CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC VÀ CÁC CUỘC VẬN ĐỘNG TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, NHÀ GIÁO VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TẠO ĐỘNG LỰC THỰC HIỆN THẮNG LỢI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
(23:25, 05/07/2016)
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH
PHONG TRÀO THI  ĐUA YÊU NƯỚC VÀ CÁC CUỘC VẬN ĐỘNG
TRONG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, NHÀ GIÁO VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG
TẠO ĐỘNG LỰC THỰC HIỆN THẮNG LỢI SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI
CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

TS. Phạm Văn Thanh - Nguyên Phó Chủ tịch CĐGD Việt Nam

Năm 2016, Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam, đội ngũ nhà giáo và người lao động ngành Giáo dục tổ chức kỷ niệm 65 năm ngày thành lập CĐGD Việt Nam(22/7/1951 - 22/7/2016). Trong 65 năm qua, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), CĐGD Việt Nam thường xuyên tổ chức và động viên đội ngũ nhà giáo và người lao động trong ngành tích cực hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động với tinh thần “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”.Trong ngành giáo dục, thi đua là hoạt động có tổ chức của các trường học, đơn vị giáo dục nhằm động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân và tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục đào tạo, thực hiện nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Từ ngày thành lập đến nay, CĐGD Việt Nam đã tổ chức động viên các thế hệ nhà giáo và người lao động trong ngành phát huy truyền thống yêu nước, yêu nghề, liên hệ mật thiết với các tầng lớp nhân dân, nhân ái, vị tha, tận tụy với sự nghiệp giáo dục - đào tạo, cần cù, sáng tạo, gương mẫu hưởng ứng và thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong ngành. Tiêu biểu là phong trào thi đua diệt “giặc dốt” sau Cách mạng Tháng Tám và trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp; phong trào “bình dân học vụ” thanh toán nạn mù chữ cho các tỉnh miền xuôi của miền Bắc vừa mới được giải phóng từ năm 1954 đến cuối năm 1958. Khi miền Bắc bước vào giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng (1960), phong trào thi đua Ái quốc được đổi tên thành “Phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa” và ngày 7/7/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Năm học này, …, các trường cũng nên phát động một phong trào thi đua Hai tốt là dạy thật tốt, học thật tốt”. Ngày 18/10/1961, Bộ Giáo dục phối hợp với CĐGD Việt Nam chính thức phát động phong trào thi đua “Hai tốt” trong toàn ngành với nội hàm “Dạy tốt - Học tốt”.

Phong trào thi đua “Hai tốt” với nội dung cốt lõi, xuyên suốt là “Dạy tốt - Học tốt” trở thành truyền thống trong phong trào thi đua yêu nước của ngành Giáo dục, kể từ năm 1961 đến nay.Giáo viên, giảng viên là lực lượng nòng cốt trong phong trào thi đua dạy tốt; học sinh, sinh viên là lực lượng nòng cốt của phong trào học tốt.Phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt” phát triển sâu rộng trong toàn ngành, kể cả trong những thời điểm đất nước gặp khó khăn. Đặc biệt, trong những năm chống Mỹ cứu nước, mặc cho mưa bom, bão đạn của kẻ thù, thầy và trò ở miền Bắc và vùng giải phóng vẫn kiên cường bám trường, bám lớp thực hiện lời dạy của Bác: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt, học tốt”.

Trong mỗi giai đoạn cách mạng, xuất phát từ thực tiễn của ngành, thực tiễn đội ngũ nhà giáo và người lao động, gắn với phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, CĐGD Việt Nam đã đề xuất và phối hợp với Bộ GD&ĐT phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả những cuộc vận động và phong trào quần chúng, mang tính ngành nghề sâu sắc nhằm giáo dục, động viên đội ngũ nhà giáo và người lao động rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức, lập trường chính trị tư tưởng, ý thức tổ chức, kỷ luật, học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp dạy học, nghiên cứu khoa học, tạo động lực to lớn hoàn thành nhiệm vụ chính trị do Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho. Tiêu biểu là cuộc vận động “giáo viên tự học tập, tích lũy thường xuyên về văn hóa, nghiệp vụ” (1967); cuộc vận động giáo viên “Nâng cao hiệu suất giờ lên lớp và tự học tập tích lũy thường xuyên” (1973); cuộc vận động “ Đã là giáo viên phải là người tiên tiến” (1974); cuộc vận động “Dân chủ hóa trường học” (1989); phong trào thi đua “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” trong đội ngũ nữ nhà giáo và người lao động” (1989);cuộc vận động “Xã hội hóa giáo dục” (1990); cuộc vận động “Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm” (1993) và được nâng lên thành cuộc vận động “Dân chủ - Kỷ cương - Tình Thương - Trách nhiệm” (2003); cuộc vận động “Quyên góp hỗ trợ giáo dục miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn” (2000) với mục tiêu cơ bản là xây nhà công vụ cho giáo viên; cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” (2007); v.v.

Trong những năm gần đây, phong trào thi đua yêu nước, “Dạy tốt - Học tốt” và việc thực hiện các cuộc vận động tiếp tục phát triển sâu rộng trong toàn ngành, với tinh thần mới, khí thế mới.Dân chủ ở các trường học và đơn vị giáo dục được tăng cường, thực sự phát huy nội lực của mỗi nhà trường, đơn vị và của toàn ngành, nâng cao khả năng huy động các nguồn lực của xã hội, tạo động lực to lớn, cùng toàn ngành chấn chỉnh kỷ cương, nền nếp dạy và học, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục, đào tạo lành mạnh; xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên, thiết bị giáo dục, phòng thí nghiệm, thư viện theo hướng hiện đại,thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Từ đó góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng của đất nước.

Thông qua phong trào thi đua yêu nước, “Dạy tốt - Học tốt” và thực hiện các cuộc vận động, CĐGD các cấp góp phầnđào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày càng vững mạnh, có phẩm chất chính trị, đạo đức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng nâng cao. Khi thành lập CĐGD Việt Nam (1951),trong kháng chiến chống Pháp, đội ngũ nhà giáo chỉ có mấy ngàn người, chủ yếu là giáo viên tiểu học và trung học, trình độ chuyên môn còn rất hạn chế. Năm 1982, trên cả nước đội ngũ nhà giáo có gần 40 vạn giáo viên phổ thông, 11.900 giáo viên trung học chuyên nghiệp và 17.300 giảng viên đại học, trong đó 8,6% giảng viên đại học có trình độ tiến sĩ (TS). Ngày nay, đội ngũ nhà giáo nước ta là lực lượng hùng hậu có mặt ở tất cả các cấp học, năm học 2014 - 2015, trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhà giáo trực tiếp đứng lớp có 1.236.488 người; hàng năm trong ngành Giáo dục có gần 3 vạn nhà giáo được kết nạp vào đảng, tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo ở nhiều địa phương, đơn vị trường học đạt trên 40%. Ở giáo dục mầm non có 277.684 giáo viên, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 97,8%. Ở giáo dục phổ thông có 856.730 giáo viên, trong đó ở tiều học có 392.136 giáo viên, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 99,61%; ở THCS có 312.587 giáo viên, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 99,58%; ở THPT có 152.007 giáo viên, tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên là 99,03%. Ở các trườngtrung cấp chuyên nghiệp có 10.911 giáo viên, trong đó có 189 TS (1,7%) và 2.481 thạc sĩ (22,7%). Ởcác trường cao đẳng có 25.519 giảng viên, trong đó có 575 TS (2,3%) và 11.798 thạc sĩ (46,2%). Ở các trường đại học có 65.644 giảng viên, trong đó có 10.424 TS (15,9%) và 37.090 thạc sĩ (53,4%).

Từ thực tiễn thực hiện phong trào thi đua yêu nước, “Dạy tốt - Học tốt” và thực tiễn thực hiện các cuộc vận động, trong ngành Giáo dục đã xuất hiện nhiều tập thể trường học, đơn vị và cá nhân nhà giáo, cán bộ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, năng động, sáng tạo, tìm tòi những cách làm mới để đẩy mạnh và phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, là những gương điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc được Đảng, Nhà nướckhen thưởng và tôn vinh. Tiêu biểu là 88 tập thể và 90 cá nhân được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động trong các thời kỳ. Và từ năm 1988 đến năm 2014, qua 13 lần xét duyệtđã có 567 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân và 7.416 nhà giáo được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ư tú. Tập thể các trường học và đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, như: Trường Mẫu giáo Chim Non, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Trường Tiểu học Trần Phú, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang; Trường phổ thông dân tộc nội trú huyện Mộc Châu, Sơn La; Xã Cẩm Bình, tỉnh Hà Tĩnh; Trường THCS Bắc Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam; Trường THCS Kim Đồng, thị xã Hội An, tỉnh Quảng Nam; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, tỉnh Nam Định; Trường THPT chuyên ban Châu Văn Liêm, Cần Thơ; Trường Thanh niên Lao động XHCN Hòa Bình; Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải (Bộ GTVT); Trường Đại học Bách khoa Hà nội; Trường Đại học Vinh; Trường Đại học Y Dược, Đại học Huế; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh; Khoa Nông nghiệp, thường Đại học Cần Thơ; Khoa Hóa học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà nội; Bộ môn Khai thác Hầm lò, Khoa Mỏ, trường Đại học Mỏ - Địa chất, v.v. Trong đó, Trường THCS Bắc Lý (Hà Nam) hai lần Anh hùng lao động vào nặm 1985 và năm 2000, trở thành điểm sáng tiêu biểu trong phong trào thi đua “Hai tốt”. 

Những gương điển hình tiên tiến thực sự là gương sáng để đồng nghiệp noi theo, xã hội tôn vinh; tập thể và cá nhân được khen thưởng đã và đang phát huy tốt tác dụng ảnh hưởng trong toàn ngành và xã hội. Các gương điển hình tiên tiến trong ngành đã thực sự có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Sản phẩm mà các nhà giáo, nhà khoa học điển hình của ngành Giáo dục mang lại không chỉ còn là sản phẩm vô hình, mà họ đã và đang cùng các ngành nghề trong xã hội tạo ra những sản phẩm hữu hình mang hàm lượng công nghệ và trí tuệ cao, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước, “Dạy tốt - Học tốt” và các cuộc vận động trong ngành của CĐGD các cấp còn có những hạn chế, bất cập.Công tác thi đua ở một số cơ sở trường học, đơn vị giáo dục còn yếu và hình thức,chưa được quan tâm đúng mức, nặng về khen thưởng địnhkỳ, dẫn đến việc khen thưởng chưa đánh giá đúng thực chất, không khuyến khích động viên được nhà giáo và người lao động. Phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều giữa các khối trường, giữa các vùng miền, cấp học, bậc học.Các cuộc vận động chưa kết hợp chặt chẽ với việc nâng cao hiệu quả và chất lượng giáo dục, đào tạo.Công tác tuyên truyền, giáo dục, phát hiện và nhân các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua và các cuộc vận động còn chậm, chưa được chú ý đúng mức. Việc cụ thể hóa các tiêu chí thi đua, kiểm tra đánh giá, kết quả thi đua và các cuộc vận động ở một số đơn vị chưa thật sâu sát với thực tiễn của ngành, địa phương và đơn vị. Việc biểu dương, khen thưởng đôi lúc còn thiếu kịp thời, một số đơn vị còn thiếu dân chủ trong việc đánh giá thành tích, xét khen thưởng và phong tặng danh hiệu thi đua. Bộ máy và cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng ở nhiều đơn vị giáo dục còn thiếu và yếu về nghiệp vụ.

3. Trong thời gian tới, sự nghiệp đổi mới đất nước tiếp tục được đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ trên tất cả các mặt của đời sống xã hội và để thực hiện sự nghiệp đó trong thời kỳ hội nhập quốc tế, Đại hội XII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ tổng quát cần phải thực hiện là “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ; phát huy vai trò quốc sách hàng đầu của giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước” [1, tr.77]. Để góp phần thực hiện phương hướng, nhiệm vụ trên của ngành, CĐGD các cấp xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của mình, phối hợp với chính quyền đồng cấp tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động, tạo động lực thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Trong đó, CĐGD các cấp cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, nắm vững mục tiêu và nguyên tắc thi đua, khen thưởng trong tình hình mới, lấy nhiệm vụ trọng tâm của ngành, của nhà trường, đơn vị “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” đểlàm nội dung thi đua, phát huy mọi sáng kiến của các tập thể, cá nhân, tương trợ, đoàn kết, đua sức, đua tài phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao của ngành, của mỗi tập thể trường học, đơn vị và của mỗi cá nhân. Thực hiện đầy đủ các nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai, đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển trong công tác thi đua. Phát huy vai trò, trách nhiệm gương mẫu,tiên phong thực hiện phong trào thi đua và các cuộc vận động của các đồng chí trong cấp ủy đảng, thủ trưởng và lãnh đạo cơ quan, đơn vị và các đồng chí trong ban chấp hành công đoàn các cấp.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, vận động cán bộ, nhà giáo và người lao động tích cực tham gia phong trào thi đua và thực hiện các cuộc vận động. Tuyên truyền, vận động quần chúng là một nghệ thuật, do đó khi thực hiện công tác này, cán bộ công đoàn cần linh hoạt, đi sâu vào tâm tư nguyện vọng của nhà giáo và người lao động, tránh tuyên truyền, vận động khô cứng, hình thức. Nội dung phát động thi đua cần đi vào thực chất với nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm của đơn vị; từ đó làm cho nhà giáo và người lao động tự nguyện, tự giác tổ chức phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả trong công tác hàng ngày của ho. Tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách mới của Đảng, pháp luật của Nhà nước, qui định của ngành Giáo dục và Tổng LĐLD Việt Nam về thi đua, khen thưởng; hoàn thiện hệ thống văn bản qui định về công tác thi đua, khen thưởng của ngành, của CĐGD Việt Nam và của mỗi đơn vị.

Ba là, CĐGD các cấp phải thực sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo và người lao động về kết quả thực hiện phong trào thi đua và thực hiện các cuộc vận động, trọng tâm là thực hiện việc bình xét các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng cho tập thể và cá nhân bảo đảm dân chủ, công khai, chính xác, công bằng và kịp thời. Khen thưởng là một mặt rất quan trọng của công tác thi đua.Khen thưởng đúng thì sẽ có tác dụng tốt, tích cực, đẩy mạnh phong trào thi đua; ngược lại, khen thưởng không đúng, thì sẽ phản tác dụng, thậm chí làm triệt tiêu động lực thi đua. Do đó, người cán bộ công đoàn cần nắm vững mục tiêu, nguyên tắc và tiêu chuẩn khen thưởng để ghi nhận, biểu dương, tôn vinh đúng công trạng đối với những cá nhân và tập thể có thành tích trong phong trào thi đua và tổ chức thực hiện các cuộc vận động. Khen thưởng cần kết hợp chặt chẽ giữa động viên tinh thần với khuyễn khích bằng lợi ích vật chất.

Bốn là, đổi mới công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thi đua và khen thưởng của CĐGD các cấp; đồng thời đổi mới việc phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt từ thực tiễn; chú trọng khen thưởng những tập thể nhỏ, khen thưởng giáo viên, giảng viên và người lao động trực tiếp, nữ nhà giáo, nhà giáo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biển đảo và vùng đăc biệt khó khăn. Gắn kết chặt chẽ công tác thi đua, khen thưởng với công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền để biểu dương tôn vinh các điển hình tiên tiến, tạo sức lan tỏa trong ngành và trong xã hội. Do đó, đòi hỏi bộ CĐGD các cấp phải thực sự sâu sát cơ sở, nhạy bén với những vấn đề mới, nhân tố mới từ thực tiễn giáo dục ở mỗi trường học, đơn vị giáo dục của mỗi vùng, miền và mỗi cấp học, bậc học.

Năm là, tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động công đoàn; kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác thi đua, khen thưởng, công tác tổ chức thực hiện các cuộc vận động cho đội ngũ cán bộ CĐGD các cấp, trực tiếp là đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở trường học, đơn vị giáo dục - những người thường xuyên công tác, hoạt động hàng ngày với đội ngũ nhà giáo và người lao động. Nâng cao trách nhiệm của các cán bộ công đoàn khi tham gia Hội đồng thi đua, khen thưởng các cấp trong việc đề xuất, tham mưu nội dung các phong trào thi đua, xét công nhận các danh hiệu đua và các hình thức khen thưởng.

Kết luận, phát huy truyền thống thi đua yêu nước, thi đua“Dạy tốt - Học tốt”, truyền thống phát hiện, đề xuất và tổ chức tốt các cuộc vận động trong đội ngũ nhà giáo, người lao động và căn cứ vào nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục trong giai đoạn hiện nay, CĐGD các cấp phối hợp với chính quyền đồng cấp phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực, chủ động, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, nhà giáo và người lao động đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và các cuộc vận động trong ngành, tạo động lực to lớn thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

1.Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà nội - 2016.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành TW, số 39 - CT-TW, Chỉ thị của Bộ Chính trị “về việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, ngày 21/5/2004.

3.Bộ GD&ĐT, Kỷ niệm 70 nặm nền Giáo dục Việt Nam (1945-2015) và Đại hội Thi đua yêu nước ngành Giáo dục lần thứ VI, Hà Nội, tháng 9 nặm 2015.

4. Bộ GD&ĐT, Thống kê giáo dục và đào tạo năm học 2014-2015, Hà Nội, năm 2015.

5.Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Lịch sử 50 năm Công đoàn Giáo dục Việt Nam 1951-2001, Nxb Lao động,Hà Nội, tháng 6 năm 2001.

6. Tổng LĐLĐ Việt Nam, CĐGD Việt Nam, “Công đoàn Giáo dục Việt Nam 60 năm xây dựng và phát triển 22/7/1951 - 22/7/2011”, Nxb Giáo dục Việt Nam, tháng 7 năm 2011.

7. Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Tài liệu hội nghị sơ kết nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV Công đoàn Giáo dục Việt Nam và sơ kết học kỳ I năm học 2015-2016, Hà Nội, tháng 01 năm 2016.

 

  


Các tin khác
DANH SÁCH CÁC ĐƠN VỊ CHƯA GỬI BÁO CÁO TỔNG KẾT HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN NĂM HỌC 2015 - 2016 (Tính đến hết ngày 20/6/2016) (22/06/2016)
Một số nội dung quy định của Luật pḥòng, chống tác hại của thuốc lá (25/05/2016)
(NHÂN DÂN) - Sáng mãi tên người Hồ Chí Minh (19/05/2016)
Thông tư số 08/2016/TT-BGDĐT: Thông tư Quy định chế độ giảm định mức giờ dạy cho giáo viên, giảng viên làm công tác công đoàn không chuyên trách trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (31/03/2016)
Tiêu chuẩn, thang điểm phân loại hoạt động ủy ban kiểm tra công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và công đoàn cơ sở khối trực thuộc (16/03/2016)
(ĐCSVN) - Tuyên truyền cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 (10/03/2016)
Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930-3-2-2016): Nghĩ về hai chữ Đảng ta (02/02/2016)
Nghị quyết hội nghị lần thứ IX Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Việt Nam về “Nâng cao đời sống văn hóa của nhà giáo và người lao động” (27/01/2016)
Một số chính sách mới có hiệu lực từ tháng 01 năm 2016 (30/12/2015)
Tổng hợp số liệu đăng ký thi đua năm học 2015 - 2016 (30/11/2015)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18770757
Online: 7
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn