Trong 04 ngày (từ 18 đến 21/4/2013), với tinh thần uống nước nhớ nguồn, tri ân các anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, Công đoàn TrườngĐại học khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức đoàn đại biểu đi thăm lại các địa danh lịch sử ở hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Trị.
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong
Ngày 18/4/2013, đoàn cán bộ Nhà trường gồm 40 thầy cô giáo từ Hà Nội bắt đầu chuêns hành trình về miền Trung thân yêu. Địa chỉ đầu tiên mà đoàn tới thăm là Địa đạo Vịnh Mốc - một công trình quân, dân sự ở phía Bắc sông Bến Hải (thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) nhằm chống lại những cuộc tấn công của quân đội Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong suốt những năm chiến tranh 1965 -1972. Hệ thống địa đạo nằm dưới một quả đồi đất đỏ có độ cao khoảng 30m và rộng 7 ha. Với tổng chiều dài trục chính hơn 2.000m, hai bên đường hầm được khoét tạo thành chỗ ở cho từng hộ gia đình. Lúc đông nhất có khoảng 1.200 người sinh sống. Trong gần 2.000 ngày đêm tồn tại, người dân Vịnh Mốc đã làm nên kì tích sống và chiến đấu vì độc lập, tự do của dân tộc. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng Vịnh Mốc vẫn còn đó như một tượng đài bất tử, truyền lại niềm tin, ý chí của dân tộc Việt Nam cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Từ Địa đạo Vịnh Mốc, đoàn trở về Cửa Tùng - nơi tiếp biển của con sông Hiền Lương huyền thoại (còn gọi là sông Bến Hải). Trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước, Cửa Tùng là một trong những trọng điểm đánh phá cực kì ác liệt của địch bởi đây vừa là vùng giới tuyến, vừa là cầu tiếp vận cho bộ đội ở Cồn Cỏ tiền tiêu.
Ngày 20/3, đoàn đến thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ Vĩnh Linh trước khi vào thăm Thành Cổ Quảng Trị. Nghĩa trang Vĩnh Linh là một trong những nghĩa trang lớn của tỉnh Quảng Trị, toạ lạc tại thị trấn Hồ Xá, cạnh đường quốc lộ 1A, nơi yên nghỉ của 5.611 liệt sĩ thuộc 41 tỉnh thành trong cả nước.
Tại Thành Cổ Quảng Trị, đoàn đã làm lễ mặc niệm để tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong những ngày tháng chiến tranh ác liệt nhất. Đoàn hết sức xúc động khi người hướng dẫn viên Thành cổ đọc một đoạn thơ trong bài thơ “Tấc đất thành cổ” của thầy Phạm Đình Lân - Giám đốc Trung tâm Nghiệp vụ và Báo chí Truyền thông, Trường ĐHKHXH&NV
Tạm biệt Thành Cổ, tạm biệt dòng sông Thạch Hãn, đoàn tới Nghĩa trang Đường 9 đúng thời điểm nắng gắt nhất trong ngày. Nghĩa trang Đường 9 nằm trên một vùng đồi hướng ra quốc lộ số 9, là nơi yên nghỉ của hơn mười ngàn liệt sỹ. Từ Nghĩa trang Đường 9, đoàn đi theo đường Hồ Chí Minh hướng về Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, nơi đây là nơi quy tập mộ phần của 10.200 liệt sỹ.
Tạm biệt Quảng Trị yêu thương, đoàn tiếp tục hành trình trở ra Bắc. Sáng 21/4, đoàn tới thăm di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc – ngã ba huyền thoại, nơi 10 cô gái thanh niên xung phong đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam. Tất cả các cô hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, chưa ai trong số họ lập gia đình. Thắp hương trên 10 ngôi mộ và đặt lên những bông cúc trắng, lòng chúng tôi se lại. Những giọt nước mắt chậm lăn. Rời khỏi Đồng Lộc, ai cũng xúc động và thầm hứa với các chị sẽ sống và làm việc thế nào cho xứng đáng với sự hi sinh cao cả của các chị.
Trở về Hà Nội sau hành trình 4 ngày, tuy thấm mệt, nhưng tất cả mọi người đều rất vui vì ai cũng có những kỉ niệm chung, riêng cho mình sau một chuyến đi thực sự ý nghĩa. Những trải nghiệm và cảm xúc đã qua sẽ mãi nhắc nhở chúng ta phải sống trách nhiệm và có ý nghĩa hơn với cuộc đời này.
Văn phòng Công đoàn Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQGHN