Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma “địa chỉ đỏ” giáo dục chủ quyền biển đảo cho thế hệ trẻ
(11:18, 11/01/2019)

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2, ở phía Đông Đại lộ Nguyễn Tất Thành, tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, để tưởng nhớ 64 chiến sĩ hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào ngày 14/3/1988 bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Được khởi công xây dựng từ tháng 3/2015 và hoàn thành vào 7/2017, với vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn và người lao động trong cả nước. Khu tưởng niệm gồm 05 khu vực: Quảng trường lối vào; Tượng đài chiến sĩ Gạc ma; Khu trung bày ngầm; Mộ gió và Quảng trường Hòa bình; Con đường hoài niệm.

Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” là trái tim của khu tưởng niệm

Tượng đài Chiến sĩ Gạc Ma cao 15,15m (cả phần đế), bề ngang 12m, bán kính 7m, với chủ đề “Những người nằm lại phía chân trời”, lấy cảm hứng từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đảo Gạc Ma ngày 14/3/1988. Những ý tưởng được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật, điêu khắc sinh động và ấn tượng như: Vòng cung mặt trời nhô lên khỏi mặt biển tận nơi chân trời xa xôi, nơi được đánh dấu phần lãnh hải của Tổ quốc Việt Nam bằng những hòn đảo lớn nhỏ, có những đảo chìm và đảo nổi. Cụm nhân vật (9 nhân vật) là đại diện cho 64 chiến sĩ ở tư thế giương cao lá cờ Tổ quốc trước lúc hy sinh. Các anh ở tư thế trong tay không một vũ khí mà chỉ có cuốc, xẻng, búa, rìu làm nhiệm vụ múc cát, đá, sỏi để nâng cao mặt đảo. Khi bị quân thù bao vây, các anh quay tròn lại nắm tay nhau để bảo vệ lá cờ tạo thành biểu tượng “Vòng tròn bất tử”, một hình ảnh sinh động đọng lại trong lòng mọi người. Toàn bộ khối tượng nằm trên bệ, xung quanh là nước, là biểu tượng của biển đảo Trường Sa, thể hiện sự ác liệt của cuộc chiến đấu, đồng thời làm nổi bật tinh thần bất khuất của các chiến sĩ ta trong trận chiến này.

 Khu trưng bày ngầm dưới mặt đất, nằm ở vị trí trung tâm, bao gồm ba phần: Quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, biển đảo Việt Nam; Chiến sĩ Gạc Ma và sự kiện ngày 14/3/1988; Công đoàn Việt Nam với biển, đảo của Tổ quốc. Đây cũng là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma.

Bảo tàng ngầm, là nơi bảo quản, lưu giữ những hiện vật liên quan đến cuộc đời và gia đình các liệt sĩ Gạc Ma

Mộ gió, là khu vực tâm linh của khu tưởng niệm, trước mộ đặt Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ Gạc Ma ngày 14/3/1988, với đầy đủ họ, tên, địa chỉ. Đây là chốn đi về của những người con hy sinh trên biển, đảo để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Cũng là nơi những người đang sống đến tưởng nhớ, tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Quảng trường Hòa bình, là không gian cuối của “Hành trình khát vọng”, với hình ảnh chim câu tung cánh bay về hướng biển. Đó là thông điệp gửi đến toàn thế giới về khát vọng “Hòa bình” của dân tộc Việt Nam. Trước mặt quảng trường hòa bình là công viên sinh thái, có một con đường đưa người tham quan ra biển và cũng là con đường dẫn các anh linh từ biển trở về. Công viên sinh thái là nơi du khách nhìn về biển – nơi các anh còn ở lại, ngày đêm canh giữ chủ quyền của Tổ quốc.

Bia ghi danh sách 64 liệt sĩ Gạc Ma ngày 14/3/1988

Con đường hoài niệm, sẽ dẫn quý khách về nơi xuất phát. Con đường đi qua các khu vực vườn cây lưu niệm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đi qua những góc nhìn khác nhau của các không gian khác nhau trong khu tưởng niệm.

Ngoài ra, quần thể khu tưởng niệm còn có những nét độc đáo với hệ thống giao thông nội bộ (đường xe điện, lối đi dành cho người khuyết tật), hệ thống cây xanh gắn liền với bản sắc địa phương (cây xoài Cam Ranh, cây Bàng vuông, cây Phong ba từ đảo Trường Sa, cây mai biển) và thảm cỏ rộng quanh năm xanh tốt.

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma không chỉ là không gian tái hiện khúc bi tráng của Gạc Ma trên đất liền mà còn là một công trình của lòng dân, do đoàn viên công đoàn, cùng nhiều doanh nghiệp và người dân cả nước đóng góp tài chính, trí tuệ, tâm huyết và cả nỗi khát khao được thể hiện sự biết ơn đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Công trình không chỉ là nơi giáo dục ý nghĩa truyền thống mà còn là nơi có ý nghĩa tâm linh, nhắc nhở các thế hệ đời sau không quên sự hy sinh của các chiến sĩ tại Gạc Ma.

Từ ngày khánh thành, khu tưởng niệm đã đón hàng trăm đoàn với hàng chục ngàn lượt khách đến viếng. Nhiều bạn trẻ đã tìm đến đây để chụp hình cưới. Các công ty du lịch cũng chọn khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình đưa du khách tham quan khám phá xứ trầm, biển yến. Nhiều trường học trong cả nước đã tổ chức cho học sinh và giáo viên tham quan, dâng hương tưởng niệm.

CB,GV trường THPT Trần Hưng Đạo, dâng hương tại khu tưởng niệm

Thời gian tới trận hải chiến Gạc Ma ngày 14/3/1988, chính thức được đưa vào chương trình giảng dạy trong hệ thống trường phổ thông. Tinh thần và khí phách của 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã anh dũng hy sinh trong trận đánh không cân sức để chống lại quân xâm lược nhằm bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, sẽ được truyền dạy cho các thế hệ mai sau. Nhiều bài học quý báu sẽ được rút ra từ trận hải chiến Gạc Ma như: ý thức cảnh giác, luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; trách nhiệm công dân, có tinh thần sẵn sàng cống hiến sức lực, trí tuệ, tâm huyết để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc bằng các giải pháp hòa bình, sử dụng trí tuệ và công nghệ cao; biết đối thoại liên văn hóa, biết chung sống hòa bình, hướng tới tương lai hòa bình, hiểu biết và hữu nghị với các nước trong khu vực và trên toàn thế giới… Do vậy khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma sẽ trở thành một địa chỉ không thể thiếu trong việc giáo dục chủ quyền biển đảo đối với thế hệ trẻ. Nơi đây đã, đang và sẽ trở thành địa điểm tổ chức các buổi kết nạp Đảng, Đoàn, Đội long trọng, mang ý nghĩa sâu sắc của nhiều tổ chức, đoàn thể. Là địa điểm để giáo viên và học sinh Khánh Hòa cũng như cả nước tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, dâng hương tưởng niệm và trải nghiệm thực tế góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục truyền thống yêu nước và chủ quyền biển đảo đối với thế hệ trẻ Việt Nam./. 

Lê Viết Quân Chủ tịch CĐCS Trường THPT Trần Hưng Đạo - TP Cam Ranh - tỉnh Khánh Hòa

  


Các tin khác
(zing.vn)Niềm tin xã hội và nguồn lực của Giáo dục (03/01/2019)
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục nhân dịp 20/11 (19/11/2018)
Phát huy truyền thống, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo (17/11/2018)
Ân tình trong những bức thư (15/10/2018)
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” (12/10/2018)
Toàn văn Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (28/09/2018)
(QĐND)Chuyện bé xé ra to, gắn vấn đề giáo dục với mưu đồ chính trị (27/09/2018)
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII thành công tốt đẹp (26/09/2018)
Khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (24/09/2018)
Thư Chủ tịch nước Chúc mừng năm học mới (04/09/2018)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18771078
Online: 169
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn