Cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ vĩ đại của dân tộc đã qua đi, nhưng dư âm của nó về một thời đại hào hùng của dân tộc anh hùng vẫn còn hiện hữu trong ký ức của mỗi người dân Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2012), hướng tới 65 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Cựu giáo chức, Công đoàn Giáo dục Hải Phòng tổ chức kỷ niệm, gặp mặt, tri ân 900 Nhà giáo chiến sĩ, Nhà giáo thương binh, thân nhân gia đình Nhà giáo Liệt sĩ và giao lưu với các nhạc sĩ, ca sĩ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Hải Phòng hiện có 147 Nhà giáo liệt sĩ, 149 Nhà giáo thương bệnh binh và trên 600 Nhà giáo đã từng tham gia 2 cuộc kháng chiến, giảng dạy tại các chiến trường B, C, K. Gần 1000 đại biểu về gặp mặt tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt Tiệp nghẹn ngào xúc động khi được nghe các ca khúc đi cùng năm tháng, được xem phóng sự “Người giáo viên - Chiến sĩ”, được giao lưu với các nhân chứng lịch sử - những nhà giáo một thời là chiến sĩ đã không tiếc máu xương tham gia hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Đồng chí Đỗ Thế Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng xúc động phát biểu: Để chuẩn bị cho cuộc gặp mặt này chúng tôi đã phải chuẩn bị rất kỹ và rất công phu, toàn ngành Giáo dục Hải Phòng coi đây là sự bày tỏ lòng biết ơn, tri ân thành kính đến các anh hùng liệt sĩ, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những nhà giáo chiến sĩ, nhà giáo thương bệnh binh, những người đã xếp bút nghiên, tạm biệt mái trường, tạm biệt giảng đường đại học để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc. Đền ơn, đáp nghĩa không chỉ là trách nhiệm, là tình cảm, mà còn là truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, qua đó giáo dục các thế hệ học sinh, cán bộ, giáo viên của thành phố Hải Phòng tự hào hơn về những người thầy, về mái trường, về thành phố Cảng thân yêu của mình.
Ban Tuyên giáo- Nữ công CĐGDVN