Ngày 29/5/2012, PGS.TS Đặng Kim Vui - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, PGS.TS Lê Văn Anh - Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Huế và 129 đại biểu đến từ ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐHQG Tp. Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Thái Nguyên đã về ĐH Thái Nguyên tham gia Hội nghị thường niên cán bộ công đoàn các đại học Quốc gia, đại học vùng năm 2012.
Đại biểu đến từ Công đoàn Giáo dục Việt Nam có: PGS.TS Trần Công Phong - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Cán sự Đảng ủy Bộ GD&ĐT, Chủ tịch CĐGDVN và đại diện lãnh đạo các ban thuộc cơ quan CĐGDVN.
Sáng ngày 29/5/2012, Hội nghị diễn ra tại Hội trường Trung tâm Học liệu - ĐH Thái Nguyên. PGS.TS Đặng Kim Vui - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐH Thái Nguyên phát biểu chào mừng Hội nghị, đồng chí đánh giá cao vai trò của tổ chức Công đoàn và những hoạt động của Công đoàn đã mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình bồi dưỡng đội ngũ, xây dựng và phát triển nhà trường… Đồng chí Trần Công Phong thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội nghị nêu đề dẫn, gợi ý một số nội dung cần thảo luận. Các đại biểu đã phát biểu sôi nổi, 07 tham luận trình bày tại Hội trường đều tập trung vào một số vấn đề chủ chốt mang đặc trưng của ĐH Quốc gia, ĐH vùng; đồng thời thảo luận về vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc phối hợp cùng chuyên môn tổ chức thực hiện “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” và triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi thấy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
14 h cùng ngày, Hội nghị làm việc tại Trường Đại học Sư phạm - ĐH Thái Nguyên, đại biểu được nghe báo cáo của PGS.TS Phạm Hồng Quang - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường. Trong báo cáo đồng chí đã chia sẻ một số khó khăn mà nhà trường nói riêng và các trường Sư phạm nói chung đang phải đối mặt, kinh nghiệm giúp trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên vượt qua khó khăn, không những đứng vững mà có thể phát triển thành trường ĐHSP trọng điểm của khu vực miền núi phía Bắc. 06 ý kiến thảo luận trong buổi chiều đều chung quan điểm, muốn “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam” cần phải có các giải pháp: Nâng cao chất lượng đào tạo phổ thông mà trước hết là phải nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường đại học Sư phạm; tăng cường cơ sở vật chất cho các trường đại học, cao đẳng; nâng cao đời sống cho cán bộ, nhà giáo; nâng cao chất lượng đội ngũ; thực hiện tốt chính sách đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo…
Các đại biểu nêu một số kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước: Có chính sách thu hút người giỏi làm giảng viên, giáo viên. Tăng cường cơ sở vật chất cho các trường đại học, cao đẳng nói chung; riêng đối với hệ thống trường Sư phạm cần có sự quan tâm đầu tư thỏa đáng của Nhà nước để có môi trường đào tạo chuyên nghiệp. Đề nghị xếp thang bảng lương cho nhà giáo ở mức cao nhất, để họ đủ sống bằng chế độ tiền lương và chuyên tâm cho sự nghiệp “trồng người”, hoàn thành tốt nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước.
Ban Tuyên giáo – Nữ công, CĐGD Việt Nam