CÔ GIÁO PHẠM THỊ HƯƠNG THẢO – GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS LÊ LỢI, QUẬN HOÀN KIẾM, HÀ NỘI, VỮNG VÀNG VỀ CHUYÊN MÔN, TÂM HUYẾT THƯƠNG YÊU HỌC TRÒ.
(13:21, 22/02/2021)

CÔ GIÁO PHẠM THỊ HƯƠNG THẢO – GIÁO VIÊN TRƯỜNG THCS LÊ LỢI, QUẬN HOÀN KIẾM, HÀ NỘI, VỮNG VÀNG VỀ CHUYÊN MÔN, TÂM HUYẾT THƯƠNG YÊU HỌC TRÒ.

Bác Hồ đã từng dạy:

“Mỗi người tốt là một bông hoa đẹp

  Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp.”

Hưởng ứng lời dạy của Bác về phong trào thi đua “Người tốt việc tốt” nên trong nhiều năm qua, thầy và trò trường THCS Lê Lợi – quận Hoàn Kiếm chúng tôi đều cố gắng vượt khó vươn lên dìu dắt nhiều thế hệ học sinh nên người. Dù công tác dưới một mái trường có thể nói là gặp nhiều khó khăn nhất quận, chịu nhiều thiệt thòi hơn so với bạn bè đồng nghiệp ở những ngôi trường khác. Nhưng dưới mái nhà Lê Lợi yêu thương, nhiều thế hệ thầy cô giáo yêu nghề mến trẻ đã trưởng thành và trở thành những tấm gương điển hình tiên tiến cho ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm. Phải kể đến những nhà giáo tiêu biểu của nhà trường như cô giáo Đào Nguyệt Thu – Nguyên Hiệu trưởng nhà trường, Nguyên trưởng phòng GD & ĐT quận, Thầy Ngô Trí Nam – Nguyên Hiệu trưởng, Nguyên Phó trưởng phòng GD & ĐT quận, các cô giáo Nguyễn Thị Phụng, Nguyễn Thị Hòa, Nguyễn Thị Vân Hồng, Lê Thị Minh Hằng…và nhiều thầy cô giáo nữa đã và đang lập được nhiều thành tích, có những đóng góp không nhỏ cho sự nghiệm giáo dục quận Hoàn Kiếm nói chung và trường THCS Lê Lợi nói riêng. Thế nhưng, trong phạm vi của bài viết này tôi xin phép được kể lại câu chuyện về một người chị, một người đồng nghiệp mà tôi vô cùng yêu quý, kính phục. Đó là cô giáo Phạm Thị Hương Thảo – giáo viên Ngữ văn – Tổ trưởng tổ Xã hội, trường THCS Lê Lợi. 

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất địa linh nhân kiệt – quận Long Biên, Hà Nội, ban đầu khi mới biết về chị, tôi chỉ ấn tượng với việc tôi và chị Thảo cùng sinh ra ở thị trấn Gia Lâm cũ nay là quận Long Biên. Qua quá trình tiếp xúc, tôi được biết, chị là con cả trong một gia đình căn bản, có bố mẹ đều là công nhân. Tuổi thơ của chị trải qua nhiều vất vả. Bởi lẽ, trong điều kiện những năm cuối bao cấp, đầu đổi mới, bố mẹ chị lại mang gánh nặng nuôi dạy ba con trong đó hai em trai chị là cặp sinh đôi. Mẹ chị bị đục thủy tinh thể nên về mất sức từ sớm còn bố chị cũng vì gánh nặng kinh tế nuôi các con mà phải xin ra ngoài lao động tự do. Vất vả là thế, trong gian nhà vẻn vẹn 27 mét vuông ấy, gia đình năm người nhà chị vẫn quây quần bên nhau đầm ấm, nhiều năm liền gia đình chị được nhận danh hiệu gia đình văn hóa cấp phường rồi thì cấp quận. Ba chị em chị Thảo, người là cán bộ viên chức phường Ngọc Lâm, người làm kinh doanh nhưng cả nhà có bốn chị em (gồm cả em dâu chị), tất cả đều là Đảng viên, là cán bộ Đoàn, cán bộ Đảng viên ưu tú của địa phương và của cơ quan. Tôi rất xúc động khi biết được lý do chị Thảo đến với nghề sư phạm, cái nghề dạy học cao quý. Lý do ấy thật mộc mạc, chỉ bởi vì chị thương bố mẹ, học sư phạm để vơi bớt gánh nặng kinh tế, cho bố mẹ còn nuôi các em. Cái duyên với nghề sư phạm của chị bắt đầu từ lý do giản dị mà quá đỗi cảm động ấy nhưng không vì thế mà chị Thảo đi học với tâm lý miễn cưỡng. Đến chơi nhà chị, tôi thấy chị nhận được bằng khen “Sinh viên Giỏi” của Hiệu trưởng trường CĐSP Hà Nội nay là trường Đại học Thủ đô trao tặng. Nhiều năm ở trường sư phạm, kì nào chị cũng nhận được học bổng, kì thực tập của chị cũng kết thúc với số điểm gần tuyệt đối 98 điểm. Trò chuyện, tâm sự với chị, tôi càng nể phục bởi tiếp xúc với chị lâu, tôi mới hiểu được lý do vì sao ngay từ khi đi học chị đã đạt được những thành tích như vậy. Đó chính là bởi vì cách chị học tập và lao động luôn tràn đầy nhiệt huyết, hăng say, không bao giờ ngại khó, ngại khổ, luôn tiên phong đi đầu, nêu cao đúng tinh thần gương mẫu của người Đoàn viên, Đảng viên ưu tú.

Chị Thảo thường tâm sự với chúng tôi là chị vừa có duyên lại vừa gặp may vì khi vừa ra trường chị đã được về nhận công tác tại trường THCS Lê Lợi – quận Hoàn Kiếm. Với nhiều người thì công tác tại một ngôi trường chồng chất khó khăn như mái nhà Lê Lợi là điều thiệt thòi nhưng thực tâm mình, chị Thảo lại vô cùng yêu quý và gắn bó với ngôi trường nhỏ, rợp bóng cây xinh đẹp trên con phố Nguyễn Thiện Thuật đông đúc và sầm uất bậc nhất Hà Thành. Chị kể với tôi, trường mình tuy nhỏ, tuy khó nhưng cái đáng quý, đáng yêu là tất cả các chú, các cô, các chị, các bạn, các em đều rất đoàn kết, yêu thương nhau. Ở mái nhà Lê Lợi, chị đã cống hiến hết mười hai năm tuổi thanh xuân, thời kì sức trẻ, nhiệt huyết, sáng tạo nhất nhưng cũng chính ở nơi đây chị đã học được nhiều bài học về nghề, bài học cả về cách làm người, học được cách ứng xử thanh lịch của nhiều thế hệ cô giáo lớn tuổi vốn xuất thân từ các cô gái Hà Nội gốc như cô Nguyễn Tuyết Mai A, cô Nguyễn Thị Đức Hạnh, cô Nguyễn Thị Bắc, cô Nguyễn Thị Tiến, cô Đào Thúy Hồng, cô Lê Thị Minh Hằng…và nhiều cô chú, anh chị khác nữa.

Qua lời kể của các cô chú, anh chị đi trước, ngay từ những năm đầu về trường, chị Thảo đã là một trong những cô giáo trẻ không chỉ tài năng mà còn nhiệt huyết, có tinh thần học hỏi, tinh thần trách nhiệm và đóng góp cho nhà trường nhiều thành tích lớn. Trong nhiều năm liền từ khi chưa lập gia đình, chị Thảo là một trong số những cán bộ giáo viên trẻ tích cực nhất, hầu như mỗi đợt chuyên đề hội giảng, thi giáo viên dạy giỏi của nhà trường nhiều năm liền đều có bàn tay, công sức của chị Thảo tham gia thi hay hỗ trợ đồng nghiệp với ý thức trách nhiệm và lòng nhiệt tình cao nhất. Chị không chỉnhiệt tình tham gia cùng với tổ nhóm chuyên môn xây dựng các hoạt động dạy học hay giúp soạn bài trên máy mà còn chủ động hỗ trợ đồng nghiệp chuẩn bị đồ dùng, trang bị…và nhiều công việc khác của các tiết chuyên đề hay thi dạy của môn tiếng Anh, toán, công nghệ, vật lý rồi thì sinh học, thể dục, lịch sử, nếp sống văn minh thanh lịch, giáo viên chủ nhiệm giỏi, thi dạy chuyên đề về Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; thi làm đồ dùng dạy học; thi soạn giảng điện tử… và chính chị cũng trực tiếp tham gia thi với hai môn Ngữ văn và GDCD. Có thể nói, với nhiều thầy cô giáo lớn tuổi trong trường, cháu Thảo, em Thảo luôn là người nhiệt tình nhất, luôn sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ đồng nghiệp, không ngại cả việc thức khuya, dậy sớm, ở trường đến tối đêm hay thậm chí đến tận nhà đồng nghiệp cùng xây dựng bài dạy để nâng cao chất lượng chuyên môn của nhà trường. Các tiết thi giáo viên dạy giỏi cấp quận và cả cấp thành phố của trường THCS Lê Lợi các môn Âm Nhạc – của cô Phạm Ánh Hồng, Nếp sống văn minh – của cô Lê Thu Thủy hay Lịch sử - của cô Nguyễn Thị Thu Hồng, Mỹ thuật – của cô giáo Nguyễn Thị Hiền chị Thảo luôn tham gia vào lực lượng nòng cốt trong việc xây dựng giáo án, hỗ trợ làm Đồ dùng hay giúp các khâu chuẩn bị cho quá trình tổ chức các hoạt động dạy học. Tôi đã từng chứng kiến trong kì thi giáo viên dạy giỏi cấp Thành phố của cô Thu Hồng hay cô Nguyễn Thị Hiền, chị Thảo đã đến nhà cô Vân Hồng – Nguyên Hiệu trưởng nhà trường cùng với các cô giáo đi thi dựng giáo án đến 9, 10 giờ tối rồi tới sáng hôm sau, mới 6 giờ sáng đã ra khỏi nhà để đi in bài, in phiếu, làm đồ dùng dạy học.

Nhiều lần, tôi cũng được nghe kể, trong lịch sử nhà trường, chị Thảo là một trong số ít những thầy cô giáo bồi dưỡng học sinh tham gia và đạt giải cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp Thành phố môn văn hóa. Từ giải nhất, nhì, ba đến giải khuyến khích các môn Ngữ văn và GDCD. Nhiều năm liền, chị cũng là giáo viên tham gia lãnh đội của đội tuyển học sinh giỏi quận Hoàn Kiếm môn GDCD.Để ôn luyện cho các con thi và đạt giải, chị Thảo không chỉ tích cực sưu tầm sách vở, học hỏi kinh nghiệm mà còn tận tâm giảng dạy, kèm cặp các con bất cứ giờ nào thu xếp được, kể cả với hình thức qua ứng dụng chat Yahoo hay Facebook chỉ để số học sinh mũi nhọn ít ỏi của nhà trường đạt được một vài những thành tích đáng kể. Qua nói chuyện, tôi được biết, nhiều học sinh trong những khóa ấy đến giờ vẫn rất biết ơn, kính trọng và yêu quý cô Thảo, nhiều em giờ đã thành đạt đi du học nước ngoài hoặc thành công trong cuộc sống; có những em đã học đến lớp 12 vẫn nhắn tin, gọi điện nhờ cô tư vấn, giảng cho bài học của chương trình cấp ba. Thế mới biết, các em yêu quý và nể phục năng lực của cô Thảo đến thế nào!

Riêng mình, là một giáo viên toán, tôi cũng ít khi có điều kiện dự giờ chị Thảo nhưng nghe kể lại từ các thầy cô khác, với con mắt khách quan của người đứng ngoài chuyên môn Văn hay GDCD, chúng tôi đều thấy rằng giờ văn của chị Thảo chẳng những sáng tạo, tự nhiên, vui vẻ, dí dỏm mà học sinh bạn nào cũng hiểu bài, lời dạy cũng đầy chất văn, cuốn hút. Kể cả trong những giờ dạy bình thường, có những lớp chậm mà các con không tự giác, chị Thảo cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động học để thu hút và phát huy tích cực của học sinh. Chị còn chăm chỉ rèn nếp học cho các con với việc thường xuyên ở lại quá giờ để ốp các con ôn bài sau khi đã thông báo cho phụ huynh; rồi dùng nhiều hình thức khen thưởng động viên các bạn kém cố gắng vươn lên trong học tập. Chẳng hạn như chị trao thưởng cho những học sinh có nhiều tiến bộ do các bạn bình chọn; hay thưởng cho học sinh có điểm kiểm tra bài giữa kì cao nhất môn Ngữ văn để khuyến khích tinh thần thi đua học tốt. Chị luôn cố gắng hết sức với tinh thần trách nhiệm và lòng nhiệt tình, sự sáng tạo của tuổi trẻ, tổ chức nhiều hình thức học thú vị để cuốn hút học sinh vào giờ Ngữ văn. Vì vậy, nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh các con đã ra trường đều truyền tai nhau việc các con rất thích học giờ văn của cô Thảo.

Có thể nói, tôi quý và nể phục chị Thảo không phải chỉ vì chị đã chỉ bảo tôi nhiều kinh nghiệm trong nghề mà còn vì tôi hiếm thấy ở ai khác một tinh thần say chuyên môn và lòng nhiệt huyết với nghề như chị. Có lẽ vì luôn tích cực trau dồi chuyên môn, tích cực học hỏi, bồi dưỡng nên ngay từ khi tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ, các đợt thanh tra, kiểm tra về công tác chuyên môn của Sở hay Phòng GD &ĐT, các tiết dạy của chị Thảo luôn được các đồng chí trong đoàn thanh tra, kiểm tra xếp loại Giỏi. Không chỉ thế, chị đã được kết nạp Đảng từ năm 2012 (bốn năm sau ngày nhận công tác) với sự nhất trí cao trong Hội đồng sư phạm; được ba lần nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở trong tổng số mười hai năm công tác; được nhận sự tín nhiệm với nhiều năm là cán bộ nguồn của nhà trường; nhiều năm tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi theo sự điều động, phân công của Phòng GD&ĐT và bốn năm nay, chị luôn vững vàng với cương vị tổ trưởng chuyên môn của tổ Xã hội. Các thành tích và kết quả như trên là sự khẳng định của tập thể cán bộ giáo viên, học sinh nhà trường và ban giám hiệu với năng lực chuyên môn cũng như những đóng góp lớn của chị Thảo với công tác chuyên môn của nhà trường.

            Hơn thế nữa, với các hoạt động giáo dục khác, chị Thảo cũng là một trong những thành viên cốt cán, luôn được giao trách nhiệm và cũng là một trong những người tích cực nhất. Chị đã nhiều lần là người dẫn đội học sinh nhà trường tham gia những sân chơi lớn như: Giải nhất câu lạc bộ văn học của Cung thiếu nhi; hai lần giải nhất thi Phòng chống ma túy học đường; Giải nhì thi Phòng chống tai nạn thương tích; Giải nhì thi Tìm hiểu dịch vụ hành chính công; Giải nhì thi Tìm hiểu Luật hình sự sửa đổi bổ sung; Giải ba thi Tìm hiểu Di chúc Bác Hồ; … và rất nhiều những cuộc thi, những hoạt động, những sân chơi khác. Ở cuộc thi nào, ngay từ khi chưa là tổ trưởng chuyên môn, chị Thảo cũng là thành phần nòng cốt dẫn đội, huấn luyện, tổ chức cho học sinh tham gia và đạt nhiều thành tích đáng kể - nhất là với ngôi trường còn nhiều khó khăn như THCS Lê Lợi chúng tôi. Tôi tận mắt chứng kiến, chị cùng các con trong đội thi lăn lộn tập kịch ngay cả khi chị bụng mang dạ chửa đã 30 tuần thai kì; chị đến trường ngay cả ngày chủ nhật, vừa tự mình chắp bút sáng tạo kịch bản cho đến tỉ mỉ hướng dẫn cách diễn cho các con rồi lại lóc cóc lái xe đi thuê từng bộ quần áo biểu diễn. Lúc học sinh đứng trên sân khấu, chị cũng luôn túc trực sau cánh gà động viên tinh thần, hướng dẫn, nhắc nhở, trang điểm cho các con hay nhặt nhạnh, thu dọn từng cái túi, từng gói đồ. Mấy năm nay, với cương vị tổ trưởng tổ Xã hội, chị Thảo luôn là người tiên phong đi đầu cũng như lãnh đạo tổ Xã hội phục trách tổ chức hàng loạt các cuộc thi phong trào của nhà trường từ Cuộc thi viết Tấm gương điển hình tiên tiến đến cuộc thi viết về Tấm gương Nhà giáo mẫu mực, Tấm gương học tập, làm theo Đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, viết thư UPU; Cuộc thi Tìm hiểu Luật giao thông Nụ cười ngày mai; Thi Tìm hiểu Luật Giáo dục; Thi Ý tưởng cải cách hành chính; Thi cải cách dịch vụ công… Một năm có bao nhiêu phong trào thi Tìm hiểu…thì năm ấy chị Thảo cùng các đồng nghiệp đều tích cực phát động, tổ chức cho giáo viên và học sinh nhà trường tham gia bấy nhiêu phong trào tập thể, bấy nhiêu cuộc thi. Tôi thật nể phục bởi chị và các anh chị tổ Xã hội phải gánh thật nhiều trách nhiệm bên cạnh công việc chuyên môn, ấy vậy mà, lĩnh vực nào các anh chị và nhất là chị Thảo đều hoàn thành tốt trong phạm vi năng lực của thầy và trò nhà trường.

Trong công tác chủ nhiệm lớp, tôi có may mắn được tiếp xúc gần với chị nhiều hơn trong năm học này vì tôi được phân công làm giáo viên dạy toán lớp 6A1, lớp chị Thảo chủ nhiệm, được chị mời vào nhóm lớp phụ huynh trên mạng xã hội. Vì thế, tôi được chứng kiến nhiều việc làm có “tâm” của chị. Là cô giáo chủ nhiệm nhưng tôi thấy chị thực sự như người mẹ thứ hai của các con. Ngày nào chị cũng nhắn tin dặn dò các con 6A1 từng bài tập các môn chứ không chỉ Ngữ văn; nhắc nhở, chấn chỉnh ngay từng việc nhỏ để giáo dục các con cách ứng xử, xây dựng đội ngũ hay giúp các con đoàn kết với nhau. Trong các hoạt động thi đua, chị luôn bám sát tư vấn, hướng dẫn và thậm chí nhiều lần bỏ tiền túi ra động viên, khích lệ, chăm sóc  các con từ việc tập văn nghệ đến làm bích báo, tổ chức liên hoan hay sinh hoạt chuyên đề…Nhắc nhở uốn nắn từng li, từng tí cho các con lớp 6 nhanh chóng thích nghi với việc học ở cấp THCS và động viên các con vừa học tốt vừa chăm ngoan lại tích cực với mọi hoạt động. Có lẽ vì không phụ công cô nên từ đầu năm đến giờ, lớp 6A1 của chị luôn là một trong những tập thể lớp đứng đầu thi đua về mọi mặt. Thấy cô chủ nhiệm tận tình như vậy, các phụ huynh lớp 6A1 cũng rất yêu mến và an tâm vì đã trao con cho một cô giáo nhiệt huyết và yêu thương học sinh như vậy chăm sóc, dạy bảo. Nhiều lời khen, nhiều câu cảm ơn từ tận đáy lòng đã được các vị phụ huynh không ngần ngại gửi đến cô giáo Hương Thảo – người mẹ thứ hai của các con 6A1.

