Từ quyển Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh”
(22:40, 22/12/2016)

Sau những quyển nhật ký: “Mãi mãi tuổi 20”, “Đặng Thùy Trâm”, “Tài hoa ra trận”, “Nhật ký Vũ Xuân”,... mọi người lại biết thêm một quyển Nhật ký “Thế hệ Hồ Chí Minh” của Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên. Qua những dòng nhật ký của Liệt sĩ - Nhà giáo trẻ tuổi, chúng ta càng thêm trân trọng và yêu quý một người con của quê hương Cai Lậy cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, cho cách mạng...

 

http://sgddt.tiengiang.gov.vn/documents/16124/4629301/Le+Thi+Thien.jpg/c3304647-d89e-4dcc-808e-a63c08bb1ad2?t=1481860313596

Chân dung Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên

Người con của một gia đình cách mạng

Lê Thị Thiên sinh năm 1945, tại ấp Bà Bèo, xã Mỹ Phước Tây, huyện Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy), tỉnh Tiền Giang. Chị Thiên là con thứ 6 trong gia đình ông Lê Văn Như và bà Nguyễn Thị Hò. Cả hai ông bà đã được Nhà nước tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba, vì đã có công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông bà đã lần lượt tiễn đưa những người con yêu dấu của mình lên đường chiến đấu. Trong những người đi đã có hai người không trở lại. Hai người ấy là liệt sĩ Lê Văn Tính và nhà giáo -liệt sĩ Lê Thị Thiên.

Ngày 8 tháng  2 năm 1962, chớm 17 tuổi, Lê Thị Thiên xung phong vào bộ đội. Sẵn có kiến thức, chị được cử đi học để hoàn chỉnh chương trình phổ thông. Tháng 12 năm 1962 chị được điều động về  một đơn vị ở miền Đông. Từ đây chị say sưa công tác và hàng ngày chị vẫn tranh thủ thời gian để ghi nhật ký. Cuốn nhật ký  "Thế hệ Hồ Chí Minh" ra đời từ đây.

Tháng 5 năm 1964, Lê Thị Thiên được gọi về Trung ương Cục học lớp Sư phạm tại Trường Giáo dục Tháng Tám, khóa II. Trong 9 tháng học ở trường, Lê Thị Thiên đã miệt mài học tập tiếp thu kiến thức để ra trường truyền dạy cho cán bộ chiến sĩ. Tháng 02/1965 tốt nghiệp, trở lại chiến trường hoạt động, chị đã đem hết tâm huyết của mình vào công tác giảng dạy và sẵn sàng cầm súng chiến đấu. Hình ảnh người nữ giáo viên đầu đội mũ tai bèo, miệng cười tươi, bên mình cài lựu đạn trong tư thế sẵn sàng đánh địch còn đậm mãi trong tâm trí các giáo viên, học viên thời ấy.

Ngày 10 tháng 10 năm 1966, trong một trận vây ráp của địch, Lê Thị Thiên đã cầm súng chiến đấu. Trận chiến không cân sức, cô giáo cầm súng Lê Thị Thiên đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ. Máu của chị đã nhuộm đỏ thêm màu đất miền Đông.

Bốn  năm làm cách mạng, người nữ giáo viên kháng chiến ấy đã trui rèn được một lý tưởng cao đẹp, sống, chiến đấu vì ngày hòa bình của đất nước. Lúc nào chị cũng tự nhắc mình phải phấn đấu nhiều hơn cho cuộc cách mạng vệ Tổ quốc vĩ đại của dân tộc.

Lý tưởng sống  đẹp

http://sgddt.tiengiang.gov.vn/documents/16124/4629301/Co+Thien.jpg/f8946b71-f9c5-4e00-ace1-077f15169b7e?t=1481859510912

Năm 2012, quyển Nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh" được cựu chiến binh Huỳnh Văn Sáng tìm thấy tại chiến trường miền Nam Bộ và được Báo Bình Dương công bố.

