Truyền thống hiếu học, trọng thầy là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta, được cha ông gìn giữ, bồi đắp qua nhiều thế hệ. Từ xưa cho tới nay xã hội luôn dành cho người thầy sự kính trọng, biết ơn sâu sắc, không chỉ bởi công lao dạy dỗ mà còn là những phẩm chất cao quý của người thầy. Ghi nhận và đề cao sứ mệnh “trồng người” của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của các thầy cô giáo là rất quan trọng và vẻ vang”, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng khẳng định “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy trao danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GDĐT, bà Trần Thị Thục, Hiệu trưởng trường Tiểu học Đình Cao, ông Hoàng Thành Chung, giáo viên trường THCS Nguyễn Thiện Thuật
Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, người thầy luôn có vị trí vô cùng quan trọng và nghề dạy học cũng luôn được coi trọng là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. Trong xã hội xưa, người thầy là những người có trí tuệ sâu rộng, am hiểu sách thánh hiền, đạo đức cao cả, luôn coi trọng danh dự, lương tâm, luôn giữ gìn khí tiết thanh cao. Người thầy vừa mẫu mực về nhân cách vừa uyên thâm về trí tuệ. Đến thời đại Hồ Chí Minh, hình ảnh người thầy vẫn tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của các nhà giáo xưa đồng thời gánh thêm nhiều trọng trách mới: vừa cầm bút, vừa cầm súng, người thầy vừa phải làm tròn sứ mệnh trồng người, vừa là những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng, trên mặt trận chống quân thù. Tuy khó khăn là vậy, trọng trách ngày càng nặng nề hơn nhưng biết bao thế hệ những người thầy ấy đã góp sức không nhỏ vào sự nghiệp đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước và đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang đó đã có hơn 3.000 nhà giáo (trong đó có 109 nhà giáo của tỉnh Hưng Yên) đã hy sinh anh dũng nơi chiến trường vì nền độc lập, tự do của đất nước.
NGƯT Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở GDĐT và đ.c Trần Đắc Viện, Chủ tịch CĐN thăm, tri ân gia đình nhà giáo liệt sĩ Đỗ Xuân Hải nhân kỷ niệm 75 năm Ngày TB-LS
Thời kì hội nhập, những thế hệ người thầy vẫn viết tiếp lịch sử hào hùng của dân tộc và tiếp tục học tập không ngừng, tích cực đổi mới phương pháp dạy học và giáo dục học sinh phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Có thể khẳng định trên mọi miền của đất nước từ nông thôn, thành thị đến vùng sâu, vùng xa, hàng ngày biết bao những người thầy vẫn đang miệt mài với từng trang giáo án và quyết tâm vượt mọi khó khăn hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Bởi lẽ, mỗi nhà giáo đều ý thức rõ trách nhiệm về nghề nghiệp, họ luôn “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, các cuộc vận động để luôn là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo; hăng hái thi đua dạy tốt - học tốt, đổi mới trong giảng dạy và công tác, gương mẫu, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng môi trường sư phạm văn minh, tiến bộ, giữ gìn hình ảnh chuẩn mực của nhà giáo.
Để thực hiện thành công chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW về Giáo dục - Đào tạo, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0, vai trò của người thầy càng vô cùng quan trọng. Thông qua giờ dạy trên lớp và hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường, người thầy không phải là “cuốn bách khoa toàn thư” mà người thầy giúp học sinh biết tự học một cách sáng tạo, biết cách khích lệ học sinh tự chiếm lĩnh tri thức, khoa học, ứng dụng những kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đặc biệt trong bối cảnh 2 năm qua, Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống kinh tế- xã hội, trong đó có ngành giáo dục, để làm tròn sứ mệnh vẻ vang của mình người thầy luôn sáng tạo và tự “làm mới” mình, thích ứng với mọi hoàn cảnh, am hiểu tâm lý học sinh, ứng dụng công nghệ tiên tiến để vừa chống dịch vừa dạy học theo đúng chủ trương “dừng đến trường nhưng không dừng học”.
Tiết học trực tuyến chống Dịch của Trường THPT Khoái Châu
Có thể khẳng định, cho dù ở bất kì thời đại nào thì người thầy vẫn luôn là biểu tượng của những chuẩn mực đạo đức, được xã hội trân trọng và tin cậy. Sự tận tâm, yêu nghề, đạo đức trong sáng và có tinh thần trách nhiệm trong nghề nghiệp là những yếu tố cơ bản, đầu tiên, cần phải có ở mỗi người thầy. Tinh thần lao động của mỗi nhà giáo không chỉ dừng lại ở tinh thần trách nhiệm mà cần có lòng yêu nghề, gắn bó với nghề, phải có những trăn trở về nghề. Mỗi thầy cô giáo đã tự nguyện chọn nghề giáo cao quý hãy luôn là những tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo để mãi giữ hình ảnh nhà giáo, đặc biệt trong bối cảnh toàn ngành đang đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch số 549/KHLT-SGDĐT-CĐN ngày 17/4/2019 của Sở Giáo dục - Đào tạo và Công đoàn Giáo dục tỉnh về việc Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, phẩm chất đạo đức nhà giáo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.
Hội nghị biểu dương gia đình nhà giáo tiêu biểu giai đoạn 2016 - 2020
Trong không khí cả nước hân hoan đón chào kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, cả xã hội đang hướng về ngành giáo dục để tôn vinh và tri ân người thầy. Đó sẽ là niềm động viên, khích lệ, là động lực vô cùng to lớn với những người mang trên mình “Sứ mệnh trồng người”. Mỗi thầy cô luôn giữ vững niềm tin, thắp sáng ngọn lửa nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người để đón những thành quả tốt đẹp nhất, hãy xứng danh với sự tôn vinh của xã hội vì “Nghề dạy học là một nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo”.
Thay những bó hóa tươi thắm, xin được gửi lời tri ân sâu sắc tới người thầy, kính chúc các thầy cô giáo luôn dồi dào sức khỏe, gia đình hạnh phúc, để tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, góp phần vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tin bài: Công đoàn Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên