Công đoàn Giáo dục Việt Nam tham gia Hội nghị Hội đồng Giáo giới ASEAN +1 lần thứ 36 tại Indonesia
(14:44, 09/09/2022)

Nhận lời mời của Hiệp hội Giáo viên Indonesia (PGRI) nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Hội đồng Giáo giới các nước ASEAN và Hàn Quốc (ACT+1) lần thứ 36; được sự đồng ý của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại quyết định số 5081/QĐ-TLĐ ngày 05/8/2022 về việc cử đoàn đại biểu Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam tham dự ACT+1 với chủ đề “Phục hồi sau đại dịch: Thiết kế giáo dục sau đại dịch trong bối cảnh thế giới số hóa” từ ngày 02-04/9/2022. Trưởng đoàn đại biểu CĐGD Việt Nam là đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch CĐGD Việt Nam.

Hội nghị ACT+1 lần thứ 36 được tổ chức thường niên và luân phiên giữa các thành viên. Năm nay, Hội Nghị ACT+1 lần thứ 36 được tổ chức tại Trung Tâm Hội Nghị Mecure Ancol Jakarta Indonesia với sự tham gia của gần 600 đại biểu là cán bộ, giáo viên đến từ CĐGD, CĐGV, Hiệp hội Giáo viên của 08 nước: Brunei, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Sigapore, Thái Lan và Việt Nam.

Đoàn đại biểu CĐGD Việt Nam tham dự Hội nghị

Đại biểu CĐGD Việt Nam chụp ảnh lưu niệm với đại biểu các nước tại Hội nghị

       

Tại Hội nghị các đại biểu nghe báo cáo quốc gia về chủ đề “Phục hồi sau dại dịch: Thiết kế giáo dục sau đại dịch trong bối cảnh thế giới số hóa” và các báo cáo chuyên đề với các nội dung như: Các giải pháp rút ngắn khoảng cách cách biệt về kỹ số trong giáo dục”; “Tham gia vào quá trình dạy và học mới”; “Trao quyền tự chủ cho giáo viên trong lập kế hoạch phục hồi học tập sau đại dịch”; “Bồi dưỡng nâng cao trình độ giáo viên sau đại dịch”.

        CĐGD Việt Nam có báo cáo quốc gia với chủ đề “Dạy và học trong đại dịch Covid-19 tại Việt Nam và một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sau đại dịch” và Báo cáo chuyên đề “Giải pháp rút ngắn khoảng cách cách biệt về kỹ số trong giáo dục”

        Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch CĐGD Việt Nam và các đại biểu của CĐGD Việt Nam đã tích cực tham gia các hoạt động của Hội nghị, đặc biệt được lãnh đạo các đoàn đánh giá cao về việc tham gia các ý kiến đóng góp vào Nghị quyết Hội nghị. Hội nghị ACT+1 lần thứ 36 đã thành công tốt đẹp.

        Sau 3 ngày làm việc, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết ACT+1 lần thứ 36, với nội dung như sau:

      (1). Hội nghị tin tưởng rằng

- Mục tiêu của giáo dục không chỉ đơn thuần là kiến thức và kỹ năng cho học sinh mà còn hướng tới nâng cao phẩm chất đạo đức và phát triển giá trị con người;

- Chuyển đổi giáo dục là nhu cầu tất yếu để dự báo tác động sau đại dịch đối với những tổn thất về học tập của học sinh, ứng phó với bất bình đẳng và những biến động liên tục của thế giới;

- Tất cả học sinh, bất kể sự khác biệt về sắc tộc, tín ngưỡng, quan điểm chính trị giới tính và vị thế kinh tế xã hội, đều có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng cao;

- Giáo dục có vai trò khuyến khích, thúc đẩy học tập suốt đời, phát triển công dân toàn cầu linh hoạt, nhạy bén để kịp thời ứng phó với những biến đổi không ngừng, nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân đối với thế giới và cư dân của ngôi nhà chung Trái Đất;

(2). Hội nghị nhận rõ

- Hậu đại dịch là thời điểm để chúng ta bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục cơ bản và sâu rộng;

- Giáo dục sau đại dịch không chỉ đơn thuần là phục hồi lại việc học như trước mà còn là định dạng lại việc dạy học theo hướng giáo dục dựa vào công nghệ thông tin và truyền thông;

- Giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chất lượng cao có tầm ảnh hưởng lớn và là những yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục, vì vậy họ cần phải được nâng cao nghiệp vụ qua những khóa đào tạo dài hạn và ngắn hạn có chất lượng cao ;

- Việc phát triển chuyên môn nghiệp vụ cũng như cải thiện nâng cao đời sống cho giáo viên, việc đảm bảo đạt chuẩn đầu ra của học sinh đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của Chính phủ các nước;

- Giáo dục sau đại dịch có xu hướng số hóa mạnh mẽ theo mô hình kết hợp linh hoạt, phải được lập kế hoạch, thực hiện và đánh giá linh hoạt để có thể rút ngắn khoảng cách số trong giáo dục;

- Trao đổi thông tin và hợp tác giữa các tổ chức thành viên ACT+ 1 phải được thể hiện thông qua các chương trình nâng cao chất lượng giáo dục trên cơ sở các bên tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi;

- Sự nhạy bén của lãnh đạo các trường học là rất quan trọng trong việc chuẩn bị mở cửa trở lại các trường sau đại dịch, để đảm bảo cả giáo viên và học sinh cảm thấy thoải mái, giúp họ nắm bắt nhanh và sử dụng công nghệ giáo dục, áp dụng vào các phương thức kiểm tra đánh giá và dạy học.

(3). Hội nghị quyết tâm

- Chủ động xây dựng các mô hình học tập có thể đem lại những trải nghiệm học tập bình đẳng cho người học và những mô hình đào tạo tương tự cho giáo viên bất kể sự chênh lệch về mức độ tiếp cận công nghệ;

- Đề xuất với Chính phủ các mô hình đào tạo nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, đào tạo lại cho nhà giáo, chú trọng đến năng lực về công nghệ, đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy cũng như năng lực nghề, thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn;

- Khuyến nghị với Chính phủ trong việc hỗ trợ công nghệ, các công cụ và thiết bị thích hợp, đường truyền và kết nối Internet để phục vụ cho việc dạy và học sử dụng kỹ thuật số;

- Khuyến nghị với Chính phủ đảm bảo rằng học sinh được học các kỹ năng cơ bản, kỹ năng làm tính, kỹ năng số, phục vụ mục tiêu phát triển kỹ năng học tập suốt đời cho các em;

- Khuyến nghị với Chính phủ trong việc xây dựng các chương trình phục hồi về tâm lý, cảm xúc dành cho những giáo viên và học sinh dễ bị tổn thương bởi những tác động tiêu cực của đại dịch đối với quá trình dạy và học;

- Khuyến khích các trường và giáo viên phấn đấu đạt chuẩn giáo dục thông qua xây dựng và thực hiện các chương trình dạy học chi tiết cũng như các phương thức học, kiểm tra đánh giá, quản lý nhà trường có hiệu quả;

- Khuyến khích giáo viên thời đại công nghệ số, chuyển từ vai trò chính là người dạy học sang vai trò là người hỗ trợ hướng dẫn học sinh và thiết kế việc học theo định hướng phù hợp với sở thích của học sinh và khích lệ nhà giáo sử dụng công nghệ để nâng cao kiến thức và khả năng sáng tạo;

- Khuyến khích các bậc phụ huynh tham gia vào quá trình học tập của con em họ và cùng con sử dụng các thiết bị công nghệ thông tin và truyền thông một cách hợp lý và hiệu quả;

(4). Hội nghị cam kết

Thông qua các tổ chức thành viên của ACT+1, tổ chức các chương trình nâng cao chất lượng giáo dục bằng các hoạt động hợp tác của giáo viên trong nghiên cứu khoa học, các hoạt động trao đổi giáo viên và học sinh, chia sẻ thông tin và những kinh nghiệm, quý báu.

Chủ tịch CĐGD các nước ký Nghị quyết Hội nghị ACT+1

     

      Quyết định và trao cờ cho nước đăng cai ACT+1 lần thứ 37, năm 2023

      Hội nghị ACT+1 lần thứ 36 đã quyết định giao nhiệm vụ, trao cờ của ACT+1 cho CĐGD Maylaysia đăng cai tổ chức Hội Nghị ACT+1 lần thứ 37 vào năm 2023.

      Đoàn đại biểu CĐGD Việt Nam đã tham gia đầy đủ các nội dung, chương trình của Hội nghị; các thành viên của Đoàn thu hoạch được nhiều kinh nghiệm quý báu để vận dụng trong hoạt động giáo dục và hoạt động công đoàn tại đơn vị. Đồng thời thể hiện vai trò CĐGD Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hiệp hội các nhà giáo ASEAN và Hàn Quốc.       

* Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn công tác của CĐGD Việt Nam đã có một số hoạt động đối ngoại khác nhằm xúc tiến quan hệ đối ngoại với Hàn Quốc, đặc biệt là việc CĐGD Việt Nam tham gia là thành viên của Công đoàn Giáo dục Quốc tế (EI), cụ thể như sau:

        - Gặp mặt và trao đổi với Lãnh đạo Công đoàn Giáo dục Quốc tế (EI) khu vực Châu Á Thái Bình Dương

        Thực hiện Kế hoạch số 240/KH-TLĐ ngày 22/8/2022 của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TW ngày 05/01/2022 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 15/NQ – BCH ngày 11/02/2022 của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong đó có phân công CĐGD Việt Nam thực hiện nhiệm vụ xây dựng và thực hiện Đề án gia nhập EI. Với nhiệm vụ đó, 14h00 ngày 03/9/2022, tại Jakarta, Indonesia, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch CĐGD Việt Nam đã có buổi làm việc với ông Anand SINGH, Trưởng đại diện EI tại khu vực Châu Á Thái Bình dương để trao đổi về khả năng, những điều kiện và thủ tục để CĐGD Việt Nam tham gia EI. Về cơ bản, cá nhân Ông Anand SINGH rất hoan nghênh và ủng hộ việc CĐGD gia nhập EI. Ông nói: Sau buổi trao đổi và làm việc này, Ông sẽ về báo cáo với Ban lãnh đạo EI về việc xem xét để CĐGD Việt Nam trở thành thành viên của EI.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân trao đổi với Ông Anand Signh, Trưởng đại diện của EI tại Châu Á Thái Bình Dương

  • Gặp mặt và trao đổi với Hiệp hội Công đoàn Giáo viên Hàn Quốc.

      Trước đại dịch Covid-19 xảy ra, CĐGD Việt Nam và Hiệp hội Công đoàn Giáo viên Hàn Quốc đã xây dựng kế hoạch về việc trao đổi giáo viên Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên do ảnh hương đại dịch Covid-19 nên việc trao đổi giáo viên giữa 2 tổ chức chưa thực hiện được. Nhằm tiếp tục thực hiện kế hoạch trao đổi giáo viên trong thời gian tới, 18h00 ngày 03/9/2022, đồng chí Nguyễn Ngọc Ân tiếp tục có cuộc gặp mặt và trao đổi với Lãnh đạo Hiệp hội Công đoàn Giáo viên Hàn Quốc. Tại buổi gặp mặt này, hai bên đều nhất trí và thấy thật sự cần thiết khi công đoàn là cầu nối để giúp giáo viên của 2 nước có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong công tác và trong giảng day. Trong thời gian tới, công đoàn 2 nước sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết và xúc tiến các hoạt động trao đổi giáo viên giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

 

Đồng chí Nguyễn Ngọc Ân chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Hiệp hội Giáo viên Hàn Quốc

         Hội nghị ACT+1 lần thứ 36 đã thành công tốt đẹp; hoàn thành tốt các nội dung của Hội nghị. Đoàn đại biểu CĐGD Việt Nam tham dự Hội nghị đã tham gia đầy đủ các nội dung, chương trình Hội nghị, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực và bổ ích từ kinh nghiệm hoạt động của nhà giáo và tổ chức Công đoàn Việt Nam, thể hiện vai trò là một thành viên tích cực và có trách nhiệm của Hiệp hội các nhà giáo ASEAN và Hàn Quốc Các hoạt động của đoàn đại biểu CĐGD Việt Nam đã được Đài VOV và Truyền hình thông tấn xã Việt Nam thường trú tại Jakarta đưa tin và khẳng định Việt Nam đã đóng góp tích cực tại Hội nghị ACT+1. Bên cạnh đó CĐGD Việt Nam đã xúc tiến một số hoạt động để chuẩn bị cho các nhiệm vụ đối ngoại của CĐGD Việt Nam theo yêu cầu Tổng LĐLĐ Việt Nam trong năm tiếp

Đoàn đại biểu CĐGD Việt Nam tham gia Chương trình giao lưu văn hóa  

 

Tin: Tổ đối ngoại CĐGD Việt Nam

 

  


Các tin khác
(VOV)Việt Nam đóng góp tích cực tại Hội nghị Hội đồng Giáo giới ASEAN (05/09/2022)
(GD&TĐ) Đội ngũ nhà giáo, công đoàn viên góp phần quan trọng vào thành công năm học (21/08/2022)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tri ân các anh hùng liệt sỹ (27/07/2022)
Khởi công công trình nâng cấp, tôn tạo di tích Bộ Quốc gia Giáo dục (25/07/2022)
Lễ Trao giải thưởng cho 22/7 - Công đoàn Giáo dục Việt Nam năm 2022 (25/07/2022)
KỶ NIỆM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM (22/7/1951 – 22/7/2022) (20/07/2022)
Tôn tạo khu tưởng niệm các Anh hùng, Liệt sĩ ngành GD&ĐT (19/07/2022)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị Chủ tịch Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở khối trực thuộc (07/07/2022)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 (07/07/2022)
Chương trình “Nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo" và khởi động Chương trình “Hiệu trưởng gieo mầm hạnh phúc” (21/06/2022)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18766951
Online: 3405
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn