Đến trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh để hỏi về những hoạt động nữ công được khởi sắc trong những năm gần đây, ai cũng sẽ nhắc đến người dẫn đầu của phong trào này chính là Thạc sĩ Huỳnh Thị Hạnh - Trưởng ban Nữ công và Phó Chủ tịch Công đoàn trường.
Sau khi tốt nghiệp ĐH chị Hạnh được tiếp tục ở lại trường và trở thành giảng viên khoa Kỹ thuật Xây dựng. Gần 30 năm gắn bó cùng Trường ĐH Bách Khoa, với tâm huyết cao và lòng yêu nghề, chị đã đóng góp rất nhiều trong hoạt động giảng dạy, nghiên cứu KH và sự phát triển của bộ môn và của khoa. Những ngày tháng miệt mài ở phòng thí nghiệm VLXD, những đợt hướng dẫn sv đi khắp các tinh thành tham quan các nhà máy, đã cho chị nhiều kinh nghiệm và chị mang niềm đam mê lên giảng đường say sưa truyền lửa cho sv, đặc biệt các sv chương trình liên kết AUF, lớp kỹ sư chất lượng cao PFIEV. Chị Hạnh được sinh viên kính trọng và chị được đồng nghiệp tin tưởng, quý mến. Chị là hình ảnh tiêu biểu cho một cô giáo tận tâm và nhiệt tình.
Từ năm 2008, chị Hạnh bắt đầu tham gia các hoạt động công đoàn trường với vai trò là phó Ban Nữ công và từ năm 2010 cho đến nay chị là Phó chủ tịch Công đoàn trường, kiêm trưởng Ban Nữ công.
Trường Đại học Bách khoa là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ uy tín, là trường đại học kỹ thuật đầu ngành tại miền Nam nên có những đặc thù riêng trong hoạt động chuyên môn lẫn Công đoàn. Với hơn 1400 đoàn viên công đoàn, lại phân tán rải rác trên diện tích rất rộng 40ha tại 2 cơ sở của trường nên việc triển khai hoạt động công đoàn rất khó khăn. Bên cạnh đó, chỉ có 34.3% là đoàn viên nữ, lại trải đều trong các hoạt động chuyên môn khác nhau như giảng dạy, chuyên viên, lao động nên cũng gặp nhiều cản trở trong hoạt động nữ công nói. Chị Hạnh đã trăn trở rất nhiều về cách thức làm sao để đẩy mạnh hoạt động nữ công của trường, thu hút được nhiều người tham gia và mang được dấu ấn riêng của một trường kỹ thuật.
Với vai trò là trưởng ban nữ công, chị đã xây dựng chương trình hoạt động cho Ban nữ công phù hợp với điều kiện thực tế hơn. Bắt đầu từ việc xây dựng đội ngũ cán bộ nữ công tại các Công đoàn bộ phận ngày càng năng động, chuyên nghiệp. Với phýõng châm hoạt động là: “Dân chủ - Ðổi mới - Thiết thực - Hiệu quả”, chị cùng Ban Nữ công tham gia giám sát quy chế chi tiêu nội bộ nhằm ðảm bảo quyền lợi nữ CBVC. Chị đã đổi mới hình thức tổ chức các cuộc vận động, tuyên truyền, phong trào, hội thi… và có nhiều sáng tạo nhằm cao đời sống tinh thần cho nữ đoàn viên công đoàn. Đặc biệt quan tâm chị em có hoàn cảnh khó khăn, chăm sóc tốt cho con em cán bộ công chức. Những đánh gíá rút kinh nghiệm hoạt động nữ công và khen thưởng kịp thời tạo nguồn động lực mạnh mẽ, giúp chị em gắn bó hơn trong công tác nữ công; tổ chức các cuộc vận động phong trào đền ơn đáp nghĩa, giúp đỡ trẻ em nghèo khuyết tật,… hướng chị em đến các hoạt động thiết thực mang đúng thiên chức chăm sóc của người phụ nữ. Bên cạnh đó, chị tăng cường công tác tổ chức cho chị em tham quan, giao lưu học hỏi các đơn vị bạn trong và ngoài trường, giao lưu với nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực để nâng cao nghiệp vụ Công đoàn.
Được sự động viên và hỗ trợ mọi mặt của BCH CĐ trường và cuả Đảng ủy, BGH, chị Hạnh cùng tập thể Ban nữ công trường Đại học Bách khoa đã xây dựng ngôi nhà công đoàn chung, gắn kết mọi người lại với nhau trên tinh thần đoàn kết và thân thiện. Hiện nay, chất lượng hoạt động nữ công đã được nâng cao, thu hút số đoàn viên Công đoàn tham gia ngày càng đông (kể cả nam giới) và tạo nhiều hoạt động Công đoàn uy tín, nổi bật mang thương hiệu Bách khoa; điển hình như hoạt động tổ chức Lễ hội Quốc tế Thiếu nhi 1/6 hằng năm, chị mạnh dạn đổi mới phương thức tổ chức, khéo léo vận động tài trợ, đa dạng các hoạt động giải trí,… lễ hội đã dần dần được sự tin tưởng, thu hút thầy cô đưa con em mình đến tham dự. Sự thành công thể hiện rõ qua số lượng cháu tham dư tăng hằng năm (năm 2010 có 110 cháu, năm 2011 là 300 cháu, năm 2012 có 393 cháu, năm 2013 có 560 cháu và năm 2014 đạt đến 550 cháu).
Tháng 01/2013 chị được tín nhiệm là Phó Chủ tịch Công đoàn ĐHQG TP HCM kiêm trưởng ban Nữ công. Trách nhiệm ngày càng cao, công việc ngày càng chồng chất, nhưng với tinh thần làm việc khoa học, nề nếp, thân thiện, hoạt động lấy con người làm trung tâm, chị được lãnh đạo CĐ, Đảng ủy - BGH động viên, chị em ủng hộ nhiệt tình cùng nhau đoàn kết san sẻ công việc, gia đình luôn là chỗ dựa vững chắc nên mọi công việc đều ổn định và phát triển.
Chị Hạnh thường tâm sự: Muốn xây dựng được tổ chức Công đoàn vững mạnh thì phải có đội ngũ cán bộ Công đoàn giỏi, bởi “cán bộ nào phong trào ấy”. Cán bộ công đoàn phải biết tập hợp lực lượng, tạo nên sức mạnh tập thể, cần cân nhắc xem khả năng của đoàn viên để giao nhiệm vụ phù hợp, tạo điều kiện cho họ tham gia đóng góp xây dựng các hoạt động. Trong quá trình thực hiện, nên chú ý hỗ trợ, động viên để đoàn viên cảm thấy được quan tâm thì hoạt động công đoàn sẽ đạt kết quả tốt nhất; tôi không thể một mình hoàn thành tốt công việc, mà chính là nhờ sự hưởng ứng nhiệt tình, sự đoàn kết của tất cả đoàn viên và cũng như sự quan tâm, hỗ trợ mọi mặt của các cấp lãnh đạo trong trường”.
Vì vậy, phong trào nữ công Trường ĐHBK - ĐHQG TP HCM phát triển bền vững vì có nhiều cán bộ nữ công tâm huyết, điển hình như chị Hạnh, góp phần khẳng định thương hiệu cho hoạt động Công đoàn trường ĐHBK - ĐHQG TP HCM. Thật vinh dự, tự hào trong đợt tuyên dương cán bộ công đoàn cơ sở tiêu biểu nhân kỷ niệm 85 năm Công đoàn Việt Nam do CĐGD Việt Nam tổ chức, chị Huỳnh Thị Hạnh là một trong 71 đồng chí được tôn vinh.
BCH Công đoàn trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP HCM