Từ khi phát động cuộc thi (12/9/2012) cho đến ngày kết thúc (20/10/2013) đã có 71.300 bài dự thi và cũng ngần ấy cung bậc tình cảm, lòng biết ơn của các thế hệ học sinh đối với những cô giáo - người mẹ hiền. các biên tập viên đã chọn 201 tác phẩm để đăng tải trên các ấn phầm của Báo Giáo dục & Thời đại. Ban Sơ khảo đã lựa chọn ra 32 tác phẩm chuyển đến Ban Chung khảo. Ban chung khảo gồm: nhà báo Nguyễn Ngọc Nam - Tổng biên tập Báo Giáo dục & Thời đại, nhà báo Nguyễn Quốc Chính; nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc - Tổng biên tập báo Gia đình & Xã hội; nhà văn Khuất Quang Thụy, nhà phê bình văn học Chu Thị Thơm với tinh thần trách nhiệm cao đã lựa chọn được các tác phẩm xuất sắc nhất đề xuất cho Ban tổ chức trao giải. Ban Tổ chức cũng đã xét trao tặng phẩm cho Nhân vật trong tác phẩm đoạt giải nhất, Tập thể xuất sắc nhất của Cuộc thi.
|
Giao lưu với tác giả và nhân vật trong tác phẩm đoạt giải tại Lễ Tổng kết và Trao giải cuộc thi viết về "Cô giáo của tôi", ngày 12/11/2013
|
(Từ trái qua phải: Thầy giáo Vi Phong Hào - trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn là đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều nhất; Tác giả Thu Lương, Đài Tiếng nói Việt Nam - đạt Giải nhất ; Cô giáo Chu Thị Linh Quang, nguyên là giáo viên trường THPT Sơn Tây, Hà Nội nhân vật trong tác phẩm “Gieo chữ, giữ trọn chữ tình” của tác giả Trần Minh Tuấn (Hà Nội); tác giả Lê Văn Vỵ, TT Giáo dục Thường Xuyên, Hương Sơn, Hà Tĩnh - đạt giải Nhì và MC Thảo Vân.)
|
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa trao giải cho tác giải đoạt giải Nhất cuộc thi viết về "Cô giáo của tôi" |
Mỗi tác phẩm là một món quà ý nghĩa tặng các Nhà giáo nhân ngày 20/11
Ký ức là những tinh chất của cuộc sống được chắt lọc qua thời gian. Qua tài năng của những người cầm bút ký ức thêm sống động, như mạch nguồn “Tôn sư trọng đạo” vẫn mãi chảy từ truyền thống tới hiện tại.
Những người cầm bút viết nên các tác phẩm dự thi trải dài theo đất nước, từ miền núi cao tới hải đảo xa xôi, từ nông thôn tới thành thị. Họ là những người học trò - từ lứa tuổi tiểu học tới bậc trên đại học - viết về cô giáo của mình, họ là những người giáo viên viết về đồng nghiệp của mình, họ là những nhà văn viết về tấm gương nhà giáo sáng ngời, họ là những nhà báo chuyên nghiệp của nhiều loại hình báo chí viết về điển hình tiên tiến trong nhà trường.
Chủ đề đặc biệt gần gũi, ấn tượng tưởng chừng dễ viết nhưng cũng lại là thách thức cho những người cầm bút. Chính bằng tấm gương, đức hy sinh của những cô giáo trong hiện thực đời sống giáo dục trên mọi miềm đất nước đã khơi dậy khả năng của những người cầm bút.
Cô giáo Hà Thị Thu Oanh hy sinh tuổi xuân, hy sinh tình yêu để đến với trẻ em làng phong Hòa Vân (Đà Nẵng); cô giáo Nguyễn Thị Dung giáo viên cấp I Sơn Trung, Hương Sơn, Hà Tĩnh mẫu mực như cây thước cô vẫn cầm đến lớp; cô giáo Chu Thị Linh Quang vẫn giữ mãi trong tim mình hình ảnh người yêu ra trận không trở về, đó cũng là mối tình đầu và duy nhất của cuộc đời cô, một cô giáo mà nhiều thế hệ học sinh nhìn thấy trong sự nghiêm khắc là tình yêu thương bao la; một cô giáo là mẫu hình để cô trò nhỏ nối bước làm cô giáo…Thật nhiều những nguyên mẫu vì đàn em yêu thương dưới mái trường ngày xưa và hôm nay đã thúc giục những người cầm bút chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp viết nên những tác phẩm báo chí đặc sắc, thấm đượm tình cảm tạo nên thành công của cuộc thi.
Ban Tuyên giáo - Nữ công, CĐGDVN