Trong quá trình công tác, đồng chí Nguyễn Viết Cường - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Trung tâm, Chủ tịch Công đoàn TTGDTX&DN Yên Lạc đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, tự mình tìm ra phương hướng để giải quyết việc làm cho các học viên sau đào tạo tại đơn vị mình.
Đồng chí Nguyễn Viết Cường tại phòng dạy nghề của Trung tâm
Những ngày đầu trăn trở
Là một giáo viên tiếng Anh, năm 1997, Nguyễn Viết Cường được Sở GDĐT phân công công tác tại Trung tâm GDTX&DN Yên Lạc. So với các bạn cùng tốt nghiệp đại học, ra trường, được bố trí công tác tại các trường THPT, anh không khỏi cảm thấy đôi chút chạnh lòng. Song, khi bắt tay vào công tác giảng dạy tại trung tâm, hòa mình với công việc, với thầy trò trong môi trường mới, đồng chí đã tìm thấy sự đam mê, hứng khởi.
Ngoài dạy văn hóa, đồng chí là Bí thư Đoàn thanh niên, phụ trách công tác liên kết đào tạo các lớp Trung cấp chuyên nghiệp (TCCN). Đảm nhận nhiệm vụ mở rộng giao lưu, liân kết với các cơ sở giáo dục khác để đa dạng hóa các ngành học cho người dân trên địa bàn, Nguyễn Viết Cường đã cảm nhận được công việc đang làm phù hợp với khả năng, năng lực và sở trường của anh.
Từ năm 2004 trở về trước, nhiệm vụ của các Trung tâm GDTX chỉ đơn thuần là dạy bổ túc THPT và liên kết để dạy các lớp TCCN, phối hợp với các trường Cao đẳng, Đại học để mở các lớp đào tạo trình độ Cao đẳng, Đại học tại chức cho cán bộ và người dân trên địa bàn có nhu cầu học tập. Nhưng từ năm 2005 trở lại đây, trung tâm GDTX được bổ sung chức năng dạy nghề.
Thực tế, kinh phí đầu tư của UBND hàng năm cho các trang thiết bị dạy nghề khó có thể giúp các học viên vừa học, vừa thực hành để nâng cao trình độ tay nghề, đã vậy để tìm lời giải cho bài toán học viên khi học xong có thể tìm được việc làm, Nguyễn Viết Cường luôn trăn trở, suy nghĩ. Và câu trả lời là phải phối kết hợp với doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề khác để tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật, đồng thời giới thiệu việc làm cho học viên khi hoàn thành khóa đào tạo, với phương châm 3 bên gồm doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề, người học đều được hưởng lợi. Đề tài sáng kiến kinh nghiệm “Biện pháp phối kết hợp với doanh nghiệp, cơ sở giáo dục để quản lý đào tạo nghề cho học sinh, gắn việc đào tạo và giải quyết việc làm cho người sau đào tạo” được ra đời, triển khai và áp dụng.
Quyết tâm thực hiện
Nội dung của sáng kiến chỉ ra rằng, các cơ sở giáo dục liên kết sẽ cho mượn các trang thiết bị còn thiếu khi trung tâm đã ký kết dạy nghề cho học sinh; Doanh nghiệp đầu tư trang thiết bị cho trung tâm thành lập xưởng trường và trung tâm có nhiệm vụ thu hút học sinh để đào tạo.
Trong quá trình triển khai ý tưởng, Nguyễn Viết Cường đã gặp không ít khó khăn, vất vả. Anh tâm sự “đôi khi cũng cảm thấy mệt mỏi và có phần hơi nản”. Song với quyết tâm cao của bản thân, ước mơ cháy bỏng của tuổi trẻ muốn làm một việc gì đó có ích cho xã hội, được sự ủng hộ, tạo điều kiện của đồng chí Giám đốc trung tâm, của đồng nghiệp và các đối tác liên quan, Nguyễn Viết Cường đã quyết tâm theo đuổi đến cùng ý tưởng của mình.
Anh đã liên hệ với các cơ sở đào tạo như: Trường Cao đẳng nghề Việt Đức, Trung cấp Kỹ thuật Vĩnh Phúc, Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên, Trung cấp Xây dựng số 4 và các doanh nghiệp: Trung tâm Dạy nghề Minh Tiến, Xí nghiệp may Minh Hà để đầu tư trang thiết bị thành lập các xưởng sản xuất. Có cơ sở vật chất, có nguồn nhân lực nhưng sản phẩm làm ra sẽ tiêu thụ đi đâu, đây lại là bài toán khó. Nguyễn Viết Cường tiếp tục liên hệ với các công ty để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
Bằng những việc làm cụ thể, bằng tình yêu nghề và sự nhiệt tình trong công việc những bước đi nhỏ bé, nhọc nhằn ấy đã đem lại thành công rực rỡ cho trung tâm. Cụ thể, học sinh sau khi học nghề tại đơn vị, được giới thiệu việc làm tại các công ty như: Tổng công ty Xây dựng cầu Thăng Long; Công ty điện tử Viana tại Vĩnh Yên, Công ty Samsung Bắc Ninh - Thái Nguyên và nhiều doanh nghiệp khác. Học sinh học nghề may được nhận làm việc tại Xưởng thực hành của trung tâm với mức lương từ 3,5 – 6,5 triệu đồng/ tháng.
Cho đến nay TTGDTX&DN Yên Lạc đã giải quyết việc làm cho học sinh và lao động trẻ trên địa bàn huyện Yên Lạc với tổng số 517 người. Trong đó may công nghiệp là 320 em, điện tử dân dụng là 27 em, điện công nghiệp, điện dân dụng – mỗi ngành 35 em có việc làm; con số này ở ngành cốt thép hàn là 45, điện toán máy vi tính là 55 em.
Khi được hỏi về người cấp phó của mình, đồng chí Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Trung tâm GDTX&DN Yên Lạc nhận xét: Đồng chí Cường là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn. Ở bất cứ cương vị nào, đồng chí luôn gương mẫu chấp hành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với cương vị là Chủ tịch Công đoàn Trung tâm, đồng chí có khả năng tập hợp và vận động quần chúng rất tốt, luôn coi Trung tâm là một gia đình nhỏ của mình, trên tư tưởng đó đồng chí đã tạo thành một khối đoàn kết thống nhất và trách nhiệm góp phần vào xây dựng Trung tâm có nội bộ đoàn kết và là đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba. Thầy Cường là một tấm gương sáng cho đồng nghiệp học tập, học sinh yêu quý và phụ huynh tin tưởng”.
Trong quá trình công tác đồng chí Nguyễn Viết Cường liên tục đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh và được Bộ Giáo dục tặng Bằng khen. Mới đây, đồng chí được tuyên dương khen thưởng trong Hội nghị điển hình tiên tiến của ngành và được tôn vinh trong Hội nghị điển hình tiên tiến của Liên đoàn Lao động tỉnh.
Kiều Nguyệt - Công đoàn GD Vĩnh Phúc