Nhằm tạo chuyển biến căn bản nhận thức và hành động về đạo đức, năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh, xây dựng một trường giáo dục an toàn lành mạnh, thân thiện, Trong những năm học gần đây ngành Giáo dục Thanh Hoá đã đẩy mạnh các hoạt động xây dựng Trường học hạnh phúc. Cùng với trang bị kiến thức, kỹ năng cho học sinh, việc tạo dựng ngôi trường hạnh phúc cũng được ngành Giáo dục hết sức chú trọng theo Mô hình Trường học hạnh phúc lấy cảm hứng từ mô hình Happy School của UNESCO (Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc).
Ngày 12/10/2024, tại Trường THPT Quảng Xương 1, Công đoàn ngành Giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng Trường học hạnh phúc” với chủ đề: Hiệu trưởng thay đổi, nhà giáo đổi mới – hướng tới trường học hạnh phúc” cụm các trường THPT, THCS&THPT huyện Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn, thành phố Sầm Sơn
Dự và chỉ đạo Hội thảo có Đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa cùng đại diện Lãnh đạo các phòng chuyên môn của Cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Trần Văn Bình, ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Thanh Hóa cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành, các đồng chí thường trực CĐGD Thanh Hóa. Đặc biệt là sự có mặt của các đồng chí Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn, giáo viên, phụ huynh học sinh, học sinh cụm các trường THPT, THCS&THPT huyện Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn, TP. Sầm Sơn.
Đại biểu tham dự Hội thảo “ Xây dựng trường học hạnh phúc”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trần Văn Bình, Chủ tịch CĐGD Thanh Hóa đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo làm tiêu chí chính nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành. Là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa Kế hoạch Liên tịch số 242/KHLT-SGDĐT-CĐN ngày 09/02/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo với Công đoàn ngành Giáo dục về nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức, nhà giáo, người lao động giai đoạn 2021-2025; đồng thời cũng bày tỏ mong muốn mỗi cá nhân đang công tác trong ngành giáo dục, trong nhà trường sẽ thay đổi để làm tốt hơn công việc của mình bằng cả trách nhiệm, tình yêu thương, sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ.
Tại Hội thảo các đồng chí đã tập trung thảo luận làm rõ hơn các tiêu chí về xây dựng “Trường học hạnh phúc” trong đó gia trị cốt cốt lõi đề xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là: Yêu thương-Tôn trọng-An toàn
Đ/c Trần Văn Bình, Chủ tịch CĐGD Thanh Hóa phát biểu khai mạc
Nội dung Chương trình Hội thảo gồm 2 phần chính:Tham luận và tọa đàm. Phần thứ nhất, để làm rõ những nội dung: thế nào là trường học hạnh phúc, tại sao lại phải xây dựng trường học hạnh phúc, các tiêu chí của trường học hạnh phúc, muốn xây dựng trường học hạnh phúc, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong mỗi nhà trường phải làm gì…Ban Tổ chức đã truyền tải đến các đại biểu qua các clip về việc xây dựng trường học hạnh phúc tại các trường THPT Nguyễn Thị Lợi, Tĩnh Gia 2, đồng thời là các tham luận của trường THPT Đặng Thai Mai, Tĩnh Gia 1 với chủ đề, đó là: Thầy, cô đã, đang và sẽ làm gì để xây dựng trường học hạnh phúc; việc áp dụng Giáo dục tích cực trong dạy và học tại đơn vị đã đem đến hiệu quả như thế nào trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.
Đại diện Trường THPT Đặng Thai Mai tham luận tại Hội thảo
Phần toạ đàm gồm 02 phiên, Phiên 1 các đại biểu mời lên tham luận là Chủ tịch Công đoàn, giáo viên các nhà trường trong cụm , các đại biểu đã thảo luận, tìm ra csc giải pháp về Công đoàn nhà trường cần phải phối hợp với Ban Giám hiệu như thế nào để xây dựng trường học hạnh phúc; Nhà giáo phải thay đổi như thế nào để áp dụng Giáo dục tích cực trong dạy và học; giáo dục học sinh khác biệt; Nhà giáo đang gặp những thuận lợi, khó khăn nào trong việc thực hiện Chương trình GDPT năm 2018; những giải pháp thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT năm 2018; Thầy, cô giáo đã, đang và sẽ làm gì để xây dựng trường học hạnh phúc.
Các thầy cô giáo dự phiên 1
Bước sáng Phần hai, các Đại biểu được mời lên sân khấu tọa đàm là Hiệu trưởng trường THPT Quảng Xương 1, Tĩnh Gia 4. Tại đây các Hiệu trưởng đã chia sẻ những giải pháp, những việc mà các đồng chí đã đang triển khai và từng bước mang lại hiệu quả tại mỗi đơn vị về các phương pháp dạy học tích cực, bạo lực học đường, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc; các mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.
Bên cạnh đó các thầy cũng mong muốn mỗi nhà giáo hãy nêu cao tinh thần trách nhiệm với ngành, học sinh, yêu nghề hơn, có nhiều sáng tạo, vượt qua lối mòn tư duy cũ, mạnh dạn đổi mới, cùng với Hiệu trưởng thay đổi để kiến tạo một môi trường an toàn, yêu thương, hạnh phúc.
Các hiệu trưởng lên sân khấu trao đổi phiên 2 của Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa khẳng định: Việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” không chỉ là đích đến mà còn là khát vọng của toàn xã hội đã và đang hướng tới. Xây dựng những tập thể nhà giáo chuẩn mực, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh. Trường học hạnh phúc là nơi mà ở đó kỷ luật vẫn nghiêm, kỷ cương vẫn được thực hiện, nhưng niềm vui và hạnh phúc vẫn có được từ sự tự giác và ý thức tích cực của mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó đồng chí cũng gửi những lời tâm huyết tới đội ngũ nhà giáo tham dự buổi Hội thảo nói riêng và toàn thể các thầy cô giáo trong toàn ngành, đó là: Thầy cô có hạnh phúc thì mới có thể truyền thụ kiến thức đến cho học sinh. Mới có thể tạo ra các thế hệ học sinh hạnh phúc, xây dựng môi ngôi trường hạnh phúc. Nhưng hiện tại trong cuộc cuộc sống cá nhà giáo đang phải đối mặt với nhiều áp lực, mệt mỏi, căng thẳng. Khi đó, những cảm xúc tiêu cực ấy rất dễ ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy. Vậy mỗi giáo viên phải học cách thay đổi để bản thân mình được hạnh phúc. Từ đó lan tỏa niềm hạnh phúc đó đến với học sinh: Thay vì kỷ luật, nguyên tắc. Chúng ta có thể dùng sự quan tâm, tình yêu thương để cùng các con cùng xây dựng lớp học hoàn hảo. Thay vì phân biệt các học sinh ngoan và học sinh cá biệt. Chúng ta quan tâm đến các con nhiều hơn, xóa dần khoảng cách giữa thầy và trò. Thay vì ép các con phải theo một chuẩn mực con ngoan trò giỏi. Chúng ta nên chấp nhận sự khác biệt của mỗi học sinh và giúp các con tiến bộ hơn. Thay vì chỉ trích, phê phán học sinh. Chúng ta tăng cường động viên khen ngợi, khuyến khích. Thay vì những bài học khô cứng. Chúng ta có thể lồng ghép thêm trò chơi, kỹ năng mềm để các con có thêm sự hào hứng.
Đồng chí Bùi Thị Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thanh Hóa phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Qua Hội thảo, thấy rằng: xây dựng trường học hạnh phúc có nhiều cách làm, hướng đi. Trường học hạnh phúc - đó cũng là nơi mà thày cô giáo được sống và dạy học trong niềm đam mê, thực hiện đạo dạy học, sứ mạng dạy làm người, đáp ứng cái cần, cái mong mỏi của phụ huynh và được xã hội tưởng thưởng. Nơi đó, sự truyền cảm và sáng tạo không ngừng được phát huy và lan tỏa. Lấy chỉ số hạnh phúc là chỉ số tiến bộ của mỗi học sinh, làm thước đo giá trị và hướng đến đào tạo những con người tự chủ, trách nhiệm, có khả năng sáng tạo và thích ứng cao với giai đoạn hội nhập hiện nay.
Tin bài: CĐGD Thanh Hóa