Thế nhưng, nếu nói tôi ấn tượng và quý mến chị Thảo nhất là bởi chuyện gì thì có lẽ là ở tấm lòng yêu nghề, mến trẻ của một cô giáo hết lòng yêu thương học sinh. Tôi đã từng chứng kiến cảnh tượng vào buổi sáng sớm, có học sinh đến trường trong tình trạng xây xước vì đi đường bị ngã xe mà phòng y tế nhân viên chưa kịp đến. Dù cháu Nguyễn Nhật Linh – 9A1 không phải học sinh lớp chị chủ nhiệm nhưng chị Thảo vẫn ân cần hỏi han, đưa tiền để nhờ học sinh khác chạy nhanh ra hàng thuốc gần cổng trường mua bông băng, thuốc sát trùng rồi chính tay chị là người giúp con sát khuẩn vết thương. Lại có lần, học sinh lớp chị đến trường trong tình trạng bị bầm tím vì bị ngã, chị lo lắng đi xin đá chườm cho con rồi lại vội vàng gọi điện báo cho phụ huynh. Mỗi khi học sinh lớp chị ốm mệt, chị đều ân cần vào tận phòng y tế hỏi han. Có cháu mệt do quên ăn sáng, chị lại cho tiền hoặc mua đồ ăn vào cho; có cháu ốm sốt như cháu Diệu Linh lớp 6A1 mới đây, chị cũng tranh thủ tiết trống lái xe đưa con về tận nhà; có cháu bị tai nạn nằm viện như cháu Minh Anh lớp 9a3, chị đến tận viện cho quà, hỏi thăm hay đến tận nhà thăm hỏi như cháu Thanh Thùy lớp 6A3 cũ. Đặc biết, với những học sinh hoàn cảnh khó khăn của nhà trường, suốt mười hai năm qua, không có năm nào, chị Thảo không giúp đỡ, đóng tiền học, tặng sách vở hay tặng quần áo, giày dép cho các con. Tiêu biểu tôi được biết đến một vài cháu trong số đó là cháu Nguyễn Minh Quân lớp 9A1 khóa năm 2012, bố mẹ mất sớm vì ung thư, ở với bà ngoại, chị đến tận nhà tặng quà dịp tết; cháu Trịnh Quốc Khánh lớp 6A2 năm 2013, chị đến cũng đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh, cho tiền đóng học và động viên con đi học đều;cháu Nguyễn Thu Thủy 7A2 năm 2014, chị tặng giày và đóng tiền học cho con vì mồ côi mẹ, bố lái xe ôm, vay nặng lãi; đóng tiền học cho cháu Phạm Trà My lớp 7A2 vì bố mẹ vỡ nợ năm 2016; cháu Nguyễn Thu Ngân 7A2 năm 2016, chị đóng tiền học và cho con suất ăn bán trú suốt nửa năm trời vì bố mẹ bỏ nhà trốn nợ vào Nam; tặng áo cháu Phạm Nguyễn Đông Dương, Nguyễn Minh Ngọc năm 2016 có tấm áo mới ngày Tết cổ truyền; tặng giày, đóng tiền học buổi 2 và tiền học chính khóa cho cháu Nguyễn Minh Anh lớp 8A3 năm 2018 vì bố mẹ thất nghiệp, không có khả năng đóng cho con; tặng sách giáo khoa cho cháu Lê Vũ Diệp lớp 7A3 năm 2017, hoàn cảnh khó khăn ở với ông bà ngoại; tặng máy tính fx, sách giáo khoa cho cháu Nguyễn Thu Hằng lớp 7A3 cũng năm 2017 vì nhà có ba con mà bố mất sớm vì nhiễm trùng máu… Mới đây nhất, khi những ngày gió mùa về mang theo cái lạnh se se của những buổi cuối thu, trong lúc những học sinh khác xúng xinh trong chiếc áo đồng phục đông ấm áp thì em Hoàng Minh Trang lớp 6A3 vẫn mỏng manh với chiếc áo sơ mi trắng và một lớp áo phông lót trong chống lạnh. Hỏi ra mới biết, bố mẹ con sinh muộn nên giờ đã lớn tuổi, khả năng lao động kém mà con gái mới học có lớp 6 nên điều kiện kinh tế rất khó khăn. Không những thế, Minh Trang sức khỏe vốn yếu, vừa chớm gió mùa là con đã ốm cả tuần mới khỏi. Dù chỉ là giáo viên dạy văn lớp 6A3 nhưng thương cho hoàn cảnh của con, không ngần ngại, chị Thảo đã bỏ tiền mua tặng con một chiếc áo đồng phục đông để con được bằng bạn bằng bè và thêm vào đó là giữ sức khỏe để học tập tốt hơn.

Và rất nhiều, rất nhiều những hành động đẹp khác mà tôi được biết đến ở chị qua những câu chuyện, lời kể của bạn bè đồng nghiệp hay các con học sinh. Có lẽ, cái tâm với nghề, với trẻ của chị trong sáng như vậy nên những thế hệ học sinh đã ra trường rồi, dù là học sinh chị chủ nhiệm hay không thì các con vẫn luôn nhớ tới cô, yêu mến cô, có cả những cháu đã chuyển trường vì hoàn cảnh gia đình nhưng lúc nào cũng quý mến và nhớ tới cô Thảo với những tình cảm tốt đẹp. Những lúc rảnh rỗi, chị em chuyện trò tâm sự, chị Thảo thường nói với tôi, chị tâm niệm rằng: Từ thiện không ở đâu xa, từ thiện ngay với học sinh còn khó khăn nhà mình là thiết thực nhất. Ý nghĩ đó, những hành động đẹp đó đã là nên một cô giáo Phạm Thị Hương Thảo được bao lứa học sinh yêu quý.

Vijaya Lakshmi Pandit đã từng nói:“Mục tiêu của giáo dục không phải là dạy cách kiếm sống hay cung cấp công cụ để đạt được sự giàu có, mà đó phải là con đường dẫn lối tâm hồn con người vươn đến cái Chân và thực hành cái Thiện”. Quả thực như vậy, mỗi thầy cô giáo không chỉ là người truyền thụ tri thức mà còn là một kĩ sư tâm hồn, giáo dục nên những nhân cách tốt. Và phương tiện hữu hiệu nhất để các thầy cô thực hiện nhiệm vụ giáo dục có lẽ chính là bản thân thầy cô. Qua câu chuyện của cô giáo Phạm Thị Hương Thảo, tôi muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp rằng: Trẻ con như trang giấy trắng, hãy vẽ lên tờ giấy tinh khôi ấy những sắc màu đẹp đẽ được tạo ra bởi trí tuệ, trái tim và nhân cách của thầy cô. Bởi mỗi một hoạt động giáo dục của thầy cô đều có thể tác động không nhỏ đưa cuộc đời đứa trẻ đến một chân trời khác. Chị Thảo – cô giáo Ngữ văn tận tâm và nhiệt huyết của mái trường THCS Lê Lợi chúng tôi cũng vậy, chị đã dạy học không chỉ bằng ngôn từ và khối óc mà còn truyền cho những lứa học sinh của mình những bài học về lòng nhân ái, sự sẻ chia để mai này dù các con bay đến phương trời nào thì ẩn sâu trong kí ức các con những năm tháng dưới mái nhà Lê Lợi, bên cô giáo dạy văn Hương Thảo vẫn là những kí ức đáng nhớ, đáng trân trọng!

Tôi xin phép được khép lại bài viết bằng một câu nói rất nổi tiếng của William A. Warrd: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Chúng ta, những người thầy, người cô tuy không phải là bậc vĩ nhân nhưng hãy làm nghề bằng lương tâm và trách nhiệm bởi sản phẩm của quá trình lao động tuyệt đẹp này là những nhân cách tốt, những con người với tương lai sáng lạn hay đơn giản là những kỉ niệm đẹp ấm áp tình yêu thương trong những năm tháng bé thơ của cuộc đời.

Tin: CĐGD TP Hà Nội

 

  


Các tin khác
NGƯỜI GIEO MẦM TẤM LÒNG NHÂN ÁI (18/02/2021)
Tấm gương Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo, cô giáo Trần Thị Quỳnh An Trường Tiểu học Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân (18/02/2021)
Thầy giáo Trịnh Công Bằng tự hào nghề “TRỒNG NGƯỜI” (18/02/2021)
Tấm gương các nhà giáo -Những người “gánh bão”, chở về tin yêu (27/01/2021)
Như hoa giữa đời (13/12/2020)
Ký ức (13/12/2020)
Nhà giáo tâm huyết (30/11/2020)
TẤM GƯƠNG SÁNG TRONG CÔNG TÁC ÔN THI TỐT NGHIỆP THPT (13/09/2020)
Cô giáo Lê Thị Nguyệt – Biểu tượng đẹp về ngôi trường hạnh phúc (17/08/2020)
NỮ CHỦ TỊCH CÔNG ĐOÀN - TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA TRƯỜNG PTDT NỘI TRÚ THCS&THPT HUYỆN BẮC HÀ, LÀO CAI (21/06/2020)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18770066
Online: 310
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn