Chủ động và tích cực phát huy các nguồn lực, thế mạnh của Đại học vùng trong phòng, chống dịch Covid – 19, Đại học Thái Nguyên được đánh giá là một trong số ít cơ sở giáo dục đại học cả nước chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kịp thời trong phòng, chống dịch Covid-19 an toàn tuyệt đối cho người học và duy trì hoạt động đảm bảo tiến độ và chất lượng đào tạo. Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Đại học Thái Nguyên còn tích cực nghiên cứu, đóng góp các sản phẩm trí tuệ chung tay cùng cộng đồng phòng chống dịch hiệu quả.
GS.TS Phạm Hồng Quang – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Thái Nguyên và các thành viên trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid – 19 kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các đơn vị thành viên
Nhạy bén và có giải pháp kịp thời ứng phó với tình hình dịch bệnh
Ngay sau kì nghỉ Tết Nguyên đán, Đại học Thái Nguyên là một trong số ít các trường đại học cả nước đã quyết định cho sinh viên tiếp tục lùi thời gian đến trường thêm 2 tuần.
Theo GS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Thái Nguyên thì quyết định được Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học đưa ra với mục tiêu cao nhất là đảm bảo cách li, không để tập trung hơn 50.000 SV từ hơn 10 tỉnh biên giới về trung tâm thành phố Thái Nguyên. Chủ trương này đã được tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao và có ý nghĩa thiết thực trong phòng chống dịch Covid-19.
Mặt khác, việc quản lí gần 100 lưu học sinh Trung Quốc không đi về tại thời điểm đầu tiên khi xuất hiện dịch bệnh ở Vũ Hán (Trung Quốc) và quản lí tốt hơn 1.000 lưu học sinh các nước đang theo học tập, nghiên cứu tại đại học đã thể hiện mức độ nắm chắc tình hình, cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên, xây dựng các văn bản chỉ đạo và tổ chức thực hiện trong toàn Đại học về phòng chống dịch Covid-19 có hiệu quả, GS.TS Phạm Hồng Quang cho biết.
TS. Nguyễn Tất Thắng – Trưởng ban Ban Công tác Học sinh Sinh viên Đại học Thái Nguyên kiểm tra công tác phòng chống dịch tại khu ký túc xá của các đơn vị
Ngoài việc phổ biến, quán triệt và triển khai đầy đủ các văn bản của Đảng, Chính phủ, các bộ ngành kịp thời đến toàn bộ cán bộ viên chức và sinh viên, ĐHTN đã chủ động ban hành gần 30 văn bản cụ thể, thiết thực trong phòng chống dịch, có tác dụng nâng cao nhận thức, hướng dẫn giảng viên và sinh viên về mọi hoạt động phòng chống dịch trong thời gian qua.
Phát huy nguồn lực và thế mạnh phòng chống dịch
Để ứng phó với tình các tình huống, Đại học Thái Nguyên đã phát huy thế mạnh sẵn có, huy động trí tuệ trong tập thể các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên để tạo dựng nguồn lực trong phòng chống dịch Covid-19.
Các hoạt động phải kể đến là: Đại học đã triển khai khu vực chuẩn bị cách ly tập trung theo yêu cầu của UBND tỉnh Thái Nguyên, đảm bảo dự phòng 600 chỗ tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh; Cùng với đó, Đảng ủy Đại học Thái Nguyên đã có nghị quyết sử dụng 7/7 cụm kí túc xá của 7 trường ĐH và CĐ trở thành trung tâm cách li trong trường hợp khẩn cấp.
Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và An ninh Đại học Thái Nguyên được chuẩn bị sẵn sàng cho công tác cách ly tập trung
Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Thái Nguyên đã huy động 50 cán bộ chuyên môn bác sĩ nội trú và gần 100 sinh viên năm cuối tham gia trực phòng dịch bệnh. Vận động cán bộ, nhân viên, giảng viên và sinh viên của nhà trường tham gia tình nguyện hiến máu để giúp các bệnh viện có đủ lượng máu cho người bệnh.
Trường đã thành lập 20 đội xung kích, mỗi đội từ 9-10 người, gồm 1 cán bộ giảng viên (thuộc các bộ môn Truyền nhiễm, Nội, Hồi sức Cấp cứu, Nhi) là đội trưởng, các thành viên đội phó là sinh viên Y6 và Y5 năm cuối; Đồng thời huy động hơn 1.000 sinh viên kịp thời tham gia tình nguyện để giúp công tác phòng, chống dịch theo kế hoạch của UBND tỉnh Thái Nguyên. 100% đơn vị thành viên của Đại học Thái Nguyên đều có Ban chỉ đạo triển khai nghiêm túc các hoạt động phòng chống dịch.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Trường Đại học Y Khoa sẵn sàng cho công tác phòng chống dịch bệnh
Ứng dụng sản phẩm khoa học công nghệ vào phòng, chống dịch
GS.TS Phạm Hồng Quang chia sẻ: Khi dịch Covid-19 có dấu hiệu lây lan, các nhà khoa học, giảng viên của các trường thành viên thuộc Đại học Thái Nguyên, với tâm huyết trách nhiệm của mình, cán bộ giảng viên của Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Khoa học, Trường Đại học Y Dược đã trực tiếp sản xuất hàng chục nghìn lọ dung dịch sát khuẩn tay và nước súc miệng nano bạc thảo dược chỉ với chi phí hơn 700 triệu đồng. Số lượng sản phẩm này đã được các đơn vị trao tặng ngành giáo dục các tỉnh miền núi phía Bắc và hàng chục trường ĐH, CĐ và phổ thông, mầm non trong khu vực.
TS Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam và PGS.TS Trần Thanh Vân - Ủy viên Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn Đại học Thái Nguyên tặng dung dịch nước sát khuẩn cho ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc
Đặc biệt là Trường Đại học Khoa học đang phối hợp với Trường Đại học Y - Dược và Bệnh viện T.Ư Thái Nguyên triển khai đề tài “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime PCR”. Đề tài đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương, giao nhiệm vụ đặt hàng chế tạo: “Bộ sinh phẩm chẩn đoán nhanh SARS-CoV-2 virus” ứng dụng trong chẩn đoán virus SARS-CoV-2 với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng.
Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã triển khai đề tài nghiên cứu thiết kế chế tạo “Máy đo thân nhiệt không tiếp xúc” với kinh phí nghiên cứu khoảng 100 triệu đồng. Bước đầu, đã có 6 thiết bị (trị giá khoảng 2,5 triệu đồng/thiết bị) được lắp đặt tại Đại học Thái Nguyên và các đơn vị trong tỉnh Thái Nguyên được đánh giá cao qua quá trình, hiệu quả sử dụng.
Không dừng lại ở đó, mới đây, Bộ môn Cơ điện tử của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp đã thiết kế và chế tạo thêm hai sản phẩm mới là “Máy cấp dung dịch sát khuẩn tự động” và “Robot điều khiển từ xa phục vụ cách ly”.
Máy cấp dung dịch sát khuẩn tự động được lắp đăt tại Nhà máy Z117
Mục tiêu của sản phẩm máy cấp dung dịch sát khuẩn tự động là nhắm tới các nơi công cộng, các nhà máy có hoạt động sản xuất trong thời gian có dịch và các trường học, bệnh viện sau khi hết giãn cách xã hội. PGS.TS Phạm Thành Long – Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Trưởng bộ môn Cơ điện tử của nhà trường cho biết: Chứng kiến cảnh một nhà máy có 1.000 công nhân vào ca trong 10 phút, việc cấp dung dịch sát khuẩn cần đến 6 người thực hiện, từ thực tế trên, Bộ môn Cơ điện tử đã thiết kế loại máy cung cấp dung dịch sát khuẩn nhiều vòi, có thể cấp cùng lúc hoặc tuần tự tùy theo mục đích sử dụng của cơ sở. Máy làm việc chính xác, ổn định và tiết kiệm dung dịch, tiết kiệm nhân công. Điều đặc biệt là ở chỗ, thiết bị hạn chế tiếp xúc giữa người với các vật dụng trung gian và người với người. Đối với các môi trường như các trường phổ thông, máy được ứng dụng rất phù hợp vì nó luôn cấp định lượng giống nhau giữa các lần lấy, việc di chuyển vào lớp hay vào nơi làm việc không vì việc này mà chậm lại.
Robot điều khiển từ xa phục vụ cách ly
PGS.TS PhạmThành Long cũng cho biết thêm, các linh kiện chế tạo máy khá đơn giản và dễ kiếm trong điều kiện bình thường song do tình trạng giao thương khó khăn gần đây dẫn đến việc sản xuất bị ảnh hưởng. Trong kế hoạch, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp sẽ chế tạo 45 máy để tặng miễn phí cho các trường học, cơ quan, đơn vị… trong đó có 33 trường PTTH của tỉnh Thái Nguyên (theo đề nghị của Công đoàn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên). Bên cạnh đó, các thầy cô Bộ môn Hóa, khoa Cơ bản của nhà trường cũng đang triển khai pha chế dung dịch sát khuẩn để sử dụng trong nhà trường và sẽ tặng cho 33 trường PTTH của tỉnh mỗi trường 10 đến 15 lít để sử dụng với máy.
Cùng với việc chế tạo sản phẩm máy cấp dung dịch sát khuẩn tự động, đội robot CK3 của bộ môn Cơ điện tử - Khoa Cơ khí cũng đã chế tạo thành công sản phẩm robot điều khiển từ xa phục vụ cho việc vận chuyển nhu yếu phẩm tại Bệnh Viện A Thái Nguyên. Theo đó, robot được chạy bằng năng lượng từ Acquy và có khả năng tải 70 kg di chuyển linh hoạt trong các không gian hẹp. Do có khả năng điều khiển từ xa, việc cách ly hoàn toàn đảm bảo cung cấp được nhu yếu phẩm song vẫn an toàn cho người vận hành.
Được biết, các thiết bị được chế tạo tại Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp do nhóm nghiên cứu của Bộ môn Cơ điện tử thực hiện đều được xây dựng từ các linh kiện cơ bản, không sử dụng các mô đun có sẵn, đây cũng là dịp để gắn kết nghiên cứu khoa học và thực tiễn. Hiện nay, các sản phẩm vẫn đang tiếp tục được sản xuất và hoàn thiện cho phù hợp hơn với từng đối tượng sử dụng khác nhau. Dự kiến trước ngày đi học trở lại nhóm có thể cung cấp 45 máy rửa tay cho các trường THPT và một số cơ quan trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Lãnh đạo nhà trường cho biết, toàn bộ nguồn kinh phí chế tạo máy do các cựu sinh viên, giáo chức hảo tâm của Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp tài trợ.
Tại trường Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, trong thời gian này, dưới sự hướng dẫn của các thầy cô giáo, nhóm sinh viên thực hiện đã sản xuất chuỗi video đồ họa chuyển động (Motion graphics), tập trung vào các nội dung về dịch Covid-19 như: phân biệt cúm thường và cúm do Covid-19, cơ chế lây nhiễm bệnh, những điều cần làm sau khi tiếp xúc người nhiễm và nghi nhiễm, biện pháp phòng chống, cách ăn uống tăng cường sức khỏe, sử dụng khẩu trang đúng cách... Nội dung được tổng hợp và thiết kế dựa trên nguồn thông tin chính thức của Bộ Y tế, qua sự thể hiện ngôn ngữ kí hiệu của giáo viên Trường Giáo dục và hỗ trợ trẻ em thiệt thòi tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, Bộ Bộ môn Điện tử Y sinh (Khoa Công nghệ Điện tử - Truyền thông), trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cũng đã thiết kế và chế tạo thành công Máy phun dung dịch rửa tay sát khuẩn tự động giúp hạn chế tối đa việc lây lan gián tiếp của nCoV, hỗ trợ cho cộng đồng trong việc phòng chống dịch.
Máy phun dung dịch rửa tay sát khuẩn tự động do Bộ môn Điện tử Y sinh (Khoa Công nghệ Điện tử - Truyền thông), trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông chế tạo
Theo đó, thiết bị bên trong máy cấu tạo như 1 chiếc bơm nước, phù hợp với tất cả các loại dung dịch dạng lỏng; vỏ máy được làm từ khung nhựa và nhôm nhỏ gọn, chắc chắn, an toàn; đặc biệt sử dụng nguồn điện trực tiếp, máy có chế độ ngắt tự động với hệ thống đèn cảnh báo riêng khi hết dung dịch bên trong; phần mềm thiết bị sử dụng cảm biến điện tử giúp ổn định máy hơn tránh gây cháy hỏng. Được biết, hiện nay trên thị trường có rất nhiều các cơ sở sản xuất hàng loạt máy rửa tay sát khuẩn tự động, tuy nhiên giá thành tương đối cao và cạnh tranh so với các sản phẩm cùng tính năng, thành phẩm với mỗi máy máy rửa tay sát khuẩn tự động có giá 750 ngàn đồng/ sản phẩm.
Hiện nay, đơn vị đã sản xuất khoảng gần 40 chiếc máy đầu tiên, sản phẩm được đưa vào sử dụng trong nhà trường và trao tặng cho Đại học Thái Nguyên và các trường thành viên trên địa bàn tỉnh và nhận được sự ủng hộ và phản hồi tích cực. Với tính năng linh hoạt, thao tác nhanh nhạy, sản phẩm cho phép người sử dụng thực hiện quá trình rửa tay bằng cách hoàn toàn tự động, chỉ việc đưa tay vào trong khoang máy sẽ tự động bơm và phun ra một lượng dung dịch dạng sương vừa đủ cho sát khuẩn, tiết kiệm như mong muốn, tránh hoàn toàn mọi tiếp xúc trực tiếp với vòi bình, lọ thông thường; dễ dàng sử dụng, đảm bảo mục tiêu an toàn, giảm thiểu rủi ro lây bệnh.
Lãnh đạo Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông trao tặng Máy phun dung dịch rửa tay sát khuẩn tự động cho Đại học Thái Nguyên
PGS. TS. Phùng Trung Nghĩa – Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường chia sẻ: “Hy vọng với sáng kiến hữu ích và kịp thời, sản phẩm sẽ góp phần chung tay đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời lan tỏa tinh thần “chống dịch như chống giặc” hòa chung hành động thiết thực cùng cộng đồng.”
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý trên nền tảng ứng dụng công nghệ
Đại học Thái Nguyên đã triển khai rất sớm việc sử dụng phần mềm SvOnline để cập nhật dữ liệu 54 nghìn người học tại các tỉnh, báo cáo hằng ngày, lưu trữ dữ liệu chi tiết tại các đơn vị. Chỉ đạo và cập nhật dữ liệu của hơn 4.000 cán bộ, viên chức, người lao động toàn đại học để khai báo dữ liệu và kịp thời xử lí thông tin. 100% dữ liệu người nước ngoài đến và ở tại ĐH Thái Nguyên; dữ liệu cán bộ, sinh viên từ nước ngoài về nước, báo cáo tỉnh, Bộ theo quy định trước 16h hàng ngày - GD.TS Phạm Hồng Quang thông tin.
Giao diện của ứng dụng phần mềm SvOnline
Cũng theo cách quản lý đó, dữ liệu của người học ở nội trú, ngoại trú được cập nhật hằng ngày, theo từng trường, phường, xã. Tính đến ngày 31/3, có 501 người học ở trong kí túc xá, trong đó 261 sinh viên và 241 lưu học sinh.
Đại học Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường đại học thành viên quản lý chặt chẽ số lượng người học ở trong khu nội trú, không cho người học ra khỏi khu nội trú, không cho người không có nhiệm vụ vào khu nội trú; Đồng thời phát động trong cán bộ, giảng viên, sinh viên hỗ trợ người học dưới nhiều hình thức, đảm bảo các điều kiện tối thiểu trong sinh hoạt, ăn ở. Duy trì cập nhật thông tin và báo cáo hằng ngày với Tỉnh, Bộ, Ban chỉ đạo theo quy định.
Chia sẻ khó khăn cùng các em sinh viên
Đoàn thanh niên - Hội sinh viên trường Đại học Y Dược đã triển khai chương trình “Hạt gạo yêu thương”, hỗ trợ gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết từ các nhà hảo tâm tài trợ, các thầy giáo, cô giáo, sinh viên cho sinh viên ở ngoại trú của nhà trường đang gặp hoàn cảnh khó khăn. Cụ thể, nhà trường đã trao tặng hơn 100 suất quà, bao gồm: 05kg gạo, trứng, sữa, mì tôm, dầu ăn…
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường và đồng chí Nguyễn Quang Đông – Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhà trường trao tặng quà cho các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn
Từ khi phát động đến nay, nhà trường đã tiếp nhận hơn 60 nguồn ủng hộ từ các nhà hảo tâm tài trợ, các thầy cô giáo, sinh viên với gần 100 suất quà được trao tặng như: 5kg gạo, trứng, sữa, mỳ tôm, dầu ăn… Chương trình với mục tiêu hỗ trợ, ủng hộ tiếp sức sinh viên, chung tay chia sẻ, lan toả yêu thương. Những sinh viên ngoại trú sau khi đăng ký thông tin, mỗi phần quà sẽ được đại diện Ban Giám hiệu, Đoàn Thanh niên nhà trường mang đến tận nơi trao tận tay. Trước đó, nhà trường cũng đã trao toàn bộ các bữa ăn cho sinh viên nội trú trong thời gian thực hiện cách ly; với trên 100 sinh viên sinh hoạt, học tập trực tuyến tại trường và tham gia vào công tác phòng, chống dập dịch tại địa phương. Nhiều sinh viên hiện đang gặp tình trạng khó khăn về điều kiện ăn ở, sinh hoạt hằng ngày, hoàn cảnh gia đình, đa số các em phải đi làm thêm để trang trải cuộc sống nhưng hiện tại không thể đi làm, nhà trường đã kịp thời trao tặng những món quà ý nghĩa, góp phần giảm bớt gánh nặng, đảm bảo nhu cầu ăn ở, học tập cho các em trong thời gian cách ly toàn xã hội. Trong thời gian tới, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều hoạt động thiết thực nhằm hướng đến cộng đồng, mang hy vọng, chia sẻ khó khăn trong thời điểm dịch bệnh kéo dài như hiện nay.
Tại Khoa Quốc tế, cán bộ, giảng viên của Khoa đã đóng góp tiền, nhu yếu phẩm và đến thăm, động viên và trao quà ủng hộ sinh viên quốc tế tại ký túc xá trong thời gian thực hiện cách ly xã hội để phòng dịch Covid - 19.
Hiện nay, Khoa Quốc tế có gần 100 sinh viên quốc tế theo học đến từ các nước Phi-líp-pin, Lào, Cam-pu-chia, Đông ti-mo, Ni-giê-ri-a... và hiện có 50 sinh viên đang lưu trú tại Ký túc xá của Khoa từ trước tết Nguyên đán. Khi dịch Covid – 19 xuất hiện các em sinh viên quốc tế đã gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và vấn đề đi lại nhưng các em đã cùng cán bộ, giảng viên, sinh viên Việt Nam của Khoa Quốc tế đã luôn chấp hành tốt các quy định, biện pháp phòng dịch theo khuyến cáo của Chính phủ, Bộ Y tế, tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên.
TS. Hà Xuân Linh – Trưởng khoa Khoa Quốc tế trao tặng quà cho các sinh viên quốc tế tại Ký túc xá
Để hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn đối với sinh viên nước ngoài tại Việt Nam trong thời gian chống dịch, Ban Chủ nhiệm Khoa Quốc tế đã kêu gọi sự đóng góp ủng hộ của giảng viên, sinh viên Khoa và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình với tinh thần “không ai bị bỏ lại phía sau”. Số tiền quyên góp ủng hộ Công đoàn Khoa Quốc tế đã giúp các sinh viên mua những nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của sinh viên và trao tặng cho các em vào sáng ngày 03/4.
Được biết, tại các đơn vị khác như Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Sư phạm, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông cũng đã triển khai các hoạt động hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian phòng, chống dịch Covid – 19.
Cùng với công tác tuyên truyền, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tốt, Đại học Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị ứng dụng mạnh mẽ và tối đa công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành và đào tạo trực tuyến, đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên và đảm bảo đúng tiến độ chương trình giảng dạy, khắc phục mọi khó khăn trong tình hình dịch bệnh với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”.
Từ ngày 1/4, Đại học Thái Nguyên triển khai Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ “Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19”, toàn đại học đã thực hiện nghiêm chế độ làm việc trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và làm việc trực tuyến, giảng dạy trực tuyến đảm bảo hoạt động chuyên môn diễn ra bình thường và hiệu quả, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự./.
Thanh Loan - Công đoàn Đại học Thái Nguyên