TP.Hà Nội nhất trí với Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam quy định về đối tượng gia nhập Công đoàn Việt Nam. Điều 8 Dự thảo đã giải quyết được vướng mắc trong thực tiễn tổ chức đại hội công đoàn các cấp, việc điều chỉnh thời gian đại hội của công đoàn cấp dưới phù hợp với nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp trên tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo, giảm một số thủ tục hành chính và chi phí tốn kém không cần thiết.

Tuy nhiên, Điểm 4, Điều 8 cần bổ sung “Người đang trong thời gian chấp hành các hình thức kỷ luật của Đảng, chuyên môn, công đoàn; người bị khởi tố theo quy định pháp luật thì không đủ tư cách đại biểu dự đại hội, hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn”.

Về nguyên tắc, hình thức bầu cử tại đại hội, hội nghị Công đoàn (Điều 10), LĐLĐ TP.Hà Nội cho rằng Tổng LĐLĐVN cần ban hành Quy chế bầu cử của tổ chức Công đoàn để thực hiện được thống nhất, chặt chẽ, phù hợp với quy định của Đảng và nguyên tắc hoạt động của công đoàn.

Bên cạnh đó, LĐLĐ TP.Hà Nội cũng góp ý về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể CĐCS, nghiệp đoàn (Điều 14); quy định về Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành trung ương và tương đương (Điều 19, Điều 20); về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng LĐLĐ Việt Nam (Điều 23).

Tại diễn đàn Đại hội, Đoàn đại biểu LĐLĐ TP.Hà Nội cũng đề xuất một số nội dung như: Thứ nhất, để cán bộ công đoàn các cấp thực sự do đoàn viên và người lao động lựa chọn qua bầu cử, xứng đáng là thủ lĩnh của người lao động, có bản lĩnh và đại diện cho ý chí nguyện vọng của đoàn viên, người lao động; người lao động gửi gắm niềm tin và sẵn sàng đóng đoàn phí để phục vụ cho hoạt động cũng như trả lương cho cán bộ công đoàn thì Điều lệ Công đoàn cần quy định  hình thức tuyển dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn theo hướng trưởng thành từ thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn; tập trung bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ CĐCS ở khu vực ngoài nhà nước.

Thứ hai, cần tăng cường nguồn nhân lực cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở nhằm giảm bớt những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động hiện nay.

Thứ ba, Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội nên vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa thực hiện các nội dung nhiệm vụ của tổ chức công đoàn. Để thể hiện vai trò, chức năng “bẩm sinh” của công đoàn là chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động trong tình hình mới thì cần chọn lọc những nội dung trọng tâm, trọng điểm để tập trung thực hiện nội dung, chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động.

Thứ tư, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần nghiên cứu, hướng dẫn thành lập và mô hình hoạt động của CĐCS ở những doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề có nhiều chi nhánh đóng tại nhiều địa phương khác nhau thì nên có qui định theo hướng Chi nhánh đăng ký kinh doanh và đóng bảo hiểm ở tỉnh nào thì thành lập và tham gia hoạt động công đoàn ở tỉnh đó.

9h30-10h: Đại hội nghỉ giải lao, sau đó bước vào phần thảo luận về Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn và dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

9h20: Đồng chí Trần Văn Lý – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội trình bày Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Theo đồng chí Trần Văn Lý, trong suốt quá trình chuẩn bị Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và triển khai nghiên cứu, lấy ý kiến của công đoàn các cấp về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI đã chỉ đạo tập hợp, nghiêm túc nghiên cứu, xem xét kỹ các ý kiến tham gia, góp ý của đoàn viên, cán bộ công đoàn các cấp, lựa chọn được nhiều ý kiến có giá trị về lý luận và thực tiễn, trên cơ sở đó xây dựng Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung), gồm 11 chương và 35 điều (tăng 1 chương và giảm 10 Điều so với Điều lệ hiện hành), đồng thời đăng tải lấy ý kiến tham gia rộng rãi của đoàn viên, cán bộ công đoàn các cấp, các nhà khoa học, để có cơ sở nghiên cứu, tiếp tục tiếp thu, trình xin ý kiến tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

đồng chí Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch TLĐLĐVN khóa XI trình bày dự thảo chương trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và quy chế làm việc của Đại hội.
Đồng chí Trần Văn Lý – Phó Chủ tịch TLĐLĐVN phát biểu tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.​

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI báo cáo Đại hội XII Công đoàn Việt Nam một số nội dung cơ bản sau:

Về quan điểm, nguyên tắc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn: Giữ nguyên các nội dung, quy định đã ổn định và phù hợp với sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chọn lọc những vấn đề đã chín muồi trong Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam để bổ sung vào Điều lệ; sắp xếp lại nội dung, câu từ trong Điều lệ cho khoa học, dễ hiểu, dễ thực hiện. 

Thiết kế lại kết cấu của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đảm bảo tính linh hoạt, phù hợp với tình hình mới khi Việt Nam tham gia và thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Trong Nội dung bổ sung, sửa đổi Điều lệ Công đoàn, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI đã tiếp thu, biên tập ngắn gọn Lời nói đầu, thay đổi cụm từ “Tổng LĐLĐVN” thành cụm từ “Công đoàn Việt Nam” như thể hiện trong Dự thảo Điều lệ.

Về bài hát truyền thống của Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI đã thống nhất lựa chọn bài hát với tên gọi “Hãy hát lên bài ca Công đoàn” của nhạc sĩ Lê Tú Anh làm bài hát truyền thống của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Đề nghị Đại hội cho ý kiến về bài hát truyền thống và đề nghị giao cho Ban chấp hành, Đoàn Chủ tịch khóa XII quy định trong Hướng dẫn thi hành Điều lệ.

Về quyền của đoàn viên, trong nhiệm kỳ qua Tổng LĐLĐVN đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ ủng hộ chủ trương triển khai xây dựng các thiết chế công đoàn. Tổng LĐLĐVN đã chỉ đạo các cấp công đoàn chỉ đạo các thiết chế do mình quản lý thực hiện giảm giá từ 10 đến 30% so với giá niêm yết cho đoàn viên công đoàn khi sử dụng các dịch vụ ở các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch và các cơ sở vật chất khác của công đoàn.

Quá trình lấy ý kiến Dự thảo Điều lệ, đa số ý kiến đề nghị diễn đạt lại câu “Tổng LĐLĐVN là tổ chức thống nhất, có các cấp cơ bản sau đây” thành “Công đoàn Việt Nam là tổ chức thống nhất, có các cấp sau đây” phù hợp với tên gọi của tổ chức nêu tại Lời nói đầu.

Ban chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI đã tiếp thu và thể hiện tại Điều 7 của Dự thảo Điều lệ, xin ý kiến Đại hội.

Về hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn các cấp: Khi sửa đổi quy định của Điều lệ về nhiệm kỳ đại hội công đoàn các cấp có sự linh hoạt để đại hội công đoàn cấp dưới phù hợp với nhiệm kỳ đại hội công đoàn cấp trên, đã đặt ra yêu cầu phải sửa đổi quy định về đối tượng và các trường hợp tổ chức hội nghị đại biểu, hội nghị toàn thể công đoàn các cấp, để đảm bảo tính logic, tính liên thông trong quy định của Điều lệ.

Về Nguyên tắc, hình thức bầu cử tại đại hội, hội nghị công đoàn: Để rút ngắn thủ tục bầu cử trong một số trường hợp đã chuẩn bị kỹ nhân sự, dân chủ, có sự lãnh đạo của Đảng thì có thể bầu bằng biểu quyết giơ tay, theo quy định của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN trong Hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam. Đối với cấp Tổng LĐLĐVN thì do đại hội, hội nghị quyết định hình thức bầu cử bằng bỏ phiếu kín hay biểu quyết giơ tay cho linh hoạt, tiết kiệm.

Vì vậy, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã tiếp thu và thể hiện tại khoản 2, Điều 10 của Dự thảo Điều lệ, đề nghị Đại hội thảo luận thêm vấn đề này và cho ý kiến biểu quyết vào 2 phương án sau: Phương án 1: Như nội dung nêu tại khoản 2, Điều 10 của Dự thảo Điều lệ. Phương án 2: Giữ nguyên như Điều lệ hiện hành.

Về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp cơ sở: Để đảm bảo tính tương thích trong quy định của Điều lệ, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nêu điều kiện chung để thành lập công đoàn cơ sở và thống nhất quy định về số lượng tối thiểu được thành lập công đoàn cơ sở và nghiệp đoàn cơ sở là 5 đoàn viên.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã tiếp thu và thể hiện tại khoản 1, khoản 2 Điều 13 của Dự thảo Điều lệ, xin ý kiến Đại hội.

Về việc Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở. Có nhiều ý kiến đề nghị quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở, đối với từng loại hình CĐCS đề nghị giao cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XII hướng dẫn chi tiết để có thể linh hoạt sửa đổi, bổ sung khi có những vấn đề mới phát sinh trong tình hình mới.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã nghiên cứu, tiếp thu và biên tập lại như sau: Gộp nhiệm vụ, quyền hạn các loại hình CĐCS vào Dự thảo Điều 15 của Điều lệ.

Gộp điều kiện thành lập, giải thể và đối tượng tập hợp của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vào Dự thảo Điều 17 của Điều lệ. Gộp nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vào Dự thảo Điều 18 của Điều lệ.

Đối với LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương và tương đương: Quá trình nghiên cứu, các ý kiến tham gia, đề xuất sửa đổi Điều lệ chủ yếu đề nghị làm rõ nhiệm vụ của LĐLĐ địa phương và công đoàn ngành trung ương...

Về công tác nữ công: Căn cứ tình hình thực tiễn, tổ chức bộ máy tham mưu hoạt động nữ công giữa các địa phương đang được sắp xếp theo mô hình khác nhau. Đồng thời, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nếu Điều lệ quy định “cứng” về tổ chức bộ máy chuyên trách làm nhiệm vụ công tác nữ công sẽ khó thực hiện.

Từ những lý do trên, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi Điều lệ theo hướng chỉ quy định các cấp công đoàn được tổ chức bộ máy tham mưu hoạt động nữ công, quy định nội dung nhiệm vụ công tác nữ công; đồng thời giao cho Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN hướng dẫn thực hiện để phù hợp với điều kiện của mỗi cấp công đoàn.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã nghiên cứu, tiếp thu và thể hiện tại Điều 24 và Điều 25 của Dự thảo Điều lệ, xin ý kiến Đại hội.

Về tài chính tài sản công đoàn: Để phù hợp chủ trương đổi mới tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đồng ý về việc giao cho Tổng LĐLĐVN “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn để phục vụ đoàn viên công đoàn và người lao động”.

Một số ý kiến cho rằng quy định về thu kinh phí công đoàn đã được quy định khoản 2, Điều 26 của Luật Công đoàn, không nên quy định nhắc lại tại Điều lệ.

Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã tiếp thu và sửa đổi, bổ sung tại điểm b, khoản 1; điểm g, khoản 2, Điều 26 của Dự thảo Điều lệ, xin ý kiến Đại hội.

Về Ủy ban Kiểm tra công đoàn: Trong nhiệm kỳ 2013-2018, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI đã thống nhất chủ trương và giao Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN nghiên cứu, ban hành Hướng dẫn bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, trong đó tăng thẩm quyền giám sát và xem xét, xử lý kỷ luật vi phạm Điều lệ.

9h10: Thay mặt Đoàn Chủ tịch, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - báo cáo tóm tắt kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI, nhiệm kỳ 2013 – 2018.

 
Đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN.

Đồng chí Trần Văn Thuật cho biết, nhiệm kỳ vừa qua, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã quán triệt, thực hiện các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào hoạt động của các cấp công đoàn; phối hợp với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội, tổ chức các phong trào hành động cách mạng.

Tập thể Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN đã phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều ý kiến trong quá trình xây dựng và lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, người lao động, tiêu biểu như Luật Bảo hiểm xã hội, Luật An toàn vệ sinh lao động, Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi); các nghị định hướng dẫn thi hành Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn năm 2012...

"Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; giữ gìn sự đoàn kết thống nhất; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bảo vệ đường lối, quan điểm của Đảng, nêu gương tốt về phong cách lãnh đạo, chỉ đạo, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; cải tiến lề lối làm việc, tăng cường đi cơ sở, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Chủ động, tích cực đóng góp ý kiến với Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch về những nội dung cần tập trung chỉ đạo thực hiện; những nội dung cần xem xét, xử lý liên quan đến lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách" - đồng chí Trần Văn Thuật thông tin về những thành tựu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI đã đạt được.

Cũng theo đồng chí Trần Văn Thuật, dù đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch vẫn còn một số hạn chế, khuyết điểm. Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch xin nghiêm túc tự phê bình trước Đại hội về những khuyết điểm, thiếu sót.

8h55: Đoàn Chủ tịch Đại hội Công đoàn Việt Nam XII mời đồng chí Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch TLĐLĐVN khóa XI trình bày dự thảo chương trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam và quy chế làm việc của Đại hội.

Theo Phó Chủ tịch Mai Đức Chính, Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII diễn ra trong thời gian 3 ngày, từ ngày 24 đến 26 tháng 9 năm 2018, dự thảo chương trình đã được phát cho đại biểu. Theo đó, ngày làm việc thứ nhất 24.9.2018: Buổi sáng, Đại hội tiến hành Bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội; Thông qua Chương trình làm việc và Quy chế của Đại hội; các báo cáo trình Đại hội thảo luận: Báo cáo kết quả thẩm tra tư cách đại biểu Đại hội; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khoá XI; Báo cáo về sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn và dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung).

Buổi chiều, từ 13h30 đến 14h00: Đại hội thảo luận; từ 14h00 đến 16h00 chương trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đại biểu Đại hội thảo luận chủ đề: “Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước”; 16h10: Đại hội tiếp tục làm việc tại Hội trường để thảo luận, biểu quyết thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam và hình thức bầu cử tại Đại hội.

Ngày làm việc thứ hai 25.9.2018: Buổi sáng, Đại hội nghe tóm tắt Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI tại Đại hội XII Công đoàn Việt Nam; nghe phát biểu chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Buổi chiều: Thông qua quy chế bầu cử, hình thức bầu cử và Đề án nhân sự Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII; Bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII.

Ngày làm việc thứ ba 26.9.2018: Buổi sáng từ 8h00 đến 11h00 Đại hội thảo luận tại 12 Trung tâm Buổi chiều: Phiên bế mạc Báo cáo kết quả phiên họp thứ nhất Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII; Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII ra mắt Đại hội; Chia tay các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI không tái cử khóa XII; Thông qua Nghị quyết Đại hội; Bế mạc Đại hội. Sau khi trình bày xong dự thảo Chương trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, đồng chí Mai Đức Chính đề nghị Đại hội biểu quyết, trong đó, 100% đại biểu Đại hội đã biểu quyết nhất trí thông qua Chương trình làm việc Đại hội.

Tiếp theo, đồng chí Mai Đức Chính trình bày dự thảo Quy chế làm việc của Đại hội. Quy chế gồm 4 chương. Chương 1 là Quy định chung; Chương 2 là Các cơ quan điều hành và các cơ quan giúp việc Đại hội; Chương 3 là Đại biểu và Đoàn Đại biểu; Chương 4 là Một số quy định khác.

Sau khi trình bày dự thảo Quy chế làm việc của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, có 100% đại biểu Đại hội đã biểu quyết nhất trí thông qua Quy chế làm việc của Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

8h50: Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN đọc diễn văn, tuyên bố khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

 
Đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - đọc diễn văn khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.​

Mở đầu diễn văn khai mạc, đồng chí Bùi Văn Cường - Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN - thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, cán bộ, đoàn viên công đoàn đã cống hiến, lao động, chiến đấu ngoan cường, hy sinh anh dũng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.

Đại hội bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của đồng chí Trần Đại Quang - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người luôn dành tình cảm, sự quan tâm to lớn đối với giai cấp CN, NLĐ và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Trong diễn văn khai mạc, đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị trọng đại, ngày hội lớn của giai cấp CN, NLĐ và tổ chức Công đoàn Việt Nam để quyết định những vấn đề quan trọng của phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trong 5 năm tới.

Đồng chí Bùi Văn Cường đánh giá, thực hiện nhiệm vụ do Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra, với tinh thần trách nhiệm, năng động, sáng tạo, các cấp công đoàn đã phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đề ra nhiều chủ trương, giải pháp mới, thiết thực, tổ chức thực hiện và hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đã đề ra.

Hoạt động công đoàn từng bước tập trung hướng về cơ sở, chăm lo thiết thực lợi ích đoàn viên, người lao động. Tổ chức công đoàn không ngừng lớn mạnh, tiếp tục phát huy vai trò là người đại diện tin cậy của NLĐ, là chỗ dựa vững chắc của Đảng và là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với NLĐ.

Vị thế của tổ chức công đoàn trong xã hội ngày càng được nâng cao. Hoạt động công đoàn và phong trào CNVCLĐ đã và đang đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, củng cố quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Những thành tích đó là kết quả của quá trình phấn đấu không ngừng nghỉ của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”- đồng chí Bùi Văn Cường khẳng định.

Đồng chí Bùi Văn Cường cũng cho biết, Đại hội XII Công đoàn Việt Nam có nhiệm vụ đánh giá khách quan, toàn diện những kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, đúc rút những bài học kinh nghiệm của nhiệm kỳ 2013 - 2018; từ đó, trên cơ sở kế thừa những thành quả của nhiệm kỳ qua, tiếp tục xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp của tổ chức công đoàn trong 5 năm tới.

“Trong những ngày này, hơn 10,5 triệu đoàn viên và hơn 17 triệu người lao động cả nước đang hướng về Đại hội, gửi trọn niềm tin và đặt kỳ vọng vào những quyết định sáng suốt của Đại hội. Vì vậy, tôi đề nghị mỗi đại biểu đại hội tập trung trí tuệ, với tất cả tình cảm, tâm huyết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, thực hiện tốt nhất nội dung, chương trình Đại hội; đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc vào các văn kiện của Đại hội, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Đồng thời bầu đúng, bầu đủ Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, góp phần vào thành công của Đại hội”- đồng chí Bùi Văn Cường nhấn mạnh.

8h45: Sau khi giới thiệu Đoàn Chủ tịch Đại hội, đồng chí Trần  Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam mời đồng chí Bùi Văn Cường – Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao Động Việt Nam khóa XI thay mặt Đoàn Chủ tịch Đại hội phát biểu khai mạc Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

 
Đại biểu tham dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII thực hiện nghi lễ Chào cờ.

8h40:  Đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN giới thiệu đại biểu đến dự khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

Đến dự khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII có các đồng chí lãnh đạo Ban Tổ chức T.Ư; Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Ban Dân vận Trung ương Đảng; Văn phòng T.Ư Đảng; Ban Tuyên giáo T.Ư; Tham dự Đại hội có 947 đại biểu, đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) cả nước, cùng 7 đoàn đại biểu quốc tế. 

8h37: Đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khoá XI đọc danh sách Ban Thẩm tra tư cách đại biểu gồm 9 đồng chí:

1. Đồng chí Tạ Văn Đồng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn: Trưởng ban.

2. Đồng chí Trương Văn Hiền - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Tiền Giang: Uỷ viên.

3. Đồng chí Nguyễn Thiện Phú - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh An Giang: Ủy viên.

4. Đồng chí Nguyễn Khoa Hoài Hương - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế: Ủy viên

5. Đồng chí Trần Lệ Nhung - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Gia Lai: Ủy viên

6, Đồng chí Nguyễn Hữu Long - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Lào Cai: Ủy viên.

7. Đồng chí Nguyễn Hải - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Phú Thọ - Ủy viên.

8. Đồng chí Nghiêm Thùy Lan - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam: Ủy viên.

9. Đồng chí Trịnh Ngọc Đức - Phó Trưởng Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn: Ủy viên.

 
 Các đại biểu biểu quyết, bầu Đoàn chủ tịch, Đoàn thư ký Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII.

8h35: Đại hội đã tiến hành bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu.

Theo đó: Đoàn Chủ tịch Đại hội, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XI như­­ sau:

1. Đồng chí Bùi Văn Cường - Uỷ viên Ban Chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

2. Đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Thường trựcTổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

3. Đồng chí Mai Đức Chính - Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

4. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hồng - Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

5. Đồng chí Trần Văn Lý - Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

6. Đồng chí Trần Văn Thuật, Uỷ viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XI.

7. Đồng chí Phan Văn Anh - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Tài chính TLĐ.

8. Đồng chí Trần Danh Chức - Tỉnh ủy viên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh.

9. Đồng chí Nguyễn Văn Đông - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Chánh Văn phòng TLĐ.

10. Đồng chí  Tạ Văn Đồng - Uỷ viên  Đoàn Chủ tịch, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TLĐ.

11. Đồng chí Vũ Anh Đức - Uỷ viên  Đảng đoàn, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức TLĐ.

12. Đồng chí Vũ Minh Đức - Uỷ viên Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam. 

13. Đồng chí Nguyễn Đình Đức - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Trưởng Ban Công đoàn Quốc phòng. 

14. Đồng chí Phạm Văn Hà - Ủy viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn.

15. Đồng chí Đỗ Trần Hải - Ủy viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh Lao động.

16.  Đồng chí Trịnh Thanh Hằng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn.

17. Đồng chí Nguyễn Ngọc Hiển - Ủy viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Tổng Biên tập Báo Lao động.

18. Đồng chí Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ Lao động TLĐ.

19. Đồng chí Trần Quang Huy - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Chủ tịch Công đoàn Công thương Việt Nam.

20. Đồng chí Trần Duy Phương - Ủy viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Công đoàn.

21. Đồng chí Ngô Xuân Thắng - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Thành uỷ viên, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Đà Nẵng.

22. Đồng chí Vũ Xuân Thủy - Uỷ viên Ban Cán sự đảng, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp và PTNT Việt Nam.

23. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến - Ủy viên Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội.

24. Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Thành uỷ viên, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch TLĐ, Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh

25. Đồng chí Rơ Chăm Long - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Tỉnh uỷ viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Kon Tum.

26. Đồng chí Trương Thị Bích Hạnh - Đại biểu Quốc hội khoá XIV, Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương.

27. Đồng chí Bùi Tiến Lực - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Hòa Bình.

28. Đồng chí Vũ Mạnh Hà - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Chủ tịch Công đoàn Công An nhân dân.

29. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Liên - Uỷ viên Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, Chủ tịch Công đoàn khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh.

30. Đồng chí Phạm Thị Phương - Uỷ viên Ban Chấp hành TLĐ, Chủ tịch CĐCS Công ty Mabuchi motor, tỉnh Đồng Nai.

8h30: Mở đầu chương trình khai mạc, đồng chí Trần Văn Thuật - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XI đã tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, bầu Đoàn Chủ tịch Đại hội, bầu Đoàn Thư ký Đại hội và Ban Thẩm tra tư cách Đại biểu.

Trước đó, các đại biểu tham dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đã làm lễ chào cờ. Các đại biểu dành 1 phút mặc niệm Chủ tịch Nước Trần Đại Quang vừa từ trần.

 
Các đại biểu dành 1 phút mặc niệm Chủ tịch Nước Trần Đại Quang vừa từ trần. 

Đại hội Công đoàn lần thứ XII là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp công nhân và người lao động, mở đầu cho giai đoạn phát triển mới của tổ chức Công đoàn.

Với khẩu hiệu “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, Đại hội xác định đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đại hội Công đoàn lần thứ XII sẽ diễn ra từ ngày 24-26.9. Trong ngày khai mạc - 24.9, Đại hội tiến hành các thủ tục, bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, thông qua Quy chế làm việc của Đại hội. Đại biểu thảo luận và thông qua Điều lệ CĐVN (sửa đổi, bổ sung)...

NHÓM PV

  


Các tin khác
Hội nghị Tổng kết hoạt dộng công đoàn khối Giáo dục Năm học 2017 – 2018 Huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ (19/09/2018)
Lễ kết nạp đảng viên Chi bộ Cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam (14/09/2018)
Náo nức ngày khai giảng năm học mới 2018-2019 (07/09/2018)
CĐ Tr Đại học Y Hà Nội: Hội nghị Tổng kết hoạt động Công đoàn năm học 2017-2018 (04/09/2018)
Trường TC Y Dược Mekong và công đoàn phối hợp khám bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn (22/08/2018)
CĐGD tỉnh Đồng Tháp xuất sắc giành 02 giải nhất cuộc thi Ảnh thời sự nghệ thuật và thi Viết tác phấm báo chí về Công đoàn (28/06/2018)
CĐ Tr ĐH Sài Gòn Tham quan, học tập truyền thống tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng (07/06/2018)
Công đoàn Cơ quan Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Quy chế văn hóa công sở (22/05/2018)
Lễ tổng kết các Hội thi, Hội giao lưu “Giáo viên chủ nhiệm giỏi, “Vở sạch-chữ đẹp và viết chữ đẹp”, “Sáng tạo sản phẩm mỹ thuật”, “Tài năng tiếng Anh” cấp tiểu học thành phố Cần Thơ, năm học 2017 - 2018 (22/05/2018)
(ND)Góp phần hiệu quả vào sự nghiệp ''trồng người'' (22/05/2018)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18761143
Online: 243
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn