Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức năm học 2012-2013 và bầu Ban Thanh tra Nhân dân nhiệm kỳ 2013 – 2015 của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
Đánh giá kết quả công tác năm học 2012 - 2013, xây dựng phương hướng nhiệm vụ năm học 2013 - 2014, ngày 25/12/2013 Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội tổ chức “Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức năm học 2012 - 2013” và bầu Ban Thanh tra Nhân dân nhiệm kỳ 2013 - 2015.
Đến dự Hội nghị có đồng chí Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam; đồng chí Nguyễn Văn Thái - Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật CĐGD Việt Nam, đồng chí Vũ Huy Chương - Phó Chánh văn phòng CĐGD Việt Nam và các đồng chí đại diện Đảng uỷ, Ban Giám hiệu; Chủ tịch Công đoàn trường, Bí thư Đoàn thanh niên, Trưởng Ban nữ công Công đoàn, Trưởng ban Thanh tra nhân dân cùng 195 đại biểu đương nhiên, đại biểu mời và đại biểu được bầu từ Hội nghị cán bộ công chức, viên chức các đơn vị trong toàn trường.
|
Toàn cảnh Hội nghị đại biểu cán bộ công chức, viên chức năm học 2012 - 2013 |
|
Hội nghị thông qua dự thảo Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức năm học 2012 – 2013 với sự thống nhất cao của tất cả đại biểu tham dự |
Tại Hội nghị đại biểu cán bộ, công chức, viên chức Trường, GS.TS. Trần Đức Viên - Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng đã trình bày báo cáo tổng kết năm học 2012 - 2013 và phương hướng, nhiệm vụ cơ bản năm học 2013 – 2014. Trong bối cảnh toàn trường tiếp tục hưởng ứng thực hiện các cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước và của ngành giáo dục và đào tạo; công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học được nâng cao về chất lượng và chuyển hướng đào tạo theo nhu cầu xã hội, Hội nghị đã thống nhất đánh giá cao những thành tích đạt được trên các lĩnh vực hoạt động của trường năm học 2012 - 2013.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Hiệu trưởng cũng nêu ra những tồn tại, hạn chế cơ bản ở các lĩnh vực nêu trên cần phải khắc phục trong năm học tiếp theo; Hội nghị đã được nghe các tham luận, giải trình, thảo luận, đóng góp về 5 nhóm vấn đề công tác chính là: Đào tạo, Tài chính, Tổ chức cán bộ, Khoa học công nghệ, Trang thiết bị, đất đai và xây dựng cơ bản.
Tại Hội nghị, ThS. Dương Chí Dũng - Trưởng Ban Thanh tra nhân dân đã báo cáo về hoạt động của Ban trong năm học 2012 - 2013 và phương hướng hoạt động năm học 2013 - 2014. Báo cáo tập trung vào công tác hoạt động giám sát và hoạt động kiểm tra, bám sát những chủ trương công tác của Nhà trường, thực hiện theo Bộ quy định nội bộ, bộ quy trình xử lý các công việc cụ thể đã được Nhà trường ban hành tới các đơn vị, thể hiện tính công khai dân chủ trong Trường. Hội nghị đã thống nhất bầu Ban Thanh tra Nhân dân nhiệm kỳ 2013 - 2015 gồm 5 đồng chí.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Trần Công Phong - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà Nhà trường đã đạt được trong năm học 2012 - 2013, đồng thời đề nghị Nhà trường cần rà soát lại các hoạt động để đề ra những biện pháp khắc phục hợp lý, thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 20130 - 2014. Với sự thống nhất cao, Hội nghị đã thông qua dự thảo Nghị quyết Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức Trường năm học 2012 - 2013. Phát huy truyền thống vẻ vang 57 năm xây dựng và phát triển của Nhà trường, Hội nghị đã kêu gọi toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người học đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu, thi đua lao động sáng tạo để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2013 - 2014 “Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”.
Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách phòng, chống ma túy
Sáng ngày 12 tháng 12 năm 2013, tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức Liên hoan Tuyên truyền giới thiệu sách phòng, chống ma túy năm 2013 với chủ đề “Thư viện các trường đại học chung tay phòng, chống ma túy”.
Đến dự Liên hoan có TS. Vũ Dương Thúy Ngà - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, PGS.TS Nguyễn Xuân Trạch - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, ThS. Vũ Ngọc Huyên - Thường trực Thường vụ Đảng ủy, Trưởng Phòng Công tác Chính trị và Công tác Sinh viên, ThS. Nguyễn Thị Cúc - Phó Chủ tịch Công Đoàn Trường, PGS.TS Hoàng Đức Liên - Phó Chủ tịch Liên hiệp thư viện các trường đại học khu vực phía Bắc, Giám đốc Trung tâm Thư viện Lương Định Của, TS. Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Đoàn Thanh niên Trường, đồng chí Đỗ Thế Anh - Phó chủ tịch Hội Sinh viên Trường, lãnh đạo các phòng, ban, khoa của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, cán bộ, công chức Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cán bộ, viên chức các trường đại học và hơn 600 sinh viên cổ vũ cho Liên hoan.
Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách phòng, chống ma túy năm 2013 thu hút sự tham gia của 5 đội thi đến từ 5 trường đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội: Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Thủy lợi, Học viện Ngân hàng. Trải qua 3 vòng thi: giới thiệu về đội thi, tuyên truyền giới thiệu sách và năng khiếu, các đội thi đã cống hiến cho khán giả những tác phẩm hay, ý nghĩa về phòng chống ma túy. Đặc biệt, với sự sáng tạo của tuổi trẻ, 5 đội thi đã phóng tác thành công 5 cuốn sách về phòng, chống ma túy thành các tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, đem lại cho khán giả những tiếng cười sảng khoái và sự suy tư, chiêm nghiệm về giá trị con người trước những cám dỗ nảy sinh trong xã hội.
|
Ban Tổ chức trao giải nhất, nhì, ba cho các đội thi |
Kết thúc Liên hoan, Ban Tổ chức đã trao 1 giải nhất cho đội thi của Trường Đại học Hà Nội, 2 giải nhì cho đội thi của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và Trường Đại học Luật Hà Nội, 2 giải ba cho đội thi của Trường Đại học Thủy lợi và Học viện Ngân hàng, 1 giải giới thiệu đội hình hay nhất cho đội thi Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, 1 giải tuyên truyền giới thiệu sách hay nhất cho đội thi Trường Đại học Luật Hà Nội, 1 giải năng khiếu sáng tạo nhất cho đội thi Trường Đại học Thủy lợi.
Liên hoan tuyên truyền giới thiệu sách phòng, chống ma túy năm 2013 đã kết thúc trong tiếng hô vang “Nói không với ma túy” của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên trong Hội trường. Thành công của liên hoan đã góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma túy ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Công tác Nghiên cứu khoa học tại trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
Giới thiệu một số giống lúa mới của Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
Ngày 16 tháng 11 năm 2013, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức họp hội đồng khoa học cấp cơ sở đánh giá kết quả chọn tạo, tuyển chọn và khảo nghiệm bốn giống lúa mới: TH3-7, Hương cốm 4, Bắc thơm 7 kháng bạc lá và Nếp cẩm ĐH6. Các giống lúa này đều là những giống lúa mới do Viện nghiên cứu, chọn tạo cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Giống lúa TH3-7 là giống lúa lai hai dòng (tổ hợp lai: T1S-96BB/R7) do PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm và các cộng tác viên Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội lai tạo và chọn lọc. Thời gian sinh trưởng vụ Xuân là 130-135 ngày và vụ Mùa là 120-130 ngày. Giống TH3-7 đang được mở rộng diện tích gieo cây trên 11 tỉnh thành của Việt Nam như: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định với diện tích trên 500 ha/năm và cho năng suất từ 6,5-9,5 tấn/ha, bông lúa to dài, hạt to dài xếp sít, khối lượng 1.000 hạt 26-27 gam.
Hương cốm 4 là giống lúa thuần do PGS.TS. Nguyễn Thị Trâm và các cộng tác viên Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội chọn lọc từ quần thể phân ly MHV. Thời gian sinh trưởng của giống ở điều kiện vụ Xuân muộn là 130-135 ngày, vụ Mùa là 105-110 ngày. Giống có chiều cao cây trung bình (95-105 cm), đẻ nhánh khỏe, bản lá lòng mo, xanh đậm. Giống Hương cốm 4 đang được mở rộng diện tích gieo cây trên 14 tỉnh thành của Việt Nam như: Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Sóc Trăng với diện tích trên 700 ha/năm và đạt năng suất 65,0-72,0 tạ/ha trong điều kiện vụ Xuân, 59,0-65,0 tạ/ha trong điều kiện vụ Mùa.
Bắc thơm 7 kháng bạc lá là giống lúa thuần chất lượng do PGS.TS. Nguyễn Văn Hoan, TS. Vũ Hồng Quảng và cộng tác viên Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng - Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội lai chuyển gel kháng bệnh bạc lá Xa21 vào giống BT7 bằng phương pháp lai Backcross từ năm 2006 đến năm 2010. Giống được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công nhận sản xuất thử năm 2012 theo quyết định số 195/QĐ-TT-CLT. BT7 KBL là giống lúa cảm ôn, gieo cấy được 02 vụ trong năm, có thời gian sinh trưởng ngắn: vụ Xuân là 130-133 ngày, vụ Mùa là 100-105 ngày. Thích hợp với chân đất cao, vàn, chịu chua phèn khá, chống đổ trung bình, chịu rét khá, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn, kháng cao với bệnh bạc lá. Giống BT7 KBL đang được mở rộng gieo cấy ở các tỉnh phía Bắc như: Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nghệ An diện tích nên tới hàng nghìn ha mỗi năm và đạt năng suất trung bình 55-60 tạ/ha, nếu thâm canh tốt có thể đạt 60-65 tạ/ha.
Giống Nếp cẩm mới ĐH6 được chọn lọc và làm thuần từ giống nếp cẩm Căm pẹ thu thập ở Thanh Hóa từ năm 2009. Sau khi chọn lọc các cá thể biến dị tự nhiên, đi vào chọn dòng ưu tú và làm thuần từ vụ Mùa năm 2010 đến vụ Xuân năm 2012 bắt đầu gửi khảo nghiệm Quốc gia. Thời gian sinh trưởng của giống nếp cẩm ĐH6 thuộc nhóm ngắn ngày: vụ Xuân từ 127-142 ngày, vụ Mùa từ 105-115 ngày; gieo vào vụ Mùa sớm, Xuân chính vụ. Giống phù hợp khi gieo cấy ở chân đất vàn, có kết cấu đất tốt. ĐH6 có chiều cao cây thuộc nhóm bán lùn từ 98-115cm, kiểu cây chịu thâm canh, cây cứng chống đổ tốt. Năng suất của giống cao và ổn định. Chất lượng gạo ngon, hàm lượng amylose thấp 3,79%, gạo mềm, hạt thon, đặc biệt có lớp vỏ cám mầu tím đặc trưng, có nhiều giá trị dinh dưỡng cao. Giống nếp cẩm ĐH6 có phổ thích ứng rộng, có thể gieo cấy được cả 2 vụ/năm ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, giống đã được gieo cấy và cho kết quả tốt ở các tỉnh; Điện Biên, Hà Giang, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa. Giống cũng được gieo cấy trong Sóc Trăng và có khả năng thích nghi được ở cả vụ Đông xuân và Hè thu.
Sau khi được Hội đồng khoa học đánh giá cao về kết quả chọn tạo và khảo nghiệm, Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận chính thức cho hai giống: Hương cốm 4, BT7 KBL (trong đó giống Hương cốm 4 đề nghị được công nhận đặc cách là giống cây trồng nông nghiệp mới) và công nhận sản xuất thử đối với hai giống TH3-7 và Nếp cẩm ĐH6.
Hội thảo khoa học “Các vấn đề trong xây dựng nông thôn mới”
Ngày 21 tháng 11 năm 2013, Khoa Lý luận chính trị và Xã hội đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp trường “Các vấn đề trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của PGS.TS. Nguyễn Tất Cảnh - Phó Hiệu trưởng, TS. Lê Huỳnh Thanh Phương - Trưởng phòng Khoa học công nghệ, TS. Lê Thị Ngân - Trưởng khoa Lý luận chính trị và Xã hội, BCH công đoàn khoa, các giáo viên trong khoa Lý luận chính trị và Xã hội, giáo viên và sinh viên các khoa trong trường.
|
PGS.TS. Nguyễn Tất Cảnh – Phó Hiệu trưởng phát biểu tại Hội thảo |
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tất Cảnh đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo về lý luận, thực tiễn và cho rằng, cần tăng cường những nghiên cứu tiếp theo nhằm đánh giá thực trạng cũng như kết quả của xây dựng nông thôn mới. PGS.TS. Nguyễn Tất Cảnh đã nêu ra 6 vấn đề cơ bản cần tập trung giải quyết trong xây dựng nông thôn mới: Một là, cần quy hoạch tổng thể nông thôn mới, tính đến liên kết nông thôn – đô thị, không thể chỉ quy hoạch trong từng lĩnh vực hoặc ở quy mô cấp xã. Hai là, vai trò của các thể chế ở khu vực nông thôn. Ba là, huy động vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Bốn là, nâng cao năng lực cho người dân nông thôn. Năm là, vai trò của khoa học công nghệ trong xây dựng nông thôn mới. Sáu là, vai trò của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp quốc tế đối với xây dựng nông thôn mới.
Hội thảo được tổ chức với mục đích làm phong phú thêm hiểu biết về các vấn đề trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Đồng thời, Hội thảo là dịp tạo cơ hội cho các giảng viên trong trường trao đổi các quan điểm và kết quả nghiên cứu mới nhất về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam hiện nay.
Hội thảo khoa học “Các vấn đề trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” đã thành công tốt đẹp và chỉ ra nhiều hướng nghiên cứu mới nhằm góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới và ngày càng hoàn thiện hơn.
Ban Tuyên giáo - Nữ công, CĐGD Việt Nam tổng hợp