(LĐ) Công đoàn Giáo dục Việt Nam: Thấu hiểu và chia sẻ với nhân viên trường học
(10:13, 22/01/2024)

Ngày 20.1, đoàn công tác của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã thực hiện khảo sát, nắm tình hình về đời sống, thu nhập, điều kiện làm việc của nhân viên trường học tại 2 huyện Thanh Chương và Đô Lương (tỉnh Nghệ An).

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam phát biểu tại cuộc khảo sát. Ảnh: Văn An

Đoàn công tác bao gồm: Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cùng đại diện Công đoàn Giáo dục Nghệ An.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về một số nhiệm vụ trọng tâm hoạt động công đoàn năm 2024.

Trong đó, tập trung nghiên cứu, đề xuất và tham gia xây dựng, triển khai thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Công đoàn Giáo dục Việt Nam tặng quà cho các nhân viên trường học trên địa bàn huyện Thanh Chương. Ảnh: Văn An

Qua phản ánh, kiến nghị của đoàn viên công đoàn trong ngành Giáo dục tại một số địa phương, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam xây dựng kế hoạch khảo sát việc thực hiện chế độ chính sách, tiền lương và thu nhập của nhân viên kế toán, thư viện, thiết bị văn thư, y tế tại trường học (gọi chung là nhân viên trường học).

Ông Nguyễn Ngọc Ân chia sẻ: "Mục đích của cuộc khảo sát là hiểu được tâm tư, nguyện vọng và tập hợp các kiến nghị, đề xuất của nhân viên trường học. Từ đó có căn cứ đề xuất lên cấp trên có thẩm quyền xem xét và điều chỉnh để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của cán bộ, nhân viên trường học. Qua đó hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ giáo dục của các nhà trường và trong toàn ngành giáo dục".

Trong thời gian qua, Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhận được 9 đơn thư với hơn 500 chữ ký của nhân viên trường học tại các đơn vị. Trong đó có 76 chữ ký tại huyện Thanh Chương và 82 chữ ký tại huyện Đô Lương (tỉnh Nghệ An).

Ông Đào Công Lợi - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An tham gia giải đáp thắc mắc của nhân viên trường học. Ảnh: Văn An

Nhóm đối tượng đề xuất gồm: nhân viên kế toán, nhân viên văn thư, nhân viên thư viện, nhân viên hành chính và nhân viên thiết bị trong trường học.

Trong số đó bao gồm 4 kiến nghị chính. Thứ nhất là "Xem xét được hưởng phụ cấp ưu đãi ngành hay phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp thâm niên nghề".

Thứ hai là "Bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh và xin được xét thăng hạng thay vì phải thi thăng hạng không đảm bảo tính công bằng giữa nhân viên lớn tuổi với trẻ tuổi, sự đồng đều giữa các địa phương và không chứng minh được năng lực kinh nghiệm".

Tiếp đến là "Chính sách tiền lương cho nhân viên kế toán ngành giáo dục còn rất thấp so với giáo viên và các vị trí tương tự ở các ngành khác, chưa thực sự phù hợp với vị trí việc làm".

Cuối cùng là "Giáo viên, nhân viên đều được nghỉ hè, nhưng kế toán vẫn phải đi làm".

Tại cuộc khảo sát, chị Nguyễn Thị Hội - nhân viên thư viện kiêm y tế học đường tại Trường THCS Thanh Lĩnh (huyện Thanh Chương) chia sẻ: "Đời sống của nhân viên trường học như tôi còn nhiều vất vả, làm việc 18 năm nhưng mức lương còn thấp. Tôi mong muốn qua đợt cải cách tiền lương sắp tới, sẽ được tạo điều kiện để đảm bảo cuộc sống. Tôi phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ cùng lúc nhưng chế độ phụ cấp không xứng đáng".

Nhân viên các trường học bộc bạch, chia sẻ về những khó khăn trong thời gian qua. Ảnh: Văn An

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Huệ - kế toán tại Trường tiểu học Thanh Lĩnh (Thanh Chương), cũng có những bộc bạch: "Sau 18 năm công tác, xã hội và đời sống phát triển, nhưng mức lương của tôi không đi lên. Hơn nữa, vấn đề tài chính có đặc thù riêng và áp lực lớn, trong khi tiền lương không tương xứng. Tôi phải kinh doanh thêm bên ngoài để trang trải cuộc sống. Tôi muốn có sự hỗ trợ, thấu hiểu và san sẻ từ các cấp có thẩm quyền để tập trung tối đa vào công việc".

Kết luận buổi làm việc, TS. Nguyễn Ngọc Ân khẳng định: "Chúng tôi muốn nhân viên trường học được bày tỏ hết nỗi lòng trong suốt thời gian qua. Sau đó, chúng tôi sẽ báo cáo lên các cấp có thẩm quyền và đưa ra biện pháp tháo gỡ".

Nguồn tin: Báo Lao động

 

 

  


Các tin khác
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM CHĂM LO TẾT CHO CÁN BỘ NHÀ GIÁO NGƯỜI LAO ĐỘNG KHU VỰC MIỀN TÂY NAM BỘ (15/01/2024)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức chương trình “Tết sớm với cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh vùng cao” năm 2024 (02/01/2024)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tiếp đón và làm việc với Công đoàn Giáo dục Thổ Nhĩ Kỳ (26/12/2023)
Hội nghị giao ban Khối thi đua Công đoàn Giáo dục Việt Nam (20/12/2023)
Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam tái đắc cử Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023-2028 (04/12/2023)
Chương trình ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam với các doanh nghiệp (22/11/2023)
Tuyên dương 200 nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2023 (21/11/2023)
200 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc báo công dâng Bác (21/11/2023)
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM THĂM VÀ LÀM VIỆC VỚI CĐGD VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC AI CẬP (17/11/2023)
GD&TĐ - Công đoàn Giáo dục Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác vì phúc lợi đoàn viên (16/11/2023)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18967095
Online: 1077
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn