Nhằm lan tỏa những giá trị cốt lõi trong việc xây dựng “Trường học hạnh phúc" do Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa phát động, ngày 16 tháng 4 năm 2022, tại trường THPT Thạch Thành 3, Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức Hội thảo xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc” cụm các trường THPT huyện Thạch Thành, Vĩnh Lộc, thị xã Bỉm Sơn.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Dự và Chỉ đạo Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo; các đồng chí đại diện Lãnh đạo phòng chuyên môn Sở GD&ĐT; các đồng chí UV BCH Công đoàn Giáo dục. Đến dự Hội thảo còn có đồng chí Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành; đại diện Lãnh đạo LĐLĐ huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thạch; Lãnh đạo, Chủ tịch CĐ, đại diện giáo viên của các đơn vị trực thuộc trong cụm; đại diện cha mẹ học sinh và học sinh trường THPT Thạch Thành 3.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí: Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục đã nhấn mạnh: Việc xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”, trong đó lấy tiêu chí trường học không có hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo làm tiêu chí chính nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử, không vi phạm các quy chế, quy định của ngành. Là một trong những nội dung nhằm cụ thể hóa Kế hoạch Liên tịch số 242/KHLT-SGDĐT-CĐN ngày 09/02/2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục về nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức, nhà giáo, người lao động giai đoạn 2021-2025 gắn với việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” của ngành.
Đồng chí Trần Văn Bình, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục phát biểu chỉ đạo
Cũng theo đồng chí, xây dựng mô hình Trường học hạnh phúc phải căn cứ vào các tiêu chí cụ thể; trải qua lộ trình xây dựng tổ chức nhà trường, xây dựng văn hóa nhà trường, xây dựng các quy chế ứng xử, quy chế làm việc... trong nhà trường để làm cơ sở pháp lý cho giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia.
Nội dung Chương trình Hội thảo gồm 2 phần chính:Tham luận và tọa đàm. Phần thứ nhất, để làm rõ những nội dung: thế nào là trường học hạnh phúc, tại sao lại phải xây dựng trường học hạnh phúc, muốn xây dựng trường học hạnh phúc, mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và học sinh trong mỗi nhà trường phải làm gì…Các trường THPT Thạch Thành 1, Vĩnh Lộc, Bỉm Sơn đã đa dạng hóa các tham luận được trình bày dưới dạng trình chiếu các selied hình ảnh, clip gắn với thuyết trình, hùng biện xen kẽ là 02 clip về việc xây dựng trường học hạnh phúc tại các trường THPT Thạch Thành 4, Lê Hồng Phong để truyền tải tới buổi Hội thảo để làm rõ các nội dung, đó là: tổ chức hoạt động ngoại khóa, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, giải pháp giúp nâng cao trường học hạnh phúc; mô hình các câu lạc bộ, công tác đoàn thanh niên đã đem đến hiệu quả như thế nào trong việc xây dựng trường học hạnh phúc; Thầy, cô đã và đang làm gì để hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc.
Phần tham luận thuyết trình của trường THPT Bỉm Sơn
Tại Hội thảo, các đại biểu được giao lưu, chia sẻ, trao đổi về chủ đề: tình trạng bạo lực học đường, học sinh đặc biệt; hiệu quả từ giáo dục tích cực; thuận lợi và khó khăn từ CBQL trong việc xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc; mối quan hệ giữa CBQL và giáo viên, phụ huynh học sinh, trong việc xây dựng trường học hạnh phúc .
Các đại biểu được mời tham gia phần tọa đàm
Trong khuôn khổ của buổi Hội thảo, các em học sinh trường THPT Thạch Thành 3 đã được nghe các thầy cô giáo, nói lên tâm tư, suy nghĩ mong muốn đối với học sinh và những giải bày, nguyện vọng, quan điểm, trách nhiệm của các em đối với thầy cô giáo trường THPT Thạch Thành 3 nói riêng và CBNGNLĐ ngành Giáo dục nói chung trong việc kiến tạo trường học hạnh phúc.
Phát biểu chỉ đạo Hội thảo đồng chí Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở khẳng định: Để xây dựng trường học hạnh phúc các nhà trường sẽ có nhiều cách làm, hướng đi. Trường học hạnh phúc là trường học ở đó mỗi nhà giáo, học sinh đến trường sẽ tìm thấy niềm vui chứ không phải là trách nhiệm. Lấy chỉ số hạnh phúc là chỉ số tiến bộ của mỗi học sinh, làm thước đo giá trị và hướng đến đào tạo những con người tự chủ, trách nhiệm, có khả năng sáng tạo và thích ứng cao với giai đoạn hội nhập hiện nay, đông thời, ông cũng mong muốn, trong thời gian tới các đơn vị cần làm tốt việc tuyên truyền tạo sự đồng thuận đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu các nhà trường cần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở giáo viên, các thầy cô nên khen nhiều hơn chê đối với học sinh; hiệu trưởng là “đầu tàu”, luôn hướng các hoạt động của nhà trường vào mục tiêu “Tất cả vì học sinh thân yêu”; các nhà trường cần thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; quan tâm chăm lo tới đời sống của mỗi NGNLĐ; làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng cơ sở vật chất, cảnh quan trường lớp khang trang, sạch đẹp, thân thiện; trong hoạt động giáo dục mọi người được tôn trọng, lắng nghe, chia sẻ; khen, chê công minh, rõ ràng.
Phát biểu chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Dĩnh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT
Bên cạnh đó, theo đồng chí Phó Giám đốc Sở GD&ĐT các nhà giáo phải dũng cảm phá vỡ lối mòn, mạnh dạn áp dụng những phương pháp mới, chủ động, linh hoạt trong hoạt động dạy học; quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, chấp nhận sự khác biệt ở mỗi học sinh; các em được hiểu và tôn trọng, được hỗ trợ mọi phương diện, không còn bị áp lực về điểm số, về thành tích học tập tiến tới một ngôi trường văn minh ở đó không còn bạo lực học đường.
Phát biểu của đại diện Lãnh đạo huyện Thạch Thành, đồng chí Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành đã bày tỏ tình cảm, sự ghi nhận, cảm ơn Sở Giáo dục và Đào tạo, Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa đã tổ chức một hoạt động bổ ích, ý nghĩa; đồng thời đồng chí Phó Chủ tịch mong muốn tinh thần của buổi Hội thảo sẽ được lan tỏa rộng khắp trong các nhà trường từ bậc học từ Mầm Non, Tiểu học, THCS đến THPT và mô hình xây dựng “Trường học hạnh phúc” của ngành Giáo dục sẽ được toàn xã hội đón nhận đi đến thành công.
Đồng chí Nguyễn Đình Tam, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành phát biểu
Cũng tại Hội thảo, các Đại biểu đã tập trung thảo luận, làm rõ 5 tiêu chí quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc. Đó là: Yêu thương-Tôn trọng-An toàn-Được hiểu-Được có giá trị.
Trường học hạnh phúc là trường học thân thiện, đem đến sự hài lòng, thỏa mãn và đáp ứng tốt nhu cầu, quyền được học tập, giáo dục, rèn luyện một cách toàn diện về thể chất, tinh thần và trí tuệ của người học. Trường học hạnh phúc cũng là nơi mà ở đó kỷ luật vẫn nghiêm, kỷ cương vẫn được thực hiện, nhưng niềm vui và hạnh phúc vẫn có được từ sự tự giác và ý thức tích cực của mỗi cá nhân. Việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” không chỉ là đích đến mà còn là khát vọng của các nhà trường, của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động, học sinh trong ngành và toàn xã hội đã và đang hướng tới, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết số 29 của Bộ Chính trị về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo và Kế hoạch nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2021-2025.
Tin: CĐGD tỉnh Thanh Hoá