Từ nhiều năm nay, các nhà trường, đơn vị giáo dục đã rất quen thuộc với khẩu hiệu “Thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”. Còn nhớ, lúc bấy giờ, câu khẩu hiệu này thường được treo trang trọng trong các hội trường của các trường học và cơ sở giáo dục, như một sự nhắc nhở, động viên, tôn vinh đội ngũ thầy, cô giáo trong sự nghiệp “trồng người”. Từ năm học 2007- 2008, đội ngũ nhà giáo Bà Rịa- Vũng Tàu càng phấn khởi, tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động. Cuộc vận động (CVĐ) được xây dựng trên cơ sở các văn bản thể hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặc trưng hoạt động nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo.
Nhắc đến cuộc vận động, điều cốt lõi nhất là làm thế nào để mỗi thầy, cô giáo của mình ý thức được tầm quan trọng và yêu cầu sống còn của việc tham gia thường xuyên và tích cực CVĐ. Hiện nay, thầy cô giáo luôn được xã hội tôn vinh, được sự quan tâm của các ngành, các cấp, được cha mẹ học sinh và các em học sinh thương yêu, kính trọng. Vì vậy thầy, cô giáo phải thật sự là tấm gương cho học sinh noi theo. Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động (CVĐ), ngành GD&ĐT tỉnh BR- VT đã có những chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện. Tất cả các trường học và đơn vị giáo dục đã thành lập ban chỉ đạo cuộc vận động, bao gồm đại diện lãnh đạo chính quyền, đại diện cấp ủy, công đoàn và các thành phần khác. Công tác tuyên truyền cho cuộc vận động được triển khai mạnh mẽ, thường xuyên. Tiêu biểu là năm học 2007- 2008, CĐN đã tổ chức Hội thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ chí Minh” thu hút 34 đội tuyển với gần 200 thí sinh tham gia. Năm học 2008- 2009, phối hợp Hội Cựu Giáo chức, Hội Khuyến học, Hội Khoa học Tâm Lý Giáo dục tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề “Nhà giáo Bà Rịa- Vũng Tàu với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với sự tham dự của gần 300 đại biểu và 36 tham luận. Năm học 2009- 2010, đã tổ chức cuộc thi viết về chủ đề “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” với sự tham gia của 121 tác phẩm của 119 tác giả. Những tác phẩm đạt giải được đăng tải trên các bản tin của ngành để tuyên truyền rộng rãi trong CBGVNV- HS toàn Ngành. Hội thi đã góp phần tôn vinh những tấm gương nhà giáo BR- VT tiêu biểu qua các thời kỳ. Ngoài ra, hằng năm, CĐN còn lồng ghép việc thực hiện CVĐ với nhiều hoạt động từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh như: Hội thi “Cô giáo tài năng- duyên dáng”, “Nhà giáo khéo tay”, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tuyên truyền về “Phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước trong ngành giáo dục”, thi GV dạy giỏi...; đã vận dụng cụ thể các tiêu chí lớn về các nội dung đạo đức, tự học, sáng tạo trong đánh giá, ghi nhận và xếp loại theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT (Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT, ngày 16/4/2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo), CĐGD Việt Nam (Hướng dẫn 54/HD-CĐN, ngày 21/01/2010, của Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam). Cuối mỗi năm học, kết quả đánh giá này được tích hợp vào ghi nhận kết quả thi đua của mỗi thầy, cô giáo. Đồng thời, nhân dịp sơ kết 2 năm, 5 năm cuộc vận động, CĐN đều tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết, khen thưởng những tập thể và cá nhân tiêu biểu, rút ra những bài học, những định hướng cho việc thực hiện CVĐ giai đoạn tiếp theo. Ngành GD&ĐT thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tham gia học tập đạt chuẩn, nâng chuẩn; động viên, khuyến khích các hình thức tự học, tự rèn luyện, sáng tạo trong CBGVNV của Ngành.
|
Lãnh đạo CĐGD Bà Rịa - Vũng Tàu trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc |
Qua các hoạt động trên, đã cho thấy sức lan tỏa mạnh mẽ và hiệu quả rõ rệt của một CVĐ. CVĐ đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đội ngũ cán bộ, giáo viên tự nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có ý thức tổ chức kỷ luật, có trách nhiệm trong công tác, tích cực đấu tranh với các tiêu cực học đường; nêu cao tinh thần đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp, yêu nghề, thương yêu học sinh. Có thể khẳng định, CVĐ có tác động to lớn, giúp cho sự nghiệp GD&ĐT những năm qua có bước chuyển biến căn bản về chất và lượng, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo” vẫn còn những hạn chế và bất cập. Một vài đơn vị triển khai cuộc vận động vẫn còn mang tính hình thức, chưa làm cho cuộc vận động thực sự thấm sâu vào trong mỗi nhà giáo, chưa thể hiện rõ sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi nhà giáo. Cá biệt, đó đây vẫn còn những biểu hiện vi phạm trong ứng xử, trong rèn luyện, học tập; thiếu sáng tạo, thiếu tìm tòi trong đầu tư chuyên môn; thậm chí còn vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân có thể thấy là, công tác tuyên truyền chưa mạnh, chưa bổ ích và chưa thật thường xuyên; chưa có chương trình hành động cụ thể. Sự phối hợp giữa công đoàn với lãnh đạo đơn vị trong công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện cuộc vận động hiệu quả chưa cao. Việc tôn vinh, ghi nhận, nhân rộng điển hình còn hạn chế. Việc xử lý sai phạm còn chưa thật kiên quyết.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, công đoàn giáo dục BR- VT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở trường học tổ chức thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hình thức họp mặt, hội thảo, hội nghị chuyên đề… về những phẩm chất đạo đức nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học, nhận thức đúng vai trò, vị trí của cuộc vận động. Trên cơ sở thực tế của mỗi đơn vị, chú trọng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn của nhà trường và đơn vị; tổ chức cuộc vận động gắn liền với đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua “Dạy tốt- Học tốt” và lồng ghép với các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác để cùng hỗ trợ, bổ sung, tạo kết quả đồng bộ làm chuyển biến thực sự mỗi nhà trường, đơn vị giáo dục và mỗi cá nhân thầy, cô giáo; tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện CVĐ; tổ chức sơ kết, tổng kết theo từng giai đoạn một cách hiệu quả, thiết thực; chú trọng công tác thi đua khen thưởng, nhân rộng các tấm gương tiêu biểu, các điển hình tiên tiến của CVĐ.
Tóm lại, giáo dục và đào tạo là quá trình tác động có mục đích của nhà giáo hoặc tập thể nhà giáo đến người học, nhằm làm cho họ lĩnh hội và nắm vững những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, phát triển thể lực một cách có hệ thống, hình thành nhân cách con người mới cho người học, chuẩn bị cho họ thích nghi với cuộc sống và có khả năng nhận một sự phân công lao động nhất định, góp phần vào việc phát triển xã hội, duy trì nền văn minh của loài người. Thầy, cô giáo chính là những người trực tiếp tác động đến đối tượng này. Phương pháp nêu gương vẫn được coi là hiệu quả và có sức tác động mạnh mẽ. Chính vì vậy, CVĐ “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” vẫn mãi quan trọng, cần thiết và xứng đáng được sự quan tâm hưởng ứng của toàn Ngành, toàn xã hội./.
Nguyễn Minh Thu Thủy - Phó Chủ tịch CĐGD tỉnh BR- VT