Hiếu học và Tôn sư trọng đạo là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Từ xưa tới nay, dân ta luôn nhớ câu ca rằng “Muốn sang thì bắc cầu Kiều. Muốn con hay chữ thì yêu mến thầy”; “Không thày đố mày làm nên”,... Nói đến người thầy, ai ai cũng đều kính trọng, biết ơn với lòng thành kính sâu sắc không chỉ bởi những công lao dạy dỗ mà còn là những phẩm chất cao quý của người thầy. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của các thầy cô giáo là rất quan trọng và vẻ vang”; cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Ở thời nào cũng vậy, nghề dạy học luôn được coi trọng nhất, bởi đào tạo nên nguồn nhân lực có chất lượng cao sẽ quyết định sự phát triển của đất nước. Ôn lại lịch sử nhà giáo, chúng ta không thể không ghi nhớ công lao của các thế hệ nhà giáo vô danh đã không ngừng khai tâm, mở trí cho các thế hệ học trò. Các thế hệ Nhà giáo Việt Nam luôn phát huy truyền thống yêu nước, hy sinh cho nền độc lập, tự do của dân tộc. Tên tuổi những nhà giáo nổi tiếng, những “người chèo đò” vĩ đại mãi mãi được sử sách lưu danh: Nhà giáo nữ đầu tiên ở nước ta vào thế kỷ XV là Ngô Chi Lan, được vua Lê Thánh Tông mời vào cung dạy học; Thầy Chu Văn An (1292-1379), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585), Lê Quý Đôn (1726 - 1784), Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), Nguyễn Khuyến (1835-1909); thế kỷ 20 có Thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Thầy giáo - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người thầy mẫu mực của cách mạng Việt Nam. Họ không chỉ dạy chữ cho học trò, mà còn dạy cho học sinh của mình đạo đức, đạo sống, đạo làm người, đó chính là những tấm gương sáng mẫu mực để lớp lớp các thế hệ thầy cô giáo và học sinh noi theo.
Trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt kể từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ muôn vàn kính yêu, sự quan tâm của toàn xã hội, sự nỗ lực của các thế hệ cán bộ, nhà giáo, nền giáo dục Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Trong thời kỳ trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp đầy khó khăn, gian khổ, giáo dục từ phổ thông đến đại học đã được xây dựng, củng cố và từng bước phát triển. Công tác xóa mù chữ với phong trào bình dân học vụ, bổ túc văn hóa bước đầu hình thành một xã hội học tập. Đây là bước đột phá quan trọng đưa nền giáo dục Việt Nam chuyển biến sâu sắc và toàn diện, góp phần to lớn vào thắng lợi của công cuộc kháng chiến kiến quốc.
Thời kỳ 1954-1975 miền Bắc hoàn toàn giải phóng, đất nước tạm thời bị chia làm hai miền Nam - Bắc, ngành Giáo dục vừa phải phục vụ cho công cuộc xây dựng ở miền Bắc vừa phải góp sức cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với điều kiện chiến tranh vô cùng ác liệt, ngành Giáo dục vẫn tiếp tục gặt hái những kết quả quan trọng, đó là việc chỉ đạo thành công chủ trương chuyển hướng giáo dục thời chiến với quy mô rộng lớn trên toàn miền Bắc. Mỗi ngày, hàng triệu học sinh, sinh viên, các thầy giáo, cô giáo, khắc phục muôn vàn khó khăn đến trường tổ chức hoạt động dạy và học, cùng với nhân dân thực hiện công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời, hàng vạn nhà giáo, sinh viên miền Bắc theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ vào Nam chiến đấu, gần 3.000 nhà giáo đã được điều động để cùng với các nhà giáo ở miền Nam xây dựng nền móng cho sự nghiệp giáo dục cách mạng. Biết bao gương thầy cô giáo đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nhân dân, che chở cho đàn em nhỏ thoát khỏi làn bom đạn. Hàng ngàn cán bộ, giáo viên đã tình nguyện sẵn sàng đến công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, đặc biệt khó khăn từng ngày, từng giờ đem ánh sáng văn hóa đến với đồng bào dân tộc ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nhiều thầy cô khi kết thúc chiến tranh đã trở về mái trường với hình ảnh người thầy giáo thương binh, luôn chiến đấu với bệnh tật, di chứng của chiến tranh mà vẫn say mê, miệt mài từng trang giáo án, dạy dỗ lớp lớp học sinh khôn lớn, trưởng thành; hơn hai ngàn nhà giáo đã nằm lại nơi chiến trường xưa đã viết nên trang sử vàng về truyền thống anh hùng, lòng yêu nước, sự hy sinh xả thân vì nghĩa lớn của các thầy giáo, cô giáo, những người thầy cầm súng. Chúng ta nghiêng mình cảm phục và tri ân những tấm gương Nhà giáo - Chiến sĩ đã góp phần làm nên Đại thắng Mùa Xuân 1975 giành độc lập tự do cho dân tộc và tham gia xây dựng nền giáo dục giải phóng ở miền Nam.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước tiến hành cải cách giáo dục với nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý thuyết gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và xã hội; thống nhất giáo dục trong cả nước đã đánh dấu một bước phát triển mới của giáo dục.
Trong giai đoạn đổi mới, nhất là từ sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết số 29-NQ/TW, giáo dục đã đạt được những thành quan trọng, đó là: Hệ thống trường lớp và quy mô giáo dục phát triển, thực hiện nền giáo dục toàn dân, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng tăng của nhân dân và nâng cao được trình độ đào tạo, kĩ năng nghề nghiệp; công bằng xã hội trong giáo dục, bình đẳng giới cơ bản được bảo đảm; chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng lên; công tác quản lí giáo dục chuyển biến tích cực; đội ngũ cán bộ quản lí giáo dục và nhà giáo tăng nhanh về số lượng, đảm bảo về chất lượng. Cơ sở vật chất, kĩ thuật của hệ thống giáo dục và đào tạo được quan tâm đầu tư và từng bước hiện đại hoá; xã hội hoá giáo dục và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh.
Theo số liệu thống kê, đến nay cả nước có trên 22 triệu người đi học; 43.600 trường mầm non, phổ thông và 235 trường đại học, học viện, 155 trường cao đẳng cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. 100% các tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 100% các tỉnh đều đạt chuẩn phổ cập THCS.
Toàn ngành hiện có hơn 1,3 triệu cán bộ, nhà giáo, đều đạt chuẩn và trên chuẩn, đang là một lực lượng đông đảo và động lực quan trọng tạo ra sự chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng hiệu quả giáo dục và đào tạo. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, những thế hệ người thầy hôm nay đang tiếp tục vượt qua khó khăn thách thức, tận tụy với học sinh thân yêu, hết mình vì sự nghiệp giáo dục. Họ tiếp tục là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hoá - giáo dục - đào tạo để “Nâng cao dân trí - Đào tạo nhân lực - Bồi dưỡng nhân tài” góp phần làm cho “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, đưa đất nước ta phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu”. Có thể nói, từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, đâu đâu cũng thấy bóng dáng người thầy đang ra sức miệt mài với từng trang giáo án và quyết tâm hoàn thành trọng trách của mình. Mỗi nhà giáo đều ý thức rõ sứ mệnh “Trồng người” thiêng liêng và cao cả, luôn “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, hưởng ứng các phong trào thi đua, cuộc vận động, để luôn là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo; hăng hái thi đua dạy tốt - học tốt, đổi mới, sáng tạo trong giảng dạy và công tác, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm nghề nghiệp, tác phong làm việc khoa học, dân chủ, hiệu quả, xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, thân thiện, giữ gìn đạo đức, thanh danh nhà giáo. Đã có nhiều gương nhà giáo đã dành tiền của, đất đai để xây dựng trường lớp; giúp đỡ học sinh và đồng nghiệp; tích cực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng, làm lợi hàng tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hàng ngàn nhà giáo mẫu mực luôn là tấm gương sáng cho học sinh, đồng nghiệp noi theo, được nhân dân tin yêu, quý trọng, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú.
Trước yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, toàn ngành đang quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một trong các giải pháp then chốt, đó là “Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo”. Vì vậy, đội ngũ các thầy giáo, cô giáo cần tiếp tục nâng cao phẩm chất, năng lực nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu mới, góp phần vào sự phát triển giáo dục - đào tạo nước nhà.
Trong không khí hân hoan chào mừng 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2017), 55 năm Giáo dục giải phóng thời kỳ chống Mỹ cứu nước ở Miền Nam, kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà giáo (20/11/1957-20/11/2017), trân trọng gửi tới các thế hệ Nhà giáo lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Kính chúc các Thầy giáo, Cô giáo, các cán bộ quản lý và những người làm công tác giáo dục luôn dồi dào sức khoẻ, gia đình hạnh phúc, luôn là tấm gương sáng, tâm huyết và sáng tạo, thủy chung với sự nghiệp “Trồng người”, sẵn sàng tâm thế tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.