Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ gắn liền với các giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước, của tỉnh, giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, đặc biệt gắn liền với sự phát triển của ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ.
Ban Chấp hành Công đoàn ngành Giáo dục Phú Thọ nhiệm kỳ 2018 – 2023
Sau thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, để đáp ứng yêu cầu kháng chiến, kiến quốc, sự nghiệp giáo dục tỉnh Phú Thọ đã từng bước phát triển. Năm học 1950-1951, toàn tỉnh có 115 trường phổ thông các cấp với 13.207 học sinh và 269 cán bộ, giáo viên. Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ về “Phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, củng cố chính quyền, mặt trận và các đoàn thể quần chúng vững mạnh, làm chỗ dựa cho hậu phương kháng chiến”, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên hiệp Công đoàn tỉnh, tháng 4 năm 1951 Công đoàn Giáo dục (CĐGD) tỉnh Phú Thọ được thành lập, do đồng chí Vũ Bỉnh làm Thư ký, sự kiện này là mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của CĐGD tỉnh Phú Thọ. Những ngày đầu mới thành lập, số lượng đoàn viên chỉ có vài trăm người, hệ thống tổ chức chưa hoàn chỉnh; đến nay, toàn ngành Giáo dục tỉnh có 921 CĐCS, với 25.368 cán bộ, nhà giáo, người lao động (CBNGNLĐ). Trong đó:
+ Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh quản lý trực tiếp 49 CĐCS, với 2.900 CBNGNLĐ;
+ LĐLĐ huyện, thị, thành quản lý trực tiếp 872 CĐCS, với 22.468 CBNGNLĐ.
70 năm xây dựng và phát triển, cùng với ngành Giáo dục, Công đoàn Giáo dục tỉnh đã trải qua những chặng đường lịch sử vẻ vang:
Giai đoạn 1951 - 1968, CĐGD tỉnh Phú Thọ tổ chức 5 kỳ đại hội: Đầu năm 1953, thực hiện sự chỉ đạo của Công đoàn tỉnh, Ban Chấp hành CĐGD tỉnh đã được bầu lại, do đồng chí Nguyễn Văn Phùng làm Thư ký. Sự kiện này được coi là đại hội lần thứ nhất, đánh dấu bước củng cố tổ chức, mở ra thời kỳ phát triển mới của CĐGD tỉnh Phú Thọ; Đại hội lần thứ II, năm 1956; Đại hội lần thứ III, năm 1959; Đại hội lần thứ IV, năm 1963 và Đại hội lần thứ V, năm 1967. Đây là thời kỳ khó khăn, gian khổ nhất của CĐGD tỉnh; ra đời trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trải qua những năm tháng ác liệt của chiến tranh chống Mỹ, trong điều kiện hệ thống tổ chức chưa hoàn chỉnh, số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở còn ít, nhưng CĐGD tỉnh đã thể hiện niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, kề vai sát cánh với Ngành vừa chăm lo xây dựng, củng cố tổ chức, vừa chỉ đạo thực hiện nghị quyết của công đoàn cấp trên gắn với nhiệm vụ chính trị của Ngành. Các cấp công đoàn trong Ngành đã làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức cách mạng, động viên CBNGNLĐ tích cực tham gia vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; cùng với Ngành chăm lo đảm bảo an toàn cho thầy và trò trong thời chiến, phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục 4 mặt “Đức, trí, thể, mỹ”. Qua phong trào thi đua yêu nước đã xuất hiện nhiều thầy giáo giỏi được nhận Huy hiệu của Bác Hồ như: Thầy Hà Đình Thưởng, thầy Quang Hưng, thầy Nguyễn Áng, thầy Nguyễn Kim Trân, thầy Nguyễn Quang Kính, thầy Hồ Thành Kiểm,.... Hoạt động của CĐGD tỉnh giai đoạn này đã tạo dựng nền móng vững chắc cho sự phát triển của CĐGD tỉnh Vĩnh Phú và Phú Thọ trong các giai đoạn tiếp theo.
Giai đoạn 1968-1996 (ngày 21/6/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết 504 về việc hợp nhất 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ thành tỉnh Vĩnh Phú; CĐGD tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ cũng được hợp nhất), trong 29 năm hợp nhất hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, CĐGD tỉnh qua 7 kỳ đại hội: Đại hội lần thứ VI, năm 1972; Đại hội lần thứ VII, năm 1975; Đại hội lần thứ VIII, năm 1978; Đại hội lần thứ IX, năm 1980; Đại hội lần thứ X, năm 1984; Đại hội lần thứ XI, năm 1988; Đại hội lần thứ XII, năm 1992. Trong muôn vàn khó khăn, gian khổ, CĐGD tỉnh Vĩnh Phú tập trung kiện toàn, phát triển tổ chức, cùng với Ngành chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục; làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục lòng yêu nước, ý chí quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, động viên CB,GV “Xếp bút nghiên lên đường đánh giặc”; đã có nhiều nhà giáo anh dũng hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Thời kỳ này, các cấp công đoàn trong Ngành đã triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, “Tự học, tự rèn”, Cuộc vận động “Mỗi đoàn viên là một chiến sỹ kiên cường, mỗi trường học là một pháo đài chống Mỹ”,...; làm tốt công tác hậu phương quân đội, chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên.
Năm 1975, cả nước thống nhất đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, trong 10 năm đầu (1976-1986), các thế lực thù địch vẫn tìm mọi thủ đoạn hòng tiêu diệt cách mạng nước ta. Đầu thập niêm 80, đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng; trong điều kiện ấy, ngành Giáo dục nói chung và CĐGD tỉnh nói riêng gặp nhiều khó khăn; dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp và tạo mọi điều kiện của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hoạt động công đoàn trong Ngành thời kỳ này chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chăm lo phát triển giáo dục toàn diện, ổn định, cải thiện đời sống cho CB,GV. Cùng với chuyên môn, Công đoàn Ngành đã tổ chức thực hiện tốt các cuộc vận động: “Giáo dục đạo đức cách mạng trong các nhà trường”, “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, tiếp tục phát động và đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”,... Công tác chăm lo đảm bảo các chế độ, chính sách, cải thiện đời sống cho CB,GV được coi là nhiệm vụ trọng tâm, tổ chức xây dựng các mô hình đời sống CB,GV và các hình thức sinh hoạt câu lạc bộ,... Ngoài ra, CĐGD tỉnh còn tích cực vận động, động viên hàng trăm nhà giáo lên đường chi viện cho giáo dục miền Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, Ănggôla, Môdămbích.
Tháng 12 năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đề ra đường lối đổi mới đất nước. Sự nghiệp GD&ĐT được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, được coi là “Quốc sách, hàng đầu”. Thực hiện chủ trương đổi mới GD&ĐT của Đảng, trong 10 năm (1986-1996), ngành Giáo dục tỉnh nhà có những bước phát triển cả về số lượng và chất lượng; quy mô, mạng lới trường lớp được mở rộng, theo hướng đa dạng hoá các loại hình giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu của con em nhân dân trong tỉnh, công tác tổ chức và hoạt động của CĐGD tỉnh không ngừng được đổi mới, nhất là trong những năm đầu thập niên 90. Đây cũng là thời kỳ CĐGD tỉnh triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động; thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống cho CBNGNLĐ; cùng với chuyên môn đồng cấp thể chế hoá các quan điểm chỉ đạo của Trung ương và địa phương xây dựng mối quan hệ gắn bó hữu cơ, cộng đồng trách nhiệm góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của Ngành. Hoạt động công đoàn trong giai đoạn này đánh dấu bước tiến mới của tổ chức Công đoàn; thu hút và tạo động lực mạnh mẽ, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của đông đảo CBNGNLĐ.
Kể từ khi tái lập tỉnh Phú Thọ năm 1997 đến nay (ngày 01/01/1997, tỉnh Vĩnh Phú tách thành 02 tỉnh có tên gọi là tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc. CĐGD tỉnh Vĩnh Phú thành CĐGD tỉnh Phú Thọ và CĐGD tỉnh Vĩnh Phúc). Đây là giai đoạn tổ chức Công đoàn Ngành có sự thay đổi: Năm 2000, chuyển giao các Công đoàn Giáo dục huyện về trực thuộc LĐLĐ huyện, Công đoàn Ngành chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ; năm 2017 thực hiện chủ trương của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Nghị quyết của Thường trực Tỉnh ủy Phú Thọ, LĐLĐ tỉnh đã quyết định giải thể 13 công đoàn giáo dục huyện, thành, thị và bàn giao các CĐCS trường học về LĐLĐ huyện, thành, thị quản lý trực tiếp. Ngành Giáo dục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 29 (khóa XI) của Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo. Mặt khác tác động của kinh tế - xã hội, thiên tai, dịch bệnh... đến hoạt động Công đoàn.
Qua 24 năm với 5 kỳ đại hội, vượt qua bao khó khăn, thử thách, CĐGD Phú Thọ đã phấn đấu vươn lên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây là giai đoạn phát triển mạnh mẽ, toàn diện của CĐGD Phú Thọ. Vị thế, uy tín của tổ chức Công đoàn được nâng lên rõ rệt:
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động CBNGNLĐ thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghĩa vụ của công dân; không ngừng rèn luyện, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo, tác phong, kỷ luật lao động, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Công đoàn Ngành cũng đã biên tập và xuất bản cuốn sách “Công đoàn Giáo dục Phú Thọ 55 năm xây dựng và trưởng thành (1951-2006)”; cùng với Sở GD&&DT xây dựng phóng sự, Kỷ yếu và Phòng truyền thống ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ nhân kỷ niệm 70 năm nền Giáo dục cách mạng; phát hành Tài liệu “Giáo dục Đất Tổ” để tuyên truyền về các hoạt động của Ngành, về hoạt động Công đoàn.
Quan hệ giữa Công đoàn Ngành và chuyên môn gắn bó chặt chẽ trong việc thực hiện chủ trương đổi mới giáo dục và thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ CĐCS. Chủ động phối hợp với chuyên môn vận động CBNGNLĐ tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, đổi mới phương pháp dạy học, tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tổ chức các cuộc hội thảo khoa học về đổi mới phương pháp dạy học; công tác bồi dưỡng HSG trong trường THPT; kỹ năng quản lý giáo dục; Hội thảo “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, "Đồng hành cùng giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018"; Hội thi giáo viên giỏi các cấp học,...
Công tác đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cho CBNGNLĐ được triển khai với nhiều hình thức thiết thực, như: Tích cực tham gia góp ý xây dựng các cơ chế, chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến CBNGNLĐ. Chủ động phối hợp với Sở GD&ĐT hướng dẫn các cơ quan, đơn vị xây dựng và thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh về chế độ phụ cấp và đóng BHXH cho giáo viên mầm non ngoài công lập; tổ chức các hoạt động vay vốn tín chấp giúp đoàn viên làm kinh tế; quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, tăng cường huy động nguồn lực xây nhà công vụ, thiết chế văn hóa, công trình nước sạch, nhà vệ sinh (là đơn vị dẫn đầu cả nước về triển khai cuộc vận động quyên góp xây nhà công vụ cho giáo viên miền núi, được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen); triển khai các chương trình phúc lợi; chăm sóc sức khỏe; chăm lo cho CBNGNLĐ có hoàn cảnh khó khăn,.... Trong 05 năm qua, toàn Ngành đã có trên 10 tỷ đồng, 148.382 quyển sách, 25.396 cuốn vở viết, 14.181 bộ quần áo, 6.769 đồ dùng học tập,....được hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên và học sinh vùng khó khăn của tỉnh. Các cấp công đoàn luôn đóng vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, như: Chăm sóc người có công, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng; ủng hộ Quỹ “Mái ấm công đoàn”, Quỹ “Vì nữ công nhân lao động nghèo”, Quỹ “Vì người nghèo”; ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ; ủng hộ Chương trình "Nghĩa tình Hoàng Sa - Trường Sa", nạn nhân chất độc da cam; hiến máu nhân đạo,...Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19, các cấp Công đoàn đã chủ động phối hợp với chuyên môn triển khai các biện pháp đồng bộ, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an toàn cho CBNGNLĐ và học sinh.
Bên cạnh việc chăm lo đời sống vật chất, các cấp Công đoàn trong Ngành đã chú trọng chăm lo tinh thần cho CBNGNLĐ thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, động viên đội ngũ phấn khởi, ổn định cuộc sống, ổn định công tác dạy và học. Công đoàn Ngành đã phối hợp với Sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan tổ chức các hội thi, cuộc thi từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh: Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội thi “Tiếng hát cán bộ, giáo viên”, Hội thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng”, Hội thi nữ CB,GV “Tài năng, sáng tạo”, Hội thi Cán bộ công đoàn cơ sở giỏi; Giải bóng bàn, cầu lông; Giải Bóng chuyền hơi nữ,... Tham gia và đạt thành tích xuất sắc tại các cuộc thi, hội thi do các cấp, các ngành tổ chức, như: Giải Cầu lông, Giải bóng bàn “Người giáo viên nhân dân”; Liên hoan “Tiếng hát giáo viên toàn quốc”. Đạt Giải nhất cấp tỉnh Thi Tìm hiểu kiến thức pháp luật và kiến thức gia đình trong nữ CBGV; giải Nhất toàn quốc Hội thi Báo cáo viên giỏi về Tư tưởng Hồ Chí Minh do Tổng LĐLĐVN tổ chức; giải Nhì tại Hội thi “Cô giáo tài năng, duyên dáng toàn quốc” năm 2017, giải Nhì toàn đoàn Hội diễn văn nghệ CNVCLĐ tỉnh Phú Thọ năm 2019; giải Nhất Cuộc thi “Phú Thọ - 125 năm xây dựng, phát triển và hội nhập”; giải A Cuộc thi viết “Tìm hiểu Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” do tỉnh Phú Thọ tổ chức,...
Phát động và tổ chức có hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của Ngành gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và phù với yêu cầu thực tế từng giai đoạn. Tiêu biểu như phong trào thi đua: “Dạy tốt - Học tốt”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà”, xây dựng trường học “An toàn - Thân thiện - Bình đẳng”...; Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”,.... Hàng năm, phối hợp với Sở GD&ĐT, Hội CGC tỉnh tổ chức gặp mặt các nhà giáo tiêu biểu; gặp mặt hội viên cựu giáo chức tiêu biểu; gặp mặt nữ cán bộ quản lý, giáo viên tiêu biểu,...Qua đó đã tạo không khí thi đua sôi nổi rộng khắp, động viên toàn thể đội ngũ CBNGNLĐ trong Ngành phát huy truyền thống yêu nước, đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tổ chức, bộ máy công đoàn được củng cố, kiện toàn kịp thời. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ công đoàn được quan tâm, chú trọng. Các cấp công đoàn đã phát huy vai trò chủ động, tích cực trong công tác tham gia xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh. Đến nay, tỷ lệ đảng viên đạt 61,3% (khối trực thuộc 63,1%).
Kết quả hoạt động của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã đóng góp công sức không nhỏ tạo điều kiện cho Ngành duy trì, phát triển quy mô trường, lớp; tăng cường cơ sơ vật chất; nâng cao cao chất lượng giáo dục, đưa sự nghiệp GD&ĐT tỉnh Phú Thọ ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của Giáo dục Phú Thọ đối với cả nước. Phú Thọ luôn đạt kết quả cao trong các kỳ thi quốc gia, khu vực và quốc tế, nhiều năm nay đã được xếp vào nhóm các tỉnh, thành phố có thành tích giáo dục khá của cả nước. Hiện tại, Phú Thọ duy trì, giữ vững phổ cập giáo dục mầm non trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đạt mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 2, xóa mù chữ đạt mức độ 2; toàn tỉnh có 753 trường học đạt chuẩn quốc gia, đạt 82,5% (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra). Ngành GD&ĐT Phú Thọ được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Đối với hệ thống tổ chức Công đoàn trong Ngành qua 70 năm xây dựng, dưới sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, LĐLĐ tỉnh, CĐGD Việt Nam; sự quan tâm, tạo mọi điều kiện của Sở GD&ĐT các thời kỳ và đặc biệt là sự cố gắng, vượt mọi khó khăn của đội ngũ CBNGNLĐ, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh đã đạt được những thành tích đáng khích lệ, được Đảng, Nhà nước, các cấp Công đoàn, các ban, ngành, đoàn thể ghi nhận, tặng thưởng nhiều Cờ thi đua, Bằng khen; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì; Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tặng Kỷ niệm chương Hùng Vương; 57 nhà giáo được Nhà nước phong tặng Nhà giáo Ưu tú, 01 Nhà giáo Nhân dân; nhiều tập thể, cá nhân được các cấp, các ngành biểu dương, khen thưởng. Đặc biệt, đồng chí Hà Ánh Phượng, giáo viên Trường THPT Hương Cần là một trong 10 giáo viên xuất sắc nhất toàn cầu năm 2020 (do tổ chức giáo dục Varkey Foundation bình chọn và vinh danh), giải thưởng được ví như “Giải nobel dành cho giáo dục”, không chỉ để lại dấu ấn trong nền giáo dục mà còn trở thành niềm tự hào của Việt Nam trên trường quốc tế.
70 năm qua, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, Công đoàn ngành Giáo dục Phú Thọ cũng luôn đoàn kết thống nhất; phát huy vai trò, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và xây dựng Đảng, chính quyền, tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.
Những thành tích to lớn qua 70 năm xây dựng và phát triển của Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Phú Thọ mãi mãi là niềm tự hào, động lực cho mỗi CBNGNLĐ trong Ngành tiếp tục phấn đấu vươn lên tầm cao mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng giai cấp công nhân, hoạt động Công đoàn trong thời kỳ đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”./.
Việt Trì, tháng 4 năm 2021