Công nương Diana đã viết về tầm quan trọng của gia đình như thế! Gia đình - đó là những viên gạch xây nên tòa lâu đài cho xã hội, là chỗ dựa về tinh thần và vật chất cho mỗi thành viên, gia đình là tổ ấm nơi các em bé được chăm sóc, nuôi dưỡng lớn lên “Gia đình là trường học của lòng khoan dung, vì nó luôn tồn tại và dạy chúng ta cách sống với những người khác” (Karen Armstrong).
Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 hàng năm, xuất phát từ truyền thống đạo lý từ mấy ngàn năm văn hiến cho đến nay. Tên tuổi các vị anh hùng, các danh nhân, các bậc kỳ tài, các nhà cách mạng lỗi lạc đều xuất phát từ những gia đình có tính chất đặc biệt, tiềm ẩn trong những gia đình đó là sự giáo dục, chăm sóc của những người cha, người mẹ đã tảo tần nuôi con ăn học thành tài để ra giúp dân giúp nước. Gia đình có vai trò rất lớn trong việc hình thành và phát triển của xã hội, góp phần xây dựng, tô thắm, làm rạng rỡ thêm bản sắc văn hoá dân tộc; là nơi giữ gìn, vun đắp, phát huy những giá trị truyền thống quý báu của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong quá trình lịch sử, đó là lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động, bất khuất kiên cường vượt qua mọi khó khăn thử thách.
Ngày 04 tháng 5 năm 2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/TTg chọn ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể, các tổ chức xã hội cùng các gia đình để góp phần từng bước ổn định, củng cố, xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng có một hoặc hai con), ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Hàng loạt các văn bản của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến các địa phương được ban hành nhằm tạo điều kiện mỗi gia đình Việt Nam thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.
Phát biểu tại Lễ phát động Năm Gia đình Việt Nam 2013 Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc luôn là mục tiêu được Đảng và Nhà nước các đoàn thể của Việt Nam quan tâm…đây là cơ hội để mỗi chúng ta, mỗi gia đình, mỗi cơ quan rà soát lại công tác gia đình nơi mình đang sinh sống. Chọn những việc cấp bách có ý nghĩa lâu dài và thiết thực, qua đó tạo bước chuyển mạnh, quan trọng trong việc phát triển gia đình của đất nước ta.
Ngành giáo dục luôn tự hào là ngành có tỷ lệ nữ rất cao, chiếm trên 72% lực lượng lao động toàn ngành, trên 20 năm qua với phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” phụ nữ ngành giáo dục luôn năng động, sáng tạo, tự tin, tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, ra sức phấn đấu học tập, lao động, đóng góp tích cực trên mọi lĩnh vực công tác của ngành từ quản lý, giảng dạy, nghiên cứu khoa học, phục vụ giảng dạy đến xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nữ nhà giáo luôn là những người phụ nữ có phẩm chất tốt, có nghị lực và tấm lòng nhân hậu, các chị luôn là chỗ dựa vững chắc của mọi thành viên trong gia đình. Trung bình mỗi năm toàn ngành có trên 87% chị em đạt danh hiệu giỏi việc trường, đảm việc nhà các cấp; 95,6% gia đình nữ nhà giáo đạt danh hiệu "gia đình văn hoá". Nhiều gia đình nữ nhà giáo giữ được nét đẹp truyền thống nhiều thế hệ cùng chung sống hạnh phúc, thành đạt, yêu thương, tôn trọng nhau. Hầu hết các chị đều có con chăm ngoan, học giỏi, trong số đó có rất nhiều cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, trung bình mỗi năm có từ 50 - 65% các cháu con nữ cán bộ, nhà giáo đạt danh hiệu học sinh giỏi các cấp, có nhiều gia đình cả hai vợ chồng công tác trong ngành giáo dục có con đạt giải quốc tế và khu vực.
Các đơn vị trong ngành đã duy trì tốt công tác chăm sóc thiếu niên nhi đồng, tổ chức trại hè, khen thưởng cho các cháu đạt danh hiệu học sinh, sinh viên khá giỏi, tặng học bổng, tặng quà cho các cháu có hoàn cảnh vượt khó vươn lên trong học tập và trong cuộc sống. Thông qua các các chủ điểm: ngày Gia đình Việt Nam, Tháng hành động vì trẻ em, ngày Dân số thế giới, ngày 8/3, 20/10 nhiều hoạt động sáng tạo được tổ chức thu hút phụ nữ trong ngành tham gia như: hội thi khéo tay kỹ thuật, tìm hiểu kiến thức pháp luật và gia đình, cô giáo tài năng duyên dáng, thi trang phục công sở... Nhiều tấm gương nữ nhà giáo lao động giỏi làm giàu chính đáng, nhận đất khoán trồng rừng, chăn nuôi, sản xuất mỗi năm được hàng trăm triệu đồng, tạo công ăn việc làm thu hút hàng chục lao động tại địa phương. Các chị đã làm tốt công tác dân vận ở địa phương, đóng góp ý kiến xây dựng đời sống văn hoá nơi cư trú, phát huy vai trò của cá nhân và gia đình đối với triển khai các phong trào chung của địa phương.
Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, việc thiết lập các mối quan hệ trong văn hoá gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững được đặt ra hết sức quan trọng. Ngoài chức năng sinh sản, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, thoả mãn nhu cầu tình cảm cho các thành viên gia đình còn phải quan tâm giáo dục văn hoá trong các hoạt động sống của gia đình: văn hoá ẩm thực, giao tiếp ứng xử, văn hoá trang phục, sắp xếp nhà ở, các tiện nghi gia đình, thưởng thức văn hoá nghệ thuật vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng được lồng ghép trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” sẽ góp phần duy trì và phát triển văn hoá các nhóm cộng đồng xã hội dòng họ, làng xã, dân tộc, giai cấp. Đây cũng là những điểm mới cần quan tâm trong công tác xây dựng gia đình hiện nay.
Có một nơi để về, đó là nhà.
Có những người để yêu thương, đó là gia đình.
Có được cả hai, đó là hạnh phúc.
Ban Tuyên giáo - Nữ công, CĐGD Việt Nam