(GD&TĐ)9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản trong năm học mới
(11:27, 14/08/2019)

GD&TĐ - Chiều nay (13/8), Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2019 - 2020 của ngành Giáo dục. Chỉ thị nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản thực hiện trong năm học mới.

9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu

Chỉ thị nêu rõ các nhóm nhiệm vụ chủ yếu thực hiện trong năm học 2019-2020, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước. Trong đó, đáng lưu ý là thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục; đề xuất quy hoạch và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non, phổ thông. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ, sáp nhập các cơ sở giáo dục có quy mô nhỏ tại địa phương; thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp theo nguyên tắc tạo thuận lợi, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục.

Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch xây dựng quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045; tổ chức thực hiện Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập và Đề án sắp xếp, tổ chức lại các trường sư phạm sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành...

Thứ 2, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Trong đó có việc rà soát, sắp xếp đội ngũ giáo viên bảo đảm quy định về định mức số lượng, chuẩn giáo viên đối với các cấp học; không để xảy ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, bảo đảm nguyên tắc ở “đâu có học sinh thì ở đó phải có giáo viên”; xử lý dứt điểm việc hợp đồng giáo viên nhiều năm mà không thực hiện tuyển dụng viên chức tại một số địa phương.

Các địa phương chủ động đặt hàng các trường sư phạm trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên cho địa phương, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng. Thực hiện bồi dưỡng giáo viên, nhất là giáo viên lớp 1 và cán bộ quản lý giáo dục phục vụ cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nâng cao đạo đức nhà giáo, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Kiên quyết xử lý nghiêm giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục vi phạm đạo đức nhà giáo (không bố trí đứng lớp đối với giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo).

Thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực hiện tốt công tác đánh giá giáo viên bảo đảm thực chất, gắn với thi đua, khen thưởng...

Thứ 3: Nâng cao chất lượng giáo dục, triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở; đổi mới quản lý và nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên, bảo đảm an toàn trường học; nâng cao hiệu quả giáo dục dân tộc.

Thứ 4, nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Theo đó, khuyến khích triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với ngoại ngữ (tiếng Anh) và triển khai dạy tiếng Anh tự chọn cho học sinh lớp 1, lớp 2 ở các địa phương có đủ điều kiện thực hiện và gia đình, người học có nhu cầu; khuyến khích triển khai chương trình môn tiếng Anh hệ 10 năm; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra của các ngành, nghề đào tạo.

Phát triển, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ. Tiếp tục đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Tăng cường rà soát, chỉ đạo, hướng dẫn công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia bảo đảm minh bạch, khách quan, chính xác. Tăng cường các điều kiện dạy và học ngoại ngữ. Phát động phong trào học tiếng Anh trên cả nước cho các nhóm đối tượng người học, trước hết là phong trào “giáo viên và học sinh cùng học tiếng Anh”…

Thứ 5, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục. Đáng lưu ý là xây dựng và triển khai Chính phủ điện tử, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, hệ thống bồi dưỡng giáo viên trực tuyến của Bộ GD&ĐT.

Xây dựng và đưa vào khai thác cơ sở dữ liệu trực tuyến về giáo dục đại học; hoàn thiện cơ sở dữ liệu ngành về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; tích hợp các hệ thống thông tin quản lý ngành hiện có vào cơ sở dữ liệu ngành; xây dựng và triển khai các phần mềm quản lý, kết nối liên thông dữ liệu với phần mềm cơ sở dữ liệu ngành. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, kiểm tra, đánh giá và quản lý giáo dục, quản trị nhà trường. Tiếp tục xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành.

Thứ 6, đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục. Cụ thể, trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện thí điểm tự chủ ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; tổng kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông.

Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền văn bản hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, trong đó quy định rõ về việc tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường, trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học…

Thứ 7, hội nhập quốc tế trong GD&ĐT. Trong đó có việc xây dựng và tổ chức triển khai Chiến lược hội nhập quốc tế trong GD&ĐT của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2045. Các cơ sở giáo dục mở rộng hợp tác quốc tế trong trao đổi học sinh/sinh viên, giáo viên/giảng viên, nghiên cứu khoa học; tăng số lượng các chương trình giảng dạy bằng tiếng nước ngoài; phát triển nhóm nghiên cứu quốc tế, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo;

Đẩy mạnh liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục đại học của các nước có uy tín hoặc được cấp thẩm quyền công nhận; khuyến khích công nhận tín chỉ, văn bằng, liên thông chương trình với các trường đại học nước ngoài có uy tín hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận để thu hút học sinh, sinh viên, nhà khoa học nước ngoài đến học tập và nghiên cứu, làm việc tại Việt Nam.

Tăng cường thu hút các cơ sở giáo dục nước ngoài có uy tín hoặc được cấp có thẩm quyền công nhận vào Việt Nam dưới hình thức thành lập các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài hoặc liên danh, liên kết với các cơ sở giáo dục của Việt Nam theo quy định của pháp luật…

Thứ 8, tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động GD&ĐT. Chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đặc biệt là lớp 1 năm học 2020 - 2021; triển khai có hiệu quả Đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017 - 2025.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định. Rà soát các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị của các trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia bảo đảm đúng quy định…

Thứ 9, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Với nhiệm vụ này, sẽ triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; thực hiện Khung trình độ quốc gia Việt Nam; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng trường cơ sở giáo dục đại học.

Các cơ sở giáo dục đại học tích cực, chủ động đổi mới nội dung, chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy. Tăng cường gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học. Triển khai thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Chấn chỉnh các cơ sở giáo dục đại học vi phạm các quy định quản lý nhà nước về GD&ĐT. Xem xét dừng tuyển sinh các chương trình đào tạo không đảm bảo chất lượng.

5 nhóm giải pháp cơ bản

Các nhóm giải pháp cơ bản được Chỉ thị nêu ra gồm:

Thứ nhất: Hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT. Trong đó, tổ chức soạn thảo, trình các cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục; rà soát các văn bản hiện hành để sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhằm đảm bảo phù hợp với các nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và các văn bản pháp luật có liên quan.

Rà soát các vấn đề GD&ĐT trong toàn ngành để chủ động trong chỉ đạo, quản lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất hoặc chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm. Kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những cơ sở giáo dục đại học không bảo đảm chất lượng, hoạt động không hiệu quả để có phương án xử lý.

Thứ 2: Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục. Ban hành tiêu chuẩn chức danh và chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý phòng, sở GD&ĐT; triển khai các chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý giáo dục các cấp; hướng dẫn đánh giá, phân loại, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý giáo dục theo tiêu chuẩn chức danh.

Thực hiện tuyển dụng, sử dụng biên chế công chức, viên chức, số lượng người làm việc theo đề án vị trí việc làm; đánh giá, phân loại công chức, viên chức bảo đảm thiết thực, khách quan, công bằng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả…

Thứ 3, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT. Phân bổ, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí được giao bảo đảm tỷ lệ chi tối thiểu 20% ngân sách cho giáo dục, trong đó chi thường xuyên bảo đảm tỷ lệ tối thiểu 18% dành cho chuyên môn; bố trí hợp lý cho chi đầu tư phát triển góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT.

Khảo sát việc phân bổ dự toán, phân tích cơ cấu phân bổ chi, quyết toán 20% chi ngân sách nhà nước cho giáo dục; ban hành thông tư hướng dẫn xây dựng, thẩm định và định mức kinh tế kỹ thuật, phương pháp xây dựng giá dịch vụ giáo dục, đào tạo và tổ chức thực hiện. Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị trong việc chỉ đạo, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019…

Thứ 4, tăng cường công tác khảo thí và kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục. Trong đó, tổ chức tổng kết, đánh giá kỳ thi THPT quốc gia năm 2019; tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia năm 2020; chuẩn bị phương án tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia giai đoạn 2021 - 2023 và sau năm 2023; tiếp tục thực hiện các chương trình đánh giá quốc gia, quốc tế về giáo dục.

Tổ chức giám sát, đánh giá các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục; kiểm tra việc tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ, tin học, công tác quản lý, cấp phát văn bằng, chứng chỉ, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa dùng chung đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông…

Thứ 5, đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT. Chủ động thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới về GD&ĐT; chủ động xử lý các vấn đề truyền thông về giáo dục. Tăng cường truyền thông nội bộ bảo đảm các chủ trương đổi mới, quy định của ngành phải đến từng cán bộ, giáo viên và người lao động trong các cấp quản lý và cơ sở giáo dục; tổ chức truyền thông gương người tốt, việc tốt trong quá trình thực hiện đổi mới GD&ĐT, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo, sự đồng thuận trong toàn ngành và xã hội.

Xem chi tiết Chỉ thị TẠI ĐÂY

Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại

  


Các tin khác
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị công đoàn các Đại học, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và đơn trị trực thuộc (06/08/2019)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức tổng kết công tác công đoàn năm học 2018– 2019; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2019-2020 (05/08/2019)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội nghị CĐGD các tỉnh, thành phố (02/08/2019)
(GD&TĐ) Công đoàn các ĐH, trường ĐH trong cơ chế tự chủ - kinh nghiệm và chia sẻ (01/08/2019)
(GD&TĐ)CĐGDVN cùng nhân lên trường học hạnh phúc (01/08/2019)
Công đoàn Giáo dục Việt nam tổ chức hoạt động về nguồn nhân kỷ niệm 72 năm ngày Thương binh liệt sỹ 27/7/2019 (27/07/2019)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức khánh thành nhà công vụ - Công trình chào mừng 90 năm thành lập Công đoàn Việt Nam (27/07/2019)
Khánh thành nhà công vụ giáo viên trường THPT Hà Lang huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang (27/07/2019)
Lễ khánh thành bàn giao và đưa vào sử dụng nhà công vụ giáo viên trường THCS&THPT Cửa Việt (26/07/2019)
Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Nội khánh thành và bàn giao hỗ trợ 2 nhà công vụ tại Trường Tiểu học Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình và Trường THPT Lê Quảng Chí, tỉnh Hà Tĩnh (26/07/2019)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18770602
Online: 519
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn