Sáng ngày 17/9, tại Trung tâm Hội nghị, Đại học Thái Nguyên đã tổ chức Lễ phát động chương trình “Máy tính cho em” để vận động, quyên góp, ủng hộ kinh phí, trang thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến như: máy tính, máy tính bảng, ti vi… cho học sinh, sinh viên chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến. Ngay tại buổi phát động, Đại học Thái Nguyên đã quyên góp, ủng hộ được hơn 1 tỷ đồng cho chương trình.
GS.TS Phạm Hồng Quang – Giám đốc Đại học Thái Nguyên và PGS.TS Trần Viết Khanh – Chủ tịch Công đoàn Đại học Thái Nguyên tiếp nhận quyên góp, ủng hộ của các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên
Đại học Thái Nguyên là “Đại học quốc gia, đại học vùng, là đại học thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”, thực hiện cuộc vận động, tất cả các đơn vị trong toàn Đại học Thái Nguyên đã kêu gọi, tuyên truyền, vận động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, đội ngũ nhà giáo, nhân viên, người lao động tham gia ủng hộ kinh phí tối thiểu là một ngày thu nhập với số tiền là 1.080.000 đồng, số tiền này sẽ được Đại học Thái Nguyên chuyển về Bộ Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Việt Nam để thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, các cán bộ, viên chức và người lao động của Đại học Thái Nguyên cũng sẽ quyên góp, ủng hộ kinh phí và trang thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến cho HSSV của Đại học Thái Nguyên còn gặp nhiều khó khăn không đủ điều kiện và khả năng trang bị các thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu. Cách thức ủng hộ có thể bằng tiền mặt hoặc ủng hộ cơ sở vật chất là các trang thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến mới hoặc còn sử dụng được (Máy tính, máy tính bảng, ti vi, điện thoại thông minh…). Thời gian tiếp nhận ủng hộ từ ngày 15/9 – 23/9/2021, địa điểm tiếp nhận hiện vật tại các trường thành viên, đơn vị thuộc và trực thuộc; tại Đại học Thái Nguyên qua Văn phòng Đại học.
Các đại biểu dự chương trình quyên góp, ủng hộ chương trình “Máy tính cho em” cho các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Đại học Thái Nguyên
Cuộc vận động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” là một trong những hoạt động của Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp tổ chức dạy học an toàn, bảo đảm chương trình và mục tiêu giáo dục, đào tạo ứng phó với đại dịch COVID-19; chỉ đạo của Thủ tướng về xây dựng và triển khai Chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Đây đồng thời là hoạt động của ngành khi rà soát và nhận thấy còn hàng triệu học trò vì điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đã không đủ khả năng trang bị thiết bị học tập trực tuyến thiết yếu như: máy tính, máy tính bảng, tivi... Khó khăn này khiến các em không có cơ hội được học tập khi ngành Giáo dục chuyển trạng thái hoạt động sang dạy học trực tuyến - điều thiết yếu và không thể tránh khỏi trong dịch COVID -19.
Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng rất nặng nề tới đời sống kinh tế xã hội trong đó có ngành Giáo dục. Việc toàn ngành giáo dục chuyển sang dạy và học trực tuyến là việc làm cần thiết, phù hợp; việc chuyển sang trạng thái mới trong bối cảnh dịch COVID – 19 của các ngành nói chung và ngành giáo dục nói riêng sẽ giúp chúng ta tăng khả năng thích ứng, thích nghi trong bối cảnh mới và cũng thể hiện đa dạng trong cách làm nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu, đây cũng là một phần của công việc chuyển đổi số để phát triển nền giáo dục hiện đại cho hiện tại và tương lai.
Đây là một hành động thể hiện truyền thống tốt đẹp “Tương thân tương ái” và “Tất cả vì học sinh thân yêu”, quyết tâm không để một học sinh nào bị mất cơ hội học tập vì đại dịch./.
Thanh Loan – Đại học Thái Nguyên