Kỷ niệm 124 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2014)
(14:09, 19/05/2014)

Ngày 19/5/1946, tại Bắc Bộ phủ, nhân dân ta tổ chức sinh nhật đầu tiên cho Bác. Hôm đó, Bác đã tiếp đón, nói chuyện và chụp ảnh chung với các đại biểu, “đặc biệt” là các cháu thiếu nhi Thủ đô Hà Nội, các chiến sĩ tự vệ, các hướng đạo sinh và các đại biểu từ Nam Bộ ra Bắc tập kết.

Lần đầu tiên được tổ chức sinh nhật, Bác cảm động trước tình cảm của nhân dân dành cho Bác, nhưng Bác lại nói: “Thật ra, các nhà báo ở đây đã làm to ngày sinh nhật của tôi, chứ tuổi 56 chưa có gì đáng chúc thọ, cũng hãy còn như thanh niên cả, mà trước các anh, các chị, trước cảnh êm vui ở đây, tôi thật lấy làm xấu hổ rằng trong miền Nam chưa được thái bình”.

Rồi những tháng 5 sau đó, Bác thường căn dặn các địa phương, các cơ quan đoàn thể không nên tổ chức chúc thọ linh đình, làm tốn thời giờ, tốn tiền của, trong khi đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn.

Có lần Bác nói: “Bác cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi công việc hết sức khẩn trương mà lại còn tổ chức chúc thọ một cá nhân là không nên”.

Hoặc có lần Bác nhắc: “Hôm nay, mừng sinh nhật tôi, đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh. Những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó hơn là hao phí cho tôi”.

… Sau đó, sinh nhật 19/5 của những năm 1960, 1961, 1962, 1965, 1966, Bác Hồ thường đi công tác ở nước ngoài để tránh nhân dân chúc mừng sinh nhật của mình.

Có lần, Bác nói rõ ý định của mình với Nguyên soái Diệp Kiếm Anh (Trung Quốc): “Tôi sang đây vào dịp này là để tránh việc chúc thọ ở trong nước, vì vậy tôi yêu cầu các đồng chí cũng không tổ chức chúc thọ cho tôi”.

Một lần khác, Bác viết thư gửi Đặng Vĩnh Siêu- một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc: “Tôi đi Trung Quốc lần này có mục đích và yêu cầu thật đơn giản, đó là đi du lịch, đi để tránh chúc thọ, tặng quà của nhân dân trong nước…”. Có những năm không đi ra nước ngoài thì đến ngày 19/5, Bác lại tìm cách xuống cơ sở thăm bà con nông dân để tránh chúc thọ, biếu quà cho Bác.

Năm 1969, Bộ Chính trị ra Nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày kỷ niệm lớn trong năm là: Kỷ niệm lần thứ 40 ngày thành lập Đảng ta, kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh Lê nin, mừng thọ Hồ Chủ tịch 80 tuổi và kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Hồi đó, sức Bác đã yếu; để giữ gìn sức khỏe của Bác, Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng và Nhà nước thì mời Bác chủ trì, còn khi bàn những việc thứ yếu thì cứ bàn rồi báo cáo lại.

Bác cũng đồng ý như vậy. Khi Bộ Chính trị bàn việc tổ chức 4 ngày lễ lớn thì Bác không dự. Nghị quyết đó ra từ tháng 4, đến ngày 8/7 thì đăng trên báo Nhân Dân. Riêng việc này, các đồng chí cũng ngại báo lại, vì nếu Bác biết thì thế nào cũng không để tổ chức kỷ niệm ngày sinh của mình.

Hôm đó, đọc báo xong, Bác gọi các đồng chí trong Bộ Chính trị vào, Bác chỉ vào tờ báo Nhân Dân để trên bàn và hỏi: “Nghị quyết này các chú bàn bao giờ mà tại sao không cho Bác biết?”

Bác nói đại ý: “Tất cả các nghị quyết của Đảng đều do Bộ Chính trị quyết định tập thể. Gần đây, Bác mệt, có một số cuộc họp không dự được. Đó là khuyết điểm của Bác; khi đọc nghị quyết đăng trên báo, Bác tán thành nhiều điểm; chỉ có việc riêng của Bác, Bác không đồng ý.

Ai cũng biết Bác là Chủ tịch Đảng ta. Đọc nghị quyết này, người ta sẽ nghĩ rằng, Bác chủ trì phiên họp Bộ Chính trị để bàn việc tổ chức lễ kỷ niệm ngày sinh của mình cho linh đình. Thế là không đúng”.

Bác ơi! Tấm lòng của Bác yêu thương chúng con vô cùng bao la và sâu thẳm. Cuộc đời Bác “nâng niu tất cả, chỉ quên mình”.

Chúng con xin ghi nhớ lời Bác dạy, tuy Bác đã đi xa, nhưng Người vẫn sống mãi trong lòng dân tộc Việt Nam; tấm gương đạo đức và những lời dạy của Bác được mọi người học tập và làm theo.

Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta quyết tâm thực hiện thắng lợi trọn vẹn Nghị quyết Đại hội XI của Đảng; thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về “tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”…
Đó chính là món quà mang ý nghĩa sâu sắc báo công dâng Bác nhân 124 năm ngày sinh của Người.

Dòng người vào viếng Bác. Dù trời nắng gay gắt nhưng hàng chục nghìn người vẫn xếp hàng
lặng lẽ để được vào viếng Bác, tỏ lòng tưởng nhớ tới Người
 
KIM NGÂN - Tổng hợp và theo sách “Bác Hồ sống mãi với chúng ta”, tập 2,
NXB CTQG, Hà Nội 2005

 

 

 

  


Các tin khác
(GD&TĐ) - Những bông hoa đẹp nhất trong vườn hoa nhà giáo (08/05/2014)
Ngày Quốc tế lao động 1/5: Công đoàn là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động (01/05/2014)
(GD&TĐ) - Tổ chức “Ngày hội đọc sách” trong trường học (17/04/2014)
(GD&TĐ) - Bộ GD&ĐT và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác (17/04/2014)
Hội thảo về công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (14/04/2014)
Kết luận Hội nghị thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2014 (26/03/2014)
Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Hiến pháp (VOV) (12/12/2013)
Hành trình về mảnh đất một thời khói lửa (02/05/2013)
MỘT VÀI HÌNH ẢNH ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM LẦN THỨ XIV, NHIỆM KỲ 2013 -2018 (02/04/2013)
Đại hội Công đoàn Giáo dục Việt Nam lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2013 – 2018 thành công tốt đẹp (28/03/2013)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18773568
Online: 1470
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn