Công đoàn cơ sở Trường Đại học Y dược – Đại học Huế nét riêng từ hoạt động của một công đoàn cơ sở
(21:35, 20/07/2016)

Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của đội ngũ, cán bộ, nhà giáo và người lao động (CBNGNLĐ) ngành Giáo dục. Trải qua 65 năm xây dựng và phát triển, CĐGD Việt Nam đã từng bước khẳng định được vai trò của mình, luôn phấn đấu vì sự phát triển của ngành Giáo dục, vì quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của CBNGNLĐ. Hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập CĐGD Việt Nam, xin được chia sẻ một vài suy nghĩ và kết quả từ một số hoạt động của Công đoàn cơ sở (CĐCS) Trường Đại học Y Dược - Đại học Huế. 

Trường Đại học Y - Dược, Đại học Huế là trường thành viên thuộc Đại học Huế, năm 2011, nhà trường đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”. Trong những năm qua, CĐCS Trường Đại Y Dược - Đại học Huế đã thực hiện tốt vai trò, vị trí của một tổ chức công đoàn trong việc chỉ đạo các đơn vị công đoàn trực thuộc động viên CBNGNLĐ thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng nhà trường không ngừng lớn mạnh, đạt được những thành tích trân trọng, được khen thưởng của Tổng LĐLĐ Việt Nam, CĐGD Việt Nam, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước và là một trong những CĐCS tiêu biểu xuất sắc được vinh danh nhân kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam năm 2014.

Nói về việc xây dựng phong trào hoạt động của công đoàn thì phần lớn các nội dung hoạt động xuất phát từ các các chủ trương, các cuộc vận động do cấp trên phát động và một số xuất phát từ nhu cầu thực tế của đơn vị, từ nguyện vọng của CBNGNLĐ. Sự khác biệt ở các CĐCS đó là  mức độ triển khai, hiệu quả, giá trị bền vững của một phong trào và nhất là giá trị giáo dục. Mỗi đơn vị công đoàn đều có những đặc thù riêng từ vùng miền, tính cách, nghề nghiệp…  mà việc vận dụng sẽ giúp cho hoạt động công đoàn có hiệu quả. Với đặc thù của một đơn vị có chức năng vừa là thầy giáo, vừa là thầy thuốc, trong những năm qua CĐCS Trường ĐHYD - ĐH Huế đã thực hiện có hiệu quả nhiều hoạt động phong trào, với những nét rất riêng mà chúng tôi đã triển khai dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ và sự hỗ trợ của BGH nhà trường.

*Hoạt động xã hội, một nét đẹp của hoạt động công đoàn

Tổ chức các hoạt động xã hội không chỉ là một chủ trương, một phong trào, một cuộc vận động, mà còn ý nghĩa lớn lao hơn nhiều về mặt giáo dục, tăng cường ý thức, trách nhiệm công dân với cộng đồng, về mối quan tâm và tấm lòng nhân ái cho những đối tượng thiệt thòi trong xã hội, đặc biệt đối với CBNGNLĐ ngành Y sẽ giúp tạo nên một thói quen trong rèn luyện và nâng cao đạo đức ngành nghề và về mặt thực tiễn, việc thực hiện dễ tạo sự đồng lòng, sự góp tay của CBNGNLĐ.  Quyết định số 170 /QĐ-CĐN ngày 15 tháng 10 năm 2013 của BCH CĐGD Việt Nam nhiệm kỳ 2013 - 2018 đã ban hành 6 chương trình hoạt động của CĐGD Việt Nam khoá XIV, trong có chương trình số 4 “Quyên góp xây dựng nhà công vụ, giúp đỡ nhà giáo, người lao động ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” Trong 5 năm qua, cùng với việc thực hiện lời kêu gọi của Bộ GD&ĐT và CĐGD Việt Nam. Công đoàn ĐHYD-ĐH Huế đã thực hiện vận động đóng góp xây dựng nhà Công vụ 6 lần tại Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam theo chủ trương của Công đoàn  ĐH Huế với trị giá trên 100 triệu đồng. Đã đến thăm, tặng đồ dùng cho học sinh, tặng 265 bộ bàn ghế tại các Trường Mẫu giáo, Trường tiểu học, THCS tại Xã, Phường ở vùng xa, xã khó khăn tại Huyện A lưới, Tỉnh Thừa thiên Huế, tại Hà Tĩnh….

Bên cạnh về thực hiện các cuộc vận động theo chủ trương cấp trên, nhằm mục tiêu tăng cường giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm với các thế hệ thầy thuốc trẻ, góp phần rèn luyện phẩm chất, đạo đức ngành nghề cho CBNGNLĐ và cả sinh viên. Công đoàn Trường ĐHY Dược còn xây dựng các chương hoạt động xã hội truyền thống bền vững mà mỗi hoạt động đều có sự góp sức của mỗi một đoàn viên công đoàn  như:

1.Chương trình “Phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng”: Nhà trường đã nhận phụng dưỡng suốt đời cho 2 mẹ VNAH. Đây là chương trình mà tất cả các tổ công đoàn đều đến thăm, theo dõi sức khoẻ 2 lần mỗi tháng, tặng quà và chăm lo cho mẹ khi ốm đau.

2. Chương trình “Khám sức khoẻ, phát thuốc, tặng quà” tổ chức định kỳ 2-3 lần/năm cho đối tượng học sinh thiệt thòi, nhằm chăm sóc sức khoẻ cho các em học sinh ở  Trường mù Tỉnh Thừa thiên Huế, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi ở An Hoà, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em mồ côi ở Xuân phú, Trung tâm nuôi dưỡng trẻ em đường phố. Trong 5 năm qua đã tổ chức được 12 lần với tổng chi phí trên 60 triệu.

3. Chương trình “Học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học” là chương trình học bổng ngoài học bổng của Nhà trường & của dự án, từ các thầy cô giáo, cựu sinh viên của trường tài trợ. Được thực hiện từ năm 1998 đến nay, chỉ tính từ năm học 2010 đến 2015 Công đoàn đã thực hiện cấp 1199 suất học bổng cho các sinh viên nghèo, hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn của Trường ĐHYD - ĐH Huế với trị giá gần 2,9 tỷ đồng

4. Chương trình "Gói quà mùa xuân cho đối tượng thiệt thòi", là chương trình tặng quà nhân dịp tết Âm lịch cho các học sinh, các đối tượng xã hội sống tại các trung tâm xã hội, tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ em lang thang cơ nhỡ. Từ 2010 đến nay mỗi năm thực hiện tặng từ 300 đến 350 phần quà do chính các CBNGNLĐ  đóng góp  với tổng trị giá trên 150 triệu đồng.

5. Chương trình “Bát cháo nghĩa tình” tổ chức cấp phát miễn phí các suất cơm, cháo cho bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Trường ĐHYD - ĐH Huế hằng tuần. Chỉ trong 2 năm đã cấp được hơn 1000 suất cơm, 21.500 suất cháo cho bệnh nhân với trị giá gần 180 triệu đồng.

6. Thực hiện các hoạt động xã hội khác như: Đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa ,ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ biển đảo, cứu trợ đồng bào bão lụt, khám bệnh cấp thuốc và tặng quà cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, cho các đối tượng gia đình chính sách, với tổng chi phí trong 5 năm qua gần 800 triệu đồng, các hoạt động ngân hàng máu sống và hiến máu cứu sống bệnh nhân với hàng trăm đơn vị máu, chương trình thắp hương tri ân thầy cô giáo, CBNGNLĐ đã mất nhân ngày 20/11 và nhân dịp tết cổ truyền hằng năm.

* Công đoàn với phong trào Lao động sáng tạo phục vụ công tác chuyên môn

Ngoài việc thường xuyên động viên đoàn viên phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao chất lượng, khám chữa bệnh thì những hoạt động rất đặc thù của công đoàn đã góp phần trong công tác chuyên môn của nhà trường như tổ chức “Hội nghị khoa học nữ” truyền thống của ban nữ công nhân ngày 8/3 hằng năm. Đến nay đã thực hiện được 19 lần liên tục với hằng trăm đề tài của riêng cán bộ nữ, “Hội thi quy tắc ứng xử”, “Hội thi kỹ năng giao tiếp trong ngành y tế”, “Hội thi tay nghề Điều dưỡng”, “Hội thi bàn tay sạch cứu sống bệnh nhân”, …đã tạo ra một môi trường lành mạnh, tạo niềm tin cho bệnh nhân trong công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế. Đặc biệt là phong trào thi đua “Lao động sáng tạo”.

Kể từ ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, đã trở thành động lực tinh thần to lớn, góp thêm sức mạnh cho “người người thi đua, ngành ngành thi đua, nhà nhà thi đua”, phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và là định hướng quan trọng để tổ chức các phong trào thi đua. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, toàn thể CBNGNLĐ, học viên, sinh viên của nhiều thế hệ đã phấn đấu không ngừng để Trường Đại Học Y Dược - ĐH Huế vững vàng tiếp bước trên con đường hội nhập, phát triển và là một trong những vấn đề mà Đảng uỷ, BGH Trường Đại học y Dược - ĐH Huế luôn quan tâm chỉ đạo. Công đoàn với vai trò của mình đã động viên CBNGNLĐ hưởng ứng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trọng tâm của nhà trường.             

Nói đến Lao động sáng tạo (LĐST), đa số thường nghĩ đến những vấn đề hết sức to tác, hết sức hàn lâm và xem như là những công việc của chỉ cán bộ giảng dạy, của các bác sỹ .v.v... Vậy làm thế nào để phong trào LĐST có thể đi vào cuộc sống hàng ngày, làm thế nào để phát huy sáng kiến, thực hiện tiết kiệm và tận dụng hết khả năng hiện có của CBNGNLĐ, của các trang thiết bị tại đơn vị, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác trên mọi lĩnh vực của nhà trường. Thực tế sau 12 năm thực hiện và tổ chức định kỳ 2 năm một lần nhân dịp 20/11, đến nay Công đoàn đã tổ chức được 6 kỳ Hội nghị LĐST với gần 150 đề tài sáng kiến cải tiến tham gia báo cáo ở các cấp. Nhiều đề tài sáng kiến có nội dung phong phú liên quan đến những công việc bức thiết hàng ngày trong giảng dạy, phục vụ giảng dạy, khám chữa bệnh, bảo vệ môi trường, tăng cường tiết kiệm. Phòng trào LĐST đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của không chỉ của các nhà khoa học, của CBGD, của bác sỹ điều trị, mà còn lan rộng trong tất cả các đối tượng từ nhân viên phục vụ, kỹ thuật viên, từ cô điều dưỡng, chị y công đến các nhân viên phòng ban, cán bộ hành chính. Với số lượng đề tài gia tăng, số người tham gia cũng tăng. Nếu Hội nghị LĐST lần I (2004) chỉ 21 đề tài với 42 người tham gia thì Hội nghị LĐST lần III (2008) đã có 37 đề tài với 98 người tham gia. Có những đề tài đã đem lại lợi ích kinh tế lớn và cũng có những đề tài đem lại giá trị tinh thần, giá trị nhân văn có ý nghĩa lớn lao trong giáo dục Y đức. Từ hoạt động này, một số các đề tài sáng tạo có chất lượng đã được chọn tham gia các Hội nghị sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp Tỉnh, Trung ương và đạt được nhiều giải thưởng. Từ năm 2005 đến nay đã có 44 cán bộ của tTrường được Chủ tịch Tổng  LĐLĐVN tặng Bằng Lao động sáng tạo .

Lễ trao học bổng cho sinh viên nghèo hiếu học

Chủ tịch LH Hội KHKT Tỉnh TTH & Hiệu Trưởng trường ĐHYD Huế trao giải Nhất
cho tác giả tại HN LĐST Trường Đại học Y Dược Huế, lần VI, 2014

 

LĐST là phẩm chất cao quý của người lao động trong mọi lĩnh vực công tác, đó còn là yêu cầu khách quan của sự tồn tại và phát triển của mỗi một đơn vị. Hoạt động xã hội sẽ giúp chúng ta có trách nhiệm hơn nữa với cộng đồng, với nghề nghiệp với cá nhân, để thấy ấm lòng hơn khi có một phần của mình trong đó... Những kết quả tốt đẹp từ phong trào hoạt động của CĐCS Trường ĐHYD – ĐH Huế (nói riêng) và của các CĐCS (nói chung) trong hệ thống CĐGD Việt Nam sẽ là những bông hoa tươi thắm dâng tặng kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển của CĐGD Việt Nam.

Trần Văn Hoà - Chủ tịch CĐCS Trường ĐHYD-ĐHH

  


Các tin khác
Công đoàn Trường THPT Nguyễn Trãi, Tỉnh Thái Bình Tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động (20/07/2016)
Vai trò của Công đoàn Trường ĐH Giao Thông Vận tải trong hoạt động chuyên môn (20/07/2016)
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG 65 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG CỦA CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM, ĐÁP ỨNG TÌNH HÌNH, NHIỆM VỤ MỚI (20/07/2016)
Công Đoàn Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh 20 năm - Một chặng đường phát triển (18/07/2016)
Công đoàn Đại học Thái Nguyên quan tâm chăm lo đời sống cán bộ, viên chức, lao động (15/07/2016)
Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các cơ sở giáo dục (14/07/2016)
Nữ cán bộ, nhà giáo và người lao động ngành Giáo dục - Đào tạo Khánh Hòa với phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” giai đoạn 5 năm (2010 - 2015) (07/07/2016)
CĐGD Lào Cai với phong trào “Phòng giúp phòng, trường giúp trường” (07/07/2016)
CĐGD Phú Thọ Chăm lo đời sống cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động (07/07/2016)
CĐGD Nghệ An hướng tới kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam (07/07/2016)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18778551
Online: 318
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn