Thực hiện Kế hoạch 154/KH-CĐN ngày 31/8/2018 của Công đoàn ngành giáo dục Nghệ An. Sáng 17/10/2018, Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An phối hợp với Công đoàn Trường Đại học Vinh tổ chức Hội thảo “Xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An”.
Hội thảo vinh dự được đón GS -TS Đinh Xuân Khoa, Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; GS-TS Thái Văn Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; TS Nguyễn Thị Kim Chi, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An; NGƯT Võ Văn Mai, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An; NGƯT, TS Thái Huy Vinh, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Nghệ An; NGƯT Đậu Văn Đình, PCT Hội Cựu Giáo chức tỉnh Nghệ An cùng đại biểu LĐLĐ tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh, Lãnh đạo các Viện,Trường thuộc Đại học Vinh; Lãnh đạo các Phòng chuyên môn Sở GD&ĐT; Lãnh đạo các Phòng GD&ĐT; Hiệu trưởng, CTCĐ các trường THPT, trường Chất lượng cao Phượng Hoàng, TTGDTX tỉnh; các Chuyên gia, các Nhà khoa học, các tác giả bài viết được in trong Kỷ yếu…
Toàn cảnh Hội Thảo
Như chúng ta đã biết từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, việc giữ gìn và phát huy các giá trị đạo đức truyền thống cũng như việc xây dựng hệ giá trị đạo đức đã và đang đặt ra vấn đề cần giải quyết hiện nay. Bởi lẽ văn hóa học đường là môi trường để giáo dục và rèn luyện nhân cách con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nếu môi trường học đường bị xuống cấp thì nhà trường không thực hiện được chức năng truyền tải tri thức, các giá trị, chuẩn mực văn hóa đến thế hệ trẻ.
Chủ trì Hội thảo
Tuy nhiên, xung quanh văn hóa học đường hiện nay đang có nhiều vấn đề đáng lo ngại. Thời gian qua, số vụ việc học sinh đánh nhau, học trò tấn công thầy giáo, hiện tượng phụ huynh đánh giáo viên ngay trong trường học; giáo viên thô bạo với học sinh bằng lời nói, hành động; giáo viên quỳ gối xin việc làm…xuất hiện ngày càng nhiều, gây chấn động không ít dư luận trong xã hội thời gian qua, mức độ tái diễn của những hành vi vi phạm đạo đức của một bộ phận học sinh, sinh viên và giáo viên đang cho thấy thực trạng đáng báo động trong văn hóa học đường.
Qua khảo sát và thống kê sơ bộ tại 22 trường, 43 lớp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đồng thời trực tiếp lấy ý kiến qua phiếu khảo sát đối với 295 giáo viên và 1.494 học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 cho thấy: Đang có sự suy giảm về đạo đức trong học sinh phổ thông theo thời gian, cấp học. Càng lên cấp học trên, tỉ lệ học sinh hạnh kiểm tốt giảm xuống, thay vào đó là tỉ lệ hạnh kiểm trung bình và yếu tăng. Nhận thức của giáo viên về vấn đề học đường cũng chưa được đầy đủ. Nhiều giáo viên khi được hỏi về văn hóa học đường tỏ ra lúng túng, chưa nhận thức sâu sắc về vấn đề này, điều đó làm ảnh hưởng đến việc tuyên truyền giáo dục học đường cho học sinh tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Phát biểu của TS Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An
Phát biểu của GS.TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh
Tham luận của TS Dương Thị Thanh Hải, Giảng viên Viện SPXH, Trường Đại học Vinh
Tại hội thảo, 08 ý kiến phát biểu trực tiếp và 25 ý kiến gửi bằng văn bản về cho Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An của các nhà khoa học, các đại biểu xoay quanh vấn đề "Xây dựng môi trường văn hóa học đường góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An”. Trong đó tập trung vào 08 nội dung chính là: Thực trạng về văn hóa học đường trong nhà trường hiện nay; Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường và xã hội trong việc xây dựng văn hóa học đường; Vai trò của tổ chức công đoàn trong việc xây dựng văn hóa học đường; Văn hóa học đường - Nhìn từ góc độ giáo viên; Giữ gìn và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo ở trường học trong bối cảnh hiện nay; Ứng xử giữa các bên trong nhà trường hiện nay; Nhân rộng gương tốt và định hình lối sống đẹp trong xây dựng văn hóa học đường; Văn hóa học đường - Nhìn từ vai trò của cán bộ quản lý.
Hình ảnh đẹp về văn hóa xếp hàng tại trường PTCLC Phượng Hoàng TP Vinh
Để xây dựng văn hóa hoạc đường giáo viên phải là người gương mẫu
Hội thảo cũng khẳng định:
Công đoàn phải là người đi đầu trong việc xây dựng văn hóa học đường thông qua tuyên truyền và vận động.
Để xây dựng văn hóa học đường phải bắt đầu từ các cấp quản lý ngành, lãnh đạo. Các cấp quản lý cần phải có chủ trương, kế hoạch triển khai, có kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá…
Về phía đội ngũ nhà giáo cần coi giáo dục văn hóa là nhân tố quan trọng, từ đó chú trọng hình thành và phát triển nhân cách văn hóa cho học sinh, cụ thể: Thầy giáo phải là tấm gương sáng cả về lời ăn, tiếng nói, đi đứng, ăn mặc…phải tận tụy, yêu thương học trò và ý thức được vị trí, nghề nghiệp.
Ngoài ra, một môi trường văn hóa học đường phải được tạo dựng từ sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Qua đó, loại trừ được những biểu hiện văn hóa không lành mạnh nảy sinh từ bên trong, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường ngày càng hoàn thiện, trong sáng.
Thông qua hội thảo Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An và Công đoàn Trường Đại học Vinh sẽ tuyên truyền, vận động và kêu gọi toàn ngành Giáo dục Nghệ An đồng sức, đồng lòng tăng cường xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên để phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách, lối sống văn hóa. Đồng thời, góp phần xây dựng văn hóa trường học lành mạnh, trong sáng; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nói chung và trên địa bàn tỉnh Nghệ An nói riêng.
Bài và ảnh: Công đoàn ngành Giáo dục Nghệ An