Cuốn nhật ký được cẩn thận gói kín bằng 3 lớp ni lông, loại vẫn dùng để bọc trái DKB hỏa tiễn là kỷ vật của một trong 6 liệt sĩ hy sinh được an táng trong khu vườn nhà ông Bảy Sáng ở ấp Xóm Đèn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên (Bình Dương). Cuốn nhật ký vỏn vẹn 35 trang giấy học trò và 6 bức ảnh mà chứa chan ký ức về đồng đội một thời cùng chiến đấu, hy sinh. Trong cuốn nhật ký của mình, chị đã viết to, tô đậm những dòng chữ "quyết tâm sống, chiến đấu như anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi". Sau mỗi trang nhật ký, chị còn tự rút ra cho mình những câu khẩu hiệu viết bằng chữ in hoa: CĂM THÙ > HÀNH ĐỘNG > HỌC TẬP, CÔNG TÁC TỐT; LẠC QUAN, PHẤN KHỞI, TIN TƯỞNG; QUYẾT TÂM SỐNG, CHIẾN ĐẤU NHƯ ANH HÙNG NGUYỄN VĂN TRỖI…Đây như một phương châm, một lời nhắc nhở thường xuyên để chị rèn luyện, biểu tượng cho ý chí, sức mạnh của tuổi trẻ yêu nước bấy giờ. Trong tập nhật ký, 2 chữ Tổ quốc và quyết tâm Vì Tổ quốc được chị Thiên trịnh trọng ghi lại nhiều lần. Tổ quốc đối với chị đẹp rạng rỡ trong tình yêu mãnh liệt. Vì đó mà chị và cả thế hệ của mình đã dấn thân, sẵn sàng chấp nhận mọi đau thương, hy sinh để đấu tranh cho ngày thống nhất đất nước.

Cuốn nhật ký chứa đựng lòng yêu nước, lý tưởng sống cao đẹp và tình cảm trong sáng của nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên giúp tuổi trẻ hôm nay hiểu thêm về gia đình, quê hương của người nữ chiến sĩ cách mạng mới 17 tuổi đã xung phong vào chiến trường đánh Mỹ, và hy sinh khi tuổi đời vừa tròn 21. Những dòng viết rất thật, như chắt lọc từ đáy lòng sâu thẳm, như trải ra với những lời yêu thương, khát khao cống hiến vĩnh viễn, là lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Đôi khi chị tự trách mình, ân hận vì nhiều khi lòng còn vẩn vơ, tư tưởng thiếu tập trung, do đó học tập chưa như mong muốn. Chị quyết tâm phải gạt bỏ mọi ý nghĩ riêng tư, cá nhân. Đồng thời, chị cũng tiếp thu những ý kiến phê bình và coi đó như "thang thuốc bổ, uống vào khỏe mạnh". "Đêm 1-1-1965: "Ta hãy nghĩ đến Tổ quốc nhiều hơn - vì Tổ quốc". Vâng! M. phải cố gắng làm được. Tự kiểm điểm lại mình, M. thấy mình còn thiếu sót là chưa tận tình giúp đỡ những bạn nhỏ tuổi hơn mình, phải quan tâm nhiều hơn những bạn mà tổ Đoàn phân công mình giúp đỡ. Khuyết điểm của mình là nghiên cứu chưa sâu, nắm vấn đề chưa chắc, chưa tập trung hết tư tưởng. Phải cố gắng thật nhiều, "vì nhân dân, vì Tổ quốc vô tư mà học tập".

Cuốn nhật ký của chị là sự kết tinh mọi phẩm chất cao đẹp của thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh. Với những kỳ vọng của Đảng và Nhà nước đối với thanh niên nói riêng và mọi người nói chung thì bài học đầu tiên mà chúng ta phải học, phải thực hành là bài học về tinh thần tận tụy, trách nhiệm cao độ với Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chất lý tưởng trong nhật ký Thế hệ Hồ Chí Minh không chỉ cháy sáng lên một chiều, không chỉ thể hiện ra bên ngoài mà nó còn toả sáng, soi rọi một cách đa chiều vào tận những góc khuất lấp của lòng người.

Truyền lửa cho Thế hệ Hồ Chí Minh hôm nay

Cảm nhận về cuốn nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh" của Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết: "Tôi thật sự xúc động, tự hào và khâm phục khi đọc những dòng nhật ký này. Nhớ lại Nguyễn Văn Trỗi, Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc… cũng lứa tuổi đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết, họ đã sống, chiến đấu xả thân vì Tổ quốc, vì nhân dân…". 

Năm 2013, Tỉnh Đoàn Bình Dương đã phối hợp với Báo Bình Dương, Đài PT-TH Bình Dương tổ chức phát động cuộc thi viết cảm nhận về quyển nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh" của Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên. Sau một thời gian ngắn, cuộc thi đã thu về gần 20.000 bài dự thi từ khắp mọi miền đất nước. Cuộc thi đã thu hút rất nhiều đối tượng gồm học sinh, đoàn viên, công chức trẻ, giáo viên, công nhân, cựu chiến binh…

Tại Tiền Giang, ngày 29/6/2013, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn phối hợp với  Đài PT-TH tỉnh, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Báo Ấp Bắc và Huyện ủy Cai Lậy long trọng tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp lễ phát động đợt sinh hoạt chính trị và cuộc thi viết cảm nhận "Nhật k‎ý Thế hệ Hồ Chí Minh" trên địa bàn tỉnh.

Cuộc thi viết cảm nhận "Nhật ký thế hệ Hồ Chí Minh" nhận được trên 5.000 bài gửi dự thi. Mỗi bài viết đều thể hiện tấm lòng tri ân, tình cảm, thái độ, trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên. Cuộc thi viết cảm nhận "Nhật k‎‎í Thế hệ Hồ Chí Minh" có ý nghĩa chính trị quan trọng qua đó góp phần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống, đạo đức, lý tưởng cách mạng, lòng yêu quê hương đất nước.

Từ khi nhật ký "Thế hệ Hồ Chí Minh" của nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên được công bố, nhiều bạn trẻ, học sinh - sinh viên, người dân trong và ngoài tỉnh Tiền Giang đã tìm đến quê hương của nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên để thắp hương tưởng nhớ người nữ thanh niên giàu lòng yêu nước, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Xuất phát từ thực tế trên, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang đã tổ chức đợt quyên góp trên tinh thần tự nguyện để xây dựng Nhà lưu niệm cho nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên trên phần đất của gia đình hiến tặng.

http://sgddt.tiengiang.gov.vn/documents/16124/4629301/Dong+tho+nha+co+thien.jpg/660a1166-774b-40c7-b48f-8666937248fb?t=1481860865837

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Tiền Giang, chính quyền địa phương và Báo Bình Dương trong nghi thức động thổ xây dựng Nhà lưu niệm nhà giáo - liệt sĩ Lê Thị Thiên

Sắp tới, "địa chỉ đỏ" - Nhà lưu niệm Nhà giáo - Liệt sĩ Lê Thị Thiên sẽ là nơi tổ chức các hoạt động, phục vụ đông đảo nhân dân, thanh thiếu nhi đến tham quan, tưởng niệm; qua đó góp phần làm tốt công tác giáo dục về lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, sẵn sàng cống hiến, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.

Công đoàn Giáo dục Tiền Giang

  


Các tin khác
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen cho các cô giáo Trường Mầm non xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên (16/12/2016)
Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015-2016 và phát động phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học giai đoạn 2016-2020” (19/10/2016)
Hướng tới Lễ tuyên dương nhà giáo và học sinh tiêu biểu năm học 2015 - 2016 (16/10/2016)
Lễ phát động phong trào thi đua “Xây dựng phòng ở kiểu mẫu” năm học 2016-2017 (13/10/2016)
Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT bàn giao nhà ở Mái ấm Công đoàn (10/10/2016)
Khai trương Cổng Thông tin điện tử Công đoàn Việt Nam (02/08/2016)
Hoạt động nhân ngày Thương binh liệt sỹ 27/7 của Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT (28/07/2016)
Giải thể thao Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam (25/07/2016)
Ngày 28/7/2016, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai trương Cổng thông tin điện tử đa phương tiện Công đoàn Việt Nam (25/07/2016)
Công đoàn cơ quan Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác công đoàn (27/06/2016)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18775208
Online: 2284
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn