(Dân trí) - “Chúng ta có thị trường lao động, vì thế tiền lương phải đáp ứng đủ giá cả thị trường. Tuy nhiên, hiện mức lương tối thiểu vẫn chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến chất lượng lao động của chúng ta không cao”.
Đó là ý kiến của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) Nguyễn Văn Ngàng trong cuộc trao đổi với PV Dân trí về chất lượng lao động Việt Nam nhân Kỷ niệm 128 năm Ngày Quốc tế Lao Động (1/5)
Tháng công nhân 2014 được Tổng LĐLĐVN phát động với chủ đề "Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp”. Xin ông cho biết ý nghĩa chủ đề này?
2014 là năm đầu tiên các cấp công đoàn cả nước tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam và Kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 20/NQ-TƯ của BCH T.Ư Đảng khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”. Thêm một lần nữa, công đoàn khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu tại mỗi doanh nghiệp.
Đặc biệt, chủ trương của Ban Bí thư T.Ư Đảng cho phép phát động, hướng dẫn tổ chức các hoạt động trong Tháng Công nhân (TCN) hằng năm là rất phù hợp với thực tế của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn của Việt Nam, cũng là nhằm mục tiêu xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng vững mạnh.
Để có được mục tiêu này, chúng ta đang cùng nhau xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Theo đó, các bên tham gia quan hệ lao động cần hiểu và thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, nhất là những gì pháp luật đã quy định. Công đoàn, với vai trò, chức năng của mình sẽ là cầu nối giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ)...
Người lao động được đảm bảo đời sống sẽ năng cao chất lượng sản xuất.(Ảnh: Lao động)
Chủ trương, định hướng của Đảng về người lao động rất rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay đời sống của người lao động nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn do mức lương chưa đáp ứng đời sống tối thiểu. Trước thực tế này Công đoàn Việt Nam đã và sẽ làm gì để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ?
Rõ ràng chúng ta có thị trường lao động. Theo đó tiền lương phải đáp ứng giá cả thị trường để đảm bảo đời sống cho NLĐ, tức là lương tối thiểu phải đủ trang trải cho cuộc sống, tái tạo sức lao động, duy trì cuộc sống gia đình, nuôi dạy con cái (gọi là các chi phí kèm theo NLĐ).Nhưng trên thực tế, theo tính toán của chúng tôi hiện tiền lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng 60- 65% mức sống tối thiểu của người lao động.
Có một thực tế, lâu nay xã hội vẫn nói đến giá cả thị trường, trong đó nhiều loại giá vật tư, thiết bị công nghệ, sản phẩm được tính và sánh với giá thế giới, chẳng hạn: xăng, dầu, viễn thông… nhưng khi nói đến lao động chúng ta không thể so sánh. Bởi giá nhân công của ta thấp hơn rất nhiều so với thế giới. Không nên mừng mà đó là điều đáng lo. Bởi giá thấp thì nghĩa là đầu tư xã hội thấp, NLĐ lương không đủ sống thì làm sao nâng cao sức lao động, kỹ năng hay ngoại ngữ?
Trước những thách thức này, Công đoàn Việt Nam đã triển khai nhiều phương thức tham gia với Chính phủ, tham mưu những chính sách nâng tiền lương đảm bảo cuộc sống NLĐ, đảm báo lương - giá - tiền cân bằng. Chứ lương vừa tăng chút ít thì giá đã tăng vọt thì càng bất ổn. Dù vậy, phải thừa nhận việc điều chỉnh lương - giá vẫn chưa đạt được mong muốn. Tỷ lệ rất cao trong số 50 triệu lao động trên cả nước vẫn găp nhiều khó khăn trong tình cảnh lương không đuổi kịp giá.
Nhưng lại có phản biện cho rằng, nếu mức lương tăng quá cao, doanh nghiệp sẽ không đủ sức gồng gánh, thậm chí không còn khả năng trả lương cho NLĐ?
Tôi cho rằng quan điểm đó chỉ phù hợp với doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp muốn cạnh tranh và phát triển trên thị trường thì yếu tố con người là quan trọng nhất, sau đó mới là máy móc và nguyện liệu và những khâu đồng hành. Nếu đầu tư vào yếu tố con người tốt, một người lao động tốt có thể làm việc hiệu quả bằng 10 người lao động kém.
Vì thế, có những doanh nghiệp luôn trả lương cao hơn nhiều so với quy định để thu hút người lao động lành nghề. Kết quả của quá trình đầu tư vào yếu tố con người là những doanh nghiệp nổi tiếng này đã có những đội ngũ công nhân lành nghề, làm việc lâu năm, thậm chí cha truyền con nối làm việc trong nhà máy.
Trân trọng cảm ơn ông!
Phạm Thanh