Tiếp tục vận động cán bộ, viên chức, lao động (CBVC-LĐ) nâng cao nhận thức, tích cực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ và hạnh phúc và tôn vinh, phát huy bản sắc văn hóa và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, các hoạt động nhân ngày Gia đình Việt Nam 28/6 được Công đoàn các cấp tổ chức với nội dung và hình thức luôn đổi mới, thiết thực. Các hoạt động tập trung các hoạt động biểu dương nhân rộng gương gia đình tiêu biểu trong phong trào xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc.
Năm 2016, Công đoàn Đại học Quốc gia TP. HCM và cả Công đoàn trường Bách khoa đều tổ chức các cuộc thi ảnh gia đình hưởng ứng 15 năm ngày Gia đình Việt Nam. “Ấm áp- Yêu thương” là chủ đề chung nhưng hình thức tổ chức có khác biệt. Công đoàn Đại học Quốc gia thi bộ album ảnh của gia đình với những ảnh hoạt động trong vòng 5 năm.Công đoàn trường Đại học Bách khoa mở rộng cuộc thi cho toàn thể các gia đình tại các Công đoàn bộ phận với hình thức một tấm ảnh gia đình và mọi cán bộ trong trường đều có thể tham gia chấm thi online. Cuộc thi ban đầu tưởng như đơn giản nhưng khi triển khai mới thấy được nhiều khó khăn, nhiều kinh nghiệm được đúc kết lại và cả những niềm vui, tình cảm dành cho những người hoạt động Công đoàn.
Để đề cử gia đình tham gia cuộc thi album ảnh, Ban nữ công trưởng ĐHBK đã xem xét, lựa chọn từ các đề xuất của các Công đoàn bộ phận & trực thuộc. Ba gia đình được lựa chọn đại diện cho các độ tuổi và vị trí công tác trong trường. Một gia đình giảng viên ở độ tuổi trên 50 và hai vợ chồng đều là cán bộ Công đoàn; Một gia đình với cả hai vợ chồng đều là giảng viên trẻ của trường, Tiến sĩ và đang giữ vị trí quản lý; Một gia đình với hai vợ chồng đều là chuyên viên trong trường và năng nổ trong các hoạt động phong trào. Các gia đình đều rất vui, hào hứng khi Ban nữ công thông báo về cuộc thi.
Gần đến hạn nộp, 3 gia đình trở nên hơi căng thẳng làm cho Ban nữ công cũng hồi hộp theo.Thầy cô bận nhiều việc nên hình ảnh chụp gia đình rất nhiều nhưng ít khi có đầy đủ các thành viên. Với áp lực công việc tại một trường Đại học và trong giai đoạn cuối năm học thì các công tác chuyên môn đang được vận hành ở cường độ tối đa, thời gian dành cho hoạt động Đoàn thể trở nên thứ yếu.Trong điều kiện này, Ban nữ công linh động đề xuất ba gia đình tập trung hình và sẽ hỗ trợ biên tập lại thành album. Điều làm Ban nữ công cảm động nhất chính là cả ba gia đình đều rất cố gắng và hỗ trợ rất chân thành. Thầy Ánh gửi cho Ban nữ công một album các tấm ảnh thầy đã chọn lọc. Thầy có hai con đều đang học sau đại học tại nước ngoài nên cơ hội ảnh chung rất khó nên mới quý những tấm ảnh ghi nhận lại thời điểm đó. Cô Lam & thầy Hiền, anh Tuyền & chị Hồng trong guồng công việc cuối năm không dứt ra được lúc nào để tìm ảnh. Cô Lam tranh thủ sau cuộc họp, không nghỉ trưa để sắp xếp lại ảnh. Những tin nhắn qua lại, những cuộc gọi nói chuyện thì thào trong các cuộc họp, hội nghị mới hiểu thời gian quý đến thế nào. Với chị Hồng thì việc lựa chọn ảnh là một công cuộc huy động cả gia đình. Những email chị gửi ảnh đôi khi được chuyển tiếp từ mail của ông xã chị với những nội dung rất ngắn gọn: nữa nè, nè em,… làm Ban nữ công khi nhận cũng phải bật cười vì tình cảm của hai anh chị. Là đôi vợ chồng năng nổ trong các hoạt động phong trào nên hình ảnh rất nhiều, khắp nơi nên việc sàng lọc ảnh mang tính đại diện và chỉnh chủ cũng gian nan. Chị nói đêm cuối trước deadline chị về nhà là hì hục tìm và ngủ gục luôn lúc hơn 1h sáng và quên cả…tắm.
Album dự thi của gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hồng (Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên) và anh Đặng Ngọc Tuyền (Phòng Tổ chức Hành chánh)- Giải ba
|
Album dự thi của gia đình PGS.TS. Hồ Phạm Huy Ánh (giảng viên khoa Điện &Điện tử, UV BCH Công đoàn trường Đại học Bách khoa)- Giải khuyến khích
|
Album dự thi của gia đình PGS.TS. Lê Ngọc Quỳnh Lam (trưởng ban Đảm bảo Chất lượng) và TS. Đỗ Ngọc Hiền (phó trưởng khoa Cơ khí)- Giải khuyến khích
|
|
Các abum được Ban nữ công sắp xếp và gửi nộp với mục tiêu tham gia vui là chủ yếu. Đến ngày có kết quả thì Ban nữ công khá bất ngờ với một giải ba và hai khuyến khích. Chị Hồng gần như nhảy cẫng lên khi nghe đoạt giải và câu hỏi tiếp theo mang tính rất trẻ trung và hiện đại: “Em ơi, em post lên facebook chưa? Em có post luôn cái clip lên không?”. “Dạ rồi, website Công đoàn ĐHQG có rồi chị, em post facebook em và tag chị vào luôn rồi đó”. Cô Lam, thầy Ánh rất vui và trả lời tin nhắn ngay. Thầy Ánh viết: “Cảm ơn em và Ban nữ công đã đôn đốc và hỗ trợ hết mình cho các thầy cô có cơ hội tham gia. Làm công tác Công đoàn phải năng động như thế đó.”
Những hoạt động Công đoàn tổ chức phải bám sát mục tiêu nhưng phải đa dạng, phong phú trong hình thức tổ chức là điều không dễ dàng chút nào. Ngoài sự nhiệt tình của Đoàn viên thì đôi khi phải linh động thay đổi hình thức, cánh thức hỗ trợ để việc tham gia trở nên nhẹ nhàng và thoải mái hơn. “Làm công tác Công đoàn là phải năng động”. Cảm ơn thầy đã thấu hiểu và chia sẻ cùng Ban nữ công và những cán bộ Công đoàn. Một chút kinh nghiệm, một bài học nhỏ được đúc kết thông qua một hoạt động thường kỳ sẽ giúp cho hoạt động Công đoàn ngày càng được cải tiến và gần gũi với người lao động hơn.
Lê Thị Hồng Nhan
Công đoàn trường Đại học Bách khoa- ĐHQG TP. Hồ Chí Minh