Làm theo lời Bác, phát huy truyền thống Bắc Lý, thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông
(21:59, 10/11/2013)

            Nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ gửi bức thư cuối cùng cho ngành Giáo dục, kỷ niệm 31 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2013 cũng là dịp kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Trường THCS Bắc Lý-quê hương của phong trào "Hai tốt", ngày 08/11/2013 tại Trường THCS Bắc Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thảo “Làm theo lời Bác, phát huy truyền thống Bắc Lý, thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông”.
Học sinh trường THCS Bắc Lý biểu diễn văn nghệ chào mừng
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển tặng sách Nhà XBGD cho Trường THCS Bắc Lý
Toàn cảnh đại biểu tham dự Hội thảo

           

             TS. Nguyễn Vinh Hiển-Thứ trưởng Bộ GD&ĐT chủ trì Hộị thảo; tham dự Hội thảo có PGS.TS. Trần Công Phong-Chủ tịch CĐGD Việt Nam, đại diện lãnh đạo tỉnh Hà Nam, các vụ, cục, viện chức năng thuộc Bộ GD&ĐT, các nhà khoa học và 20 Sở GD&ĐT đại diện cho các vùng miền trên cả nước. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng vào thời điểm Hội nghị Trung ương 8 khóa XI vừa thông qua Nghị quyết về Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

            18 tham luận gửi đến Hội thảo, 13 tham luận báo cáo tại hội trường. Các tham luận tập trung vào 3 nhóm vấn đề:

1. Lời Bác dạy qua những bức thư Người gửi ngành Giáo dục

Khai mạc Hội thảo, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã phát biểu: Từ tháng 9 năm 1945 đến tháng 10 năm 1968, Bác Hồ đã nhiều lần gửi thư cho ngành Giáo dục. Qua những bức thư, Bác đã nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của đất nước. Bác đã dạy: "Dù khó khǎn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tuởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng vǎn hoá và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật".

Về vai trò của giáo dục, Bác khẳng định văn hóa, giáo dục là một mặt trận quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Sự khẳng định của Bác được thể hiện qua lời căn dặn các em học sinh: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" (Thư Bác gửi học sinh, tháng 9/1945).

            Về mục tiêu giáo dục, Bác nhấn mạnh mục tiêu giáo dục là hình thành phẩm chất và năng lực của người học, đào tạo ra những con người vừa có tài vừa có đức để xây dựng đất nước. Bác nói: "… Vậy giáo dục cần nhằm vào mục đích là thật thà phụng sự nhân dân... Các cháu thì học tập cần gắn liền với thực hành để mai sau thực hiện mục đích cao quý: thật thà phụng sự nhân dân" (Thư Bác gửi giáo sư và sinh viên trường Dự bị Đại học ở Thanh Hóa, tháng 4/1952).

            Về nội dung và phương pháp giáo dục, Bác chỉ rõ: "Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các các cháu" (Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, tháng 11/1955 ).

            Về phương châm giáo dục, Người căn dặn: "Giáo dục phải phục vụ đường lối chính trị của Đảng và của Chính phủ, gắn liền với đời sống sản xuất của nhân dân. Học phải đi đôi với hành, lí luận phải liên hệ với thực tế. Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất" (Thư gửi các cán bộ giáo dục, học sinh, sinh viên các trường và các lớp bổ túc văn hóa, Báo Nhân dân, số 2360, ngày 4-9-1960).

            Về mối quan hệ giữa các thành phần tham gia vào quá trình giáo dục, Bác chỉ rõ "Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc" (Thư gửi các em học sinh, Báo Nhân dân số 600, ngày 24-10-1955, Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia); "Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân" (Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng, Báo Nhân dân, số 610, ngày 3-11-1955. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia).

            Từ lời dạy của Bác, có thể thấy rõ tư tưởng của Người đối với giáo dục nước nhà. Từ quan điểm, mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục đều thống nhất một phương châm là giáo dục phải gắn liền với thực tiễn, đào tạo ra những công dân có phẩm chất và năng lực tốt, đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước.

2. Trường THCS Bắc Lý 60 năm xây dựng và phát triển

Tháng 7 năm 1961, trong bài đăng trên báo Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biểu dương "Thành tích vẻ vang" của ngành giáo dục và phát động phong trào thi đua "Hai tốt", tức là "Học thật tốt", "Dạy thật tốt". Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, ngày 18/10/1961, Bộ Giáo dục và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức một hội nghị tổng kết kinh nghiệm giáo dục tại thị xã Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

            Quá trình 60 năm xây dựng và phát triển của Trường THCS Bắc Lý đã tạo nên “kiểu dạy, kiểu học” Bắc Lý, thể hiện rõ phương châm giáo dục “học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”.

Kiểu dạy, kiểu học Bắc Lý đã đề cập cụ thể và sinh động phương hướng, nội dung, phương pháp và tổ chức hoạt động của thầy và trò. Bắc Lý đã tiếp thu một cách có chọn lọc, có phê phán, những cái hay, cái tốt của khoa sư phạm cổ điển (soạn bài chu đáo, chấm bài kĩ, dạy hết chương trình, sử dụng đồ dùng dạy học trực quan…) và những thành tựu của khoa học phát huy trí thông minh của học sinh, hợp lý hóa quá trình dạy học…

3. Phát huy truyền thống Bắc Lý, thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông

Tại Hội thảo, GS.TS Đỗ Thanh Bình, Trường ĐHSP Hà Nội đã phát biểu: Phong trào thi đua “hai tốt” (dạy tốt, học tốt), học đi đôi với hành với điển hình Bắc Lý đã giải quyết tất cả những vấn đề cơ bản nhất của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Giáo dục đạo đức được coi trọng, được cụ thể hóa và sinh động, gần gũi, học sinh THCS có thể hiểu được. Việc giáo dục được gắn liền với thực tiễn xã hội. Từ điển hình Bắc Lý, một phong trào thi đua “dạy tốt, học tốt” sôi nổi, mạnh mẽ, làm nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần vào công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc.

Tiếng trống Bắc Lý trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc vẫn còn nguyên giá trị đối với cuộc cải cách giáo dục phổ thông trong tương lai. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, con người mới thì bài học từ phong trào thi đua “Hai tốt” theo gương Bắc Lý phải được nhìn nhận một cách linh hoạt cho phù hợp. Cải cách giáo dục phổ thông trong tương lai cần tiếp thu những kinh nghiệm từ Bắc Lý, vận dụng trong bối cảnh mới, tạo ra bước chuyển mới trong giáo dục để có những "Bắc Lý" của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hội thảo là diễn đàn chia sẻ, đóng góp ý kiến quý‎ báu cho việc đổi mới của nhà trường phổ thông nói riêng, đổi mới giáo dục phổ thông cũng như đổi mới giáo dục và đào tạo nói chung.

Ban Tuyên giáo – Nữ công, CĐGD Việt Nam

 

  


Các tin khác
Giao lưu gặp mặt cán bộ công đoàn trường Đại học Quy Nhơn với cán bộ tập huấn nghiệp vụ Công đoàn khu vực Miền Trung Tây Nguyên (10/11/2013)
Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội năm 2013 tổ chức giải thể thao chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam (10/11/2013)
Công đoàn Đại học Thái Nguyên thăm hỏi, động viên và tặng quà cho cụm trường xã Bản Khoang - Sa Pa, Lào Cai (05/11/2013)
Tin hoạt động của Công đoàn Giáo dục Hà Nội (05/11/2013)
Hội thao ngành GD&ĐT chào mừng 10 năm thành lập tỉnh và Sở GD&ĐT; kỷ niệm 31 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (04/11/2013)
Công đoàn Trường Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia) Tp. Hồ Chí Minh tổng kết hoạt động nữ công (04/11/2013)
Công đoàn Trường Đại học Lạc Hồng tổ chức lớp học quy chế cho tất cả cán bộ, giảng viên, nhân viên toàn trường (31/10/2013)
Công đoàn trường Đại học Cần Thơ tổ chức tọa đàm trao đổi kinh nghiệm về công tác định hướng và sinh hoạt đầu khóa cho tân sinh viên (31/10/2013)
Thành phố Hà Nội khai mạc Hội thi giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp THPT (29/10/2013)
Công đoàn trường Đại học Cần Thơ tổ chức kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Hội LH Phụ nữ Việt Nam 20/10, tổng kết cuộc thi viết về "gương người tốt việc tốt trong nữ cán bộ và sinh viên" (24/10/2013)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18611159
Online: 429
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn