Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, tiền thân là Trường Sư phạm cao cấp chính thức được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định số 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục. Cùng thời gian này, tổ chức công đoàn của Nhà trường cũng được thành lập. Lịch sử xây dựng và phát triển của Công đoàn Đại học Sư phạm Hà Nội trong 70 năm qua luôn gắn liền với lịch sử của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và quá trình phát triển của Công đoàn Giáo dục Việt Nam (1951 - 2021).
Nền móng và quá trình phát triển
Trong quá trình xây dựng và trưởng thành, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cùng với Nhà trường trải qua những năm tháng gian nan, vất vả của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và những năm đầu Đổi mới. Nhưng, dù ở bất cứ giai đoạn lịch sử nào, Công đoàn Trường cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, đó là xây dựng Công đoàn cơ sở vững mạnh, xuất sắc, góp phần xây dựng Trường Đại học Sư phạm ổn định và phát triển.
Từ một đơn vị vài chục cán bộ công nhân viên và giáo viên thuộc trường Sư phạm cao cấp ở khu III, khu IV (Thanh Hoá, Nghệ An) và Trường Sư phạm cao cấp ở khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc), đến nay, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có một đội ngũ nhà giáo, người lao động đông đảo với trên 1.200 đoàn viên công đoàn sinh hoạt tại 34 công đoàn bộ phận. Từ những cán bộ giảng dạy được phân công phụ trách công đoàn, còn hoạt động theo cảm tính, theo vụ việc và kinh nghiệm trong những ngày đầu mới thành lập, đến nay Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã có một đội ngũ cán bộ công đoàn giàu nhiệt huyết, sáng tạo, nhiệt tình với phong trào, có trình độ chuyên môn, có khả năng tổ chức và vận động, tập hợp quần chúng tham gia vào các phong trào chung. Hoạt động của Công đoàn Trường ngày một toàn diện và đạt hiệu quả cao, luôn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua và các hoạt động công đoàn khối các trường đại học, cao đẳng trực thuộc Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành (1951 - 2021), ở mỗi giai đoạn lịch sử, có sự thay đổi, chia tách cho phù hợp, tính đến nay Công đoàn Trường đã trải qua 17 kỳ Đại hội. Lớp lớp các thế hệ cán bộ, đoàn viên công đoàn của Trường đã đoàn kết, thống nhất ý chí, hành động, vượt qua mọi thử thách, hoàn thành mọi nhiệm vụ của Công đoàn cấp trên và Nhà trường giao phó. Công đoàn Trường đã thực sự trở thành tổ chức tập hợp đông đảo nhà giáo, người lao động toàn trường và là chỗ dựa vững chắc, tin cậy của Đảng ủy, Ban Giám hiệu. Nhiều cán bộ, công đoàn viên của Trường đã trở thành các cán bộ quản lý, nhà hoạt động chính trị có uy tín, nhà khoa học nổi tiếng, mà tên tuổi của họ mãi làm rạng danh nền học vấn nước nhà như: Giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Lân ….; Nhiều đồng chí Chủ tịch Công đoàn Trường đã trở thành những lãnh đạo công đoàn xuất sắc của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Giáo dục Việt Nam như: Ông Đinh Văn Phiêu, Bà Nguyễn Thị Tú Anh, Ông Lê Hồng Sơn…. ; Nhiều cán bộ, công đoàn viên của Trường đã tham gia và có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng và phát triển công đoàn các trường Đại học Sư phạm trong cả nước như: Đại học Sư phạm Vinh, Đại học Sư phạm Việt Bắc, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Sư phạm Huế, Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.
Những kết quả đáng tự hào
Trong những năm qua, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đạt nhiều thành tích trên mọi mặt hoạt động:
Trong công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng
Công đoàn Trường đã thực sự là hạt nhân đoàn kết, thống nhất, tập hợp được đông đảo cán bộ, công đoàn viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, thực hiện tốt nội quy, quy chế của cơ quan, tích cực tu dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, động viên cán bộ, nhà giáo, người lao động tích cực nâng cao năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Công đoàn đã phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tuyên truyền, vận động cán bộ, nhà giáo, người lao động tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động có ý nghĩa xã hội rộng lớn; góp phần cùng với Nhà trường giữ vững thế ổn định và ngày càng phát triển về mọi mặt.
Trong đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng và chăm lo đời sống của Nhà giáo và người lao động; tham gia quản lý và xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định
Công đoàn Trường đã cùng với Nhà trường thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, tổ chức Hội nghị Cán bộ Viên chức hàng năm, chỉ đạo hoạt động của Ban Thanh tra Nhân dân Trường; phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu trong việc quản lý Nhà trường bằng việc tham gia vào các hội đồng tư vấn; Tham gia xây dựng quy chế, quy định hoạt động của Nhà trường, xây dựng và phát triển đội ngũ. Công đoàn cũng tham gia cải tiến lề lối làm việc của các đơn vị trực thuộc, xây dựng nếp sống văn hóa công sở, môi trường làm việc văn minh tác phong chuyên nghiệp, ứng xử văn hóa cho cán bộ nhà giáo, người lao động. Bên cạnh đó, Công đoàn trường đã đề xuất các giải pháp, thực hiện chế độ chính sách, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cán bộ, nhà giáo, người lao động; quan tâm tới các điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong toàn trường.
Trong việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động
Công đoàn Trường duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động mà Công đoàn cấp trên phát động và đã cụ thể hóa các nội dung này trong các chương trình hành động, các hoạt động cụ thể. Trong đó có thể kể đến các phong trào có sức thu hút lớn đối với CB – NG- NLĐ như “Dạy tốt, học tốt”, “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa”, “Hỗ trợ giáo viên và học sinh vùng khó khăn”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”… Các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Công đoàn Trường tổ chức luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của cán bộ, nhà giáo, người lao động, có sức lan tỏa lớn trong trường và xã hội.
Trong công tác nữ công
Công đoàn Trường đã phối hợp với Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Trường xây dựng kế hoạch hành động về bình đẳng giới, triển khai các hoạt động liên quan đến công tác nữ, bồi dưỡng nữ cán bộ quản lý để tham gia các vị trí chủ chốt trong Nhà trường; thực hiện tốt Nghị quyết số 6b/NQ-TW về công tác vận động nữ trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phong trào thi đua“Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được lồng ghép với phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" được duy trì hàng năm, hoạt động có chiều sâu, hiệu quả, thu hút 100% cán bộ nữ tham gia. Công đoàn trường cũng thường xuyên quan tâm đến công tác chăm sóc các cháu thiếu niên, nhi đồng là con cán bộ, nhà giáo, người lao động với các hoạt động thiết thực trong các ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết Trung thu; kịp thởi biểu dương, khen thưởng các cháu có thành tích xuất sắc trong học tập.
Trong hoạt động văn nghệ, thể thao và tham gia các cuộc thi
Trong những năm gần đây, Công đoàn Trường đã tổ chức thường xuyên các hoạt động văn nghệ, thể thao, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của công đoàn viên. Giải cầu lông, bóng bàn, cờ vua, cờ tướng là hoạt động thường niên của Công đoàn Trường, thu hút hầu hết các đơn vị hào hứng tham gia. Tại nhiều sân chơi về văn nghệ, thể thao của Công đoàn ngành, Công đoàn trường đã tham gia đạt thành tích cao với nhiều Huy chương Vàng, Bạc, Đồng, giải Nhất toàn đoàn.
Trong xây dựng tổ chức công đoàn và tham gia xây dựng Đảng
Công đoàn Trường thường xuyên quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên bằng việc thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và hiệu quả hoạt động công đoàn; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công đoàn; sắp xếp các Công đoàn Bộ phận, Tổ Công đoàn trực thuộc tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Công đoàn Trường cũng đã tích cực thực hiện công tác bồi dưỡng đoàn viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp. Ủy ban Kiểm tra hoạt động đều tay, hiệu quả; kiểm tra thường xuyên việc thực hiện Điều lệ Công đoàn tại các Công đoàn Bộ phận và công tác tài chính của Công đoàn Trường.
Với bề dày truyền thống và thành tích đã đạt được trong những năm qua, Công đoàn trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý:
- Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997;
- Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2001;
- Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2006;
- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010, 2017;
- Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2004.
- Cờ thi đua và Bằng khen của Tổng Liên đoàn Việt Nam, Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.
Những dịch chuyển và đổi mới để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh hiện nay
Trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay, để có thể thực hiện được đúng vị trí, chức năng của một tổ chức Công đoàn của một trường đại học hàng đầu về khoa học giáo dục, Công đoàn Trường đã nhanh chóng phân tích bối cảnh, đổi mới nhận thức với ba nhiệm vụ trọng tâm như sau:
Một là, thực hiện đúng vị trí, chức năng của một tổ chức chính trị - xã hội trong một ngôi trường giàu truyền thống, góp phần quan trọng vào việc thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Công đoàn Trường luôn luôn xác định rõ mục tiêu, phương hướng hoạt động của mình trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, trên cơ sở vận dụng một cách sáng tạo những quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, những chủ trương và ý kiến chỉ đạo của Công đoàn cấp trên, những Nghị quyết và mục tiêu phấn đấu của Đảng bộ và Chính quyền trong việc xây dựng Trường Đại học Sư phạm trọng điểm. Từ mục tiêu đã đề ra, Công đoàn trường đã cụ thể hóa bằng phương hướng hoạt động và các giải pháp cụ thể, có tính khả thi, phù hợp với vai trò, vị trí, chức năng của tổ chức Công đoàn.
Gần đây nhất, tại Đại hội lần thứ XVII, với khẩu hiệu hành động: “Đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, Công đoàn Trường đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CBNGNLĐ; đoàn kết, tập hợp, động viên CBNGNLĐ tích cực phấn đấu nâng cao năng lực chuyên môn, phát huy trách nhiệm xã hội, xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội phát triển vững mạnh, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hai là, kịp thời, chủ động nắm bắt các chủ trương, chính sách của ngành, các Nghị quyết của Đảng bộ Nhà trường, phối hợp chặt chẽ với Ban Giám hiệu để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ đề ra.
Có thể nói, với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức, Công đoàn trường đã nhận thức rất rõ rằng, mọi hoạt động, mọi động thái của Tổ chức không thể tách rời sứ mệnh, tầm nhìn của Nhà trường. Chính vì thế, Công đoàn trường luôn quán triệt trong đội ngũ cán bộ Công đoàn phải thấm nhuần về sứ mệnh, tầm nhìn, thấm nhuần các Nghị quyết của Đảng bộ Nhà trường, quán triệt với tinh thần cao nhất các chủ trương, nhiệm vụ công tác mà nhà trường đề ra. Có như vậy, mỗi người cán bộ công đoàn mới thực sự trở thành một hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền chủ trương, chính sách của Nhà trường, góp phần lan tỏa những giá trị mà Nhà trường đang xây dựng.
Bên cạnh đó, Công đoàn trường cũng đã nhận thức được vị trí của tổ chức Công đoàn trong Công đoàn giáo dục Việt Nam. Là tổ chức công đoàn của một trường đại học sư phạm trọng điểm, Công đoàn ĐHSPHN luôn xác định vai trò tiên phong, gương mẫu đi đầu trong các chương trình công tác, các phong trào thi đua để đóng góp vào việc xây dựng và khẳng định thương hiệu của Nhà trường.
Ba là, không ngừng phát huy trí tuệ, ý tưởng sáng tạo của Ban chấp hành Công đoàn Trường và đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động để làm mới, đa dạng và phong phú thêm các hoạt động phong trào mang màu sắc riêng, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của một trường sư phạm trọng điểm.
Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có một đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực hoạt động đoàn thể, tâm huyết, sáng tạo, nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm cao. Có thể thấy rằng, trong bối cảnh mới như hiện nay, hoạt động công đoàn đang đứng trước nhiều thách thức. Làm thế nào để tránh hô hào, làm thế nào để thực sự đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ nhà giáo người lao động? Làm thế nào để trở thành hạt nhân đoàn kết sức mạnh và trí tuệ tập thể? là những vấn đề mà BCH Công đoàn trường luôn trăn trở và nỗ lực cụ thể hóa trong các phương hướng, các nhiệm vụ trọng tâm.
Trong chặng đường lịch sử 70 năm qua, với tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, sự lãnh đạo của Đảng ủy Trường, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Giám hiệu và các đơn vị, Công đoàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã đoàn kết nhất trí, phát huy trí tuệ và sức mạnh tập thể, thực hiện thắng lợi chương trình và kế hoạch công tác, duy trì và đẩy mạnh các phong trào thi đua, góp phần tích cực vào việc xây dựng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội “hội nhập, năng động và phát triển”, thực hiện công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo của đất nước./.
Tin bài: Công đoàn Trường ĐHSP Hà Nội.