TTH - CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI HUẾ Ở ĐỒNG THÁP
(10:32, 21/02/2017)

TTH - “Hồi đó, đỗ cùng lúc 4 trường, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải vào học ngành sư phạm vật lý”, không chút màu mè, PGS. TS Huỳnh Vĩnh Phúc (SN 1980), người con của đất Quảng Điền đã làm tôi ngạc nhiên đến sững sờ khi kể về con đường đưa anh đến chức danh Phó Giáo sư (PGS) ngành Vật lý lý thuyết ở tuổi 36 một cách tự nhiên, chân chất... đến đáng nể.

Gia đình vợ chồng PGS.TS Huỳnh Vĩnh Phúc, Hoàng Thị Nghiệp

Điểm sáng giữa “bưng biền”

Tính theo đường chim bay, từ Long Xuyên, thủ phủ của An Giang sang Cao Lãnh, thủ phủ của Đồng Tháp chỉ khoảng 40km, nhưng phải mất hơn 2 giờ đi xe máy vì còn phải lụy đến 2 lần phà. Tuy nhiên, cái cảm giác “đò giang cách trở” nhanh chóng biến mất khi nghe PGS.TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng Đại học Đồng Tháp sốt sắng: “Phúc không chỉ là người có tuổi đời trẻ nhất trường đạt học hàm PGS, mà còn có nhiều thành tích xuất sắc khác...”.

Trái với hình ảnh “cổ kính” ở những người có học hàm mà chúng tôi từng gặp, PGS.TS Huỳnh Vĩnh Phúc khá trẻ, thân hình có phần mỏng mảnh, nhưng ẩn sâu bên trong cái lớp vỏ tưởng chừng như “non” và “xanh” ấy là cả sự già dặn rất... Huế.

PGS.TS Huỳnh Vĩnh Phúc có phần kiệm lời khi nói về mình. Phải qua nhiều lần gặng chắt, chúng tôi mới có được thông tin ngắn gọn về con đường học vấn đầy tự hào của người con xứ Huế: Nhận bằng TS sau 10 năm tốt nghiệp đại học, trở thành PGS ở tuổi 36. Thật tình, lâu nay tôi không ấn tượng lắm với học vị tiến sĩ giữa thời buổi “sính” bằng cấp, tuy nhiên, khi vào trang tin của Đại học Huế, tôi lại nghĩ khác về trường hợp của PGS. TS Phúc khi biết các thành viên Hội đồng khoa học thống nhất xác định luận án chuyên ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán "Nghiên cứu chuyển tải thống kê lượng tử đối với hệ chuẩn một chiều" của Phúc có nhiều đóng góp quan trọng: “Ngoài 4 đóng góp mới về nội dung, luận án còn góp phần khẳng định khả năng, tính hiệu quả và sự đúng đắn của các phương pháp thống kê lượng tử để nghiên cứu các tính chất chuyển tải của hệ electron đối với các hệ chuẩn một chiều, cũng như tính hiệu quả của phương pháp profile để nghiên cứu độ rộng vạch phổ hấp phụ...”.

Tuy nhiên, điều khiến cho nhiều đồng nghiệp, nhà khoa học đánh giá cao và xem như điểm sáng giữa “bưng biền” Đồng Tháp chính là thành tích nghiên cứu mang tầm vóc thế giới của Phúc. Bởi chỉ trong 2 năm trước khi nhận bằng TS (2011-2012) giảng viên trẻ Huỳnh Vĩnh Phúc đã cho ra đời 10 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí thuộc danh sách ISI, SCI, SCIE, Scpus (Tạp chí khoa học quốc tế có uy tín, hệ số tham khảo cao). 3 năm sau, TS  Phúc lại có đến 18 bài báo khoa học như thế. Thành tích vượt trội này đã đưa Phúc trở thành 1 trong số 70 nhà khoa học trẻ tiêu biểu cả nước được gặp mặt người đứng đầu Chính phủ vào tháng 9/2015.

Học xong sẽ “cày” trả nợ

Sẽ không quá lời khi nói PGS.TS Huỳnh Vĩnh Phúc là người thành công dù anh chỉ mới bước qua cái tuổi 36. Bởi với anh, PGS chỉ mới là bước đầu của chặng đường nghiên cứu khoa học mà anh đã, đang đi và xác định sẽ đi xa hơn nữa. “Ngay từ khi học ThS, tôi đã xác lập cho mình bước đi dài sau này, còn cụ thể là gì thì thời gian sẽ trả lời”, Phúc đã ý nhị khi trả lời câu hỏi về hành trình trở thành GS, hay chủ nhân công trình khoa học cụ thể nào đó trong tương lai: “Làm khoa học là hành trình khám phá cái mới mà người nghiên cứu phải tự mày mò từng bước đi một. Nhiều lúc phải đơn độc một mình, không dễ dàng, nhưng có điều chắc chắn là tôi vẫn cứ đi, nhất định không bỏ cuộc”. Thực tế đã chứng minh, đó không phải là khẩu hiệu mà là sự quyết tâm mà trước đó Phúc đã từng... “vượt sóng”.

Chuyện xảy ra vào năm 2007, sau khi trúng tuyển kỳ thi nghiên cứu sinh tại Đại học Huế, Phúc động viên vợ (Hoàng Thị Nghiệp, giảng viên Khoa Sinh, Đại học Đồng Tháp) cùng làm tiến sĩ để cùng nâng cao trình độ và năng lực nghiên cứu, giảng dạy. ThS Nghiệp làm hồ sơ dự thi, nhưng không may, đúng ngày đi thi đầu vào thì Nghiệp phát hiện thai có vấn đề, bác sĩ khuyến cáo không được di chuyển bằng bất cứ phương tiện gì. Vậy là phải làm đơn cam kết với Đại học Huế xin nghỉ thi, tạm gác lại kế hoạch nghiên cứu sinh. Lúc đó, hơn ai hết, Phúc là người buồn nhất, nhưng anh kềm chế cảm xúc để học và nhất là an ủi vợ. Năm 2009, con nhỏ vừa 4 tháng tuổi, Phúc động viên vợ ôn tập để làm nghiên cứu sinh. “Vợ chồng trẻ tự trang trải nên cứ đến đợt đi học là lên xin nhà trường ứng tiền, ứng mãi, ứng mãi...”, TS Nghiệp nhớ lại. “Là người “tay hòm chìa khóa” của gia đình, lúc đầu thấy ứng nhiều cũng hơi sợ, nhưng sau đó được ông xã cam kết: Học xong, sẽ “cày” trả nợ, nên chẳng những không lo mà còn rất an tâm... học tập, nghiên cứu”.

Trải qua sóng gió, cuối cùng công sức của vợ chồng Phúc cũng được đền bù xứng đáng khi năm 2012, hai vợ chồng cùng được nhận học vị tiến sĩ. Giữ đúng lời hứa với vợ, Phúc lao vào nghiên cứu. Tận dụng mọi thời gian có thể để làm việc, chỉ trong 4 năm (2012 – 2016), TS Huỳnh Vĩnh Phúc liên tiếp trúng thầu 3 đề tài (1 đề tài cấp Bộ và 2 đề tài Nafosted - Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (National Foundation for Science and Technology Development). Hiện đã có 2 đề tài được nghiệm thu, đánh giá tốt và 1 đề tài chờ nghiệm thu. Điều này không chỉ chứng minh “nội công” của nhà khoa học trẻ, mà còn giúp cho đôi vợ chồng tiến sĩ này trả hết nợ và tạo dựng được tổ ấm riêng, khang trang giữa Cao Lãnh, thành phố trung tâm của đất sen hồng.

Tinh thần Huế

“Hồi thi đại học, đỗ cùng lúc 4 trường, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, tôi phải vào học ngành sư phạm vật lý”, Huỳnh Vĩnh Phúc làm tôi bất ngờ đến sững sờ khi kể về con đường đưa anh đến chức danh PGS ngành Vật lý lý thuyết ở tuổi 36 (SN 1980). Sững sờ là bởi ngoài sự chân thực và dung dị... còn là cả một tinh thần đủ để giúp người con của đất Quảng Điền thực hiện “cuộc ngược dòng” ngoạn mục khi hoán cải từ thế bị động sang thế chủ động. Bởi vật lý là lựa chọn thứ 4 trong số 4 ngành thi đỗ, nhưng vì để gia đình đỡ lo về khoản tiền học phí và để có nhiều cơ hội dạy kèm kiếm thêm thu nhập trang trải chuyện học hành mà người con xứ Huế phải chấp nhận. Nhưng đó chưa phải là thử thách cuối cùng.

Sau này khi học cao học, Phúc cũng “bị” ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý tính toán “chọn” mình. “Khi học ThS, được GS.TS Trần Công Phong hướng dẫn, mà thầy là chuyên gia trong lĩnh vực Vật lý lý thuyết và Vật lý tính toán, nên dù muốn hay không tôi cũng...”, Phúc chân tình chia sẻ. Dù phải đi theo con đường không phải là lựa chọn, yêu thích nhất, nhưng Phúc đã khiến nhiều người phải nể khi chạm tay vào thành công rất sớm. Thậm chí là sớm hơn cả những bạn bè cùng lứa học đúng ngành, nghề yêu thích. Bởi Phúc đã được tuyển chọn làm giảng viên môn vật lý tại Đại học Đồng Tháp trước khi nhận bằng ThS. Chuyện cũng khá ly kỳ.

Năm 2004, trong một lần được thầy hướng dẫn luận án ThS (GS.TS Trần Công Phong) rủ vào Đại học Đồng Tháp chơi, Phúc nhanh chóng lọt vào “mắt xanh” của TS. Lê Hiển Dương, Hiệu trưởng Đại học Đồng Tháp (lúc bấy giờ) ngay lần đầu gặp mặt. “Sau buổi trò chuyện, sáng hôm sau TS. Dương gọi tôi đến và cho biết đồng ý ký hợp đồng mời tôi làm giảng viên dù mãi đến 2005 tôi mới bảo vệ luận án ThS”, Phúc nhớ lại. “Chính sự trọng thị này khiến tôi đồng ý nhận lời và làm việc hết mình trong nghiên cứu, giảng dạy”. Kết quả là 3 năm sau đó, Phúc được đề bạt làm Phó Trưởng khoa Sư phạm Lý - Kỹ thuật công nghiệp. Tuy nhiên, con đường Phúc trở thành ThS mới thực sự để mọi người nể. Năm 2002, sau khi tốt nghiệp đại học, Phúc quyết định tự học lên ThS theo diện tự do đúng theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi để có tiền trang trải học phí, chi tiêu hàng ngày, ngoài giờ lên lớp, đến thư viện nghiên cứu tài liệu... Phúc còn phải đi dạy kèm. “Lịch dạy kèm gần như diễn ra suốt tuần, vào cao điểm, tôi đảm trách 6 nhóm học...”, Phúc nhớ lại.

 “Để khám phá ra một công thức mới hay một phương trình, người nghiên cứu phải nghĩ về nó mọi lúc mọi nơi, làm bạn với nó, day dứt với nó... nói chung là mất rất nhiều thời gian và công sức”, Phúc bày tỏ quan điểm như nhiều lần trước đó phát biểu tại các hội nghị, hội thảo khoa học và trên truyền thông.

Vĩ thanh

Có thể rồi đây sẽ còn nhiều tranh luận, bàn bạc về khái niệm “tinh thần Huế”, nhưng không hiểu sao tôi và nhiều đồng nghiệp có dịp tiếp xúc với Phúc đều có chung nhận định: “chính tinh thần chịu khó của xứ Huế đã hun đúc, bồi đắp cho người con đất Quảng Điền vượt qua những nhọc nhằn để chạm tay vào thành công”.

Bài, ảnh: LỤC TÙNG
Nguồn tin: http://baothuathienhue.vn/

  


Các tin khác
Nỗ lực vượt khó của trường mầm non Tây Nguyên (17/10/2016)
Cảm phục sáng kiến cô giáo vùng cao giúp học sinh dân tộc hiểu rõ chính tả tiếng Việt (17/10/2016)
Sáng kiến từ lòng yêu trẻ của cô giáo mầm non (17/10/2016)
Về thăm ngôi trường của tình yêu biển đảo (16/10/2016)
Tình yêu và hành trình “gieo chữ” của thầy Tiến (16/10/2016)
Cô giáo vùng cao và sáng kiến được nhân rộng cả nước (16/10/2016)
Ngời sáng trí tuệ học đường (16/10/2016)
Dự án tích hợp liên môn từ nghệ thuật Tuồng khiến học sinh thích thú (16/10/2016)
Chị Tăng Thị Ngọc Mai – Tấm gương vượt khó (13/10/2016)
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Duyên tấm gương sáng trong giảng dạy (09/09/2016)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18773085
Online: 1216
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn