logo Tin hoạt động Tin từ CĐGD các Tỉnh/TP

Trường học hạnh phúc: Trở lực và động lực từ hiệu trưởng
(15:05, 17/12/2019)

Tại Hội thảo Thầy cô thay đổi hướng tới trường học hạnh phúc do Sở GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Vĩnh Phúc phối hợp tổ chức chiều 12/12, TS. Nguyễn Ngọc Ân – Phó Chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, chỉ ra: sau series 9 tập phim tài liệu “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” do VTV 7 Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất năm 2017 về 8 thầy cô tiên phong tham gia thay đổi qua chương trình truyền hình thực tế, thì đã có thầy cô “tuột xích” - thừa nhận không thể áp dụng được thay đổi vì khó khăn, không được sự ủng hộ. Lý do là chỉ giáo viên thay đổi thì không làm nên điều gì, mà cần hiệu trưởng thay đổi vì đó mới là người quyết định.

Các cán bộ quản lý, giáo viên tham gia hội thảo

Những điều ngộ nhận

Vài năm nay, cụm từ: “Trường học hạnh phúc” và “Thầy cô thay đổi hướng tới trường học hạnh phúc” đã không còn dừng lại ở phạm vi một chương trình truyền hình thực tế. Xuất phát từ đội ngũ chuyên gia giáo dục và truyền thông hàng đầu tham vấn, gợi mở, vấn đề xây dựng trường học hạnh phúc đã dần lan tỏa đến các cấp quản lý giáo dục, các giáo viên và học sinh, thu hút sự chú ý và đồng tình, ủng hộ của toàn xã hội. Thế nhưng, “một cánh én không làm nên mùa xuân”, chỉ giáo viên thay đổi, không làm nên một trường học hạnh phúc. 
Dẫn lời Giáo sư Peck Choo – Chuyên gia giáo viên và trường học, Bộ Giáo dục Hàn Quốc, người thiết kế và cố vấn của chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”, TS. Ngọc Ân cho rằng, nghề giáo vốn dĩ là nghề khó thay đổi nhất vì tính “bảo thủ”, kiên định của nó. Làm thay đổi giáo viên đã khó, nhưng muốn làm hiệu trưởng thay đổi thì khó vô cùng. Có thể nói: “Hiệu trưởng là người khó thay đổi nhất trong hệ thống giáo dục”. Song, chúng ta vẫn phải đối mặt, bởi đó là một đòi hỏi tất yếu. Một xã hội muốn tiến bộ, phát triển bền vững thì con người sống trong xã hội đó phải là những người đồng cảm, khoan dung, có mối quan hệ tích cực và sáng tạo; có kỹ năng sẵn sàng hợp tác và biết sống chung một cách tốt đẹp. Những kỹ năng và giá trị nền tảng đó thường được tạo dựng từ trong nhà trường. Những tố chất ấy sẽ được đảm bảo và phát huy nếu từ nhỏ, học sinh được học trong những trường học hạnh phúc. “Không đâu khác, chính các nhà trường phải là nơi tạo ra sự hạnh phúc cho người dạy và người học – TS. Ân nhấn mạnh. 

 

TS. Nguyễn Ngọc Ân

Có 3 yếu tố chính để tạo nên trường học hạnh phúc đó là Con người, Môi trường làm việc và Phong cách làm việc. Trường học hạnh phúc đề cao cảm xúc tích cực của mỗi cá thể trong nhà trường, các mối quan hệ tốt đẹp, trên cơ sở tinh thần dân chủ, công bằng, tôn trọng sự khác biệt, lắng nghe lẫn nhau, đồng cảm, yêu thương và chia sẻ. Bên cạnh phương pháp giảng dạy vui vẻ, lôi cuốn, học sinh được tự do sáng tạo, có môi trường gắn kết nhau; giáo viên, học sinh và người lao động có cơ hội thể hiện, khẳng định và được công nhận giá trị của bản thân.

Theo ông Ân, sai lầm về quan điểm giáo dục mà các thầy cô thể hiện khi bắt đầu tham gia chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” là phải tỏ ra ác, phải làm cho khó, khiến học sinh sợ sệt, phải nghiêm túc và kỷ luật như 1 doanh trại quân đội thì mới thành lớp học; Cùng với thực trạng hiệu trưởng ứng xử theo lối quan liêu, bề trên, khắt khe, nạt nộ, xa cách... Tất cả khiến môi trường giáo dục chứa đựng sự giận dữ, ấm ức, cắng thẳng...

Vị Tiến sĩ kể câu chuyện, khi ông làm giám khảo cuộc thi Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo, có những hiệu trưởng trường THPT lên báo cáo thành tích, câu hay dùng mệnh đề: “Tôi chỉ đạo giáo viên…/Tôi bắt giáo viên phải làm…/ Tôi đề nghị giáo viên làm…”, thì nhóm giám khảo cắt lời: “Chúng tôi đề nghị thầy, hãy thay những cụm từ đó bằng: Chúng tôi đã thảo luận và thống nhất làm…/ Chúng tôi đã bàn bạc với nhau và cùng đưa ra ý kiến.”...

Một câu chuyện khác đáng suy nghĩ trong quản lý hiện đại là việc Tập đoàn công nghệ Google đang lấy hạnh phúc của nhân viên làm thước đo đầu tiên cho hiệu quả công việc. “Họ không áp, ép, không nạt nộ, không gây căng thẳng, vì họ nói làm vậy là không kích thích sự sáng tạo và cống hiến ở nhân viên. Con người chỉ có thể sáng tạo khi người ta có cảm xúc tích cực, tức là họ có hạnh phúc. Nhân viên càng hạnh phúc thì càng sáng tạo. Trong nhà trường hiện nay, nếu chúng ta còn tồn tại cách quản lý căng thẳng thì giáo viên không hạnh phúc, từ đó thiếu vắng sự sáng tạo, cống hiến, xây dựng” – ông Ân nêu lại lời Giáo sư Peck Choo tại

Một tọa đàm gần đây ở Hà Nội.

Quả vậy, theo đánh giá và kinh nghiệm từ thực tiễn tuyển dụng nhân sự của Google, việc nhân viên có thể làm chủ công việc của mình sẽ phát huy tối đa sự mãn nguyện của họ về công việc, đem lại sự hứng khởi, năng suất lao động cao nhất. “Quản lý mà không quản lý”, việc của nhà lãnh đạo nhất quán, đó là mang lại sự tự do, toàn quyền quyết định và chịu trách nhiệm về công việc cho nhân viên. Nói như vậy không có nghĩa là thờ ơ, phó mặc, mà họ luôn sẵn sàng hỗ trợ về kiến thức, kinh nghiệm, song hành với sự khích lệ, động viên. Theo Google, những nhân viên thành công nhất của họ giờ đây chính là những người cảm nhận sâu sắc nhất về nghĩa vụ của công việc họ đang làm và cảm thấy có toàn quyền xử trí công việc của mình.  

 

Nếu người cán bộ quản lý có tâm, có tầm, có tài, sẽ khơi gợi, tranh thủ được tài năng, tâm huyết, sáng tạo của đội ngũ, tránh được câu chuyện giáo viên “không muốn thể hiện”. Ông Ân minh họa trường hợp một cô giáo có tên H.H - dạy Toán ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý học sinh qua mạng xã hội từ những năm 2010 ở một trường THPT Hà Nội. Thời điểm đó, Bộ GD&ĐT thường mời cô H.H đi trao đổi, hướng dẫn tại các chương trình tập huấn dạy học bằng phần mềm, nhưng qua tâm sự mới biết, trong khi Bộ trân trọng giá trị của cô thì nhiều ý kiến ở nhà trường lại bảo cô “hâm”. Bởi lẽ, cô khác lạ, đi ngược đám đông. Nếu như các đồng nghiệp trẻ của cô mải mê dạy thêm kiếm tiền, thì cô H.H, khi ấy 53 tuổi, đang bị ung thư, sau giờ dạy, cứ chiều tối lại đến các trung tâm tin học để học ứng dụng công nghệ thông tin vào bài giảng. Thiếu đi sự chia sẻ, thấu hiểu và khích lệ của cấp quản lý, vì thế giáo viên không muốn và cũng không dám thể hiện mình

Ông Ân cho biết.

Tư duy phục vụ.

 Vài năm gần đây, thông điệp: “Chính phủ kiến tạo” - Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ, đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc truyền đi sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tư duy đổi mới của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất đã dần lan tỏa, có chuyển biến tích cực, nhất là ở khối hành chính công. Tuy nhiên quan ngại: “trên nóng, dưới lạnh” của người đứng đầu Chính phủ về một bộ phận cán bộ, nhất là ở cơ sở còn quan liêu, xa dân là rất thực tế.
Đây đó trong ngành GD hiện nay, nhất là những cấp học dưới, đôi lúc vẫn xuất hiện những phản ánh, phàn nàn về sự bất công bằng, thiếu minh bạch và dân chủ, lạm quyền, gò ép, áp chế cấp dưới của một số hiệu trưởng. Xét trong hệ giá trị của trường học hạnh phúc, vốn chú trọng đến cảm xúc của cá nhân, mối giao cảm tích cực giữa người với người, thì hành động vô tình hay hữu ý của những người đứng đầu nhà trường chưa đủ tâm, đủ tầm này đã gieo những hạt mầm ngờ vực, đau khố trong lòng những người có liên quan.
Dư luận đã phải đặt câu hỏi về sự mất dân chủ trầm trọng trong nhà trường khi vụ việc cô hiệu trưởng tìm mọi cách trốn tránh, không nhận trách nhiệm khi xe taxi mà cô ngồi trong đâm gẫy chân học sinh năm nào. 6 tháng sau khi vụ việc xảy ra, gia đình học sinh mới phát hiện, yêu cầu cô xin lỗi thì nhận được câu khẳng định: Tôi không phải người ngồi trên xe taxi. Ngay cả khi đối mặt với các chứng cứ của cơ quan công an, cô hiệu trưởng vẫn tiếp tục làm động tác lấy ý kiến của tất cả giáo viên trong trường bằng câu hỏi: Có phải hiệu trưởng ngồi trên xe không? - 100% giáo viên trong trường biết sự thật nhưng đều chọn: Không! Khi câu chuyện được cơ quan chức năng làm sáng tỏ, công luận đã “dậy sóng” vì sự dân chủ hình thức, sự chuyên quyền, độc đoán của cô hiệu trưởng nọ.  

 

Không khó để thấy rằng, ở các nhà trường, quyền lực cao nhất nằm trong tay hiệu trưởng. Khi cơ chế còn nặng xin – cho, ban phát ân huệ, làm việc theo cảm tính thì hệ quả sẽ tạo ra những giáo viên câm nín, không dám có ý kiến trái chiều. Vì thế, xây dựng môi trường học đường ấm áp, thân thiện, an toàn, không bị “bắt nạt” không chỉ có ý nghĩa với học sinh mà với cả giáo viên, nhân viên. TS Ngọc Ân đã đặt câu hỏi: Trường học hạnh phúc thế nào nếu giáo viên, nhân viên luôn cảm thấy bị ép buộc, bị chỉ trích, phản bác, thiếu sự cảm thông, thiếu sự lắng nghe và cầu thị khi họ có ý kiến? 
“Cuộc tranh luận bất phân thắng bại giữa người được dự giờ và tổ chuyên môn sau tiết thao giảng, cả hai phe đều tổn thương khủng khiếp. Chứng kiến việc này, chuyên gia nước ngoài đã nói: các vị phải thay đổi ngay giáo viên của mình. Phải dạy cho giáo viên lý thuyết lắng nghe tích cực: lắng nghe nhau và phản hồi đừng để người khác bị tổn thương; Phải nói với nhau những điều mà người ta trưởng thành, lớn lên, khác với việc nói cho sướng mình mà người khác đau đớn thế nào mặc kệ” – ông Ân dùng câu chuyện thực tế để truyền đi thông điệp.    
Ông đúc rút: Nếu lãnh đạo nhà trường có tầm nhìn, phong cách làm việc cởi mở, tận tâm, khoan dung và tâm lý, khiến giáo viên, nhân viên nể phục, kính trọng, thì chắc chắn giáo viên sẽ tự tin, yêu đời mà phải thốt lên: “Tôi tự hào vì có hiệu trưởng như thế! Tôi muốn làm việc, cống hiến vì hiệu trưởng như thế!”.
Vấn đề mấu chốt cuối cùng lại nằm ở việc: vậy hiệu trưởng có dám tự nhìn nhận, dám bước ra khỏi “vùng an toàn” và thay đổi? - Đây là trở lực vô cùng khó khăn. Nếu hình dung nhà trường là một xã hội thu nhỏ và để xã hội ấy hạnh phúc, thì hiệu trưởng – với vai trò người lãnh đạo cao nhất cần thay đổi tư duy, cách nghĩ, quan điểm quản trị, cách thức điều hành, phải chuyển từ tư duy quản lý, mệnh lệnh, hành chính sang tư duy phục vụ, đặt lợi ích, sự hài lòng của “khách hàng” lên hàng đầu. Bên cạnh “lực đẩy” về hệ điều hành, không thể thiếu “lực kéo” là hệ giá trị, tầm nhìn chiến lược, khát khao đạt đến, sẽ dẫn dắt người chèo lái con thuyền giáo dục mỗi nhà trường đi đúng hướng và cán đích.
Trút bỏ những áp lực

 

Cô giáo Lê Thị Thanh Nga – giáo viên môn Lịch sử của Trường THPT Bến Tre (Phúc Yên), nhân vật tham gia chương trình “Thầy cô chúng tôi đã thay đổi” năm 2017 đúc rút, sau khi tham gia chương trình, giờ đây cô không còn cảm thấy áp lực, nặng nề, căng thẳng khi lên lớp. Mỗi ngày đối với cô là sự tương tác và trải nghiệm. Cô không đặt ra yêu cầu và áp lực quá cao cho mình như trước nữa. Cô xem những lời chia sẻ của học sinh như: “em thích học môn của cô” là động lực và niềm vui để cố gắng. 
Các chuyên gia chỉ ra rằng, khi giáo viên đủ hiểu biết, trình độ, kỹ năng để trút bỏ áp lực, lớp học, học sinh sẽ hạnh phúc. Thay vì làm những điều lớn lao, cao xa, thì ngay từ bây giờ, mỗi thầy cô, cán bộ quản lý cần học cách làm những việc nhỏ bé, bình thường như: bình tĩnh lắng nghe; đặt mình vào vị trí của người khác khi xử lý công việc; chú ý đến cảm xúc của người khác khi làm việc; gọi tên cảm xúc; sẵn sàng nói lời xin lỗi; kết nối và mở lòng, cùng nhau đưa ra giải pháp. 

 

Nói nôm na nhưng bao hàm sự khiêm tốn như chia sẻ của thầy giáo Đào Chí Mạnh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Ngọc (Vĩnh Yên) tại hội thảo: “Nghĩ việc gì tốt thì mình cứ làm đã, chứ để vươn tới hạnh phúc chắc còn xa lắm”. 
Những việc tốt mà thầy đã và đang thực hiện nhằm đem đến cho học sinh một môi trường thân thiện, sáng tạo, phát triển toàn diện, cũng gián tiếp truyền cảm hứng cho đội ngũ, giáo viên. Những lời khen, ghi nhận tích cực của phụ huynh, tâm lý thoải mái, vui vẻ của thầy cô giáo, giúp vị hiệu trưởng càng thêm hạnh phúc và hứng khởi. Thầy Mạnh cho biết đã biến phòng chờ giáo viên thành một không gian cafe thư giãn, có quầy bar, cây xanh và tới đây còn được trang bị cả ghế massage. Qua 4 năm, ngôi trường tiểu học non trẻ đã tăng từ gần 400 học sinh vào năm đầu, đến gần 900 học sinh được tuyển sinh ở năm học này. 

Cô giáo Nguyễn Thị Mai Chang – Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Yên, người đăng ký tham gia Chương trình Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc năm 2019 đề xuất, để hiệu trưởng chuyên tâm xây dựng trường học thật sự hạnh phúc, rất cần sự hỗ trợ, chung tay của các cấp quản lý giáo dục trong việc tinh gọn, thống nhất, khoa học, giảm bớt gánh nặng, áp lực về hệ thống văn bản, cũng như tích hợp thống nhất các tiêu chuẩn đánh giá xếp loại cán bộ, đội ngũ. 

Ở góc độ tư lệnh ngành, ông Nguyễn Văn Huyến – Quyền Giám đốc Sở nhấn mạnh vai trò của cảnh quan, cơ sở vật chất trường học hiện đại, đồng bộ, từ nhà vệ sinh, là rất quan trọng, góp phần đem đến những trải nghiệm và cảm nhận hạnh phúc. Giáo dục Vĩnh Phúc những năm qua đã khẳng định được chất lượng, song như một người khổng lồ mặc một chiếc áo chật, chúng ta không thể có trường học hạnh phúc nếu trường học vẫn y hệt như 20 năm về trước. 

Toàn cảnh hội thảo trong phần phát biểu của ông Nguyễn Văn Huyến

“Để làm được đúng nghĩa, cần phải thay đổi, từ nhà quản lý, lãnh đạo, trưởng các phòng chuyên môn Sở; phải thấu hiểu hiện trạng giáo dục để có giải pháp tham mưu, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của các lực lượng xã hội. Làm thế nào để các lớp tập huấn của Sở là mỗi buổi hạnh phúc, học viên thu lượm được những gì tinh túy nhất, chất lượng nhất, không lãng phí thời gian, thì đấy là hạnh phúc. Chúng ta thay đổi cách quản lý, phương pháp giảng dạy của các nhà trường làm sao phải tốt hơn mới là hạnh phúc. Nhỏ hơn, mỗi buổi lên lớp, thầy cô thấy học sinh lắng nghe bài giảng, hiểu bài hơn, vui hơn, học sinh thay đổi tích cực hơn, thì đó là niềm hạnh phúc” – ông Huyến nói.   

                                                                                  Tác giả: Nguyễn Nga- nguồn: CĐN Giáo dục

 

 

  


Các tin khác
CĐGD tỉnh Trà Vinh tập huấn hướng dẫn sử dụng hệ thống phần mềm quản lý đoàn viên công đoàn (13/12/2019)
CĐGD tỉnh Đồng Tháp bàn giao “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên CĐCS trường THPT Phú Điền (11/12/2019)
Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa với các hoạt động chăm lo nhà giáo nhân dịp 20/11/2019 (02/12/2019)
CĐGD tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu một số hoạt động chào mừng 37 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (26/11/2019)
Hoạt động nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019 của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa (20/11/2019)
Công đoàn Giáo dục Nghệ An tổ chức Lễ trao thưởng “Quỹ phát triển tài năng giáo dục” lần thứ 16, năm 2019 (20/11/2019)
Ngành Giáo dục và đào tạo Hà Nội trợ cấp CBGV,NV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2019 (20/11/2019)
Hội thi “Nét đẹp nhà giáo” ngành Giáo dục Trà Vinh năm 2019 (20/11/2019)
CĐGD TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thi nấu ăn “Nhà giáo với ẩm thực 3 miền” (20/11/2019)
Công đoàn Giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc: Tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho hơn 100 cán bộ công đoàn cơ sở (19/11/2019)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18782495
Online: 1082
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn