Toàn văn Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII
(08:21, 28/09/2018)
NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM LẦN THỨ XII
 
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 24 đến ngày 26 tháng 9 năm 2018, tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 946 đại biểu.
 
Đại hội vinh dự được đón:
 
- Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
 
- Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,
 
- Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,
 
- Cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, lãnh đạo tỉnh, thành phố và các đồng chí lãnh đạo Tổng LĐLĐVN qua các thời kỳ.
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chúc mừng và chỉ đạo Đại hội.
 
Sau khi thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI trình, các ý kiến phát biểu của đại biểu Đại hội và ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng.
 
Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018 - 2023:
 
QUYẾT NGHỊ
 
I. Tiếp thu ý kiến phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ý kiến gợi mở của đồng chí Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vào Nghị quyết và các văn kiện của Đại hội, trên cơ sở đó thông qua những nội dung cơ bản về đánh giá tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI (2013 – 2018) và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2018 - 2023 nêu trong Báo cáo của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI trình Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.
 
1. Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam.
 
Trong 5 năm qua, Công đoàn Việt Nam tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động, đạt nhiều kết quả và hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu do Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI đề ra. Hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động được quan tâm thường xuyên.
 
Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động; nhiều chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn được cụ thể hóa, đi vào cuộc sống; vai trò Công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh phát triển, giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
 
Hoạt động tuyên truyền giáo dục tạo được sức lan tỏa trong hệ thống tổ chức Công đoàn. Phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động có sự chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
 
Công tác tập hợp quần chúng đạt nhiều kết quả, thu hút đông đảo người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn; mô hình tổ chức bộ máy, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn được quan tâm hoàn thiện.
 
Hoạt động kiểm tra công đoàn được tăng cường. Tài chính công đoàn có những đổi mới quan trọng theo hướng công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả, từng bước tập trung nhiều hơn các nguồn lực phục vụ đoàn viên, người lao động. Công tác đối ngoại ngày càng chủ động.
 
Hoạt động nữ công có chuyển biến mới trong một số lĩnh vực chăm lo quyền lợi của lao động nữ. Tuy nhiên, chất lượng hoạt động công đoàn chưa đồng đều ở một số lĩnh vực, cơ quan, đơn vị: Hiệu quả hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động chưa cao.
 
Phát triển đoàn viên và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh còn một số hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, người lao động chưa theo kịp tình hình; việc tổ chức phong trào thi đua ở một số nơi còn hình thức, kém hiệu quả. Năng lực, trình độ, bản lĩnh của đội ngũ cán bộ công đoàn, khả năng thích ứng với tình hình mới nhiều nơi còn yếu, còn biểu hiện hành chính hóa. Tài chính công đoàn còn phân tán, hiệu quả sử dụng chưa cao.
 
2. Mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu phấn đấu, nhiệm vụ tổng quát và 3 khâu đột phá trong 5 năm 2018 - 2023
 
* Mục tiêu tổng quát
 
Nâng cao hiệu quả đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, vì việc làm bền vững, đời sống ngày càng cao. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị, tinh thần yêu nước, hiểu biết pháp luật, trách nhiệm cao, tay nghề giỏi, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam lớn mạnh. Hoàn thiện mô hình tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn bản lĩnh, trí tuệ, chuyên nghiệp; tập hợp, thu hút đông đảo người lao động vào tổ chức Công đoàn Việt Nam; xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh. Tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
* Các chỉ tiêu phấn đấu
 
- Đến năm 2023 kết nạp 2 triệu đoàn viên; thành lập tổ chức cơ sở của công đoàn ở 100% doanh nghiệp có 25 công nhân lao động trở lên; phấn đấu các doanh nghiệp có 10 lao động trở lên có tổ chức Công đoàn.
 
- Hàng năm bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu được ít nhất 01 đoàn viên công đoàn ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
- Hàng năm có 80% trở lên công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đạt loại tốt; 80% trở lên công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 55% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước đạt vững mạnh.
 
- Triển khai đầu tư xây dựng tối thiểu 50 thiết chế của tổ chức Công đoàn gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, tư vấn pháp luật... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
 
- 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước thành lập được Ban Nữ công quần chúng theo qui định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
 
- Thu tài chính công đoàn đạt 90% trở lên so với số phải thu kinh phí và đoàn phí công đoàn theo qui định của Nhà nước và Tổng LĐLĐVN.
 
- Hàng năm, 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp.
 
- Hàng năm có từ 98% trở lên cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức; từ 95% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 60% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức hội nghị người lao động; từ 90% trở lên doanh nghiệp nhà nước và 70% trở lên doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước tổ chức đối thoại tại nơi làm việc.
 
- Từ 70% trở lên doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó ít nhất 45% đạt loại B trở lên.
 
* Ba khâu đột phá
 
(1) Đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động; chăm lo lợi ích đoàn viên, đại diện, bảo vệ người lao động;
 
(2) Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nhất là đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ;
 
(3) Xây dựng nguồn lực công đoàn đủ mạnh, đẩy mạnh công tác truyền thông công đoàn đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
 
* Nhiệm vụ tổng quát
 
(1) Phát triển đa dạng, hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích cho đoàn viên công đoàn. Đổi mới cơ chế hoạt động xã hội của công đoàn theo hướng góp phần đảm bảo quyền an sinh xã hội. Nâng cao năng lực đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, cán bộ công đoàn; chủ động tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
 
(2) Tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động cho người lao động. Chủ động thông tin về tổ chức và hoạt động Công đoàn, chú trọng công tác định hướng thông tin trên Internet và mạng xã hội. Tham gia xây dựng môi trường văn hóa tích cực trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp; đời sống tinh thần lành mạnh cho người lao động. Chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền đồng cấp về những vấn đề mới, diễn biến mới trong phong trào công nhân, viên chức, lao động và tổ chức công đoàn.
 
(3) Tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động công đoàn; chú trọng công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở gắn liền với việc nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn; đẩy mạnh công tác đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
 
(4) Nâng cao hiệu quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng cho phù hợp với điều kiện lao động, làm việc, công tác của cán bộ, công chức, viên chức, lao động. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các mô hình, điển hình mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao;
 
Triển khai chương trình “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” nhằm phát huy vai trò của công nhân lao động và tổ chức Công đoàn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
(5) Thực hiện toàn diện và chất lượng công tác nữ công ở các cấp công đoàn, trọng tâm là quyền và việc làm bền vững của lao động nữ; xây dựng gia đình công nhân, viên chức, lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; chăm lo tốt hơn con công nhân, viên chức, lao động.
 
(6) Chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế và khẳng định vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam; phát huy hiệu quả các hoạt động hợp tác quốc tế hỗ trợ cho hoạt động công đoàn.
 
(7) Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác kiểm tra, giám sát công đoàn. Kiện toàn ủy ban kiểm tra và văn phòng ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp, từng bước nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác kiểm tra, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
 
(8) Tăng cường công tác quản lý thu, chi tài chính, quản lý tài sản công đoàn theo hướng chuyên nghiệp, công khai, minh bạch, thực hiện phân phối công bằng, hiệu quả; xây dựng nguồn lực đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.
 
(9) Đổi mới phương thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo hướng lấy người lao động làm trung tâm; hoạt động chủ yếu ở cơ sở; công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới; phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh. Đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy dân chủ, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện.
 
II. Thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XI
 
Giao Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII tiếp thu ý kiến của Đại hội, phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới.
 
III. Thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi.
 
IV. Thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023 gồm 161 đồng chí. Tại Hội nghị lần thứ nhất, bầu 22 đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch; bầu đồng chí Bùi Văn Cường, Phó Chủ tịch Liên hiệp Công đoàn thế giới, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng LĐLĐVN giữ chức Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XII và bầu 4 đồng chí, gồm đồng chí Trần Thanh Hải, đồng chí Trần Văn Thuật, đồng chí Phan Văn Anh và đồng chí Ngọ Duy Hiểu giữ chức Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN; bầu Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN khóa XII gồm 16 đồng chí và bầu đồng chí Tạ Văn Đồng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng LĐLĐVN.
 
Đại hội giao Ban Chấp hành Tổng LĐLĐVN khóa XII căn cứ Nghị quyết Đại hội, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ý kiến của Đại hội hoàn thiện văn kiện; xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn nhiệm kỳ 2018 – 2023.
 
Với phương châm “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, lao động cả nước phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam; nêu cao tinh thần đoàn kết nhất trí, năng động và sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội”.
 
ĐẠI HỘI XII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM

  


Các tin khác
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII thành công tốt đẹp (26/09/2018)
Đại hội XII Công đoàn Việt nam phiên làm việc chiều 25.9 (25/09/2018)
Phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII nhiệm kỳ 2018- 2023 (25/09/2018)
Vị thế của Công đoàn Việt Nam ngày càng nâng cao (24/09/2018)
Diễn đàn Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ với đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (24/09/2018)
Khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII (24/09/2018)
(LĐ)Khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII: Khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn (24/09/2018)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức gặp mặt đoàn đại biểu ngành Giáo dục dự Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (24/09/2018)
Công đoàn Giáo dục Việt Nam tham gia Hội nghị Hội đồng Giáo giới ASEAN lần thứ 34 (20/09/2018)
(GD&TĐ)Giải bóng bàn “Người giáo viên nhân dân” khởi tranh vào cuối tháng 10/2018 (13/09/2018)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18771160
Online: 216
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn