Công đoàn Ngành Giáo dục Thanh Hóa quản lý, chỉ đạo trực tiếp 104 CĐCS trường THPT và đơn vị trực thuộc với 6.917 đoàn viên và NLĐ, đồng thời phối hợp với LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo ngành nghề 2.057 CĐCS các trường MN, TH, THCS, TTGDTX huyện với 50.493 đoàn viên và NLĐ. Trong những năm qua, Công đoàn ngành luôn xác định đổi mới nội dung và phương thức hoạt động là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Trước hết là đổi mới công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn trên tinh thần hướng về cơ sở.
Để tránh hành chính hóa trong công tác chỉ đạo cơ sở, Công đoàn ngành hướng mạnh về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động, tăng cường công tác kiểm tra, phân công ủy viên Ban Chấp hành phụ trách khu vực, cử chuyên viên Trực Công đoàn ngành trực tiếp về cơ sở để nắm bắt tình hình, hướng dẫn cụ thể và giúp cơ sở tháo gỡ khó khăn. Thông qua đó, cán bộ Công đoàn ngành được rèn luyện về nhiều mặt, ngày càng vững vàng, trưởng thành.
Phối hợp với Sở GD&ĐT chỉ đạo các CĐCS tổ chức đại hội nhiệm kỳ, trong đó chú trọng xây dựng nguồn nhân sự giữ chức vụ Chủ tịch CĐCS. Theo đó, Đại hội của các CĐCS đã lựa chọn được đội ngũ cán bộ công đoàn cơ bản đủ tâm, đủ tầm, đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ. Chủ động, kịp thời chỉ đạo các CĐCS tổ chức kiện toàn Ban Chấp hành mỗi khi có sự thay đổi nhân sự, giúp guồng máy hoạt động của CĐCS luôn đáp ứng yêu cầu.
Tổ chức nhiều lớp tập huấn cho Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn ngành và Chủ tịch, Trưởng Ban Nữ công, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, kế toán CĐCS với những nội dung: học tập và quán triệt các Nghị quyết của Đảng, chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo từng năm, các chuyên đề theo kế hoạch của LĐLĐ tỉnh và CĐGD Việt Nam. Một điểm đổi mới trong chương trình tập huấn là tổ chức cho cán bộ công đoàn viết bài thu hoạch, qua đó đánh giá được hiệu quả của công tác tập huấn, rút kinh nghiệm cho những đợt tiếp theo.
Thường xuyên cung cấp tài liệu, thông tin về chế độ chính sách, kết hợp với việc tổ chức đi thực tế, tham quan, trao đổi kinh nghiệm. Trong năm 2013 và 2014, Công đoàn ngành đã tổ chức 03 đợt đi thực tế, tham quan, trao đổi kinh nghiệm công tác tại các tỉnh phía bắc và miền Trung cho Ban Chấp hành Công đoàn ngành, Trưởng Ban Nữ công và Chủ tịch CĐCS các trường THPT, đơn vị trực thuộc.
Việc bồi dưỡng cán bộ công đoàn còn được tiến hành thông qua việc hướng dẫn CĐCS tổ chức nhiều hoạt động nhân các dịp kỷ niệm, như: tọa đàm, sinh hoạt Câu lạc bộ, hội thảo, hội thi, giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao... Chỉ đạo các đơn vị tổ chức giao lưu văn hóa văn nghệ, thể thao với quy mô toàn huyện và giữa các huyện. Thành lập, chỉ đạo tổ chức thành công Lễ ra mắt Câu lạc bộ nữ CBGV và sinh hoạt kỳ thứ nhất nhân kỷ niệm 104 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3). Phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức Hội thao “Người giáo viên nhân dân” ở 03 cụm thuộc 03 vùng thi đua của ngành, lựa chọn 345 vận động viên tham gia Hội thao toàn ngành. Tất cả các hoạt động trên là sân chơi bổ ích để trau dồi vốn hiểu biết, rèn luyện phẩm chất và kỹ năng tổ chức phong trào, đồng thời thông qua đó đánh giá rõ nét nhất năng lực của cán bộ CĐCS. Nhiều cán bộ CĐCS được trưởng thành từ việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường.
Câu lạc bộ nữ CBGV các trường THPT huyện Quảng Xương (Thanh Hóa)
tổ chức ra mắt và sinh hoạt kỳ thứ nhất
Điểm đổi mới thứ hai là về công tác phối hợp. Để giúp cơ sở thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của ngành và tổ chức Công đoàn, Quy chế phối hợp giữa Công đoàn ngành và Sở GD&ĐT được điều chỉnh, bổ sung, ký kết, trong đó tập trung làm rõ hơn những nội dung Công đoàn ngành phối hợp với Sở GD&ĐT trong việc thực hiện các chức năng của tổ chức Công đoàn, xây dựng đội ngũ, động CBGV, NLĐ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành. Trên cơ sở Quy chế này, các CĐCS đã xây dựng, điều chỉnh, ký kết Quy chế phối hợp. Mối quan hệ công tác giữa Công đoàn và chuyên môn các cấp trong ngành ngày càng gắn kết nhịp nhàng và hiệu quả. Đồng thời, để tạo sự thống nhất cao trong chỉ đạo hoạt động đối với CĐGD cấp huyện và Công đoàn các trường THPT, đơn vị trực thuộc, thực hiện tốt Điều lệ Công đoàn Việt Nam, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng và chính quyền trong sạch, vững mạnh, ngày 26/3/2014, Công đoàn ngành và LĐLĐ các huyện, thị xã, thành phố đã ký Quy chế phối hợp chỉ đạo, tạo ra bước chuyển biến mới trong hoạt động công đoàn.
Điểm đổi mới thứ ba là công tác chỉ đạo cơ sở thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục. Công đoàn ngành đã tập trung chỉ đạo cơ sở thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục thông qua nhiều hình thức phong phú. Đặc biệt, phát động toàn thể CBGV, NLĐ tham gia viết bài về gương người tốt, việc tốt trong việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gắn với việc thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, gửi đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. Chủ động, sáng tạo trong việc phối hợp với Sở GD&ĐT ban hành Hướng dẫn liên tịch chỉ đạo cơ sở tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện chuyên đề năm 2014 “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm”; Chương trình hành động của tỉnh thực hiện Nghị quyết số 29 Hội nghị TW8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng LĐLĐ Việt Nam trước tình hình Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan HD981 trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nhờ đó, hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Nhiều CĐCS đã có những cách làm hay, sáng tạo, được dư luận đánh giá cao.
Kết quả đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Công đoàn Ngành Giáo dục Thanh Hóa đã góp phần khẳng định sự trưởng thành của phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn trong tỉnh. Thời gian tới, Công đoàn ngành tiếp tục phát huy những thế mạnh, vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, cùng toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị./.
Phạm Thị Loan - Phó Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Thanh Hóa