Chiều ngày 18/8/2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức họp báo chính thức công bố kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-Cov-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR” do nhóm các nhà khoa học đến từ Trường đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên thực hiện.
Đồng chí Dương Văn Lượng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên và TS. Phạm Quốc Chính – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đồng chủ trì buổi họp báo.
Dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông, cùng đại diện lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Sau 3 tháng nghiên cứu từ tháng 5/2020 đến tháng 8/2020, nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Nguyễn Phú Hùng, Trưởng Khoa Công nghệ sinh học, Trường đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên làm chủ nhiệm đề tài đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nghiên cứu thành công và cho ra mắt bộ sinh phẩm phát hiện SARS-Cov-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR. Đây cũng là bộ sinh phẩm thứ tư trong cả nước, hiện Việt Nam đang có 3 bộ kit Realtime RT-PCR đã được cấp phép do các đơn vị gồm: Công ty Việt Á; Công ty Sao Thái Dương và Tập đoàn Vin Group sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, số lượng bộ kit được sản xuất chưa đủ để đáp ứng như cầu trong nước khi dịch bùng phát. Do vậy, việc tỉnh Thái Nguyên chủ động nghiên cứu, phát triển được bộ sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-Cov-2 là thực sự cần thiết, góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tại buổi họp báo, ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết, bộ sinh phẩm do nhóm nghiên cứu thực hiện đã đạt được các tiêu chuẩn về chất lượng của sinh phẩm chẩn đoán bao gồm: độ nhạy lâm sàng đạt 100%; độ đặc hiệu lâm sàng đạt 100%; độ đặc hiệu phân tích đạt 100%; ngưỡng phát hiện từ 10 - 50 copies/phản ứng; độ bền (ổn định) trong điều kiện đá gel (2 - 8 độ C) trong 72 giờ. Đặc biệt, thời gian thực hiện phản ứng Realtime PCR dao động từ 1 giờ đến 1 giờ 15 phút tùy theo từng hệ thống PCR, nhanh hơn so với hầu hết các bộ Kit Realtime PCR hiện nay từ 25 -30 phút. Giá thành dự kiến cũng sẽ giảm khoảng 15 - 30% so với một số bộ Kit đang được sử dụng hiện nay.
Nhiệm vụ khoa học này cũng đã được Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh Thái Nguyên nghiệm thu ngày 17/8/2020 bởi các chuyên gia và các nhà nghiên cứu đến từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; Viện Kiểm định Quốc gia Vắcxin và sinh phẩm y tế - Bộ Y tế; Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam; Đại học Việt – Pháp. Các ý kiến đều đánh giá cao hướng tiếp cận cũng như kết quả nghiên cứu và nhiệm vụ khoa học “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện SARS-Cov-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR” đã đạt loại giỏi.
Ông Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, sau khi nghiệm thu chính thức và công bố kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ đối với bộ sinh phẩm này, các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện bàn giao tài sản của nhiệm vụ khoa học công nghệ theo đúng quy định tại Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Đồng thời thực hiện đăng ký sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu và bàn giao quyền sử dụng kết quả nghiên cứu theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BKHCN ngày 13/6/2014 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó, tỉnh Thái Nguyên cũng sẽ lựa chọn doanh nghiệp, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ và năng lực sản xuất phù hợp để tiến hành đăng ký, cấp phép theo quy định, phục vụ phương án sản xuất đại trà bộ sinh phẩm, đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng chống dịch Covid-19 đang cấp bách hiện nay.
Đây là một trong các đề tài nằm trong chương trình hợp tác về nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ với UBND tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, được hai đơn vị ký kết năm 2016.
Mục tiêu của chương trình nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh Thái Nguyên về các nguồn tài nguyên: đất, rừng, khoáng sản; khai thác và phát huy các giá trị truyền thống về văn hóa, xã hội để công tác nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thực sự tạo ra bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu chủ yếu đã được nêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX.
Đối với Đại học Thái Nguyên, chương trình này sẽ phát huy tiềm năng, thế mạnh của Trường về nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ để đóng góp thiết thực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm đạt được một số mục tiêu quan trọng tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Đại học Thái Nguyên khóa V, nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Theo đó, Đại học Thái Nguyên và UBND tỉnh Thái Nguyên đã hợp tác cụ thể trên 7 lĩnh vực, bao gồm: Nông, lâm nghiệp, thủy sản; tài nguyên môi trường; giáo dục đào tạo; văn hóa xã hội; y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng; công nghệ thông tin và truyền thông; cơ khí, tự động hóa…
Thanh Loan – Đại học Thái Nguyên