Với mục đích lan tỏa những giá trị tích cực của việc xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, ngày 13 tháng 11 năm 2021, tại huyện Như Thanh, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” cụm các trường THPT, THCS&THPT huyện Như Thanh, Như Xuân, Nông Cống nhằm mong muốn tích lũy, nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, tạo động lực cho giáo viên, tự thay đổi, tự chuyển hóa bản thân để trở nên hoàn thiện hơn, cùng xây dựng nên một trường học hạnh phúc!
Dự và Chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào taọ; Các đồng chí UV BTV Công đoàn ngành Giáo dục. Đến dự Hội thảo còn có Lãnh đạo LĐLĐ, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Như Thanh, Nông Cống; Lãnh đạo, Chủ tịch CĐ, Đại diện giáo viên của các trường THPT, THCS&THPT trong cụm; Đại diện cha mẹ học sinh và học sinh trường THCS&THPT Như Thanh.
Đồng chí Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí: Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục đã nhấn mạnh:
Việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo làm tiêu chí chính nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành. Là một trong những giải pháp để xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ bản đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục theo Chương trình nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025 và cụ thể hóa Hướng dẫn liên tịch số 1490/KHLT-SGDĐT-CĐN ngày 17/6/2019 của ngành về việc “Triển khai kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động (NGNLĐ) đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”
Đồng thời, xây dựng trường học hạnh phúc là một trong những mong ước của các nhà trường. Trường học hạnh phúc là nơi, học sinh, thầy cô, cán bộ, nhân viên của nhà trường cảm thấy được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được hiểu và được có giá trị. Trường học hạnh phúc sẽ giáo dục học sinh phát huy tối đa phẩm chất và khả năng của mình, trở thành công dân toàn cầu, học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng định mình.
Chương trình Hội thảo gồm 2 phần chính:Tham luận và tọa đàm. Phần thứ nhất, để làm rõ những nội dung: Thế nào là trường học hạnh phúc, tại sao lại phải xây dựng trường học hạnh phúc, những biểu hiện của trường học hạnh phúc là gì, các tiêu chí của trường học hạnh phúc, muốn xây dựng trường học hạnh phúc, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong mỗi nhà trường phải làm gì…Ban Tổ chức đã truyền tải đến các Đại biểu qua 03 clip về việc xây dựng trường học hạnh phúc tại các trường THPT Nông Cống 2, Như Thanh, Như Thanh 2. Các đơn vị đã tập trung tham luận qua 3 chủ đề, đó là: Thầy, cô đã, đang và sẽ làm gì để xây dựng trường học hạnh phúc; tổ chức hoạt động ngoại khóa, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề-giải pháp giúp nâng cao trường học hạnh phúc; việc áp dụng Giáo dục tích cực trong dạy và học tại đơn vị đã đem đến hiệu quả như thế nào trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.
Bước sáng Phần hai, các Đại biểu được mời lên sân khấu tọa đàm gồm: Hiệu trưởng trường THPT Như Thanh 2, Nông Cống 2, Chủ tịch CĐ Trường THCS&THPT Như Xuân, Đại diện Giáo viên trường THPT Như Thanh, Nông Cống 3; Đại diện cha mẹ học sinh của trường THCS&THPT Như Thanh. Nội dung của tạo đàm nói chuyện xung quanh chủ đề: Thầy cô mong muốn gì từ CBQL; Trở lực và động lực từ CBQL trong việc xây dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc; Mối quan hệ giữa CBQL và giáo viên, phụ huynh học sinh trong việc xây dựng trường học hạnh phúc .
Cũng tại Hội thảo, các Đại biểu đã tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến các tiêu chí để xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” và đi đến thống nhất 5 tiêu chí cốt lõi đề xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là: YÊU THƯƠNG- TÔN TRỌNG- AN TOÀN- ĐƯỢC HIỂU- ĐƯỢC CÓ GIÁ TRỊ.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở khẳng định: Trước khi có khái niệm “Trường học hạnh phúc” thì trong các nhà trường đã thực hiện nhiều mục tiêu, phương châm và các cuộc vận động mang nội hàm như “Trường học hạnh phúc”, chẳng hạn cuộc vận động "Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm” hay cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”....Xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều mà cần phải có một quá trình. Chúng ta không thể tuyên bố “năm học này xây dựng trường học hạnh phúc” mà phải trải qua lộ trình xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... trong nhà trường để làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.
tốt việc tuyên truyền tạo sự đồng thuận đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh, đây là quá trình tác động lâu dài bằng nhiều biện pháp, phương thức khác nhau. Bên cạnh đó, cần bám sát vào các tiêu chí để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, đó là:
Tiêu chí về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân, trong đó tập trung vào việc xây dựng một môi trường làm việc và học tập lý tưởng cho GV và HS.
Tiêu chí về dạy và học, trong đó tập trung vào việc tạo các điều kiện tốt nhất để mỗi học sinh có cơ hội phát triển, thể hiện và khẳng định năng lực, giá trị của bản thân; sử dụng các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi học sinh.
Tiêu chí về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, trong đó tập trung vào việc giúp đỡ chia sẻ với HS có nhu cầu đặc biệt, có hoàn cảnh riêng; quản lý cảm xúc tiêu cực trong đối thoại, tương tác, giao tiếp và làm việc với học sinh và đồng nghiệp, làm gương cho học sinh trong các mối quan hệ, trong giao tiếp và đối thoại; Phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh trong công tác giáo dục học sinh.
Cũng tại buổi Hội thảo, Đại diện Công ty Hợp Thành, Ông Lê Hữu Trung đã trao tặng một 01 máy lọc nước; Đại diện Trường THPT DTNT tỉnh, Ông Lê Đình Thuật trao tặng 01 mặt trống đồng cho trường THCS&THPT Như Thanh.
Các Đại biểu Tham dự Hội thảo
Để mô hình trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, cần nâng cao nhận thức của toàn thể đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ. Để kiến tạo và lan tỏa thì hơn hết cần chia sẻ ngay với những đồng nghiệp trong chính ngôi trường mà ta đang dạy, truyền cảm hứng trên các trang mạng xã hội, dù là việc nhỏ thôi nhưng cũng đủ để ta mang lại những dấu ấn đẹp, trước tiên là truyền cảm hứng cho bản thân, sau đó sẽ lan tỏa đến những người xung quanh.
Nguyễn Đức Tuấn – Chuyên viên Công đoàn ngành Giáo dục