Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS Ngụy Như Kon Tum (3/051913 – 3/05/2013).
(14:06, 06/05/2013)

Sáng ngày 3/5/2013, Đại học Quốc gia Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS. Ngụy Như Kon Tum (3/5/1913 – 3/5/2013).

Tới dự có Đ/c Lê Bá Trình – Phó Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam; PGS. TS Trần Công Phong - Ủy viên Ban cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chủ tịch CĐGD Việt Nam; Đại diện lãnh đạo tỉnh Kon Tum; GS. TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc ĐHQGHN; Các đồng chí trong đảng ủy, Ban Giám đốc, đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên Đại học Quốc gia Hà Nội; Hội Vật lí Việt Nam; các đồng chí Nguyên là Giám đốc, Phó Giám đốc ĐHQGHN; các đồng chí lãnh đạo đại diện cho các Bộ, Ban, Ngành cơ quan đoàn thể TƯ và Hà Nội, các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN cùng người thân gia đình cố Giáo sư.
Toàn cảnh buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS. NGND Ngụy Như Kon Tum

Trong diễn văn khai mạc, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội đã tóm tắt cuộc đời và sự nghiệp GS. Ngụy Như Kon Tum - một trí thức lớn Việt Nam yêu nước, một nhà khoa học đích thực và một nhà lãnh đạo tài ba, đức độ, nhà quản lý giáo dục xuất sắc, vị hiệu trưởng đầu tiên có công lao to lớn xây dựng trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Ngoài ra, GS.NGND Ngụy Như Kon Tum còn là một nhà Vật lý tài ba, có kiến thức chuyên môn uyên bác. Ông chính là Trưởng đoàn khoa học Việt Nam đầu tiên dự Hội nghị Vật lý địa cầu quốc tế ở Moskva năm 1957, là tác giả nhiều công trình nghiên cứu Vật lý hiện đại và một số sách giáo khoa Vật lý ở bậc trung và đại học.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm PGS.TS Trần Công Phong – Chủ tịch CĐGD Việt Nam đã bày tỏ sự tri ân với gia đình giáo sư đồng thời hoan nghênh ĐHQGHN đã tổ chức buổi lễ rất long trọng, ấm cúng và đầy ý nghĩa. Đồng chí nêu bật sự cống hiến của GS. Ngụy Như Kon Tum bên cạnh vai trò là một nhà khoa học, một nhà quản lý giáo dục có công lớn với sự nghiệp giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của Việt Nam. Ông còn là nhà hoạt động xã hội có uy tín, có tầm ảnh hưởng rộng với nhiều đóng góp ở những trọng trách quan trọng như: đại biểu Quốc hội khóa II, III và IV, Uỷ viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Chánh thư ký Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn Giáo dục Thế giới, Ủy viên Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Pháp… Trong đó đặc biệt phải kể đến hoạt động công đoàn, xây dựng và phát triển Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Đồng chí nhấn mạnh tên tuổi của giáo sư gắn liền với tên tuổi của Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Những thành tưu, những bài học lớn, những kinh nghiệm quý báu mà thế hệ của GS Ngụy Như Kon Tum viết lại là tài sản vô giá đối với tầng lớp cán bộ công đoàn.


                   PGS.TS Trần Công Phong – Chủ tịch CĐGD Việt Nam phát biểu tại Lễ kỷ niệm 


                Các đồng chí tham dự buổi Lễ kỷ niệm chụp ảnh cùng người thân gia đình cố Giáo sư

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS. Nguỵ Như Kon Tum là một sự kiện tri ân đến một thế hệ các nhà khoa học tiền bối, một thế hệ đã khai sáng, vun đắp và xây dựng nên truyền thống của Giáo dục Việt Nam. Với những đóng góp to lớn trong nghiên cứu khoa học, quản lý giáo dục và hoạt động xã hội, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Huân chương Đại đoàn kết dân tộc cho GS.NGND Ngụy Như Kon Tum.

Bài phát biểu của Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS.NGND Ngụy Như Kontum

(Ngày 3/5/2013 tại 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội)


          Kính thưa các quý vị đại biểu, các vị khách, các nhà khoa học, quí thầy cô giáo, các bạn đồng nghiệp cùng các anh chị học viên, sinh sinh viên ĐHQG HN thân mến!

          Tôi rất xúc động, vinh dự khi được ĐHQG HN mời đại diện cho Công đoàn Giáo dục Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh GS. NGND Ngụy Như Kontum. Lời đầu tiên, cho phép tôi được bày tỏ niềm tri ân đối với đại diện gia đình Giáo sư, đồng thời hoan nghênh ĐHQGHN tổ chức buổi lễ rất trọng thể nhưng ấm cúng và ý nghĩa tại chính địa danh lịch sử 19 Lê Thánh Tông này!

Kính thưa các quý vị  đại biểu!

Thưa đại diện gia đình của Giáo sư cùng các nhà giáo, nhà khoa học và sinh viên của ĐHQGHN!

GS. Ngụy Như Kontum, bên cạnh vai trò một nhà khoa học, một nhà quản lý giáo dục có công lớn với sự nghiệp giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học của Việt Nam, cũng như của Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội trước đây (nay là ĐHQGHN), Ông còn là một nhà hoạt động xã hội có uy tín, có tầm ảnh hưởng rộng, với nhiều đóng góp ở nhiều vị trí công tác quan trọng, trong đó đặc biệt phải kể đến hoạt động Công đoàn, xây dựng và phát triển Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Nhắc lại những đóng góp của Giáo sư cũng chính là dịp để những thế hệ các cán bộ như chúng tôi nhìn lại những chặng đường vẻ vang mà Công đoàn ngành Giáo dục đã trải qua, để thêm tự hào cũng như thêm động lực phấn đấu. Tên tuổi của GS. Ngụy Như Kontum gắn liền với lịch sử phát triển của Công đoàn Giáo dục Việt Nam ngay từ kỳ Đại hội Đại biểu lần thứ I diễn ra từ ngày 25 - 31/7/1957 tại Thủ đô Hà Nội, trong những năm cả nước đang sục sôi với phong trào miền Bắc xây dựng XHCN để làm hậu phương lớn chi viện cho tiền tuyến miền Nam chống Mỹ. Tại Đại hội đó, Ban Chấp hành CĐGD Việt Nam khoá I đã được bầu ra, gồm 25 đồng chí do GS. Đặng Minh Trứ làm Chánh Thư ký, GS. Ngụy Như Kontum cùng các đồng chí Trần Hậu Toàn, Trần Nhật Dụ giữ trọng trách Phó Thư ký. Bằng năng lực, tâm huyết và trí tuệ của mình, GS. Ngụy Như Kontum đã sát cánh cùng các đồng chí trong BCH chỉ đạo thực hiện thành công nhiệm vụ chung của cả hệ thống CĐGD Việt Nam giai đoạn 1957 - 1961 mà Đại hội đã xác định, đó là: "Tăng cường giáo dục nâng cao giác ngộ XHCN, đoàn kết rộng rãi lao động toàn ngành; chăm lo bồi dưỡng đoàn viên; động viên tinh thần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển ngành Giáo dục; góp phần củng cố miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà".

Tại Đại hội lần thứ II CĐGD Việt Nam được tổ chức từ ngày 25 - 27/7/1961 ở Hải Phòng, GS. Ngụy Như Kontum tiếp tục tham gia trong BCH gồm 36 đồng chí và vẫn được giao trọng trách là Phó Thư ký. Mặc dù bận rộn rất nhiều công việc ở vai trò là Hiệu trưởng của một trường đại học hàng đầu của đất nước cũng như nhiều vị trí công tác khác nhưng Ông không nề hà bất cứ nhiệm vụ gì mà Công đoàn Ngành giao phó. Chính sự đoàn kết, nhất trí của BCH, sự ủng hộ, hưởng ứng nhiệt tình các phong trào vận động của tổ chức công đoàn nên nhiệm vụ của giai đoạn này là: "Đoàn kết lao động toàn ngành, ra sức bồi dưỡng quan điểm tư tưởng mới, bồi dưỡng nghiệp vụ văn hoá, kỹ thuật, cải thiện đời sống vật chất cho công đoàn viên, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh nhằm phát triển phong trào quần chúng thi đua giảng dạy tốt, công tác tốt, thực hiện giáo dục phục vụ công - nông, giáo dục phục vụ sản xuất, xây dựng một nền giáo dục thật sự XHCN" đã được triển khai thắng lợi, đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi chung của sự nghiệp Cách mạng dân tộc được Đảng, Nhà nước và Chính phủ đánh giá cao.

Tháng 6/1970, Đại hội CĐGD Việt Nam lần thứ V với khẩu hiệu thiêng liêng là "Đại hội thực hiện Di chúc của Bác Hồ" đã diễn ra tại Hà Nội, GS. Ngụy Như Kontum sau 2 kỳ đại hội (lần thứ III và IV) không tham gia Ban Chấp hành đã được Đại hội tín nhiệm bầu trở lại làm Chánh Thư ký. Nhiệm kỳ 5 năm (1970 - 1975) giữ trọng trách Chánh Thư ký CĐGD Việt Nam của GS. Ngụy Như Kontum là một giai đoạn mà lịch sử dân tộc đã trải qua nhiều sự kiện trọng đại và vượt lên tất cả những khó khăn, thiếu thốn trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, Công đoàn Giaó dục mà Ông là người “đứng mũi chịu sào” đã hiện thực hóa được mục tiêu đặt ra từ đầu nhiệm kỳ đó là: "Tập trung giáo dục, động viên toàn thể cán bộ, giáo viên nâng cao quyết tâm đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước thế hệ trẻ, phát huy khí thế cách mạng tiến công, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục lên một bước".

Sau ngày đất nước giải phóng, non sông thu về một mối, cùng với sự sang trang của lịch sử dân tộc, Công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam cũng chuyển mình, lãnh thêm những nhiệm vụ, vai trò mới, đặc biệt là sau khi Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam kết thúc nhiệm vụ lịch sử của mình, hoà nhập vào tổ chức CĐGD Việt Nam và sự thành lập của Công đoàn Đại học - Trung học chuyên nghiệp Việt Nam (Quyết định số 71/QĐ-TCĐ ngày 30/01/1975 của Tổng Công đoàn Việt Nam) trước khi hợp nhất với CĐGD Việt Nam thành Công đoàn Giáo dục - Đào tạo Việt Nam (Quyết định 772/QĐ-TLĐ ngày 15/10/1990 của Ban Thư ký TLĐLĐVN). Ngay từ những ngày đầu thành lập Công đoàn Đại học - Trung học chuyên nghiệp Việt Nam, GS. Ngụy Như Kontum khi ấy là Hiệu trưởng Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội đã là người đứng đầu với trọng trách Thư ký BCH lâm thời... Có thể nói, bằng trí tuệ, kinh nghiệm lãnh đạo và uy tín của mình, trong suốt mấy mươi năm tham gia hoạt động của mình, GS. Ngụy Như Kontum đã có những đóng góp to lớn cho bảng vàng thành tích của tổ chức Công đoàn nói chung, Công đoàn ngành Giáo dục đào tạo nói riêng.

Kính thưa các quý đại biểu!

            Đối với đội ngũ cán bộ làm công tác Công đoàn Giáo dục như chúng tôi hôm nay, những thành tựu, những bài học lớn, kinh nghiệm quý báu mà các thế hệ, các bậc lãnh đạo trước đây như GS. Ngụy Như Kontum truyền lại là tài sản vô giá. Dù không được trực tiếp làm việc cùng Giáo sư để được trao đổi, học hỏi nhưng tự trong thâm tâm của mình, chúng tôi luôn coi Ông như người Thầy đáng kính trên mọi phương diện. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS. Ngụy Như Kontum, được đứng tại Hội trường mang tên Ông trong buổi lễ này để ôn lại những dấu ấn đóng góp khó phai của Ông đối với Công đoàn GD Việt Nam là một niềm vinh dự, một kỷ niệm rất ý nghĩa với chúng tôi.

            Một lần nữa cho phép tôi được thay mặt những cán bộ làm công tác công đoàn của ngành Giáo dục xin được gửi lời tri ân sâu sắc tới cố GS. NGND Ngụy Như Kontum.

            Xin gửi lời chúc sức khỏe tới các vị đại biểu, tới gia đình Giáo sư và toàn thể các đồng chí, các anh chị học viên, sinh viên của ĐHQGHN.

            Xin trân trọng cảm ơn.

                                            Ban Tuyên giáo - Nữ công, CĐGD Việt Nam

  


Các tin khác
Hành trình về mảnh đất một thời khói lửa (02/05/2013)
Ngành GD&ĐT Hà Nội Tổng kết Hội thi Giáo viên dạy giỏi Thành phố Môn Toán, Sinh Học, Tiếng Anh cấp THCS năm học 2012- 2013 (02/05/2013)
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC DỤC VIỆT NAM TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TẬP HUẤN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG 2012, LUẬT CÔNG ĐOÀN 2012 VÀ LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CHO CÁC ĐƠN VỊ GIÁO DỤC PHÍA NAM (27/04/2013)
Ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình tổ chức hội nghị sơ kết phong trào “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” giai đoạn 2010 - 2013 (26/04/2013)
Hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn Đại học Quốc gia Hà Nội lần thứ 5 (nhiệm kỳ 2012 -2017) (25/04/2013)
Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trao hỗ trợ tới ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái (25/04/2013)
CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC DỤC VIỆT NAM TẬP HUẤN BỘ LUẬT LAO ĐỘNG NĂM 2012, LUẬT CÔNG ĐOÀN NĂM 2012 VÀ LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC (22/04/2013)
Công đoàn Hà Nội tổ chức lớp tập huấn Bộ luật Lao động, luật Công đoàn sửa đổi năm 2012 và Công tác tài chính Công đoàn cơ sở (22/04/2013)
Công đoàn Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2013 (22/04/2013)
Tin hoạt động của Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội (15/04/2013)



  Videos  
 
Trang chủ    |    Giới thiệu    |    Tin tức    |    Chuyên đề    |    Tư vấn pháp luật    |    Văn bản    |    Email
Lượt truy cập: 18627559
Online: 12875
 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN: CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM
Bản quyền thuộc về: Công đoàn Giáo dục Việt Nam

Địa chỉ: Số 2 Trịnh Hoài Đức - Đống Đa - Hà Nội
Điện thoại: 04-3845 3118     *    Fax: 04-3843 3693
Email:   cdgdvietnam@moet.edu.vn