Từ tháng 4/2010 đến tháng 9/2010, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức ký Quy chế phối hợp chỉ đạo giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam với 63/63 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố tại 6 khu vực. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã chủ động phối hợp với LĐLĐ các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm (2010-2012) thực hiện Quy chế phối hợp chỉ đạo để làm cơ sở cho việc tổng kết nhiệm kỳ 2008-2013.
Thành phần, số lượng tham gia Hội nghị, mỗi LĐLĐ tỉnh/TP 4 đại biểu, gồm các đồng chí là Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Liên đoàn Lao động tỉnh/TP, Trưởng Ban Tổ chức (Ban Công tác cơ sở), Chánh Văn phòng, Chủ tịch (Phó Chủ tịch) Công đoàn Giáo dục tỉnh/TP; đại diện Lãnh đạo và một số Ban nghiệp vụ của Công đoàn Giáo dục Việt Nam.
Đến ngày 12/11/2012, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tổ chức xong ở 5 khu vực (khu vực miền đông Nam bộ và TP.Hồ Chí Minh; khu vực các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên; khu vực Bắc Trung bộ; khu vực miền núi phía Bắc; khu vực Đồng bằng Sông Hồng) với tổng số 43/50 Liên đoàn Lao động tỉnh/TP tham gia (vắng tỉnh Lâm Đồng, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lai Châu, Bắc Ninh, Hải Dương). Các đại biểu về dự hội nghị đều đánh giá cao sự chủ động phối hợp của Công đoàn Giáo dục Việt Nam trong việc tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế. Đồng thời, khẳng định Quy chế phối hợp chỉ đạo giữa CĐGD Việt Nam với LĐLĐ các tỉnh/TP là một văn bản mang tính pháp lý quan trọng để hai bên phối hợp chỉ đạo đảm bảo tính thống nhất của Tổ chức Công đoàn giữa ngành và địa phương; hạn chế sự chồng chéo hoặc bỏ sót công việc chỉ đạo, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành, sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương;
Những kết quả hai bên đã đạt được trong công tác tuyên truyền, vận động đội ngũ CBQL, nhà giáo và lao động; trong việc nắm bắt kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Bộ GD&ĐT, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; trong công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích của nhà giáo và lao động; trong tham gia với chính quyền địa phương, với chuyên môn để có nhiều chế độ, chính sách quan tâm, nâng cao đời sống nhà giáo, đây là một nhiệm vụ trọng tâm được hai bên thường xuyên quan tâm, chỉ đạo và đã đem lại những kết quả rất thiết thực. Đối với các phong trào thi đua, các cuộc vận động do CĐGD Việt Nam và Bộ GD&ĐT phát động như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Giỏi việc trường-Đảm việc nhà”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; “ Dân chủ- Kỷ cương-Tình thương-Trách nhiệm” đã được LĐLĐ các tỉnh/TP luôn quan tâm, phối hợp chỉ đạo nên đã có sức lan tỏa sâu rộng ở các địa phương và trong ngành Giáo dục; công tác tuyên truyền, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS các trường ngoài công lập được tăng cường; công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ công đoàn giáo dục các cấp được hai bên thường xuyên quan tâm chỉ đạo; trong công tác kiểm tra thực hiện Nghị quyết Đại hội CĐGD Việt Nam, triển khai thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua do ngành phát động, trong giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách có liên quan đến nhà giáo và lao động trong ngành hai bên đều có sự tham gia phối hợp.
Hội nghị đã thống nhất đề ra một số nhiệm vụ hai bên cần tập trung chỉ đạo thực hiện từ nay đến hết năm 2013, đó là: xây dựng kế hoạch phối hợp thật cụ thể, lựa chọn một số nội dung hoạt động phù hợp trong từng năm; thường xuyên quan tâm, phối hợp chăm lo, bảo vệ đội ngũ cán bộ, nhà giáo, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo ở khu vực vùng sâu, vùng xa; phối hợp chỉ đạo công đoàn giáo dục các cấp trên địa bàn tích cực tham gia với chuyên môn chấn chỉnh một số hiện tượng tiêu cực (dạy thêm không đúng quy định, thiếu trung thực trong thi cử, tuyển dụng, luân chuyển cán bộ) gây bức xúc trong xã hội; đẩy mạnh công tác phối hợp chỉ đạo công đoàn các trường đại học, cao đẳng và đơn vị trực thuộc CĐGD Việt Nam đóng trên địa bàn; chú trọng công tác xây dựng CĐCS vững mạnh; phối hợp chỉ đạo dứt điểm đối với những CĐGD tỉnh/TP hiện chưa thực hiện ký Quy chế phối hợp với LĐLĐ quận, huyện; tập trung bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐGD quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh/TP; nâng cao chất lượng công tác thông tin 2 chiều; sau Đại hội XI Công đoàn Việt Nam, hai bên sẽ sửa đổi, ký bổ sung một số nội dung trong Quy chế cho phù hợp với tình hình mới; thường xuyên xây dựng mối quan hệ phối hợp giữa CĐGD Việt Nam với LĐLĐ các tỉnh/TP bền chặt, gắn bó.
Kết thúc Hội nghị tại 5 khu vực, hầu hết đại biểu của LĐLĐ các tỉnh/TP đều nhất trí kiến nghị với Đoàn Chủ tịch TLĐ hai vấn đề: Cần tổ chức tổng kết, đánh giá hiệu quả của công tác phối hợp chỉ đạo giữa Công đoàn ngành Trung ương với các LĐLĐ tỉnh, thành phố; đề nghị giữ nguyên mô hình CĐGD cấp huyện như Điều lệ hiện hành để đảm bảo sự ổn định và phát triển của các cấp công đoàn trong ngành Giáo dục.
Ngày 21 tháng 11 năm 2012, tại tỉnh Vĩnh Long, Công đoàn Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quy chế phối hợp chỉ đạo giữa CĐGD Việt Nam với 13 tỉnh/TP còn lại thuộc khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Sau khi kết thúc hội nghị tại 6 khu vực, CĐGD Việt Nam sẽ hoàn chỉnh báo cáo sơ kết để báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Một số hình ảnh về Hội nghị sơ kết “Quy chế phối hợp“
Các đại biểu về tham dự Hội nghị sơ kết tại Hà Giang
Các đại biểu về tham dự Hội nghị sơ kết tại Quy Nhơn
Các đại biểu về tham dự Hội nghị sơ kết tại Nam Định
Các đại biểu về tham dự Hội nghị sơ kết tại Vũng Tàu