Trong thời gian qua, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã cùng chung tay góp sức với Hội nạn nhân chất độc da cam nhằm an ủi, động viên tinh thần và giúp đỡ về vật chất cho nạn nhân chất độc da cam vượt qua khó khăn, phấn đấu vươn lên để hòa nhập với cộng đồng.
Nhân Tháng hành động vì trẻ em và ngày Quốc tế thiếu nhi 01/6/2015, đây là lần thứ hai Đại học Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp "Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam" để vận động quỹ chăm sóc, giúp đỡ hơn 5.000 nạn nhân đang sinh hoạt và học tập tại 03 cơ sở thuộc Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh thành phố Đà Nẵng.
Tối 17-5, tại Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng diễn ra chương trình “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam” do Đảng ủy khối các cơ quan, Đại học Đà Nẵng, Báo Công an TP Đà Nẵng, Đài Phát thanh truyền hình Đà Nẵng, Sở G&ĐT thành phố và Hội Nạn nhân chất độc da cam phối hợp tổ chức đã thu hút sự tham gia của hàng trăm người. Trong số này có nhiều người là đại diện các tổ chức từ thiện xã hội quốc tế, cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam. Phía lãnh đạo thành phố, đồng chí Nguyễn Xuân Anh - Ủy viên dự khuyết BCH TƯ Đảng, Phó bí thư thành ủy; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBMTTQVN đồng chí Phùng Tấn Viết – Phó Chủ tịch UBND thành phố; thành phố tham dự chương trình.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Thành phố Đà Nẵng, phát biểu: Nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành trung gương và địa phương, nhà hảo tâm, trong thời gian qua, các nạn nhân chất da cam tại Đà Nẵng luôn được quan tâm chăm lo cuộc sống và chữa bệnh. Điều chúng tôi mong muốn qua chương trình này, là một lần nữa kêu gọi mỗi người chúng ta cần thể hiện trách nhiệm trước hoàn cảnh éo le, bất hạnh của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cảm thông và xót xa trước nỗi đau đó, để rồi cùng nhau hành động, chung tay và xoa dịu. “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, đạo lý ngàn đời của cha ông đã hun đúc cho bao thế hệ người Việt Nam chúng ta tình yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau vượt qua những thời điểm khó khăn nhất.
Một lần nữa, trong không khí ấm áp tràn đầy tình người hôm nay, những trái tim nhân ái lại trở về, để cùng cảm thông, sẻ chia và góp tay xoa dịu nỗi đau da cam. Sự đóng góp và ủng hộ của quý vị sẽ góp phần đem lại cho nạn nhân cùng gia đình một cuộc sống đỡ vất vả hơn, tạo nguồn lực ổn định và bền vững cho Hội thực hiện tốt việc chăm sóc, nuôi dưỡng cho các cháu tại các Trung tâm, đem tương lai trở lại cho một bộ phận không nhỏ các em là nạn nhân chất độc da cam và khuyết tật trên địa bàn thành phố.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam Thành phố Đà Nẵng,
phát biểu khai mạc Chương trình
Phát biểu tại chương trình đầy ý nghĩa này, Phó chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến các cá nhân, các đơn vị hảo tâm trên địa bàn thành phố, trên cả nước và các tổ chức quốc tế trong thời gian qua đã luôn đồng hành, sát cánh cùng chính quyền chăm sóc, giúp đỡ cho hơn 5.000 nạn nhân chất độc da cam. Đồng chí Phùng Tấn Viết cũng nhấn mạnh, ngoài việc trợ dưỡng thường xuyên cho các nạn nhân bị ảnh hưởng nặng nề, các nguồn hỗ trợ trong thời gian qua cũng đã được sử dụng hiệu quả vào việc tạo sinh kế cho các gia đình, phục hồi chức năng, xông hơi tẩy độc cho các nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai cũng như cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại các chiến trường bị ảnh hưởng dioxin.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng
trao quà cho các cháu bị nhiệm chất độc da cam nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Chương trình giao lưu, ca múa nhạc “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam” năm nay khiến cả khán phòng Nhà hát Trưng Vương bất ngờ khi đứng trên sân khấu không phải là các ca sĩ chuyên nghiệp mà chính là sự xuất hiện của các nạn nhân chất độc da cam đang sinh hoạt tại các cơ sở thuộc Trung tâm bảo trợ. Hầu hết các em trong số này sau thời gian được nuôi dưỡng, chăm sóc và sinh hoạt tập trung đã có những tiến triển tốt về sức khỏe cũng như tâm sinh lý và dần dần hòa nhập cộng đồng. Những tiết mục do các em biểu diễn đã khiến cả khán phòng xúc động xen lẫn khâm phục. Ông Larry Vetter – một cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, hiện đang dùng lương hưu để nuôi dưỡng hai nạn nhân chất độc da cam tâm sự: “Tôi thấy nợ Việt Nam rất nhiều. Bản thân tôi cũng bị ung thư vì chất độc dioxin nên tôi hiểu những đau đớn mà các nạn nhân phải chịu đựng. Khi các em đứng được trên sân khấu để hát về chất độc da cam, để kể lại những câu chuyện của mình thì có nghĩa là những sự giúp đỡ của cộng đồng đã rất hiệu quả. Nhưng còn nhiều nạn nhân khác không nói được, không đi được, chỉ biết khóc. Chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa”, ông Larry Vetter tâm sự.
Chương trình "Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam" đã kêu gọi ủng của các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong và ngoài nước ủng hộ hơn 3 tỷ đồng và nhiều hiện vật, trang thiết bị.
Đặc biệt, thông qua Chương trình, Ông Harold Chan, Singapore đã quyết định hỗ trợ Bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng 1 máy MRI trị giá hơn 24 tỷ đồng để phục vụ việc khám chữa bệnh miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam trong thời gian đến.
Ông Harold Chan, người ở vị trí số 3 từ trái sang.
Trong đêm chương trình giao lưu ca múa nhạc “Đồng hành chia sẻ nỗi đau da cam” thành phố Đà Nẵng, GS.TS. Trần Văn Nam, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHĐN trao số tiền 68 triệu đồng ủng hộ cho chương trình từ sự đóng góp của cán bộ viên chức, người lao động, HSSV của các tổ chức đoàn thể, các cơ sở giáo dục đại học thành viên, các đơn vị trực thuộc ĐHĐN.
GS.TS. Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cùng với các đồng chí trong BTC
trao Ghi nhận tấm lòng vàng và Hoa cho các đơn vị ủng hộ.
GS.TS. Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng thay mặt cho các đơn vị trực thuộc ĐHĐN
trao số tiền ủng hộ cho Chương trình.
Huỳnh Bọng - Văn phòng Công đoàn ĐHĐN